(Phunutoday) - Cả tháng nay, Liên và chồng liên tục khục khoặc. Có lúc cô chỉ muốn đạp tung cánh cửa phòng ngột ngạt, đạp tung sự giận dữ ra bên ngoài khung cửa sổ. Sự giận dữ bóp nghẹt nụ cười của Liên. Cô ước, giá như mình đủ dũng cảm để gạt phăng mọi mệt nhọc, căng thẳng, chán trường giam hãm trong tâm trí. Cô cũng biết Dũng – chồng cô chung cảm xúc tương tự.
8 tháng cùng nhau tìm lại nụ cười cho con gái, những thói quen ngày xưa từng khiến họ rung động về nhau thức dậy, lúc này Dũng và Liên mới nhận ra rằng món quà tuyệt vời nhất chính là đây. (Ảnh minh họa) |
Con đường dẫn đến hôn nhân không nhất thiết phải bắt nguồn từ tình yêu và duy trì nó đôi khi bằng sự cam lòng, chịu đựng. Không phải là sự ngại thay đổi hay sợ hãi về một tương lai mờ mịt, không chắc chắn ở phía trước. Mà vì cái sĩ diện ảo tưởng của lớp áo màu hồng hạnh phúc bấy lâu được người thân, bạn bè phủ lên người.
Liên và Dũng không hạnh phúc. Hôn nhân của họ kéo dài được 12 năm. Sợi dây ràng buộc duy nhất còn lại giữa hai vợ chồng là cô con gái 10 tuổi. Suy nghĩ về kết cục chia lìa xuất hiện ngày càng nhiều, quay quắt trong tâm trí cô. Nhưng vì sợ con gái bơ vơ, hoặc thiếu đi bàn tay chăm sóc của bố hoặc mẹ sẽ vô cùng tội nghiệp. Không ai có quyền tước đi niềm hạnh phúc về một gia đình trọn vẹn của những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng như con gái của anh chị. Liên và Dũng lại gắng gượng sống chung.
Sự gắng gượng ấy bắt đầu từ thói quen lãng quên dần những sở thích, quan tâm dành cho nhau. Nhu cầu tìm hiểu và chia sẻ của vợ chồng Dũng ngày càng hao mòn, tỉ lệ nghịch với túi tiền ngày càng to và rộng. Một, hai lần đầu chép miệng, ậm ừ cho qua, rồi những lần sau cứ thế tiếp diễn. Dần dần, nó kết tủa và mặc định trong sự thỏa thuận ngầm của hai vợ chồng Liên. Rằng, mỗi người có một thế giới riêng, không nên xâm phạm và không cần phải biết tới. Họ quên mất một điều, họ là vợ chồng không đơn giản là chung sống với nhau dưới một mái nhà, sẽ đi cùng nhau tới cuối đời, mà họ cần tạo dựng cho cô con gái một nền tảng thực sự vững vàng và hạnh phúc.
Trong khi Dũng mải mê kiếm tiền với những dự án hàng triệu đô kếch xù, những cuộc tiếp khách tới 2, 3 giờ sáng và trở về nhà khi chân liểng xiểng, người sực hơi men, thì Liên mải mê với hàng đống công việc ở công ty tài chính cho quên đi nỗi cô quạnh trong ngôi biệt thự tiền tỉ. Về nhà, hai vợ chồng có khi cũng chỉ qua quýt hỏi nhau vài câu, việc ai người nấy làm như hai thế giới tách biệt.
Khoảng thời gian duy nhất vợ chồng xích lại gần nhau là lúc chăm cô con gái, hỏi han việc học hành của con. Bé Thảo vốn là một cô bé thông minh và giàu cảm xúc. Đi tới đâu bé cũng tự hào khoe với chúng bạn về cha mẹ mình “Cuối tuần nào bố mẹ cũng dẫn tớ đi picnic, vẽ tranh, đi trượt patin. Bố mẹ tớ yêu thương tớ lắm…” Nhìn nụ cười hạnh phúc long lanh như đóa hoa buổi bình minh trên gương mặt tròn trĩnh của cô con gái 14 tuổi, chị Liên quặn lòng tự nhủ: “sống trong vỏ bọc của một cặp vợ chồng hạnh phúc để con được vui vẻ cũng cam lòng”.
Quả thật, nhìn vào gia đình nhà chị, ai ai cũng thầm ước ao, ghen tỵ. Kinh tế gia đình vững chắc, vợ chồng thuận hòa, hạnh phúc, con gái ngoan ngoãn, thông minh, lanh lợi. Nhưng chẳng ai có thể hiểu những dằn vặt, tù đọng trong ngôi nhà ấy. Ngoài Dũng và Liên chẳng ai có thể hiểu những mệt mỏi mà họ đang kìm hãm, giam cầm nhau trong ngôi nhà ấy.
Liên trách Dũng quá bận rộn, mải kiếm tiền mà quên mất vợ con. Dũng nghiệt ngã trách vợ không biết cảm thông vất vả của chồng. Trong khi anh bận rộn quá mức cần thiết. Những ngày lễ tình nhân, ngày phụ nữ Việt Nam, Quốc tế Phụ nữ, Dũng chưa bao giờ quên quà cho vợ. Và lần nào cũng vậy, luôn là những món quà xa xỉ, đắt tiền. Khi là sợi dây chuyền có mặt đính kim cương, khi là chiếc xe tay ga cao cấp, lúc khác là chiếc điện thoại đời mới nhất của Iphone.
Có đôi khi, Liên thèm thuồng, ao ước, giá như món quà chồng tặng không phải những vật phẩm giá trị ấy, mà là một bông hoa hồng khẽ nở và một chiếc ôm thật chặt cùng bữa tối đúng nghĩa với hai mẹ con. Thế mới biết, có những lúc lạnh lùng mới là cái đáy cuối cùng của đau khổ.
Sinh nhật lần thứ 36, Liên cố tình cho bé Thảo sang nhà bà nội chơi với bọn trẻ nhà chú thím. Chị công phu chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn, lãng mạn với ánh nến lung linh và những cánh hoa hồng rực rỡ bên khung cửa sổ. Lâu lắm rồi Liên và Dũng không có thời gian dành cho nhau. Chị muốn là người chủ động phá vỡ bầu không khí nặng nề trong gia đình, kéo Dũng trở về với những ngọt ngào của chị.
Điện thoại sáng đèn, tin nhắn gửi tới: “Tối nay công ty có bữa tiệc quan trọng với đối tác, anh không về được. Mẹ con em ăn trước nhé, không phải đợi anh”. Liên ném mạnh chiếc điện thoại vô tội xuống giường, chị đổ vật xuống chiếc ga hồng thơm nức như tàu lá chuối gặp bão, hai hàng nước mắt từ đôi mắt to tròn ứa ra.
Nhận một tin nhắn khác từ Hùng – một cậu em đồng nghiệp ở công ty, Liên khoác tạm chiếc áo ấm, chạy ra đường. Hùng đã chờ sẵn dưới cổng. Hùng kém Liên 6 tuổi, là đàn em trong công ty, biết Liên đã có gia đình nhưng Hùng không ngừng quan tâm, theo đuổi Liên. Chị không có bất cứ tình cảm nào với Hùng, nhưng Liên quý cậu ta ở cái sự chân thành, biết quan tâm và không bao giờ từ chối chị bất cứ điều gì.
Hùng ngạc nhiên trước phản ứng của Liên, bởi xưa nay rủ Liên đi cà phê ngoài giờ hành chính đã khó, lần này lại vào đúng dịp sinh nhật càng bất khả thi. Nhưng hôm nay, một tin nhắn chúc mừng sinh nhật ngọt ngào của Hùng gửi tới lại nhận được một lời mời mọc bát phố cùng Liên vào thời điểm này. Liên ngồi trên xe Hùng, im lặng, đôi mắt nhìn ra ngoài cửa kính, phả luồng hơi thở đọng lại trên chiếc cửa kính dày dặn. Đôi mắt chị ngân ngấn nước. Hùng lặng lẽ không nói. Anh nghe thấy từng nhịp thở đều đặn vang lên sau lồng ngực Liên.
Đêm ấy Liên trở về nhà rất muộn và cũng là lần đầu chị hôn một người đàn ông khác, không phải chồng mình. Trở về nhà, Dũng vẫn chưa đi làm về. Chị lên giường đi ngủ, mặc cho tâm trí vờn chạy theo những cảm xúc vô định. Một nụ hôn công nghiệp đặt nhẹ lên má, món quà anh đặt vào tay chị. Quà sinh nhật là một chiếc nhẫn kim cương đắt tiền, thêm một món quà xa xỉ vào bộ sưu tập quà sinh nhật kém sáng tạo ở chồng.
Chị ném mạnh hộp quà xuống đất, bao nhiêu ức nghẹn dâng lên trong ngực, Liên gào lên rằng chị không thèm khát những món quà ấy. Chị cần một bữa tối bên chồng, chỉ riêng hai vợ chồng, nhưng đó mới thực sự là điều xa xỉ trong cuộc sống của chị. Dũng không quá bận tâm, anh đáp cụt lủn “Em đi ngủ đi. Đêm khuya đừng làm ồn ào kẻo hàng xóm tỉnh giấc”. Đến xúc cảm của vợ, từ lâu Dũng đã không quá để ý.
Sự xa xôi của Dũng đều có nguyên nhân của nó. Liên chết đứng khi nhìn thấy anh tay trong tay cùng người đàn bà khác đi vào nhà nghỉ, cũng là hôm Liên qua đêm với Hùng.
Trước mặt con gái, vợ chồng Liên vẫn ngọt nhạt âu yếm nhau, nhưng cả hai đều cảm nhận rõ sự mục rỗng, trơ lỳ trong đó. Họ vẫn dẫn con gái đi chơi vào những dịp cuối tuần, vẫn trở thành niềm tự hào vô bờ bến của bé Thảo. Nhưng cuộc cãi vã dữ dội sau tấm cửa phòng không che nổi mắt cô con gái. Con bé đứng ngoài và đã nghe được tất cả cuộc đối đáp kịch liệt của hai bố mẹ. Như bao cuộc cãi vã có mùi vị tri thức, không gằn tiếng, nảy lửa, nhưng thừa chì chiết, xỉa xói xoáy sâu vào nỗi nhục nhã.
Con gái Liên mở cửa phòng, ánh mắt nó ngơ ngác không tin vào sự thật vừa được nghe. Cả bố và mẹ đều có người tình ở bên ngoài. Cái vỏ bọc về một gia đình hạnh phúc, yên ấm hóa ra chỉ là những thứ ngụy tạo. Bố mẹ muốn ly hôn từ lâu nhưng vì Thảo nên họ cố vá víu lại tình cảm.
Thảo bỏ chạy về phòng. Cô bé 14 tuổi khóa chặt cửa, mặc tiếng gọi, tiếng khóc của mẹ vọng qua cánh cửa. Sự thật đã được phơi bày. Chẳng có bất cứ thứ gì cần che đậy. Từ một đứa trẻ năng nổ, hoạt bát, ưa hoạt động, Thảo trở thành một cô bé lầm lì, ít nói, thường quanh quẩn góc phòng làm bạn cùng mấy đồ vật nhồi bông.
Liên đi làm về, gọi mãi không thấy tiếng trả lời của Thảo. Chị chạy vào phòng, chết đứng khi nhìn thấy con gái nằm sõng soài trên nền đất, toàn thân mềm oặt như cọng bún. Bác sĩ kết luận Thảo bị suy nhược cơ thể ở cấp độ nặng, và cháu rơi vào trạng thái trầm cảm do u uất vì phải trải qua một cơn biến động tinh thần nào đó rất khủng khiếp.
Vợ chồng Thảo chỉ có một cô con gái duy nhất. Họ nghĩ chỉ cần kiếm thật nhiều tiền, mua cho con những món quà đắt đỏ nhất. Nhưng có một điều thiết thực nhất, quan trọng nhất thì họ không làm được, đó là yêu thương thành thực. Thảo nhập viện, điều trị lâu dài. Nhìn cô con gái tỏ ra e dè, sợ hãi mỗi khi có các cô chú ở công ty tới thăm, vợ chồng Dũng chỉ biết gạt thầm nước mắt. Nhìn cô con gái mang gương mặt rầu rĩ, thất thần, chẳng giống bé Thảo trước đây của anh chị, vợ chồng Liên sực tỉnh nhận ra sự ích kỷ của bản thân. Họ đã đeo một chiếc mặt nạ quá dày, quá lớn ngụy trang cho chính mình, ngay cả việc yêu thương thành thật hoặc sống đúng với cảm xúc của mình cũng không dám.
Lời xin lỗi đôi khi không cần phải thốt ra bằng lời. Dũng và Liên cùng chăm sóc cô con gái, dẫn con gái đi chơi, hòa nhập lại với bè bạn, sống vô tư, hồn nhiên đúng như lứa tuổi con phải có. 8 tháng cùng nhau tìm lại nụ cười cho con gái, những thói quen ngày xưa từng khiến họ rung động về nhau thức dậy, lúc này Dũng và Liên mới nhận ra rằng món quà tuyệt vời nhất chính là đây. Thảo dần bình phục. Qua cơn sóng gió này, họ đã biết đâu mới là điều quan trọng và thiêng liêng nhất đối với những người làm cha mẹ.
- Ngô Kim