Những người "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ"

05:55, Thứ tư 29/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Công việc ấy được phủ một lớp sương huyền hoặc về ma quỷ, thánh thần, gắn liền với những câu chuyện kì bí về thế giới của người chết, mà nhiều người thường gọi đó là nghề “ăn cơn dương gian làm việc âm phủ”.

Họ là những người lao động bình thường nhưng công việc của họ thì đặc biệt. Công việc ấy được phủ một lớp sương huyền hoặc về ma quỷ, thánh thần, gắn liền với những câu chuyện kì bí về thế giới của người chết, mà nhiều người thường gọi đó là nghề “ăn cơn dương gian làm việc âm phủ”. Nhưng họ lại chấp nhận làm công việc ấy để đổi lấy miếng cơm manh áo, đổi chữ cho con, bất chấp những lờn đồn rùng rợn hay bệnh tật cho bản thân. Tôi đã có chuyến theo chân họ để trải nghiệm . . . nghề hốt cốt.


Tôi đi hốt cốt

Những năm gần đây, khi Đà Nẵng xây dựng phát triển đô thị thì cùng với việc giải toả, tái định cư cho người dân thì có hàng triệu ngôi mộ cũng được di chuyển đến nơi mới. Và kể từ đó, dần hình thành một đội quân những người chuyên đi bốc mộ, họ làm việc khắp nơi, nơi nào có mộ cần giải toả thì nơi ấy có họ.

Như mọi ngày, hôm nay nhóm của anh Trần Nhĩ (ở Hoà Nhơn – Hoà Vang – Đà Nẵng) lại đến các nghĩa trang trên địa bàn quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) để làm công việc của mình vì nơi đây có hàng ngàn ngôi mộ cần được dời đi để nhường chỗ cho dự án.

Tôi theo chân nhóm ông Nhĩ đến nghĩa trang Hoà Xuân khi mà màn sương sớm vẫn còn bao phủ nơi đây. Dù có đông người đến nghĩa trang để tham gia bốc mộ nhưng không gian ở đây yên tĩnh một cách lạ lùng, mọi người đều đi nhẹ nói khẽ cơ hồ như sợ chạm vào giấc ngủ ngàn thu của người nằm dưới mộ, bất giác khắp người tôi rờn rợn về nỗi sợ hãi vô hình nào đó.

“Mới ra đến đây đã sợ thế thì đi bốc mộ sao được”: anh Ngưu nói như để sốc dậy tinh thần cho tôi. Để chuyển “ngôi nhà” của người chết đến nơi khác phải trải qua nhiều công đoạn, mà đôi khi còn vất vả hơn chuyển nhà của người đang sống.

Nhóm ông Nhĩ đang chuyển hài cốt vào hòm.
Nhóm ông Nhĩ đang chuyển hài cốt vào hòm.

Đầu tiên phải bày lễ vật cúng xin chuyển người chết đến nơi ở mới. Mỗi người có cách cũng khác nhau, người dùng hai đồng tiền xưa để xin keo, người thì thuê thầy hay đơn giản thắp vài nén hương... cốt sao người âm đồng ý cho chuyển đi.

Những người bốc mộ kể với tôi rằng, dù có đợi lâu chừng nào họ cũng không bao giờ dám chạm vào mộ nếu như người chủ mộ chưa đập nhát búa đầu tiên. Vì nhát búa đầu tiên ấy sẽ đánh động vào giấc ngủ của người đã khuất, làm người chết tĩnh giấc vì thế nếu người ngoài mà đập mộ thì chắc chắn sẽ gặp nhiều rủi ro, tai họa.

Khi phần nghi lễ đã xong thì nhóm của ông Nhĩ mới thật sự bắt tay vào công việc của mình, do làm lần đầu nên tôi được giao nhiệm vụ là đào mộ, công việc nhẹ nhàng của nghề.

Tôi và anh Nguyễn Trung (ở tổ 30 – Hòa Xuân) cùng một nhóm, dù đã có hơn 5 năm làm nghề bốc mộ dù thế nhưng anh Trung vẫn chưa một lần chạm tay vào hài cốt. Anh kể: “Chỉ tham gia đào mộ đã thấy sợ rồi, nói gì đến việc hốt cốt. Nhiều lúc tôi đào mộ có một mình, thấy lành lạnh sau lưng thế là vứt hết cuốc, xẻng bỏ chạy thục mạng”.

Công việc của chúng tôi chỉ là đào cho đến khi nào chạm đến quách mộ thì dừng lại, lúc ấy những bộ hài cốt sẽ dần lộ ra và công việc lúc này sẽ dành cho người hốt cốt thật sự.

Thế nhưng công việc không đơn giản như thế, trong lúc đào phải nhìn kỹ từng xẻng đất được xúc lên xem có di vật gì trong đó hay có vô tình chạm vào hài cốt của người chết không, nếu không muốn gặp xui xẻo.

Đó là chưa kể những âm thanh bùng bục phát ra trong lúc đào mộ, khiến những người mới vào nghề như tôi phải sởn tóc gáy. Khổ nhất là gặp phải những mộ xây lệch với vị trí của người chết, lúc ấy bắt buộc phải đào sâu hơn, rộng hơn để tìm hài cốt. 

Nhưng tất cả những chuyện ấy chỉ là chuyện vặt đối với người hốt cốt thật sự. Với đôi tay trần, từng mẩu xương người chết được họ sắp xếp gọn gàng trong chiếc hòm mới.

“Khi đem hài cốt lên phải sắp xếp vị trí các xương đúng theo thứ tự, không được xếp nhầm vì điều này rất kị. Muốn làm được việc này phải có gan vì nếu sợ thì không bao giờ làm được”: ông Nhĩ lý giải.

Công việc của những người bốc mộ rất vất vả.
Công việc của những người bốc mộ rất vất vả và độc hại.

Hàng chục hài cốt đã được ông Nhĩ  bốc lên, nhiều mộ vẫn còn nguyên hài cốt, có mộ khác chỉ còn lại là lớp đất đen mỏng. Dù còn lại gì thì người hốt cốt vẫn nhặt nhạnh cẩn thận, không bỏ sót một mẩu nhỏ đất đen nằm dưới huyệt mộ.

Trong suốt một buổi sáng những người hốt cốt phải bốc hàng chục ngôi mộ để kịp bàn giao chuyển đi nơi khác. Thế nhưng, không phải lúc nào đào xuống cũng gặp được hài cốt. Nhiều lúc đào xuống gần 2 mét đất vẫn không thấy hài cốt, những lúc như thế thì phải “viện” đến các thầy địa.

Hôm ấy, gia đình của anh Hồ Công Tâm tìm mãi mà không thấy hài cốt của người cháu đâu nên phải nhờ thầy địa đến giúp. Trên tay cầm hai que thép, thầy địa đi vòng quanh địa điểm cho là có mộ, rồi “thầy” nói như ra lệnh:

“Con nằm ở đâu chỉ đúng cho thầy xem, không được chỉ sai”: nói rồi những que thép trên tay “thầy” cùng chỉ về một hướng, thấy cảnh ấy nhiều người xanh mặt vì sợ. Gia đình của anh Tâm cùng xúm vào đào ở chỗ mà thầy địa chỉ là có mộ, tuy nhiên đào đến chiều vẫn chẳng thấy hài cốt đâu.

Lúc này, thầy địa lại đến nói vài câu bâng quơ, rồi bốc nắm đất bỏ vào quách xem như đó là hài cốt. Cụ Nhiêu, người ở gần nghĩa trang Hòa Xuân kể, những ngày trước cũng có một thầy địa đến đây hành nghề nhưng bị đuổi chạy có cờ.

Số là, do đất bồi lấp nên gia đình anh H đào đến 1,5 mét cũng chưa gặp hài cốt, thầy địa đến quả quyết là hài cốt đã tiêu diêu rồi, có đào nữa cũng không tìm thấy. Nhưng khi gia đình anh H đào xuống một tấc đất nữa thì tìm thấy mộ, thầy địa bị đuổi chạy vì cái tội nói càn ấy.

Mới lần đầu vào nghề bốc mộ, tôi đã trải qua nhiều nỗi sợ hãi vô hình và nỗi sợ càng tăng lên khi mà gần trưa nhóm ông Nhĩ bốc ngôi mộ mới chôn được 2 năm, một mùi hôi kinh khủng bốc lên, âm khí nặng nề nhiều người bỏ chạy và tôi cũng không đủ gan để đứng gần đó.

Chỉ còn lại ông Nhĩ và một đồng sự ở đó để di chuyển mộ vào hòm. Và điều tôi khâm phục nhất về ông Nhĩ là dù mới bốc xong ngôi mộ nhưng ngay sau đó ông có thể ăn uống vô tư.

“Đây là công việc của tôi nếu không làm thì lấy chi lo cho gia đình”: ông Nhĩ giải thích, khi tôi hỏi vì sao ông có thể ăn ngon lành như thế. Cái nghề hốt cốt đã gắn vào ông Nhĩ cũng như nhiều người khác và trở thành cái nghiệp không dứt ra được.

Sống nhờ sự chết.

Trong giới chuyên đi bốc mộ hốt cốt thường kể cho nhau nghe những câu chuyện kì bí, hư hư thực thực về nghề nghiệp. Chuyện là, có một người mới vào nghề hốt cốt do làm vội nên đã bốc không hết xương cốt của người chết.

Vì thế đêm đêm linh hồn “người âm” ấy cứ bám theo để đòi phần xương thiếu của mình, kể từ đó người bốc mộ trở nên điên loạn và ít lâu sau thì chết, còn gia cảnh điêu tàn, con cái học hành không được.

Đó là một trong số ít những câu mà những người đi hốt cốt thường rỉ tai nhau, họ xem đó như những điều cấm kị, không được phép sai sót trong lúc hành nghề. Ông Trần Nhĩ là người có thừa kinh nghiệm trong việc hốt cốt dù thế nhưng ông vẫn rất cẩn thận mỗi khi hành nghề.

Ông kể: “Nhiều lúc đã hốt xong rồi nhưng thấy chưa yên tâm là tôi phải quay lại kiểm tra mộ xem còn có gì không. Một xíu đất đen nhỏ thì cũng phải lấy cho hết nếu không hậu quả nặng nề lắm”.

Ông Nhĩ luôn tin vào những “tai nạn” nghề nghiệp của mình, ông nói rằng, người âm cũng giống như người trần, tự dưng lại mất đi một bộ phận trên cơ thể thì họ đến đòi là chuyện tất nhiên.

Đã có hơn 6 năm làm công việc bốc mộ, đôi tay trần của ông Nhĩ đã chuyển đi hàng ngàn hài cốt nhưng cũng có lúc ông run tay. “Sợ nhất là phải đụng đến những mộ mới vừa chôn 1 hoặc 2 năm. Lúc ấy, thi thể của người chết chưa phân hủy hết nên khi đụng tay vào thì từng mảng da thịt rơi ra, mùi hôi bốc lên chịu không nổi.

Lúc đầu, sau mỗi lần bốc như thế tôi không thể ăn cơm, ngửi mùi mắm đã thấy ói, tắm hàng chục lần vẫn nghe còn mùi. Những lúc như thế phải về đi mua thuốc Bắc và muối xông”.

Người hành nghề bốc mộ có nhiều điều kiêng kị mà ai cũng phải thuộc nằm lòng như lúc bốc mộ xong thì không về nhà ngay mà phải đến sông suối nào đó tắm để gột rửa hết xú uế bám vào người. Không được đến gần chuồng gà hay heo con vì như thế chúng sẽ lăn ra chết hết.

Họ tin vào những điều đó như một điều tất yếu mà không cần biết nguyên do. Trong lúc hành nghề, người hốt cốt thường gặp những trường hợp dở khóc, dở cười. Anh Trần Ngưu cũng là một người chuyên đi hốt cốt kể:

“Tôi đã từng bốc một cái mộ mà có đến 2 bộ hài cốt. Lúc ấy, sau khi đã bốc xong, sợ còn sót nên tôi quay lại kiểm tra thì phát hiện ra bộ hài cốt thứ hai. Lúc đó, chúng tôi và cả chủ mộ cũng chẳng biết giải quyết thế nào, cuối cùng phải mua thêm một cái quách nữa đem đi chôn cất đàng hoàng”.

Còn ông Nhĩ kể, có lần khi khai quật mộ lên ông nhặt được một chỉ vàng trong miệng của hài cốt nhưng ngay sau đó ông để lại nguyên trạng cho người âm. “Làm việc này nhiều lúc cũng nhặt được vàng bạc chôn theo người chết nhưng tôi chẳng bao giờ tham của ấy vì như thế mình mang tội chết”: ông Nhĩ nói.

Những người làm việc hốt cốt mà tôi gặp đều nói rằng, họ làm việc này cũng chỉ vì miếng cơm manh ao, vì không thể tìm được công việc nào khác tốt hơn.

Phần lớn những người làm việc này đều là nông dân, khi bước chân vào việc này là họ phải luyện cho mình tinh thần thép để chống lại những câu chuyện về thế giới “người âm và đôi khi là cả sự xa lánh của người thân.

Anh Ngưu kể: “Lần đầu tiên đi bốc mộ tôi giấu không nói cho vợ biết nhưng sau này vợ tôi phát hiện ra thế là cấm cửa không cho vào nhà ngủ, lần đó tôi bỏ không đi bốc mộ nữa. Nhưng sau nhiều người đến nhờ giúp đỡ thế là tôi lại làm. Việc này giống như một cái nghiệp không bỏ được”.

Làm công việc nặng nhọc và có nguy cơ mắc các căn bệnh truyền nhiễm khi tiếp xúc với hài cốt thế nhưng thu nhập của những người bốc mộ cũng không đáng là bao.

Tùy theo mộ mà người bốc mộ có cách tính chi phí khác nhau, nếu mộ lâu năm thì giá rẻ, còn mộ mới chôn được một hay hai năm thì chắc chắn giá sẽ đắt hơn vì không có nhiều người sẵn sàng nhận bốc những mộ này.

Dù vậy, ngày làm khá nhất của họ cũng chỉ được hai trăm nghìn nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm. Ông Nhĩ tâm sự:

“Làm việc này cũng giống với bao công việc khác nhưng do có liên quan đến “người âm” nên nhiều người sợ. Còn mình làm việc với cái tâm trong sáng thì không sợ chi hết. Nhờ công việc này mà tôi cũng lo được cho gia đình mình, chỉ lo sau này có nhiễm bệnh thì không biết tính sao”.

Sau một ngày làm cùng những người hốt cốt, tôi đã hiểu vì sao họ được gọi là những người “ăn cơm dương gian làm việc âm phủ”. Công việc của họ gắn liền với cái chết, gắn liền với hài cốt, mà nhiều người nghe thôi đã thấy sợ.

Công việc của họ cũng đáng được trân trọng như bao công việc khác có trên cuộc đời này. Tôi tin rằng, nếu “người âm” có hiển linh thật cũng chẳng nỡ lòng nào bắt phạt những người như ông Nhĩ, anh Ngưu vì họ đưa “người âm” đến chổ an nghĩ tốt hơn, cao ráo hơn và đó cũng là nguyện vọng của những người đang sống.

  • Duy Thảo

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc