Chọn đồ dưỡng da dựa vào tuổi tác?
Hãy nhớ rằng, tuổi tác chỉ là một con số. Nếu bạn cứ quyết tâm dùng một loại kem dưỡng dành cho tuổi 20, và để dành bộ mỹ phẩm được quảng cáo là “dành cho tuổi 50” để tặng mẹ, thì có thể bạn đã sai lầm rồi đấy, nhất là nếu như tình trạng da của mẹ bạn lại đang tốt hơn bạn.
Nám, tàn nhang vẫn có thể xảy ra ở tuổi 20 – 30, và mụn cũng có khả năng xuất hiện khi chúng ta 40 – 50 tuổi. Do đó, điều kiện tiên quyết khi chọn sản phẩm dưỡng da là dựa trên nhu cầu thật sự của làn da chứ không phải độ tuổi của bạn.
Đợi tới tuổi trung niên mới chống lão hóa?
Sau tuổi 20, bạn có thể bắt đầu làm quen với những món đồ dưỡng da chống lão hóa đầu tiên. Đừng nghĩ rằng dùng sớm thì da sẽ bị “nhờn” với thành phần chống lão hóa, bởi các thành phần này đâu phải thuốc kháng sinh? Cũng đừng nghĩ rằng các thành phần chống lão hóa sẽ gây kích ứng da, bởi quan trọng là bạn phải chọn đúng dòng sản phẩm phù hợp với loại da của mình. Nếu da bạn nhạy cảm, hãy chọn các công thức chống lão hóa dành riêng cho da nhạy cảm.
Chỉ có mỹ phẩm châu Á mới phù hợp với làn da châu Á?
Đúng là có một số công thức dưỡng da được điều chế để đáp ứng riêng cho nhu cầu của từng vùng khí hậu hoặc mật độ sắc tố tự nhiên trên da. Tuy nhiên, các sản phẩm chống lão hóa, chống nắng, kiềm dầu hay làm dịu da nhạy cảm thì thường được điều chế cho nhu cầu của từng loại da, không phân biệt theo chủng tộc hay vùng miền.
Do đó, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn sản phẩm dưỡng da từ các thương hiệu đến từ châu Âu, châu Mỹ. Nhiều thành phần dưỡng da nổi tiếng tại châu Phi, châu Úc như bơ hạt mỡ, dầu hạt tầm xuân cũng thích hợp với làn da người Việt.
Các thành phần chống lão hóa có tác dụng như Botox?
Tác dụng của Botox chỉ phát huy khi nó được tiêm vào cơ mặt, chứ không phải chỉ đơn thuần bôi ngoài da. Do đó, những lời so sánh như “peptide có tác dụng như Botox” đều chỉ là lời quảng cáo mang tính chất minh họa. Cơ chế tác động của Botox là làm tê cơ mặt, từ đó hạn chế nếp nhăn, còn các thành phần dưỡng da chống lão hóa thì có tác dụng làm săn chắc cấu trúc da. Do đó, bạn đừng kỳ vọng rằng loại kem dưỡng hay serum chống lão hóa đắt tiền của mình có thể giúp đẩy lùi dấu hiệu lão hóa chỉ sau một đêm.
Bắt buộc phải dùng công thức dưỡng da ban đêm khác ban ngày?
Sản phẩm khác biệt duy nhất giữa quy trình dưỡng da ban đêm và ban ngày là kem chống nắng. Mặc dù tế bào da có khả năng tái tạo tốt hơn vào ban đêm, nhưng lại không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng da sẽ hấp thụ các dưỡng chất tốt hơn khi đang ngủ.
Thậm chí, kể cả những thành phần được cho là khiến da nhạy cảm với ánh sáng như retinol, vitamin C, AHA, BHA cũng không gây hại nếu thoa ban ngày, miễn là bạn có chống nắng đầy đủ. Vì thế, không nhất thiết phải đầu tư riêng hai bộ mỹ phẩm dành cho buổi sáng và buổi tối. Các thành phần cấp ẩm, làm sạch da, chống oxy hóa… đều có thể thực hiện tốt nghĩa vụ của nó vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Quy trình chăm sóc da đẩy lùi lão hóa:
Bước 1: Làm sạch da với sản phẩm dịu nhẹ
Bước 2: Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm với acid glycolic
Bước 3: Sử dụng tinh chất trị nám
Bước 4: Sử dụng kem dưỡng mắt
Bước 5: Sử dụng kem chống nắng
Bước 6: Đắp mặt nạ
Bước 7: Thực hiện liệu trình Facial
Bước 8: Thư giãn
Bước 9: Sử dụng Retinol