Đời sống) - Với sự dàn xếp của Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, tháng 6/2007, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã vay bằng cách phát hành 600 triệu USD trái phiếu với kỳ hạn 8 năm.
[links()]
Liên quan tới khoản nợ của Vinashin, ngày 16/3, TS. Nguyễn Quang A đã có bài viết chia sẻ ý kiến trên Dân Việt, theo ông, vì Vinashin là tập đoàn kinh tế nhà nước nên một số chủ nợ đã đòi Chính phủ Việt Nam trả thay.
Bài viết của TS Nguyễn Quang A nêu rõ, theo thỏa thuận đến tháng 12/2010, Vinashin phải trả một phần gốc 600 triệu USD cho các chủ nợ. Vinashin đã không trả được phần gốc này và 2 khoản tương tự vào đầu năm 2011, tổng cộng là 180 triệu USD.
Nợ Vinashin biến thành nợ Chính phủ. |
Khi không trả được nợ Vinashin lâm vào tình trạng phá sản. Do các khoản vay này không được bảo đảm (không được Chính phủ bảo lãnh, không được thế chấp bằng tài sản của Vinashin) nên nếu Vinashin phá sản và phải thanh lý mọi tài sản để trả nợ, thì các chủ nợ trái phiếu này có ưu tiên cuối cùng, và như thế các chủ nợ có khả năng mất trắng hoặc chỉ thu được một phần nhỏ của món nợ.
Vì thế sau sự kiện không trả được 180 triệu USD gốc và 23 triệu tiền lãi vào cuối 2010 và đầu 2011, giá trái phiếu Vinashin trên thị trường đã sụt đáng kể. Đã có chủ nợ bán tháo trái phiếu Vinashin cho người khác. Tháng 4/2011 Vinashin mong đợi các chủ nợ giảm cho 90% khoản nợ, tức là chỉ trả 10%, cho thấy giá trái phiếu lúc đó có thể đã rất thấp.
Vì Vinashin là tập đoàn kinh tế nhà nước nên một số chủ nợ đã đòi Chính phủ Việt Nam trả thay, thậm chí có chủ nợ mới, như Quỹ Đầu cơ Elliott Advisors LP đã tiến hành kiện Vinashin ra trước tòa án Anh. Kiện cáo tiếp tục, tàu của Vinashin dù đã chuyển cho Vinaline vẫn bị giữ ở nước ngoài. Vinashin tìm cách đàm phán với các chủ nợ để tái cơ cấu lại khoản nợ 600 triệu USD này từ nhiều tháng nay.
Theo tin được công bố ngày 13/3/2013, Vinashin đã thỏa thuận được với 51% số chủ nợ, những người nắm giữ 75% tổng số nợ, về cách tái cơ cấu khoản nợ này. Theo đó Vinashin sẽ phát hành 623 triệu USD trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh với kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm, không trả lãi và gốc hàng năm mà trả một lần cả gốc và lãi khi đáo hạn. Nói cách khác sau 12 năm Vinashin (hoặc nếu Vinashin không trả được thì Chính phủ) phải trả tổng cộng 697,76 triệu USD cho những người nắm giữ trái phiếu Vinashin này.
Như vậy, món nợ khủng của Vinashin có khả năng được giải quyết với sự bảo lãnh của Chính phủ.
Còn nhớ hồi tháng 10/2011, ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã khẳng định, Việt Nam không tính nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào nợ công vì muốn cho các doanh nghiệp này phải bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
"Nhà nước không bao cấp, không trả nợ thay cho DNNN, vì thế các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN không tính vào nợ công”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông Đô.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất toàn Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước năm 2012 được công bố hồi đầu tháng 1/2013, công nợ, tổng nợ phải trả của các đơn vị này là hơn 1,33 triệu tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia đã tỏ ra ngạc nhiên trước con số các tập đoàn, tổng công ty đang vay trên 1,33 triệu tỉ đồng, bởi nó tương đương 60 tỉ USD, chiếm 44% GDP năm 2012.
Trả lời trên Tuổi trẻ, TS. Vũ Quang Việt cho rằng, nợ trong nước và ngoài nước của doanh nghiệp nhà nước đã lên đến 50,1% GDP, số nợ này được Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì phải cộng vào số nợ quốc gia. Nếu như vậy thì nợ quốc gia đã lên đến 106% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP được Ngân hàng Thế Giới khuyến nghị.
“Như thế, về nguyên tắc, nếu tập đoàn thua lỗ, không có khả năng trả nợ thì Nhà nước sẽ phải dùng tiền thuế của dân để trả thay”, TS. Việt nhận định.
Nếu tính theo số liệu cộng dồn của TS. Vũ Quang Việt, thì bình quân mỗi người Việt phải gánh khoảng 1,5 nghìn USD nợ công, chứ không dừng ở con số 790 USD như hiện nay nữa.
- P.V (tổng hợp)