Trong đám cưới truyền thống của người Việt, nhiều điều kiêng kị được đặt ra với ý nghĩa mong muốn có một đám cưới hoàn hảo, hạnh phúc, may mắn và những thuận lợi trong cuộc sống hôn nhân về sau cho đôi vợ chồng. Thế nhưng, đôi khi chính những phong tục ấy lại khiến cho đám cưới không được suôn sẻ, dẫn đến những mâu thuẫn trong đời sống gia đình sau đó…
[links()]
Trót nhìn lại phía sau, nàng dâu trở thành kẻ sẽ bỏ chồng
Mới cưới nhau được 2 tháng nhưng Thanh cảm thấy vô cùng ngột ngạt khi phải sống trong sự xét nét của mẹ chồng mà nguyên do bắt đầu từ chuyện kiêng kị ngày cưới.
Ban đầu, Thanh thấy mẹ chồng rất hay để ý việc làm của cô, bất kể từ việc to đến việc nhỏ. Khi Thanh đang thu dọn quần áo, bà đứng lại xem. Chỉ đến khi Thanh đã bỏ quần áo vào tủ thì bà mới đi ra chỗ khác.
Mỗi lần Thanh đi chợ về, bà luôn kiểm tra thức ăn Thanh mua rồi hỏi giá cả từng loại. Thậm chí, có lần, Thanh thấy bà còn ghi lại số tiền của từng loại đồ ăn rồi cộng tổng tiền đã chi cho bữa ăn. Nếu như có loại thức ăn nào mà Thanh nói là không nhớ vì nó nhỏ quá hoặc do không để ý thì bà sẽ nhìn Thanh bằng ánh mắt hết sức nghi ngờ.
Bà hỏi dồn là tại sao Thanh lại không nhớ, có phải đã mua quá nhiều đồ đâu. Rồi có phải là Thanh cố ý giấu bà không? Chưa hết, bà còn hỏi Dũng – chồng Thanh xem Thanh thu nhập được bao nhiêu, Dũng đưa cho vợ bao nhiêu tiền.
Thanh nghĩ có lẽ bà lo vì Thanh còn trẻ, chưa có kinh nghiệm chi tiêu nên bà biết để còn khuyên nhủ. Vậy nên cô cũng không lấy làm khó chịu. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại đó. Dù mới chỉ về làm dâu chưa đầy 2 tháng song mẹ chồng Thanh liên lục hỏi Thanh đã có bầu chưa.
Dung bảo biết rằng, bố mẹ chồng làm theo tập tục thôi nhưng nếu tập tục không cần thiết và hợp thời thì nên bỏ, nhất là khi điều đó làm tổn hại đến lòng tự trọng và danh dự của cô cùng gia đình. |
Khi Thanh bảo bà muốn kế hoạch lấy một năm để ổn định công việc và chăm lo gia đình đã thì bà lại bảo tại sao phải làm vậy, tại sao chưa muốn có con. Bà nói Thanh có ý gì nên chưa muốn có con để đỡ ràng buộc phải không?
Trước thái độ lạ lùng của mẹ chồng, Thanh rất ngạc nhiên. Song, cô lại nghĩ, chắc bà cao tuổi rồi nên rất mong có cháu bế. Thành ra, nhiều lúc, Thanh lại thấy có lỗi với bà.
Với những việc soi xét khác của mẹ chồng, Thanh cố lý giải bằng việc bà chưa quen với việc có thêm người trong gia đình (gia đình chồng Thanh chỉ có một người con trai).
Vì vậy, mỗi lần được mẹ chồng nhắc nhở, cô đều cố gắng ghi nhớ và sửa chữa. Tuy nhiên, sau khi phát hiện được nguyên nhân thực sự của những quan tâm thái quá đó, Thanh vô cùng choáng váng.
Một lần, Thanh thu xong quần áo, định mang qua phòng cho bố mẹ chồng thì thấy trong phòng bố mẹ chồng đang nói chuyện. Thanh nghe tiếng mẹ chồng nói:
“Kiểu gì nó cũng bỏ thằng Dũng mà thôi. Tội thằng Dũng, lấy vợ vài ba bữa đã khổ”. Thanh rất bất ngờ, tự nghĩ, “nó” ở đây có phải là Thanh không? Và nếu phải thì tại sao Thanh lại bỏ chồng? Còn nếu không thì hay là chồng Thanh có bồ bên ngoài, bố mẹ chồng biết mà giấu.
Thấy vậy, Thanh im lặng, lắng nghe tiếp. Bố chồng Thanh cất tiếng phản đối: “Bà chỉ được cái nói vớ vẩn. Vợ chồng nó mới lấy nhau, bỏ gì mà bỏ”. “Vậy là “nó” chính là mình rồi!” – Thanh bị hút vào câu chuyện.
Giọng mẹ chồng Thanh lại cất lên. Bà bảo rằng bố chồng Thanh rằng, nếu cô không có ý định bỏ chồng thì đã không quay đầu nhìn lại hôm đưa dâu, dù đã được dặn dò rất kĩ lưỡng. Chưa kể rằng, Thanh và chồng yêu nhau mới chưa đầy một năm đã cưới.
Sau đó, mẹ chồng Thanh còn phân tích những nguyên do chắc chắn cô sẽ bỏ Dũng: không muốn sinh con để khỏi ràng buộc, cất bớt tiền để làm quỹ riêng… Sau cùng, mẹ chồng Thanh kết luận là sớm muộn gì cô cũng sẽ bỏ Dũng vì mọi thứ đã được cô lên kế hoạch rất cụ thể.
Nghe những lời mẹ chồng nói, Thanh không thể tưởng tượng được rằng, chỉ vì một lần lỡ vi phạm điều kiêng kị trong ngày cưới mà cô bị quy cho là có “kế hoạch” bỏ chồng.
Thanh vẫn biết mẹ chồng mình vốn rất coi trọng những phong tục, đặc biệt là những điều kiêng kị song cô không ngờ rằng, bà có thể suy diễn việc vi phạm điều kiêng kị một cách hoang tưởng đến vậy.
Ngày cưới, do để đúng “tiêu chuẩn” giờ đẹp như bên nhà Dũng đã xem nên lễ ăn hỏi được diễn ra vào 5 giờ chiều ngày hôm trước còn lễ rước dâu lại vào lúc 5 giờ sáng của ngày hôm sau. 2 buổi lễ liền nhau, nhiều việc phát sinh nên dù đã chuẩn bị khá kĩ lưỡng nhưng Thanh và Dũng vẫn bị luống cuống, vội vàng.
Lễ rước dâu lúc 5 giờ sáng khi ông mặt trời chưa kịp tỏ nên mọi thứ càng trở nên vội vã hơn trong cái nhập nhoạng của đất trời. Dù được dặn kĩ lưỡng những việc cần làm trong lễ rước dâu, đặc biệt là việc không được quay đầu lại lúc ra khỏi nhà song do khá mệt nên Thanh cũng không nhớ hết.
Khi vừa ra đến cổng, Thanh chợt nhớ là cái váy mặc tiếp khách vẫn đang treo trong tủ nên quay đầu lại bảo người bạn.
Ngay lập tức lúc đó, Dũng đã kéo đầu cô qua lại phía trước nhưng vẫn bị “hớ” một chút. Tiếp đó, bạn của Thanh lại đặt cái va-li xuống dưới đất để mở ra tìm thử xem cái váy có ở đó chưa. Khi rước dâu về nhà, không rõ ai đã kể cho mẹ chồng Thanh chuyện cô quay đầu lại và cái va-li đồ bị đặt xuống đất giữa đường.
Chỉ biết rằng, giờ đây nó đang là lí do khiến cô trở thành nàng dâu “nhất định sẽ quay đầu về nhà mẹ”. Biết được lí do thực sự của việc mẹ chồng tỏ thái độ với mình, Thanh rất chán nản nhưng cô nghĩ rằng, cô sẽ giải thích rõ với bà để giải tỏa hiểu lầm.
Chỉ mong rằng, bà có thể hiểu mà không còn ác cảm với cô con dâu mới này nữa. Và còn bởi, dù kết hôn sau khi quen nhau chưa đầy một năm nhưng cô thực sự yêu và muốn gắn bó với Dũng…
Có quý tử - mừng đấy nhưng vẫn phải đi cửa sau
Khác với Thanh, nỗi ấm ức của Dung từ chuyện kiêng kị ngày cưới lại xuất phát bởi việc cô phải đi vào nhà chồng từ cửa sau trong lễ rước dâu vì trót có bầu trước. Dung và Quang yêu nhau cũng đã lâu. Cả hai người đều có quan niệm sống khá thoáng.
Chính vì thế, trước khi cưới, Quang và Dung đã chung sống được hơn 2 năm. Chỉ đến khi Dung có bầu, cả hai mới quyết định kết hôn để danh chính ngôn thuận mối quan hệ. Việc Dung có bầu, lại là con trai cũng được gia đình nhà Quang cũng vô cùng ủng hộ.
Bố Quang là dòng trưởng, sinh được hai anh em là Quang và Minh. Minh đã lập gia đình trước Quang 2 năm song đều sinh hai cô công chúa. Vì thế, niềm hi vọng về đứa cháu đích tôn được dồn cả vào Quang. Nay nghe tin Dung có bầu con trai, cả nhà Quang rất hoan hỉ, chuẩn bị sắm sửa lễ cưới lớn.
Dung được chăm sóc một cách kĩ lưỡng nhất. Cô không phải làm bất cứ việc gì để khỏi ảnh hưởng đến thai nhi. Mọi vấn đề trong lễ cưới đều được bố mẹ Quang cùng các cô chú bên nội lo chu đáo. Nhà Dung cũng vì thế mà rất hãnh diện, tự hào vì con gái mình được nhà nội yêu quý.
Ngày cưới đến, một đoàn xe hạng sang được thuê để rước nàng dâu quý cùng cháu đích tôn về nhà. Họ hàng bên nhà Dung ai cũng tấm tắc khen Dung giỏi giang, khéo kén chồng.
Sau một quãng đường dài, đến nhà trai, Dung dù có bầu ở tháng thứ tư nhưng vẫn rất xinh đẹp trong váy cưới bước xuống, chuẩn bị tiến vào nhà chồng làm lễ. Thế nhưng, thay vì được đi vào cổng chính đã kết đầy hoa tươi, Dung lại thấy mẹ chồng đang đón cô bên cổng ngách.
Hai bà cô bảo Quang dẫn Dung qua cửa bên đó. Hơi ngạc nhiên nhưng Dung cũng đi theo. Chưa hết, không được bước vào gian chính, Dung được mẹ chồng dẫn luồn đi vào hẻm rồi vào nhà bằng cửa sau. Khi Dung hỏi vì sao phải đi cửa này, mẹ chồng Dung khẽ khàng bảo:
“Con chịu khó, theo tục lệ, con dâu có bầu trước ngày cưới phải vào nhà bằng cửa sau”. Nghe mẹ chồng nói thế, Dung vô cùng khó chịu. Cô không nghĩ mình đã làm gì sai để phải về nhà chồng bằng cửa sau – như kiểu phải đi giấu.
Chưa hết, cô cũng đang mang trong mình cháu đích tôn của nhà chồng, tại sao lại phải xấu hổ hay kiêng kị mà đi như thế. Nghĩ là vậy nhưng do đã đi được nửa đường, mẹ chồng lại vừa khuyên nhủ nhỏ nhẹ vừa dẫn đi nên Dung cũng không thể phản đối.
Tuy nhiên, từ lúc đó, Dung không thể vui vẻ, thoải mái mà làm lễ. Những bức ảnh chụp hôm cưới do vậy mà cũng không có bức nào trông cô dâu đẹp rạng rỡ. Điều này khiến cho mỗi lần xem lại ảnh cưới, Dung lại cảm thấy không vui.
Không những thế, khi chứng kiến cảnh con gái mình phải về nhà chồng bằng cửa sau, bố mẹ Dung đã rất giận. Bố mẹ Dung lại trách cô sao lại để xảy ra chuyện đó làm cho ông bà bị bẽ mặt với họ hàng bên ngoại.
Thành ra, bên ngoại bên nội bằng mặt mà không bằng lòng. Và Dung cảm thấy thêm căng thẳng. Cũng bởi vậy, mặc cho ông bà nội thuyết phục Dung về nhà ở để ông bà tiện chăm sóc hai mẹ con, Dung vẫn không đồng ý...
Dung bảo biết rằng, bố mẹ chồng làm theo tập tục thôi nhưng nếu tập tục không cần thiết và hợp thời thì nên bỏ, nhất là khi điều đó làm tổn hại đến lòng tự trọng và danh dự của cô cùng gia đình. Dung biết cô sẽ phải làm lành với bố mẹ chồng nhưng cô nói rằng, cô cần thời gian để quên đi sự việc không vui đó.
- Họa Đồ