Nội lực Thủ đô suy yếu khiến thanh lịch HN suy đồi

06:20, Thứ tư 11/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Như thế vấn đề không phải là “tỉnh lẻ” hay “ngoại tỉnh” mà vấn đề là chính cái nội lực của Thủ đô bị suy yếu mà ở đây trách nhiệm của cơ quan quản lý, bộ máy quản lý là quan trọng hơn hết.

"Ta còn nhớ đến một thói quen mang từ môi trường “nhà quê” lên thị thành là “đái bậy” trở thành một hiện tượng rất dễ nhận thấy của sự trì trệ trong quá trình chuyển đổi từ văn hoá nông thôn lên văn hoá đô thị..." - Nhà sử học Dương Trung Quốc.
[links()]

Tôi có theo dõi cuộc trao đổi liên quan đến ý kiến cho rằng những gì mà chúng ta đang bức xúc về văn hoá Thủ đô (xuống cấp) bắt nguồn từ hiện tượng “người ngoại tỉnh”, hay “người tỉnh lẻ” đem đến, khiến cho  truyền thống tốt đẹp “thanh lịch của người Tràng An” không còn nữa ?!

Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vào độ tuổi đã ngoại lục tuần lại có một chút liên quan đến nghề nghiệp, tôi muốn nói đôi điều về nhận thức của mình.

cho đến nay, Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn ở nước ta vẫn chưa có cơ chế quản lý bởi một chính quyền đô thị, cư dân nông thôn nhập vào thành phố là xu thế phổ biến nhưng đã không tư thay đổi theo chiều hướng “đô thị hoá” mà lại cố ý duy trì nó như một giá trị truyền thống mà đáng tiếc lại diễn ra ngay ở bộ phần tầng lớp trên nên cái chất đô thị không tạo thành một căn cốt cho văn hoá Thủ đô.
"Cho đến nay, Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn ở nước ta vẫn chưa có cơ chế quản lý bởi một chính quyền đô thị, cư dân nông thôn nhập vào thành phố là xu thế phổ biến nhưng đã không tự thay đổi theo chiều hướng “đô thị hoá” mà lại cố ý duy trì nó như một giá trị truyền thống mà đáng tiếc lại diễn ra ngay ở bộ phần tầng lớp trên nên cái chất đô thị không tạo thành một căn cốt cho văn hoá Thủ đô..." - Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Chỉ vin vào câu ca "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" thì chưa đủ

Thủ đô, trước hết là một đô thị, nói cách khác nó là không gian sống và trên cơ sở đó tạo dựng những mối quan hệ trong cộng đồng cư dân đô thị khác hoàn toàn với không gian truyền thống là các làng xã hay công xã, nơi duy trì những lối sống cùng với cơ chế tổ chức xã hội tồn tại đã lâu đời trở thành những tập tục bền vững (bao gồm cả những giá trị tốt đẹp lẫn yếu tố bảo thủ) và phù hợp với của độ quân chủ của một nhà nước duy trì trong thời kỳ lịch sử lâu dài, thời trung thế kỷ.

Đặc trưng phổ quát của đô thị, là tách rời với cư dân và nền tảng kinh tế nông nghiệp. Đặc trưng đô thị trước hết gắn với kinh tế phi nông nghiệp và đặc biệt là thương mại của một cơ cấu cư dân thoát ly khỏi nông nghiệp và tập hợp từ nhiều nguồn gốc địa lý khác nhau nà ta hay gọi là dân “tứ chiếng”.

Cùng với thời gian, các đô thị phát triển tạo ra những đặc trưng truyền thống riêng, thường gắn với các yếu tố địa lý và kinh tế. Văn hoá đô thị cũng hình thành từ đó, thể hiện trong ứng xử của con người với thiên nhiên và các giá trị truyền thống cũng như những ứng xử giữa con người với con người.

Trở thành kinh đô, nơi đặt đầu não chính trị, văn hoá và kinh tế của một quốc gia, đương nhiên đô thị ấy có những nét đặc thù tương xứng. Cơ cấu cư dân, thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế và cùng với nó là văn hoá kinh đô cũng phải phát triển ở quy mô và đẳng cấp tương xứng.

Đô thị nước ta cũng như kinh đô của các quốc gia quân chủ Việt Nam mang đặc thù của đô thị phương Đông, hơn nữa gắn với nền kinh tế tiểu nông và dấu ấn sâu đậm của đời sống làng xã nên nó cũng có phần khác biệt, không những đối với mô hình các đô thị (tạm gọi là kinh điển) của phương Tây và đô thị của xã hội hiện đại.

Thăng Long là kinh đô Đại Việt từ cách đây hơn một ngàn năm khi Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư. Nó có kế thừa phần nào đô thị Đại La được người Hán thiết lập làm lỵ sở cho chế độ cai trị của phương Bắc.

Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê nó đã phát triển, tạo dựng nền Văn hiến và chắc chắn đã tạo ra những giá trị truyền thống của vùng đất kinh đô mà người ta thường mượn câu ca cổ mà có phần diễn đạt “khó hiểu”: “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để khái quát cái giá trị ấy.

“Tràng An” có người cho rằng đó là dấu ấn dời đô từ cố đô Hoa Lư của hai nhà Đinh và (Tiền) Lê nơi có địa danh “Trường Yên”; cũng có người cho rằng “Tràng An” là cách ví von mang tính so sánh với “Trường An” kinh đô thời nhà Đường thời hưng thịnh...

Không bàn đến cách diễn đạt có thể gây phản cảm của câu ca này khiến chúng ta liên tưởng đến một lập luận y tựa như “chẳng cần văn hoá, chỉ cần có hộ khẩu ở Hà Nội là đã trở thành “người Hà Nội” rồi”!   

Nhưng cần phải nói rằng những hiểu biết của chúng ta về văn hoá kinh đô Thăng Long cho đến nay còn rất ít ỏi. Dấu tích vật chất của kinh thành đã mất mát nhiều, những di sản thư tịch cũng bị thất lạc nhiều, những gương mặt tiêu biểu của dân kinh kỳ xưa cũng có nhưng sơ sài...

Tất cả khiến cho những hiểu biết về đời sống, tính cách “người Thăng Long” xưa rất mơ hồ mà chỉ vin vào câu ca trên thì cũng rất ít căn cứ!

Từ đầu thế kỷ XIX, Kinh đô nước ta (Việt Nam và Đại Nam) rời vào Huế. Người ta chứng kiến sự tàn tạ của Thăng Long-Hà Nội thời Nguyễn, có thể đúc lại trong câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan “Dấu xưa xe ngựa...”. Và những mô tả của người Pháp đầu tiên đến Hà Nội càng cho thấy phần nào của sự tàn tạ ấy...

s
"Vấn đề không phải là “tỉnh lẻ” hay “ngoại tỉnh” mà vấn đề là chính cái nội lực của Thủ đô bị suy yếu mà ở đây trách nhiệm của cơ quan quản lý, bộ máy quản lý là quan trọng hơn hết. Nếu nội lực mạnh thì chính yếu tố “tứ chiếng” lại là sự bổ sung, đóng góp vào những sắc thái phong phú và đặc sắc của Văn hoá Hà Nội; cũng như vậy đối với sự tiếp nhận văn hóa của thiên hạ (hội nhập quốc tế)"...

Vì thế, không thể không nói đến một cái mốc mở ra một sự thay đổi rất căn bản, về chất của tỉnh thành Hà Nội (thời Nguyễn) khi phần cốt lõi nhất (tương ứng với không gian của thành và thị Thăng Long xưa được Vua Đồng Khánh chuyển giao cho Pháp (cùng với Hải Phòng và Tourane - Đà Nẵng) vào năm 1888. Và ngay sau đó, các lãnh thổ nhượng địa này được đích thân Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập “thành phố” theo chuẩn mực của chính quốc.

Kể từ thời điểm đó, một đô thị theo chuẩn mực hiện đại kiểu phương Tây ra đời. Cho đến Mùa Thu năm 1945, thành phố thuộc địa Hà Nội đã tồn tại được 57 năm (1888-1945) trước khi Hà Nội trở lại với vị thế là một Thủ đô của nước Việt Nam Độc lập.

Theo thiển nghĩ của tôi, cái “chất Hà Nội” thường được khái quát thành những ý niệm về sự thanh lịch, hào hoa, phong nhã v.v... có lẽ được hình thành trong thời kỳ này tạo ra một chuẩn mực để chúng ta so sánh với ngày nay chăng.

Trong hơn một thế kỷ trở thành một đô thị thuộc địa, cái thuộc tính “thuộc địa” nằm trong thiết chế chính trị và bộ cai trị của chính quyền thực dân ngoại bang thì đương nhiên chúng ta lên án. Nhưng một cách khách quan, cái thiết chế đô thị hiện địa kiểu phương Tây, bộ máy quản lý đô thị, các yếu tố văn hoá và văn mình của phương Tây nói chung, của nước Pháp nói riêng thể hiện trong một số lĩnh vực đời sống trong đó có văn hoặc nghệ thuật, kể cả lối sống... đã làm thay đổi khá căn bản bộ mặt đô thị của Hà Nội theo chiều hướng tiến bộ.

Trong khi đó, ở một bộ phận quan trọng của cư dân đô thị, nhất là ở các tầng lớp trên cũng như đời sống thị dân Hà Nội vẫn giữ được cốt cách, một số giá trị truyền thống, cũng như sự liên hệ với các làng xã với tâm cảnh như sự thể hiện tinh thần dân tộc, chống sự lai căng cực đoan... đã tạo nên một lối sống văn hoá khá đặc sắc tạo nên cả một tầng lớp cư dân khá tiêu biểu, mà trên nhiều lĩnh vực nhất là văn hoá nghệ thuật và tinh thần cách mạng rất đặc sắc, có thể gọi là Thế hệ Vàng. Cái câu ca ta vẫn coi là cổ khi nói đến cái phẩm chất “thanh lịch” có lẽ muốn nói đến thế hệ này...

Như thế có hai nội hàm tạo nên giá trị về cốt cách văn hoá Hà Nội, một là Văn hoá đô thị, hai là Văn hoá Dân tộc.

Nội lực yếu khiến sự 'thanh lịch' của Hà Nội suy đồi

Liên hệ đến những gì đang diễn ra ngày hôm nay, ta thấy 2 yếu tố văn hoá trên lại chính là hai yếu tố bị mai một và xâm hại nhiều nhất. Cũng phải nói rằng, chúng ta không khôi phục lại cái cũ một cách nguyên vẹn mà nó phải phù hợp với những trào lưu của sự thay đổi phù hợp với cả sự tiến bộ và hội nhập.

Cái bị huỷ hoại nhiều nhất kể từ khi chiến tranh bùng nổ rất sớm (cuối 1946) không chỉ là sự tàn phá củạ chiến tranh mà sự mai một của văn hoá đô thị do tác động của xu hướng nông thôn hoá và dung tục hoá.

Chỉ nói rằng cho đến nay, Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn ở nước ta vẫn chưa có cơ chế quản lý bởi một chính quyền đô thị, cư dân nông thôn nhập vào thành phố là xu thế phổ biến nhưng đã không tự thay đổi theo chiều hướng “đô thị hoá” mà lại cố ý duy trì nó như một giá trị truyền thống mà đáng tiếc lại diễn ra ngay ở bộ phần tầng lớp trên nên cái chất đô thị không tạo thành một căn cốt cho văn hoá Thủ đô.

Ta còn nhớ đến một thói quen mang từ môi trường “nhà quê” lên thị thành là “đái bậy” trở thành một hiện tượng rất dễ nhận thấy của sự trì trệ trong quá trình chuyển đổi từ văn hoá nông thôn lên văn hoá đô thị...

Đáng tiếc là hơn nửa thế kỷ đô thị thuộc địa đã tạo dựng được một nền tảng văn hoá đô thị (tổ chức quản lý đô thị, hệ thống luật lệ, thói quen và những tập quán mới của tầng lớp thị dân (từ bình dân đến thượng lưu) thì đến nay đã mai một ...

Ở một lĩnh vực khác thì quá trình hiện đại hoá và hội nhập với thế giới diễn ra một cách mạnh mẽ nhưng lại không có được cái nền tảng của sự tiếp nhận như thế hệ trước đây là một nền học vấn khá căn bản, một tinh thần dân tộc còn sức sống khao khát trong hoàn cảnh mất nước, thay thế bằng một xu thế nặng học đòi, dễ lai căng không có nền tảng văn hoá để tiếp thu cùng với những lợi ích thực dụng nên sự suy đồi dễ nhận diện hơn là sự trưởng thành của nền Văn hoá Hà Nội.

Trở lại với cái nhân tố “tỉnh lẻ” hay “ngoại tỉnh”, “tứ chiếng” là một lẽ đương nhiên cho sự hình thành mọi đô thị. Nhưng chính cái “nội lực” không có (văn hoá đô thị và tính cách dân tộc) yếu khiến cho cái hiện tượng tất yếu của sự thay đổi thành phần dân cư không đưa đến chiều hướng bổ sung tích cực mà là phát huy tính tiêu cực của nó biểu hiện bằng sự suy đồi những giá trị tốt đẹp vốn có mà ta tạm dùng ý niệm về sự “thanh lịch” của Hà Nội.

Như thế vấn đề không phải là “tỉnh lẻ” hay “ngoại tỉnh” mà vấn đề là chính cái nội lực của Thủ đô bị suy yếu mà ở đây trách nhiệm của cơ quan quản lý, bộ máy quản lý là quan trọng hơn hết. Nếu nội lực mạnh thì chính yếu tố “tứ chiếng” lại là sự bổ sung, đóng góp vào những sắc thái phong phú và đặc sắc của Văn hoá Hà Nội; cũng như vậy đối với sự tiếp nhận văn hóa của thiên hạ (hội nhập quốc tế).

Để trở thành “người Hà Nội” thì cư dân sống ở Hà Nội phải có ý thức phấn đấu và đóng góp chứ không phải tự nhiên mà có cho dù xuất xứ của mỗi người đều có thể có từ những nguồn gốc rất xa nhau.

Và đứng từ phía quản lý nhà nước, nhất thiết phải xây dựng văn hoá (văn minh) đô thị là yếu cố hàng đầu cùng với sự tìm tòi những giá trị truyền thống hài hoà với xu thế phát triển hiện đại mới mong tạo dựng được sự “thanh lịch” của Hà Nội ở thế kỷ XXI.

Ai làm Hà Nội xấu bẩn?
  • Dương Trung Quốc
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc