Nông dân dọa uống thuốc độc đòi nợ đại gia Diệu Hiền

08:00, Thứ sáu 17/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Đúng nửa tháng qua hàng chục nông dân miền Tây đến vây cổng biệt thự của nữ đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền. Trong hàng loạt cách để đòi nợ, có nông dân đã nghĩ đến chai thuốc độc để “hai bên cùng chết”.

Đúng nửa tháng qua hàng chục nông dân miền Tây đến vây cổng biệt thự của nữ đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền. Trong hàng loạt cách để đòi nợ, có nông dân đã nghĩ đến chai thuốc độc để “hai bên cùng chết”.

 

[links()]

Không đòi được nợ thì mạng đổi mạng

Thấy chồng móc từ túi quần chai thuốc trừ sâu hiệu Decis đặt trên bàn, vợ ông Trần Văn Hớn (57 tuổi) ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) bảo rằng nếu đến đường cùng, tức không đòi được nợ của Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) thì bà với chồng con uống thuốc độc tự tử.

Tuy nhiên, người phụ nữ này dọa rằng: “Một mạng đổi một mạng với gia đình ông Trí, bà Hiền. Có chết thì hai bên chết chung chớ không thể để vợ chồng ông Trí - bà Hiền lừa gạt mãi”.

Ngày 15/8 là đúng nửa tháng vợ chồng ông Hớn cùng hai con trai và hàng chục công nhân vây cổng biệt thự nữ đại gia Diệu Hiền. Theo ông Hớn, cả gia sản của ông trị giá khoảng 4 tỷ đồng nhưng hiện nay gia đình nợ trên 20 tỷ đồng.

Ông Hớn với chai thuốc độc trên tay
Ông Hớn với chai thuốc độc trên tay. Ảnh: VNE

Người đàn ông vốn “hiền như cục đất” trải lòng, ngoài số cá tra của gia đình nuôi hơn một năm trước, bà Diệu Hiền còn nhờ vợ con ông mua cá của hàng chục nông dân để đưa về nhà máy thủy sản Bình An nhưng sau khi giao cá không thấy Công ty Bình An trả tiền.

Đây là nguyên nhân cả nhà ông lâm vào cảnh nợ nần phải bán hết đất đai, xe du lịch trả nợ để giữ chữ tín nên gia đình hiện nay lâm vào cảnh khốn cùng.

Theo ông Hớn, hơn hai tuần nay vợ chồng ông vừa đòi nợ vừa đi trốn nợ bởi nếu về quê thì bị chủ nợ đòi tiền, dọa giết. Vì không chịu nổi áp lực của các chủ nợ, có lần vợ ông bị phù mạch máu não phải nhập viện cấp cứu.

“Bị Công ty Bình An chiếm dụng vốn nên bây giờ muốn nuôi cá trở lại cũng không có tiền vì ngân hàng ngưng cho gia đình tôi vay. Nợ cũ có lúc phải đóng lãi đến 21% một năm. Không có tiền trả nợ nên ngân hàng phạt lãi lên đến 150%.

Vài ngày trước ông Trần Văn Trí (Tổng giám đốc Bình An) hứa với ông Ba Chiến nếu cuối tháng này không có tiền trả sẽ giao nhà máy cho dân tiếp quản. Nói như vậy là trái pháp luật vì nhà máy hiện nay đã cầm cố cho ngân hàng thì không thể giao cho dân. Người nuôi cá hiện nay cần tiền chứ không cần nhà máy”, ông Hớn bức xúc.

Cũng rơi vào hoàn cảnh như gia đình ông Hớn, anh Trần Huy Bình tuyên bố nếu Công ty Bình An không trả nợ thì sẽ bật nắp chai thuốc trừ sâu cho cả nhà cùng chết.

Là chỗ thân tình, có quen biết qua lại đã lâu với vợ chồng bà Diệu Hiền, gia đình anh Bình cho công ty của bà Hiền vay khoảng 21 tỷ đồng. Ngày 1/6 vừa qua, sau những áp lực rất lớn từ phía nông dân, dư luận báo chí… ông Trí đã đứng ra chi trả 200 triệu đồng nợ cho gia đình anh. Số tiền này thậm chí không đủ để anh đóng lãi vay hàng tháng vì tổng vốn lẫn lãi vay của gia đình anh đã tròm trèm 30 tỷ đồng.

Lấy được 2 tỷ nhờ quan hệ

Bà Huỳnh Thị Ngộ (Bảy Ngộ, ở Ninh Kiều, Cần Thơ) bị Công ty Bình An nợ đến khoảng 38 tỷ đồng. Hiện bà Bảy Ngộ được coi là chủ nợ lớn nhất của Công ty Bình An.

Theo lời bà Ngộ, khoảng hai tháng trước vợ chồng bà làm dữ, đến tận nhà riêng, gây áp lực bằng các mối quan hệ, vợ chồng ông Trí mới trả 2 tỷ đồng rồi hẹn lần hẹn lữa đến nay mà chẳng thấy trả thêm được đồng nào.

