Cướp biển – thế giới những tưởng vốn chỉ dành cho những bậc nam nhân “chân cứng đá mềm”, bạo gan và đầy uy dũng bởi việc chém giết, cướp bóc và thể hiện quyền uy. Thế nhưng, trong lịch sử cướp biển của thế giới đã ghi nhận những người phụ nữ cướp biển có “số má”…
[links()]
Cặp bài trùng cướp biển Mary Read và Anne Bonny
Mary Read sinh ra tại quận Devon, nước Anh vào cuối thế kỷ XVII. Mẹ của Mary kết hôn với một người đàn ông đi biển và ông ta đã chết. Mary là đứa con riêng của mẹ mình với một người đàn ông khác. Sau khi được sinh ra, mẹ của Mary đưa cô cùng những người chị em khác về sống ở quê.
Mary có một người anh cùng mẹ khác cha là Mark. Rất không may sau khi trở về quê sinh sống một thời gian thì Mark bị qua đời. Để tránh cho bí mật về cái chết của Mark bị tiết lộ đồng thời hưởng nguồn tài sản thừa kế khổng lồ từ người chồng nên mẹ Mary đã mặc quần áo con trai cho cô.
Và cũng từ lúc đó, Mary được cải trang, nuôi dạy như một cậu con trai. Ông bà nội của Mary nhận lời chăm sóc Mary và mẹ của cô bởi họ nghĩ rằng cháu trai Mark của họ vẫn còn sống sót. Khi Mary Read 13 tuổi thì bà nội của cô qua đời. Do Mary vẫn được nuôi dạy như một chàng trai vì thế cô phải đi tìm một công việc.
Rồi Marytrở thành một chú bé giúp việc cho một người phụ nữ Pháp giàu có sống ở Luân Đôn. Không thỏa mãn với công việc hiện tại, cô đã chạy trốn khỏi nhà của quý bà giàu có. Vài năm sau đó, cảm thấy chán nản, Mary gia nhập quân đội Flemish ở binh chủng lính bộ binh. Ở đây, Mary gặp người chồng tương lai của mình. Chuyện là dù có mang lốt đàn ông, Mary vẫn là phụ nữ và vẫn phải yêu.
Mary yêu một người lính cùng đơn vị. Không thể kìm nén nỗi lòng mình, Mary thú nhận về giới tính của mình và thổ lộ tình cảm với người đồng đội. Rất may là người lính đó cũng yêu thương Mary và chấp nhận tình cảm của cô.
Sau khi bày tỏ không lâu, đám cưới của Mary và chồng được tổ chức. Rồi họ cùng gom tiền mở một quán trọ nhỏ gần lâu đài Breda để sinh sống.
Cuộc đời dường như không chiều lòng Mary khi cuộc sống hôn nhân chưa diễn ra được bao lâu thì chồng của Mary qua đời. Quá đau buồn trước việc mất đi người mình yêu thương, Mary quyết định gia nhập quân ngũ thêm một lần nữa sau khi đã cải trang thành nam giới trở lại.
Cô đã quyết định lên một con thuyền Hà Lan để tới lên tàu đi đến vùng Caribe. Con tàu Hà Lan mà Mary đi không may gặp tàu cướp biển của Calico Rackham Jack nên của cải bị cướp còn thủy thủ trên con tàu thì bị ép phải làm cướp biển để giữ lấy tính mạng mình.
Nữ tướng cướp Anne Bonny |
Từ đó, Mary bắt đầu cuộc đời cướp biển của mình. Do từ bé đã được dạy dỗ như một người con trai thực thụ nên Mary rất “nhạy bén” trong các lĩnh vực mà tưởng chừng chỉ có những người đàn ông mới làm được. Không chịu thua một đấng mày râu nào, Mary có tài bắn súng rất siêu hạng khiến nhiều cướp biển trên tàu phải “nể vị” bà cướp biển Mary.
Trong cuộc sống lênh đênh trên biển với vai trò cướp biển, Mary cũng đã từng có cảm tình với một người đàn ông khác trong đoàn.
Tình yêu mãnh liệt cũng như những khả năng thiên bẩm của bà đã được chứng minh khi người tình của mình gặp rắc rối. Chuyện là người tình của Mary có xung đột với một tên cướp biển khác và bị hắn thách thức đấu súng.
Để cứu người mình yêu, Mary ngay lập tức gây hấn với tên cướp đó, chỉ với mục đích sắp xếp một cuộc đấu súng với hắn, đúng nửa giờ trước cuộc đấu súng của hắn với tên hải tặc kia. Bằng tài bắn súng chuẩn xác của mình, bà ngay tức khắc giết chết tên cướp, nhờ đó mà cứu được người bà yêu.
Nhưng tình cảm mà Mary nhận được sau chuyện ấy, tất nhiên, vẫn không hơn một sự biết ơn đối với “ngài” Mary. Điều này đã khiến cho Mary cảm thấy đau khổ rất nhiều. Và chính thời điểm này, Mary đã gặp gỡ với Anne Bonny và tạo nên cặp bài trùng cướp biển huyền thoại của vùng Caribe.
Anne Bony là kết quả của một mối tình trắc trở giữa William Cormac, một luật sư đã ly hôn và người hầu của bà vợ cũ. Gia đình này gây ra nhiều vụ tai tiếng đến nỗi họ phải di cư Ai – len. Họ sống tại Charlston, Nam Carolina và William lại bắt đầu nghề nghiệp cũ của mình.
Họ mua một đồn điền và bắt đầu cuộc sống mới tại vùng đất xa lạ này. Sau khi mẹ Anne qua đời vào những năm cuối của thời niên thiếu, cô phải chăm sóc toàn bộ công việc nhà. Anne là một đứa trẻ hoang dã, cô bé cưỡi ngựa và bắn súng rất khá, thậm chí còn giỏi hơn những đứa con trai cùng trang lứa.
Có rất nhiều câu chuyện khác nhau về những ngày niên thiếu của cô. Một số người cho rằng cô đã giết chết một người hầu gái bằng con dao của mình. Số khác tin rằng cô đã cho một tên dâm đãng vào bệnh viện sau khi hắn định cưỡng hiếp cô.
Khi Anne 16 tuổi, cô rơi vào lưới tình với James Bonny, người chỉ yêu cô vì gia sản nhà Anne. Cũng từng là cướp biển khét tiếng, James âm mưu cướp đất đai của bố vợ.
Cha Anne cố gắng phản đối mối quan hệ giữa hai người song cô là người ương ngạnh và kiên quyết không từ bỏ mục tiêu của mình. Anne và James quyết định làm đám cưới. Cha của Anne vô cùng thất vọng vì vậy ông đã đuổi cô ra khỏi nhà. Thậm chí, William còn giận dữ tuyên bố từ mặt vợ chồng Anne.
Và để trả thù cho chuyện này, Anne không ngần ngại thiêu rụi toàn bộ đồn điền của ông bố và cùng chồng bỏ trốn. James đưa vợ đến vùng đất New Providence, Bahamas, nay là Nassau - vốn là nơi ẩn náu của những tên cướp biển.
Ở đây, James lộ mặt là một kẻ hèn nhát và phản bội. Để nuôi sống của mình, James phải làm việc rất vất vả và cuối cùng James trở thành “kẻ chỉ điểm” cho Chính phủ.
Anne dần xa rời James, gần gũi hơn với băng nhóm cướp biển khét tiếng. Cô nhanh chóng có quan hệ sâu nặng với một tên cướp biển tàn bạo Calico Jack Rackham. Với sự giúp đỡ của một người bạn là Piere, Anne đã rời bỏ chồng mình, cô chạy trốn cùng với Calico Jack Rackam.
Cay cú vì bị vợ “cắm sừng”, James Bonny bắt cóc Anne, hạ nhục Anne trước mặt dân chúng và kết tội Anne chạy trốn hắn. Để cứu người đẹp, Calico Jack ngay lập tức đề nghị một vụ đổi chác. Hắn nhường cho James một phần trong tài sản đồ sộ của mình, đổi lại, James phải trả tự do cho Anne.
Mờ mắt trước sức mạnh đồng tiền, James li hôn Anne và từ đó, Anne gia nhập đoàn thủy thủ của Jack và cải trang thành nam giới, bắt đầu cuộc đời của một tên cướp biển.
Chiến đấu với gươm và súng lục, Anne chứng tỏ mình là một chiến binh dũng cảm và liều chết. Có rất nhiều câu chuyện được thêu dệt về tính khí bạo lực của Anne. Anne đã trở thành tay kiếm mà ai cũng phải dè chừng khi bà thản nhiên chém đứt đôi ông thầy dạy kiếm của mình, Anne còn đánh te tua những kẻ “dại dột” tán tỉnh mình.
Trong khi đó, người tình của Anne, Calico Jack Rackam là một tên cướp biển thường xuyên tấn công các thuyền nhỏ. Hắn không phải là một tên cướp biển nổi tiếng nhưng được coi là một tay chơi có hạng.
Mối quan hệ giữa Anne và Calico không được công bố rộng rãi song tất cả mọi người trên thuyền đều biết rằng Anne là người phụ nữ của thuyền trưởng. Khi Rackam nhận ra rằng Anne đã mang thai, hắn mang cô đến Cuba để sinh con.
Có một số giai thoại về đứa con đầu tiên của Anne. Một số người nghĩ rằng Anne đã bỏ rơi đứa con của mình. Số khác lại tin chắc rằng Calico có một người bạn ở Cuba và người bạn này đã đồng ý nuôi dạy con của họ.
Thậm chí một số lại tin rằng con của Anne đã chết ngay từ khi mới sinh ra. Sau một vài tháng, Anne quay lại thuyền của Rackam nhưng hiện giờ trên thuyền đã có sự xuất hiện của Mary Read.
Sau khi gặp nhau, Mary và Anne nhanh chóng trở thành bạn của nhau. Một số thủy thủ cho rằng Anne và Mary thực ra là có mối quan hệ tình cảm không bình thường với nhau.
Và nhiều nhà sử học cũng đồng ý với ý kiến cho rằng có mối quan hệ đồng tính giữa hai người phụ nữ cướp biển khét tiếng này.
Trong thế giới của những chàng cướp biển, thật khó khăn cho Anne Bonny để trở thành người đứng đầu đám đông lộn xộn và nhận được sự tôn trọng của chúng. Nhưng Anne và Mary đã làm được.
Anne Bonny và Mary Read chắc chắn là những tên cướp biển nổi tiếng nhất không ở vị trí thuyền trưởng, cả 2 phục vụ dưới quyền chỉ huy của Calico Jack Rackham. Anne và Mary đều trở thành cái tên gây khiếp đảm cho những nơi mà mình đi qua bởi sự tàn bạo, hiếu chiến và sẵn sàng xả thân của mình.
Tuy nhiên, khi sự nghiệp cướp biển đang trên đà phát triển thì vào tháng 11 năm 1720, thiếu tá Barnet, quân đội Anh đã tấn công con thuyền của Rackam. Hầu hết quân của Rackam lúc đó đang say rượu bởi chúng vừa tấn công một chiếc thuyền buôn của Tây Ban Nha và đang tưng bừng kỷ niệm lễ chiến thắng.
Mary và Anne đã chống cự hung hăng hơn rất nhiều so với những tên cướp biển đàn ông khi con tàu của Rackham bị bắt nhưng cuộc chiến đã nhanh chóng kết thúc với phần thua về tàu cướp biển của Mary và Anne.
Khi được đưa ra xét xử ở phiên tòa năm 1720 ở Jamaica, cả Mary và Anne đều gây chú ý vì giới tính của mình rất khác thường với nghề cướp biển.
Tại phiên tòa, Mary và Anne (khi đó vẫn trong trang phục đàn ông) nói với chủ tọa phiên tòa rằng họ đang có bầu. Phiên tòa ầm lên những tiếng xì xào bàn cãi. Luật pháp Anh không cho phép treo cổ một người phụ nữ đang mang thai cho đến khi họ sinh.
Và quả thật là họ còn 6 tháng mang thai nữa. Nhờ đứa con đang mang trong bụng và tiền đút lót của gia đình vào tay tòa án, Mary thoát khỏi cái chết đau đớn trên giàn treo cổ. Những tên cướp biển khác bị đưa vào nhà tù ở Spanishtown, Jamaica và bị kết án xử tử treo cổ.
Sau đó, Mary qua đời trong một nhà tù ở Jamaica vì bị bệnh. Còn số phận của Anne Bonny thì có nhiều truyền thuyết hơn.
Theo một số nguồn tin thì cha của Anne đã trả tiền để cứu Anne ra khỏi cuộc sống tù tội và đưa cô trở lại Charles Town. Sau đó, Anne sinh con và năm 1721, cô kết hôn lần nữa với Joseph Burleigh. Họ có 8 người con và Anne qua đời ngày 25/4/1782 tại Nam Carolina.
Và những nữ cướp biển khác
Ngoài cặp bài trùng cướp biển lừng danh Mary và Anne, trong lịch sử cướp biển thế giới vẫn còn ghi nhận những trường hợp nữ cướp biển khác. Một trong số đó có thể kể đến nữ hoàng Alwilda của vương quốc Đan Mạch. Không nhiều người biết, nữ hoàng Alwilda đáng kính đã từng là nữ cướp biển khét tiếng một thời. Alwildalà con gái của một vị vua xứ Scandinanvi.
Bà được cha sắp xếp cho một cuộc hôn nhân với hoàng tử Đan Mạch tên là Alf. Với cá tính mạnh mẽ của mình, Alwildakhông muốn chấp nhận cuộc hôn nhân này và Alwida bỏ nhà ra đi, bắt đầu một cuộc sống mới đầy thú vị. Alwildacùng một số người bạn gái cải trang thành nam giới và lên đường chu du mặt biển trên một con tàu ở vùng biển Baltique.
Ở đó họ chạm trán với một tàu cướp biển đang khuyết vị trí thuyền trưởng. Tạo được ấn tượng mạnh với những người bạn mới, Alwida được đề cử vào vị trí này. Trong vai trò chỉ huy, Alwida thành công trong hầu hết các phi vụ làm ăn, không phụ lòng tin tưởng của những tên cướp biển khác.
Thời gian Alwildatrở thành thủ lĩnh cướp biển, số lượng tàu bè và quân số của đoàn cướp biển tăng lên nhanh chóng. Cùng với đó là uy danh của Alwildacũng được củng cố. Song song với đội quân được nhân hai, Alwilda trở thành mối đe dọa đối với tàu bè qua vùng biển đó và khiến vua Đan Mạch “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Ông sai con trai mình là hoàng tử Alf dẫn những binh lính tinh nhuệ nhất đi dẹp yên đội cướp biển tàn ác này. Alf nhanh chóng dẹp tan đội hải tặc. Nhận ra người xưa đã từng suýt là vị hôn phu của mình, lại cảm phục trước tài trí của vị hoàng tử, Alwilda quyết định chấm dứt cuộc đời cướp biển và nhận lời cưới hoàng tử Alf, trở thành nữ hoàng Đan Mạch.
Cho đến nay, người ta vẫn không rõ câu chuyện về nữ hoàng cướp biển Alwilda là có thật không. Có nhiều điều nghi ngờ xung quanh sự tồn tại thực sự của Alwida, thậm chí có người còn cho rằng câu chuyện về nữ hải tặc này chỉ là chuyện thần thoại.
Tuy nhiên, dù có hay không nữ hoàng cướp biển Alwilda thì qua câu chuyện này cũng đều khẳng định được vị thế của những người phụ nữ trong mọi công việc, bao gồm cả cướp biển.
Một trong những nữ cướp biển cần phải được nhắc đến khi nói về những nữ tướng cướp biển lừng danh chính là Grace O’Malley.
Nữ tướng cướp Grace O’Malley. |
Grace O’Malley được người ta nhắc đến như “nữ hoàng cướp biển”. Grace O’Malley sinh năm 1530, là con của tộc trưởng dòng họ O’Malley. Cha của Grace, ông Owen O’Malley - người có biệt danh “cây sồi đen”.
Ông Owen là một người đi biển kinh nghiệm và quả cảm. Với tính cách mạnh mẽ như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Grace O'Malley - cô con gái của “cây sồi đen” - thừa hưởng những gì hoang dại nhất, dữ dội nhất của cha. Grace sinh ra trên đảo Clare thuộc vịnh Clew nhưng phần lớn tuổi thơ cô bé sống ở lâu đài Belclare.
Khi nhìn con gái, ông Owen biết rằng cô bé là một người đặc biệt. Khi còn nhỏ, Grace thường ngồi chăm chú và nghe say sưa lời cha kể về những cuộc phiêu lưu trên biển cả cũng như những bến cảng, thành phố mà ông từng ghé qua.
Cô thường xuống vịnh và lên tàu ra nước ngoài cùng cha. Grace thích đứng trên cầu tàu, để mặc cho gió biển đùa nghịch mái tóc dài dày dặn. Cô thường giả vờ mình là một thuyền trưởng, hô vang mệnh lệnh với thủy thủ khi con tàu chồm lên những con sóng cuồn cuộn. Có lẽ cũng chính bởi đó, cuộc đời cướp biển của bà bắt đầu rất sớm.
Grace O’Malley rất thích ra khơi trên những con tàu nhưng vì là con gái nên không phải lúc nào cha của Grace O’Malley cũng đồng ý.
Hậm hực vì không được bố cho đi cùng trong một chuyến ra khơi, Grace cắt xoẹt mái tóc dài, mặc quần áo đàn ông để chứng minh cho bố thấy mình có thể là một thủy thủ cừ khôi. Bà được đặt ngay cho tên mới “Granuaile” - nghĩa là “hói đầu”.
Khi đã thuyết phục được bố và trở thành thủy thủ, bà ngay lập tức thể hiện tài năng của mình khi dũng cảm cứu bố thoát khỏi vòng vây của quân địch. Từ đó, bà được tin tưởng và cảm phục rất mực vì tài trí và sự dũng cảm hiếm có của một người phụ nữ.
Vào năm 16 tuổi, khi còn là một thiếu nữ, Grace O’Malley đã kết hôn và có ba đứa con: hai con trai Owen và Murrough cùng cô con gái Margaret.
Nguyên nhân là để giữ tục lệ của thời đó, ông Owen O'Malley đã sắp xếp một cuộc hôn nhân giữa cô con gái độc nhất của mình và con trai một tù trưởng bộ tộc láng giềng. Cuộc hôn nhân này mang động cơ chính trị, nhằm tăng cường liên minh quyền lực giữa ông Owen và tù trưởng thông gia. Cuộc hôn nhân này không hề hạnh phúc với Grace.
Donal là một gã vô trách nhiệm và liều lĩnh, tính khí nóng nảy. Donal rất hiếu chiến và thất bại khi định chiếm đất của bộ tộc Joyce. Bị chọc tức, bộ tộc Joyce tìm cách trả thù Donal và tấn công vào lâu đài Cork của Donal. Dù bị tấn công liên tục nhưng Donal vẫn giữ được lâu đài. Tuy nhiên, bộ tộc Joyce vẫn ngấm ngầm ôm mối hận.
Một thời gian sau, Donal đã bị ám sát bí ẩn trong một chuyến đi săn. Grace trở thành góa phụ với 3 đứa con nhỏ. Đến năm 1566, Grace O’Malley kết hôn lần hai và chuyển đến Country Mayo, nơi bà thu phục những thị tộc khác và tấn công thuyền của các thương gia xấu số vô tình đi qua. Khi người Anh xuất hiện, bà tập trung vào việc chống trả người Anh và tiếp tục hoạt động cướp biển.
Sau một cuộc đột kích bất ngờ ở Limerick vào năm 1577, bà cùng người chồng thứ hai bị bắt và kết án tù 18 tháng. Bà lần nữa trở thành góa phụ khi người chồng thứ hai chết tại nhà tù.
Theo quy định của luật pháp Ireland, Grace không được thừa kế bất kì tài sản nào của ông chồng quá cố. Gạt qua nỗi đau, bà một mình chèo chống “sự nghiệp” bằng việc thu “phí sử dụng mặt nước” đối với tàu bè qua lại khu vực của bà.
Điều này gặp phải sự phản đối của thị trưởng Richard Bingham, người đã từng có thù oán với Grace O’Malley trước đó. Bingham hạ lệnh giết con trai của Grace. Đau khổ, giận dữ, bà đến gặp Nữ hoàng Elizabeth xin thỉnh cầu.
Bà cầu xin nữ hoàng ra lệnh trả tự do cho hạm đội tàu của bà. Để đổi lại, bà đồng ý đem quân chiến đấu chống lại kẻ thù của nữ hoàng. Nữ hoàng Elizabeth đồng ý điều này và Grace O’Malley đã trở thành trợ thủ đắc lực của nữ hoàng. Grace đã kết thúc “sự nghiệp” cướp biển của mình một cách mãn nguyện vào năm 65 tuổi.
- Hùng Hoàng