Lưu ý khi truyền dịch
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Bệnh viện đã phải cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhi gặp tai biến do cha mẹ tự truyền dịch để hạ sốt do... sốt ruột. Trong khi, ngay cả khi sốt cao, mất nước, mà vẫn ăn uống được thì truyền dịch không tốt hơn là mấy so với việc bù nước qua đường uống. "Việc truyền cho trẻ một chai Gglucose 5% chỉ tương đương với việc cho trẻ uống dung dịch với tỉ lệ 5g đường/100 ml nước lọc, tức là bằng gần một thìa cà phê đường.
Hay truyền một chai dung dịch muối 0,9% cũng chỉ như... uống một bát canh nhạt", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết. "Chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước như những bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp… hoặc trong trường hợp người bệnh không thể ăn, uống được. Những bệnh nhẹ không nên truyền dịch, nhất là với trẻ em", bác sỹ Dũng khuyến cáo.
Truyền dịch chỉ được áp dụng cho những trường hợp sau:
1. Bệnh nhân mất nước cấp tính mà không thể bù được lượng dịch đã mất bằng con đường uống. Những trường hợp này là bệnh nhân bị tiêu chảy cấp (tả, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn…); bệnh nhân nôn nhiều, bệnh nhân bị bỏng nặng, bệnh nhân sốt cao mất nước, bệnh nhân bị hẹp môn vị không ăn uống được…
2. Bệnh nhân ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân không thể ăn trong những ngày đầu sau phẫu thuật ống tiêu hóa (như cắt dạ dày, cắt đoạn ruột…), bệnh nhân cần một lượng calo lớn mà chế độ ăn qua đường tiêu hóa không cung cấp đầy đủ hoặc những bệnh nhân cần một chế độ ăn đặc biệt phải cung cấp qua những loại dịch truyền tĩnh mạch để nuôi dưỡng.
3. Những bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, viêm phúc mạc, bệnh lý ung thư, suy tim, cơn tăng huyết áp cấp cứu… sẽ được chỉ định truyền dịch có pha thuốc để điều trị như pha thuốc truyền các loại kháng sinh, hóa chất điều trị ung thư, các thuốc trợ tim, nâng huyết áp…
Những bệnh nhân sau nên cẩn thận khi truyền dịch:
1. Bệnh nhân lớn tuổi, có độ lọc thận yếu, bệnh nhân tim mạch hay có bệnh lý về não khi truyền dịch chứa chất điện giải.
2. Trẻ bị sốt không được truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não.
3. Bệnh nhi viêm phổi không nên truyền dịch vì dịch truyền làm tăng gánh nặng cho phổi, tim. Bệnh nhi viêm não, viêm màng não, cơ chế chọn dịch truyền phải theo địa chỉ của bác sĩ.