(Phunutoday) - Là một trong những người đầu bếp khá nổi tiếng của nền ẩm thực Việt, cái tên Nguyễn Thị Thanh Vân càng được nhiều người biết đến hơn khi chị được trao tặng Giấy chứng nhận thành viên của Viện Hàn Lâm Pháp, trở thành bếp phó của khách sạn Metropole. Công việc của một đầu bếp ở khách sạn lớn lấy đi của chị phần lớn thời gian. Đôi lúc chị tự trách mình đã không thể thường xuyên chăm sóc gia đình. Nhưng nghề đầu bếp như một cái duyên, chị luôn hài lòng vì đã gắn bó với nó.
[links()]
Chuyện nấu ăn cho các nguyên thủ quốc gia
Đầu bếp Nguyễn Thị Thanh Vân |
Ở người con gái Tràng An này có một sức “hút” kỳ lạ với người đối diện. Có lẽ là bởi cái duyên ăn nói của chị. Nhẹ nhàng, thanh lịch như những cô gái Hà Nội xưa nhưng lại đầy mạnh mẽ và nhiệt huyết khi nói về công việc.
Đối với chị Vân, đầu bếp không đơn thuần là một nghề để sống mà còn là một “trọng trách”. “Mỗi người đầu bếp là một sứ giả để quảng bá nét tinh hoa của ẩm thực Việt ra ngoài thế giới” - chị luôn quan niệm như thế.
Từ năm 1994, chị Vân đã được đào tạo nghiệp vụ nấu nướng, học tập kinh nghiệm những món ăn ngon của các nước, từ Á đến Âu. Mỗi dịp đó, chị đều tranh thủ giới thiệu những món ăn ngon của dân tộc với bạn bè. Ấy là những thứ rất đỗi quen thuộc trong mâm cơm Việt như phở, bún chả, nem rán, nem cuộn…
Với những người Việt xa quê, món ăn truyền thống như một liều thuốc gợi nhớ hình ảnh quê nhà, khơi lại những kỷ niệm thân quen ở từng ngõ nhỏ, góc phố… Còn đối với những người bạn ngoại quốc, món ăn Việt qua đôi bàn tay của chị Vân thể hiện rõ được hương vị thanh tao khi nêm nếm, sự kết hợp tinh tế của các loại hương liệu…
Khó có thể diễn tả được ánh mắt rạng rỡ và tinh thần “phấn chấn” của chị Vân khi nói về “nét đẹp” của những món ăn Việt truyền thống. Chị bảo, mỗi khi ra nước ngoài hay đọc từ điển, thấy những món ăn Việt được nêu tên, giữ nguyên cách viết, cách đọc như “Pho”, “Nem”, “Banh mi”, “Bun cha”… trong lòng lại chộn rộn tình yêu, niềm tự hào.
Chị say sưa đọc cho chúng tôi định nghĩa của hàng loạt món ăn Việt trong từng cuốn từ điển quốc tế như thể từng câu, từng chữ đã in sâu trong “bộ nhớ” của mình. Năm 2007, thông tin đầu bếp Nguyễn Thị Thanh Vân được Viện Hàn Lâm Pháp trao Giấy chứng nhận thành viên khiến không ít người phải ngỡ ngàng.
Viện Hàn Lân Pháp thành lập từ năm 1883, tính đến những năm 2000, chỉ có những đầu bếp giỏi ở trên 20 quốc gia được nhận vinh dự này. Người phụ nữ Việt Nam với vóc dáng nhỏ bé ấy đã nối dài danh sách bằng cái tên gắn với quốc gia mình. Với chị Vân, đây là một món quà tinh thần ý nghĩa, đánh dấu những tâm huyết trên con đường không ít chông gai mà chị đã lựa chọn.
“Nhiều người tưởng, nấu ăn là công việc nhẹ nhàng. Nhưng là người trong cuộc, mình mới hiểu, có những giây phút căng thẳng đến… nghẹt thở”, chị Vân chia sẻ. Nữ đầu bếp nhớ lại, tự tay mình có cơ hội lên thực đơn và trực tiếp hoàn thiện các bữa tiệc thiết đãi không ít nguyên thủ quốc gia trên thế giới như Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ BilClinton, Thủ tướng Nhật Bản Kosumi, Thái tử và công chúa Thái Lan, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân…
Mỗi một lần như thế, chị đều phải tự tay lựa chọn kỹ càng từng nguyên liệu trong bếp, từ những lá rau, những miếng thịt đến các loại gạo, loại đỗ… Căng thẳng không chỉ bởi nhất cử, nhất động chịu sự giám sát của đoàn cảnh vệ mà còn bởi suy nghĩ: “Làm sao để truyền tải tinh thần hữu nghị quốc gia qua từng món ăn?”.
Chính vì vậy, trong thực đơn thết đãi các nguyên thủ quốc gia các nước trên thế giới, chị Vân luôn “thiết kế” một món ăn được xem là “linh hồn”, là điểm nhấn của bữa tiệc. Đó là món ăn Việt nhưng được chế biến theo phong cách của quốc gia được đón tiếp. Chị vẫn thường gọi nôm na bằng cái tên: “Món ăn đoàn kết”.
Ví như bữa tiệc thiết đãi hoàng hậu Tây Ban Nha, nhiều chính khách đã phải ngỡ ngàng bởi “món ăn đoàn kết” vừa lạ lại vừa quen. Đó là món cơm Việt tẩm ướp hoa nghệ tây, một gia vị đặc trưng ở xứ sở Bò tót.
Cuộc sống gia đình với nhiều điều bất ngờ
Liên miên với công việc ở khách sạn, những chuyến đi công tác nước ngoài ở các lễ hội ẩm thực quốc tế đã lấy đi của chị Vân quá nhiều thời gian, mỗi lúc như vậy, chị luôn dành một sự lo lắng cho gia đình. Chị tâm sự rằng, để mấy bố con ở nhà tự chăm sóc nhau nhiều lúc chị cũng cảm lo lắng nhưng cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Mỗi ngày, trước khi đến khạch sạn làm việc, chị Vân thường dậy từ rất sớm, chuẩn đồ ăn sáng cho cả nhà, cùng lúc này, chị cũng làm sẵn những thức ăn cho cả ngày, cho vào hộp đến bữa chỉ việc hâm nóng lại để ăn. Công việc này chị phải thực hiện rất nhanh vì còn phải đến nơi làm việc.
Mỗi lần đi chợ, chị thường mua đồ ăn cho cả tuần vì chẳng mấy khi có thời gian thảnh thơi. Thường xuyên vắng nhà nên mỗi khi có thời gian rảnh rỗi chị thường làm những bữa ăn thật ngon, đẹp mắt để “bù đắp” cho chồng con.
Kể về gia đình mình, chị Vân bảo mình thật hạnh phúc khi có được một người chồng rất tâm lý với vợ. Anh không bao giờ trách mắng vì thường xuyên vắng nhà hay quá mải mê với công việc. Hiểu được việc vợ phải dành rất nhiều thời gian ở nơi làm việc, chồng chị Vân thường đứng ra quán xuyến mọi công việc khi vợ vắng nhà.
Từ việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các con cho đến chuyện thu xếp công việc nội ngoại. Chị bảo rằng, vì có được một người chồng như vậy nên lúc đi xa dù có lo lắng nhưng chị vẫn cảm nhận được sự yên tâm.
“Có được một người chồng hiểu và thông cảm với mình, đó là hạnh phúc mà mỗi người vợ luôn mong ước. Đối với mình, để có được sự thành công với công việc như ngày hôm nay có công lao rất lớn của người chồng...” - chị Vân chia sẻ.
Chị bảo rằng, là một đầu bếp, nấu ăn cho biết bao nhiêu người nhưng mỗi khi được chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà, chị luôn có cảm giác hạnh phúc và tự hào. Mỗi lúc như vậy, trong suy nghĩ của chị luôn rộn lên một cảm giác bình yên và dạt dào...
Để có thể yên tâm hơn mỗi khi đi công tác, trước đó, chị Vân đã chuẩn bị cho các con của mình một kiến thức về chế biến các món ăn. Các con của chị Vân có thể không thể nấu được những món ăn “sơn hào hải vị”, nhưng chúng đều có thể tự thực hiện cho mình và gia đình một bữa cơm đầy đủ.
Các con của chị Vân từ nhỏ đã được giáo dục một đức tự lập, dù vắng mẹ, vắng cha thậm chí là vắng cả hai người thì chúng vẫn có thể tự lắng cuộc sống cho bản thân mình. Chính nhờ việc giáo dục cho con được như vậy nên chị Vân càng yên tâm với công việc hơn.
Có được chỗ dựa vững chắc là một gia đình yên ấm, hạnh phúc như vậy nên chị Vân càng có nhiều cơ hội để lăn lộn với công việc hơn. Chị có nhiều thời gian để nghiên cứu, sáng tạo ra những món ăn mới và độc đáo.
Và cũng thật đặc biệt, những món ăn mới được chị nghĩ ra, những người đầu tiên thưởng thức chính là chồng vào các con. Họ thường là những người đưa ra những lời nhận xét về các món ăn đó.
Và cứ như vậy, theo như lời chị thì “mấy bố con đều đã trở thành những chuyên gia cảm thụ ẩm thực rất cừ khôi” Chính mấy bố con đã cho chị những lời nhận xét rất thẳng thắn và chuẩn xác, vì vậy mà mỗi món ăn mới của chị luôn có sự hấp dẫn và độc đáo riêng biệt.
Phụ trách bếp ăn của một khách sạn rất lớn nên thường mỗi dịp lễ Tết, chị Vân phải túc trực ở nơi làm việc để quán xuyến. Tuy nhiên, gia đình chị dù bận công việc đến mấy vẫn luôn duy trì bữa cơm ngày tất niên.
Có thể chị nấu rất ngon những món Âu, Á, Mỹ, nhưng mỗi khi vào dịp Tết đến, chị thường chuẩn bị những món ăn thuần Việt. Mọi người cùng quây quần bên mâm cơm truyền thống, cùng trò chuyện với nhau sau một năm vật lộn với cuộc sống.
Chị Vân quan niệm rằng, dù tất cả mọi người có bận bịu với công việc đến nhường nào thì vẫn phải dành một quỹ thời gian để ngồi bên nhau, gia đình có bền chặt hay không cũng là một phần nhờ vào những giây phút ở bên nhau như vậy.
Gia đình chị Vân luôn rất coi trong bữa cơm cuối năm, đó là khoảng thời gian để mỗi người cảm nhận được mình là một thành viên trong gia đình, cảm nhận được một tổ ấm hạnh phúc. Chính vì sự coi trọng này mà dù đã phải trực Tết rất nhiều năm ở khách sạn nhưng chưa một lần chị vắng mặt ở nhà vào bữa cơm tất niên.
Thời gian qua, chị Vân đã sáng tạo ra biết bao nhiêu món ăn mới, độc đáo để làm phong phú thêm cho nền ẩm thực Việt. Đó không chỉ là niềm đam mê, tình yêu mà còn là nghĩa vụ mà mỗi người đầu bếp như chị luôn muốn thực hiện.
- Gia Gia