Chính vì bị ông Trí “hứa lèo”, bà Ngộ đã cùng nhiều chủ nợ khác “cắm trại” trước cổng biệt thự của vợ chồng ông Trí để đòi tiền với tuyên bố “không đòi được nợ sẽ không về”.

Cắm trại, phóng loa đòi tiền

Đây không phải là lần đầu tiên cổng biệt thự của nữ đại gia Diệu Hiền bị “bao vây”. Trước đám cưới của thiếu gia Trần Văn Chương hai ngày, ngày 18/2 có hàng chục người căng băng rôn đòi nợ.

Lúc đó bà Diệu Hiền còn làm Tổng giám đốc Bình An đã điện thoại từ TP.HCM về cho nông dân Nguyễn Văn Liền (ở Thốt Nốt, Cần Thơ) để năn nỉ, hứa trả tiền nhưng một mặt cũng thông tin đến công an địa phương mời người căng băng rôn là con trai ông Liền về trụ sở công an phường lập biên bản.

Thế nhưng một tuần sau bà Hiền đã âm thầm bay sang Mỹ để lại món nợ lớn. Lúc này nông dân và các đối tác không biết phải đòi tiền ai vì trên giấy tờ, bà Hiền vẫn là đại diện theo pháp luật của Công ty Bình An.

Để lấy được tiền, hàng chục nông dân gây áp lực đối với Bình An bằng cách nộp đơn đến tòa án đề nghị mở thủ tục phá sản Công ty Bình An. Vậy là vài ngày sau ông Trí vác về một bao tiền trả cho dân một ít nợ theo kiểu “nhỏ giọt”.

 Nông dân phóng loa trước cổng biệt thự bà Diệu Hiền để đòi nợ Công ty Bình An
Nông dân phóng loa trước cổng biệt thự bà Diệu Hiền để đòi nợ Công ty Bình An

Đầu tháng 5/2012, nhà máy thủy sản Bình An hoạt động trở lại, ông Trí hứa với dân là trong quá trình khôi phục sản xuất sẽ tìm mọi cách kiếm tiền trả nợ nông dân. Thế như kỳ hẹn vào ngày 20/6 đã làm người nuôi cá thất vọng vì không ai lấy được đồng nào. Sau đó, ông Trí hẹn trả tiền vào ngày 30/6 rồi 4/7, 10/7, 18/7... nhưng tất cả đều trở thành lời hứa suông dù có thông báo ký tên, đóng dấu đỏ chói.

Từ chỗ bội tín với dân, lần đòi nợ gần nhất vào đầu tháng 8 ngoài băng rôn, lều bạt được căng trước biệt thự của bà Diệu Hiền, nông dân còn phóng loa đinh tai với nội dung: “Yêu cầu trả tiền cá, không thể trốn tránh được nữa, trốn tránh là lừa đảo, Công ty Bình An lừa đảo. Ông Trí, bà Hiền đâu rồi, ra đây trả nợ cho nông dân chúng tôi, nông dân khổ quá rồi...”.

Tiếng la hét như thế lặp đi lặp lại suốt ngày trước cửa biệt thự của bà Diệu Hiền trên đường 30/4, TP Cần Thơ nhưng bên trong căn nhà vẫn im lìm, không ai phản ứng gì. Buổi trưa, nông dân dọn cơm ra vỉa hè trước căn biệt thự này để ăn dù trời mưa hay nắng. Những nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm miếng ăn giờ đây phải bỏ hết chuyện nhà để đi đòi nợ.

Kiện ra tòa

Đòi nợ mãi mà không được trả, ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai (ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ) đã kiện Công ty Bình An ra tòa. Cuối tháng 5/2012, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc Bình An phải trả nợ cho ông Liền và bà Mai số tiền hơn 18 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi).

Sau vụ ông Liền, bà Mai thắng kiện, nhiều nông dân cũng học theo kiện đòi nợ Công ty Bình An.

Dọn cơm ăn trên vĩa hè trước biệt thự đại gia thủy sản là hình ảnh lập đi lập lại suốt nửa tháng nay.
Dọn cơm ăn trên vỉa hè trước biệt thự đại gia thủy sản là hình ảnh lặp đi lặp lại suốt nửa tháng nay.

Tuy nhiên, thắng kiện chưa chắc đã đòi được nợ. Đến nay dù đã quá hạn tự nguyện thi hành án nhưng Công ty Bình An vẫn chưa chịu trả hơn 18 tỷ đồng cho ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai.

Ngày 1/8, luật sư Nguyễn Trường Thành - Trưởng văn phòng luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ) gửi văn bản đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Ô Môn đề nghị cưỡng chế thi hành án đối với Công ty Bình An để thực hiện phán quyết của tòa về việc trả nợ cho hai nông dân trên.

"Tôi đề nghị kê biên bán đấu giá Nhà máy Thủy sản Bình An đang được thế chấp cho Ngân hàng Thương mại CP Á Châu chi nhánh Cần Thơ để vay 65 tỷ đồng. Giá trị tài sản nhà máy này ước tính khoảng 200 tỷ đồng, đủ để trả ngân hàng, phần còn lại thi hành án theo phán quyết của TAND TP Cần Thơ”, ông Thành nói.

  • Hàn Sơn Đỉnh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc