"Nã" điện thoại thúc nợ, mang danh côn đồ ra dọa nạt, đem ô tô đến trước cổng công ty xiết nợ, hay xiết nợ cả lăng mộ...là những chiêu mà các ngân hàng đang sử dụng để giải quyết tình trạng "nợ xấu" đang diễn ra.
[links()]
Các kiểu xiết nợ của ngân hàng
Tại phiên họp quốc hội hồi cuối năm 2012, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (tỉnh Long An) đã đề cập đến vấn đề xuất hiện một loại tội phạm mới lợi dụng việc xiết chặt tín dụng của ngân hàng để làm khó doanh nghiệp, không cho đảo nợ, thu hồi nợ trước hạn, tín dụng đen… để mua rẻ, chiếm doanh nghiệp.
Để tránh bị con nợ khác nẫng tay trên tài sản thế chấp, Ngân hàng Habubank (nay đã sáp nhập vào SHB) phải trưng biển phong toả tài sản thế chấp một doanh nghiệp tại Hải Phòng. |
Theo bà Yến, một trưởng bộ phận thu nợ của một ngân hàng cổ phần tiết lộ: “Nếu phải dùng đến xã hội đen để đòi nợ thì có thể là cá nhân người của ngân hàng dùng uy tín của mình để tạo điều kiện cho khách hàng được vay vốn. Nhưng khi khách hàng không trả nợ được thì cá nhân đó phải có trách nhiệm thu hồi nếu không muốn bị cách chức, đuổi việc. Do đó sẽ có chuyện cá nhân đó nhờ đến bàn tay của giới giang hồ đi đòi hộ…”.
Cách đòi nợ này không cần “đao to búa lớn” gì, chỉ cần đến gặp “con nợ” và nói tên một anh chị nào đó có tiếng trong giới đòi nợ thuê và nhắc đến một khoản nợ (không nhắc tên ngân hàng), thế là đủ để “con nợ” hiểu đã đến lúc phải trả nợ nếu không muốn xử theo luật rừng.
Không diễn ra âm thầm như chuyện xiết nợ mà bà Yến đã nêu, vụ xiết nợ của chi nhánh Vietinbank Lê Chân (Hải Phòng) đối với tài sản thế chấp là khu lăng mộ của gia đình ông Vũ Hồng Khánh (72 tuổi, quận Kiến An, Hải Phòng) vào tháng 4/2013 đang khiến dư luận xôn xao trong thời gian qua.
Theo ngân hàng Viettinbank, vào tháng 9/2012, ông Vũ Đức Hòa (con trai trưởng của ông Vũ Hồng Khánh) đã ký hợp đồng tín dụng với Chi nhánh Vietinbank Lê Chân (Hải Phòng) vay 990 triệu đồng cho Công ty Hoàng Đại. Sau đó, tổng số nợ gốc và lãi vay đã phát sinh lên hơn 1 tỷ đồng.
Đến ngày 10/4/2013 là hạn cuối cùng để trả nợ, nhưng ông Hòa đã “biến mất” không rõ lý do. Do đó, ngân hàng đã khởi kiện doanh nghiệp này để tiến hành thủ tục xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi khoản nợ xấu. Thật trớ trêu khi số tài sản mà ngân hàng thu hồi đó lại chính là khu đất xây lăng mộ của gia đình ông Khanh.
Không những thế, ngân hàng còn có kiểu xiết nợ mà làm cho "con nợ" có cảm giác như bị trộm đồ. Sự việc xảy ra vào ngày 24/4, khi anh Lê Hưng Thịnh (trú tại Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) có việc đi Thái Nguyên đến tối mới về thì chiếc xe Huyndai Avante màu đen của mình không cánh mà bay. Tưởng bị mất cắp, anh Thịnh lên công an phường trình báo vụ việc thì công an cho biết ngân hàng đã đến lập biên bản thu hồi chiếc xe.
Cảnh nhân viên ngân hàng ngôi xiết nợ tại công ty Âu Mỹ (Thường Tín - Hà Nội) vào hôm 6/5/2013. |
Trước đấy vào tháng 11/2011, anh Thịnh có thế chấp chiếc xe ô tô trị giá 700 triệu đồng để vay 350 triệu đồng của ngân hàng Bảo Việt với thời hạn 3 năm. Hiện tại, anh Thịnh đã trả 100 triệu, số nợ cả gốc lẫn lãi là 284 triệu đồng.
Vụ việc này cũng gây tranh cãi khi khổ chủ của chiếc xe cho rằng ngân hàng thu hồi xe mà không thông báo là phạm luật. Phía Ngân hàng Bảo Việt - nơi cho anh Thịnh vay tiền, cho hay anh Thịnh đã chậm trả nợ từ tháng 6 năm ngoái tới nay nên khoản vay của khách hàng đã tự động chuyển sang nợ xấu theo quy định trong hợp đồng.
Hay như mới đây nhất, vụ xiết nợ của các ngân hàng với công ty CP XNK và SX thương mại Âu Mỹ thuộc KCN Quất Động (huyện Thường Tín - Hà Nội) vào ngày 4/5 và đến nay vẫn còn đang tiếp tục diễn ra.
Do làm ăn thua lỗ nên công ty Âu Mỹ không có khả năng chi trả khoản vay của các ngân hàng. Đứng trước tình thế này, các ngân hàng đã cử bảo vệ, nhân viên của mình xuống tận kho của công ty Âu Mỹ để canh chừng số sắt thép để "tránh" tình trạng nó rơi vào tay các ngân hàng khác.
Với tâm lý "trường kỳ kháng chiến" nên nhiều nhân viên ngân hàng đã huy động cả võng, bàn ghế, phông bạt…nằm vạ vật như đi hầu kiện trước cổng nhà kho của công ty để canh chừng nhau. Đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết mặc cho chủ nợ đang khổ sở, không biết ở đâu.
Ngân hàng đang tìm cách cứu bất động sản
Trong khi các ngân hàng quyết truy nợ xấu ở các doanh nghiệp thì ở một khía cạnh khác, ngân hàng lại ra sức cứu thị trường Bất động sản vốn đang rất khó khăn với các chiêu hạ lãi suất để khuyến khích người dân trả góp.
Nhiều ngân hàng đang giảm % lãi suất đã đồng loạt tung ra các gói tín dụng nhằm hỗ trợ khách hàng vay mua nhà (cho vay tiêu dùng), trị giá mua đến 70% giá trị nhà, căn hộ …
Cụ thể, với khoản vay BĐS, ngân hàng VIB ưu đãi hấp dẫn 7,77%/năm trong 3 tháng đầu. Sau thời gian ưu đãi, mức lãi suất sẽ được điều chỉnh theo điều kiện của thị trường. “Tuy nhiên, VIB cam kết luôn duy trì lãi suất cạnh tranh cho khách hàng trong suốt thời hạn khoản vay”.
Còn với Vietcombank thì khuyến khích cho người mua nhà dự án đến hết ngày 29/06/2013 được hưởng lãi suất 0%/năm, cố định đến hết 30/09/2013, và được ân hạn nợ gốc 01 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Khu dự án Nam Đô Complex được ngân hàng hỗ trợ cho vay với lãi suất 12%/năm trong 6 tháng đầu tiên và chủ đầu tư còn giảm thêm 4% lãi suất.
Như vậy có thể coi ngân hàng đang bơm tiền cho người dân mua nhà là cách hỗ trợ người dân cũng là cách cứu thị trường bất động sản im ắng hiện nay.
- (Theo ĐVO)