Những biểu hiện của bệnh điếc?

( PHUNUTODAY ) - Bệnh điếc có nguy hiểm không và khi bị mắc bệnh thường sẽ có những biểu hiện cụ thể nào,.. luôn là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Vậy, bạn đã biết gì về loại bệnh này?

Triệu chứng, biểu hiện của bệnh điếc ở trẻ nhỏ

PGS.TS. Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi họng Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sàng lọc và phát hiện sớm nghe kém ở trẻ sơ sinh rất cần thiết để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Do đó, hiện nay, trung tâm đang phối hợp với Khoa Nhi và khoa Sản để triển khai khám sàng lọc bệnh điếc bẩm sinh cho trẻ sinh ra tại bệnh viện này. Tuy nhiên, việc khám sàng lọc cần được mở rộng hơn nữa ở các trẻ em.

Theo PGS Định, cha mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau để nhận biết bệnh khiếm thính ở trẻ nhỏ:

- Trẻ sơ sinh: dựa trên phản xạ nghe - cử động của trẻ. Bình thường trẻ chớp mắt, cử động chân tay, khóc, hoặc giật mình khi có tiếng động. Trẻ bị khiếm thính sẽ không có các đáp ứng trên.

116.nhung-bieu-hien-cua-benh-diec-phuntoday.vn
 

- Trẻ vài tháng đến 1 tuổi: Biết chú ý, nhìn, quay đầu theo hướng phát âm của các dụng cụ như lục lạc, chuông. Khi nghe các âm quá to như tiếng sấm, còi ô tô... sẽ giật mình, thức giấc hoặc khóc. Trẻ khiếm thính sẽ không có các phản xạ này.

- Trẻ từ 1-3 tuổi: Đã biết nói theo, nói được các từ thông thường như bà, mẹ, ăn.... Nếu khiếm thính trẻ biểu hiện chậm nói, nói ngọng, hay không nói được. Trẻ không phản ứng khi người lớn hỏi, gọi hoặc chỉ đáp ứng trước các âm thanh có cường độ lớn.

- Trẻ trên 3 tuổi: Các dấu hiệu như trên ngày càng rõ rệt như nói quá ngọng, chỉ nói được một số phụ âm hay nguyên âm nào đó.

- Trẻ ở lứa tuổi học đường: Trẻ nghe kém, tiếp thu bài chậm, học kém so với các bạn cùng lớp, không tập trung, dễ cáu, không muốn tiếp xúc, trò chuyện, không muốn tham gia các hoạt động tập thể ...

5 dấu hiệu suy giảm thính lực

- Bạn liên tục nhờ mọi người lặp lại những gì họ vừa nói hoặc hỏi những câu như: “Cái gì?”, “Hả”...

- Bạn luôn tăng âm lượng TV hoặc nghe nhạc với âm lượng lớn hoặc ngồi gần TV hơn với những người khác.

- Bạn chăm chú nhìn khẩu hình miệng của người nói hoặc không thể xác định nguồn âm thanh chính xác.

- Bạn gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của mọi người xung quanh mặc dù không gian không quá ồn ào khi người khác đang cố giao tiếp với bạn. Bạn cũng có thể chủ động né tránh không tham gia các cuộc hội thoại.

- Bạn không nghe được những gì người khác nói qua điện thoại và phải chuyển tai liên tục.

Cách bảo vệ và cải thiện thính giác

Tai có cấu trúc khá mỏng manh và không dễ gì có thể ngăn ngừa chứng suy giảm thính lực bởi đó là dấu hiệu biểu hiện của tuổi tác, bệnh tật hoặc khiếm thính di truyền.

Tuy nhiên, hơn một nửa những trường hợp suy giảm thính lực có thể được cải thiện nhờ áp dụng một số cách làm dưới đây:

- Sử dụng chụp tai hoặc nút tai bảo vệ nếu bạn phải làm việc trong môi trường ồn ào, nơi có âm thanh quá lớn

- Không cho ngón tay, que bông, bông gòn hoặc khăn giấy vào lỗ tai để ngoáy tai.

- Chỉ để âm lượng trên tivi, radio hoặc máy nghe nhạc ở mức độ vừa phải.

- Đi kiểm tra thính lực thường xuyên để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của thính giác và có phương pháp điều trị phù hợp.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn