Những chuyện kỳ diệu bên cây đa ’tình yêu’ ở Đà Lạt

06:21, Thứ ba 13/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Chẳng ai biết rằng nó được trồng khi nào và ai là người trồng nó. Bây giờ cây đa như biểu tượng của tình yêu là sự tài lộc và cũng là niềm tự hào của người dân xứ cao nguyên Lâm Viên này.

Bao nhiêu năm nay cây đa vẫn đứng đó như biểu tượng của tình yêu và tài lộc mà người dân nơi xứ Cao nguyên Lâm Viên này nguyện ước. Chẳng hiểu tự bao giờ người dân nơi xứ sở sương mù này đã truyền tai nhau rằng, nếu đến đây thì phải xin dải lụa ghi lời nguyện ước để cầu “thần” cây đa chứng ban điều may mắn. Cây đa tình yêu trên đồi Mộng Mơ ấy giờ đã trở thành một “cây tình yêu” kỳ diệu và độc đáo nhất tồn tại mãi cùng thời gian.
[links()]
Niềm tin về “cây đa tình yêu”

Bao nhiêu năm qua “cây đa tài lộc” nằm trong khu du lịch đồi Mộng Mơ thuộc thung lũng Tình Yêu nổi tiếng của Đà Lạt đã trở thành điểm đến không thể thiếu với du khách khi đến thăm xứ sở sương mù này.

Nơi đây không chỉ “hút chân” những người đến đây bởi vẻ đẹp nên thơ trữ tình của cảnh vật mà còn muốn cầu phúc tình yêu nơi cây đa “lạ”.  

Chúng tôi tìm về “Cây đa quý” theo sự chỉ đường của người dân nơi đây. Đây là cây đa duy nhất trên đồi Mộng Mơ có chiều cao không dưới 6m và độ phủ rộng của tán chừng trên 5m.

“Trời mưa to cỡ nào đi nữa, đứng dưới gốc cây cũng không ướt đâu, anh à. Nhiều lúc cây đa này trở thành tụ điểm trú mưa lý tưởng cho du khách khi đến thăm Đồi Mộng Mơ. Đây là cây đa độc nhất mà em từng gặp đấy” – cô gái có cái tên Diệu Linh phụ trách quầy hàng tạp hóa và hàng lưu niệm kế bên gốc đa đã khoe như thế khi thấy chúng tôi tha thẩn hàng giờ quanh gốc đa.

Cũng theo Mỹ Diệu thì quan khách khi đến đây ai cũng dừng chân mua cho mình một dải lụa đỏ để cầu may. Mua xong, du khách viết điều ước tại chỗ rồi treo hoặc quẳng lên cây. Thế là điều ước ấy đã được thần Di Lặc chứng giám.

Tượng phật Di Lặc tọa dưới gốc đa
Tượng phật Di Lặc tọa dưới gốc đa

Mỹ Diệu nhanh miệng “quảng cáo” và mời chúng tôi mua những dải lụa đỏ, lụa hồng được xếp ngay ngắn bên chiếc kệ trước mặt, cùng lời hướng dẫn: “Ai đến đây cũng có 2 điều cầu ước, đó là tình duyên và tài lộc. Dải lụa màu hồng dùng để ước nguyện tình duyên, hạnh phúc… Còn dải màu đỏ là cầu tài lộc, công danh…”.

Ông Nguyễn Hoàng, người từng nhiều lần đến tìm hiểu để chiết cành với mong muốn nhân giống cây đa này chia sẻ thêm: “Cây đa này giống Hồng Kông, đây là một loại đa đặc biệt, theo cách phát triển thông thường thì nó chỉ sinh trưởng được ở những nơi có thời tiết lạnh.

Hơn nữa, cách chiết cành loại đa này rất khó, bởi khả năng phun dễ mầm rất khó khăn. Nếu không có kỹ thuật sẽ làm tổn hại rất lớn đến cây mẹ nên chúng tôi không dám chiết nhiều. Chúng tôi đang áp dụng nhiều kỹ thuật cao với mong muốn sẽ bảo tồn và nhân rộng giống cây này”.    

Thơ thẩn một hồi lâu bên gốc đa thiêng đặc kín những dải lụa màu hồng và đỏ, tôi với tay kéo một dải lụa màu hồng ngay trước mặt rồi đọc được:

“Hôm nay ngày 24/8/2012 (tức ngày 09/7 âm lịch) – con tên là Nguyễn Thị Thu Hương, quê quán Bố Trạch, Quảng Bình. Cầu ước đến các ngài hãy phù hộ cho tình yêu của con cùng Trần Văn N mãi mãi hạnh phúc, cùng nhau đi đến hết cuộc đời, cho dù cuộc sống có nhiều thử thách và gian nan. Cầu mong có sức khỏe để làm ăn và không sa ngã trong cuộc sống”.

Cây đa “thiêng” trên đồi Mộng Mơ
Cây đa “thiêng” trên đồi Mộng Mơ

Ấn tượng nhất với chúng tôi có lẽ lời lời cầu nguyện được ghi song ngữ Anh – Việt dài đến 500 chữ, có đoạn rằng: “Cuộc sống gian truân và ngắn ngủi nhưng tình yêu thì mãi mãi thăng hoa nên chúng tôi cầu điều này đến với mọi lứa đôi.

Tình yêu luôn mang lý lẽ riêng của nó nên có ngang trái thì cũng cầu cho các đôi lứa đều vượt qua được thử thách mà đến với nhau…”. Và còn có rất nhiều những lời cầu chúc cho cuộc sống hạnh phúc, công danh tài lộc vẹn toàn của nhiều người được ghi nắm nón bằng chứ Việt in hoa trên dải lụa đỏ treo cẩn thận trên “cành cây thiêng”.

Đặc biệt, không chỉ có người Việt ở khắp mọi miền đến đây khấn cầu mà cây đa thiêng có đức phật Di Lặc tọa dưới gốc còn “cõng” trên lưng những lời ước nguyện của rất nhiều người là du khách nước ngoài viết bằng tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Anh… và cả tiếng Lào, tiếng Campuchia nữa.

“Ngay cả những người nước ngoài ấy cũng rất tin vào gốc đa thiêng này. Có người sau nhiều năm quay lại còn bảo rằng vợ chồng họ đã sinh được con sau khi đi du lịch ở Việt Nam, đến Đà Lạt và gửi lời ước của mình lên cây đa” – cô gái bán hàng kể thêm.

Nói tiếng Việt khá dành rọt, anh Thomas Long (người Pháp gốc Việt) giãi bày: “Không biết cây đa này có hiển linh thật hay không nhưng nó đã khơi dậy niềm tin trong những người đến đây cầu nguyện. Mỗi lần đến với “gốc đa quý” tôi đều thấy tâm hồn thanh thản và nhẹ nhõm. Mọi ưu tư buồn phiền đều tan biến hết.

 Ảnh 4: Cả những người nước ngoài cũng gửi lên cây những “thông điệp”
Cả những người nước ngoài cũng gửi lên cây những “thông điệp”

Khi tôi cùng vợ là người Việt đến cầu hạnh phúc, nghĩa là chúng tôi đều đang hướng đến một niềm tin là sẽ xây dựng một gia đình gắn kết. Thế nên tôi đã có động lực để ở lại Đà Lạt làm việc.

Nhiều lúc do cách biệt văn hóa, vợ chồng cãi nhau, chúng tôi lại đến cây đa này nhớ lại lời nguyện ước xưa kia, thế là gia đình lại êm ấm. Tôi nghĩ, đây cũng là một cách chúng tôi giữ gìn hạnh phúc và hóa giải những mẫu thuẫn trong cuộc sống gia đình”.  

Đi tìm nguồn gốc cây đa “thần”

Năm tháng cứ trôi đi, Cây đa cao lớn theo thời gian và tỏa bóng xum xuê che rợp một khoảng đất rộng. dưới gốc cây “thần” này là tượng phật Di Lặc nở nụ cười hiền tọa lạc trên đài sen như lắng nghe lời nguyện cầu một tình yêu son sắc, một cuộc sống tài lộc của mỗi người dân khi đến đây.

Nhiều năm đã qua đi cũng đồng nghĩa với bề dày những câu chuyện nguyện ước quanh gốc cây đa “lạ” thành hiện thực do người dân truyền tai nhau ngày càng nhiều.

Chính vì vậy, chẳng biết tự bao giờ mà mỗi khách quan khi đến với Đà Lạt đều tìm đến “cây đa tình yêu và tài lộc” này để thỏa mãn nhu cầu về tâm linh của bằng cách treo những dải lụa hồng, đỏ lên cây hòng ước mong thần linh phù hộ cho ước nguyện của mình.

Để tìm hiểu những câu chuyện xung quanh cây đa đầy huyền bí này, chúng tôi đã phải cậy nhờ đến chị Võ Thị Hồng Loan, một cán bộ vừa nghỉ hưu nhưng là người từng phụ trách khu du lịch nhiều năm. Giọng niềm nở, người phụ nữ này cho biết, cây đa đã gắn bó với người dân Đà Lạt từ rất lâu.

Chẳng ai biết rằng nó được trồng khi nào và ai là người trồng nó. Bây giờ cây đa như biểu tượng của tình yêu là sự tài lộc và cũng là niềm tự hào của người dân xứ cao nguyên Lâm Viên này.

Tuy nhiên, cây đa “tình yêu và tài lộc” này có được ngày hôm nay và nhiều người biết tới là do một số cán bộ quản lý Khu du lịch Đồi Mộng Mơ mang đến. Cách đây mấy năm trước, một vài cán bộ khi đi tham quan ở nước ngoài đã thấy rằng người châu Á vốn đặt rất cao vấn đề tâm linh, bên cạnh đó trong tiềm thức từ ngàn đời nay của người Việt Nam thì cây đa luôn là cây tượng trưng cho sự linh thiêng.

Và cây đa còn là tượng trưng cho một thế mạnh xua đuổi tà khí và mang lại nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Vì vậy, từ đâu các am thờ, tượng phật được đặt bên các gốc đa cổ thụ càng làm tăng thêm sự tôn nghiêm ấy.

Họ thường thể hiện nhu cầu về tâm linh bằng cách viết những ước nguyện của mình lên những dải lụa treo lên cây. Chình vì vậy ý tưởng cây “tình yêu và tài lộc” được hình thành từ đó.

Để tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của cây đa “tình yêu và tài lộc”, chúng tôi cũng tìm đến anh Trần Mến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thành Ngọc, người có rất nhiều năm gắn bó với khu du lịch Đồi Mộng Mơ. Anh cho biết:

“Người ta cho rằng khu du lịch Đồi Mộng Mơ chính là một Đà Lạt thu nhỏ với những đồi thông, thảm cỏ, vườn hoa, khu sinh hoạt văn nghệ dân tộc thiểu số, Vạn Lý trường thành… Và, chỉ duy nhất có ở khu du lịch Đồi Mộng Mơ mà cả Đà Lạt hay cả Lâm Đồng này không có được đó là cây đa thiêng cầu duyên, cầu lộc.

Viện trưởng Thích Viên Thanh (Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh) cho biết: “Tôi có biết cây đa trên đồi Mộng Mơ Đà Lạt. Có lẽ, người đời vịn vào câu một dân gian rằng “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” và cùng với thuyết “Từ Thị” (tên của phật Di Lặc), tức là “người có lòng từ” mà “hình thành” biểu tượng đức phật Di Lặc ngồi gốc cây đa ban phước lành cho chúng sinh ở trên đồi Mộng Mơ ấy chăng?”.

Vậy, hình ảnh đức phật Di Lặc ngồi dưới gốc cây đa thiêng trong Thung lũng Tình Yêu bắt nguồn từ đâu? Mang câu hỏi này đến gặp trực tiếp những người quản lý khu du lịch Đồi Mộng Mơ thì họ cũng bỡ ngỡ không biết từ đâu mà có.

Chính vì vậy mà dưới gốc cây đa “tình yêu” này còn có những chuyện “huyền thoại” mà chẳng ai biết bắt nguồn từ đâu.

Thế đấy, cây đa tỏa bóng cả một góc trời trong thung lũng Tình Yêu bỗng chốc trở thành một cây tâm thức và là chốn đi về của biết bao những con người tội lỗi muốn làm lại cuộc đời. Và rồi như một niềm tin bất diệt của những quan khách khi đến đây, cây đa đã phải gánh vác trên vai bao nhiêu là mơ ước, bao nhiêu là nguyện cầu… và cả bao nhiêu là ưu tư nữa.

Bởi bên những lời cầu tình duyên, tài lộc chúng tôi còn bắt được dải lụa ghi những lời đầy xót xa rằng: “Mong những đau đớn và dằn vặt về tội lỗi đừng hành hạ tôi nữa khi mà tôi đã rất hối hận về những việc mình đã gây ra…”.

  • Hà Dũng – Cao Nguyên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc