Những con chim thị thành chờ chết...

08:50, Thứ năm 03/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Như một “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”, hành vi của bà cụ 85 tuổi bên chùa Quán Sứ khiến người ta bồi hồi.

[links()]
Không biết tự bao giờ, Hà Nội bắt đầu nhan nhản những quán nhậu với lời quảng cáo khơi gợi phong vị đồng quê như “Chim trời – Cá sông – Lợn thả rông – Gà chạy bộ”. Chim sẻ - con chim trời không được may mắn như những loài chim cảnh - trở thành món mồi nhậu khoái khẩu. Mà nào có nhiều nhặn gì – mỗi con chim sẻ không đầy một miếng to cho những cái miệng phàm ăn. Cái sự háu ăn ấy của một tầng lớp cư dân thành thị đã khiến một nghề mới hình thành: săn chim sẻ.

Báo chí cứ lâu lâu lại thấy đăng tải những bức ảnh về lũ chim xấu số, kèm theo những lời bình thương tâm. Ngay cả lũ trẻ con, như vô thức bị ám ảnh bởi thú vui nhậu nhẹt của người lớn, cũng vác súng cao su tự chế tập tành săn bắn.

Như một “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”, hành vi của bà cụ 85 tuổi bên chùa Quán Sứ khiến người ta bồi hồi. Trong một xã hội mà chuyện “vác tù và hàng tổng” đã là một sự lạ, thì việc một người già cả với đồng lương hưu ít ỏi ngày ngày vãi thóc nuôi chim, thủ thỉ trò chuyện cùng chúng, dễ lắm bị coi là lẩm cẩm.

Từ trăm năm trước, người kể chuyện cố tích Andersen từng nói đại ý rằng mỗi đứa trẻ khi chưa biết nói đều biết trò chuyện với các loài vật, nhưng khả năng đó mất dần đi khi chúng ta trở thành người lớn.

Ngày xưa đã vậy, ngày nay còn có mấy ai tin vào những câu chuyện cổ tích, nên dăm ba bà cụ trở thành lạc lõng so với hàng triệu người khác máu me nhậu nhẹt ngay giữa Hà Nội ngàn năm văn hiến với vô số chùa chiền, đền, miếu.

a
Bà lão vãi thóc nuôi chim trời ở phố Quán Sứ

Nhưng những điều nghịch dị còn nhiều hơn thế. Ngày càng nhiều những phú ông hiện đại phàn nàn phố xá ô nhiễm, thiếu bóng cây xanh, thiếu không không khí trong lành, không được nghe tiếng chim líu lo mỗi sáng…, họ mua đất xây trang trại, cất nhà sàn ở tít tận ngoại ô, thậm chí lên hẳn Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Mộc Châu… để cuối tuần dắt díu nhau về “cải thiện chất lượng sống”. Cái sự “cải thiện” ấy không thể thiếu những đặc sản được tung hô là bổ, là lành, là không độc hại, trong đó có chim quay, chim nướng, chim băm, xôi chim…. Và, ngược đời thay, có cả cái thú sáng mai tỉnh giấc được thảnh thơi nghe tiếng chim hót râm ran hay lích chích chuyền cành ngoài ô cửa.

Họ là ai -  những cư dân thành thị thiếu thốn thiên nhiên hay những người con của đồng quê không quên nổi bầu trời trong xanh và dòng sông mát lành thủa ấu thơ mà họ bỏ lại từ ngày ra phố? Chẳng biết được câu trả lời, nhưng có vẻ như họ rất tham lam. Mà bà mẹ thiên nhiên thì không thể hào phóng vô hạn…

Hãy thử làm một phép so sánh giữa một đĩa chim sẻ 120.000 đồng trong nhà hàng với số tiền 300.000 đồng mỗi tháng mà bà lão bên chùa bỏ ra để vãi thóc trên hè phố. 120.000 đồng cho 6 chú chim – 6 cái gắp trong tích tắc - có lẽ là rất xa xỉ với bà lão, nhưng chắc chẳng là gì với những kẻ ưa nhậu thích mồi nhắm là chim.

300.000 đồng là một món tiền không nhỏ so với khoản lương hưu, nhưng để được thưởng ngoạn bầy chim bằng cả mắt và tai thì 10.000 đồng mỗi ngày có vẻ vẫn là cái giá rẻ với bà lão. Ấy vậy mà có phú ông nào nghĩ đến những chuyện như bà cụ? Cái gì đắt hơn và cái gì rẻ hơn?

Cũng xin dông dài một chút riêng về chim sẻ, bầy chim ngày ngày chờ đợi bà lão trên hè phố. Nhiều người bảo chim sẻ được xem là chim thành thị vì hầu như không còn gặp trong các khu rừng nguyên sinh. Đã đành loài chim này giỏi thích nghi với cuộc sống, nhưng có khi nào những dân cư thành thị tự hỏi mình có cùng cảnh ngộ với chúng? Như những con chim bị đẩy khỏi rừng, chúng ta bị đẩy khỏi bà mẹ thiên nhiên và bươn chải giữa đời.

Chẳng rõ con người từ bỏ thiên nhiên hay thiên nhiên xa lánh con người, nhưng biết rằng chỉ còn bầy chim thành thị này chia sẻ với chúng ta, làm loãng đi những ồn ào, bụi bặm, hối hả của cuộc sống phố phường.

 “Những con chim ẩn mình chờ chết” là tên gọi khác của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Tiếc thay, sự liên hệ giữa cái chết và tiếng hót loài chim trong cuộc sống nơi phố thị ngày nay lại thể hiện sự xấu xí của con người, thay vì mang những ẩn dụ cao đẹp như trong tiểu thuyết. Đừng xua đi những người bạn cuối cùng kẻo có ngày chúng ta phải đối diện với sự bơ vơ của chính mình, khi thành phố vắng bóng chim bay.
  • Thể Lực
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc