Sản lượng tăng, giá giảm, bài ca muôn thuở gắn với người nông dân. 6 tháng đầu năm 2013, người nông dân càng làm càng lỗ, dù những "kỷ lục" sản lượng, xuất khẩu vẫn được ghi nhận, và ghi nhận thêm cả "kỷ lục" về giá rẻ.
Nước ta hiện có khoảng 70% dân số là nông dân, nguồn thu nhập chính vẫn là từ sản xuất nông - lâm nghiệp. Sản lượng nông sản liên tục tăng trong các năm qua, và trong 6 tháng đầu năm 2013 những mặt hàng nông sản chiến lược như gạo, cao su, hạt tiêu, hạt điều… tiếp tục được mùa, nhưng cùng với đó là điệp khúc mất giá. Người nông dân đang phải đối mặt với lựa chọn càng làm càng lỗ.
3kg lúa không bằng 1kg ốc bươu vàng
VN là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới (sau Ấn Độ), tuy nhiên giá gạo lại thuộc hàng rẻ nhất thế giới. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 5 tháng đầu năm 2013, giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ 445 USD/tấn, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lúa giảm, chuyên gia đề xuất nên bỏ một vụ lúa. Ảnh: DV. |
Giá gạo VN loại 5% tấm tuần qua tăng lên mức 370 USD/tấn (trước đó từ 360-370 USD/tấn), giá gạo 25% đứng ở mức 340-345 USD/tấn (tuần trước đó là 340 USD/tấn). Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 3,5 triệu tấn, trị giá 1,5 tỷ USD,
Trong khi đó, tuy xuất khẩu ít hơn VN, nhưng giá gạo Thái Lan lại cao hơn rất nhiều, mức chênh lệch thường từ 150-170 USD/tấn, giá gạo loại 5% tấm của Thái Lan tuần qua là 520 USD/tấn.
Hiện tại, giá lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa cả nước) chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Người nông dân nơi đây so sánh vui rằng, bán 3kg lúa chỉ được 10.000 - 12.000 đồng vẫn không bằng 1kg ốc bươu vàng (15.000 đồng/kg) - một loại ốc được xếp vào loại gây hại, từng gây dịch lớn trên cả nước, chỉ dùng làm thức ăn cho vịt.
Sau gạo là tới cà phê, khi nhiều năm qua VN là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới (sau Brazil). Năm 2012, VN gần bằng thành thích xuất khẩu cà phê của Brazil, khi xuất khẩu được 1,76 triệu tấn cà phê (Brazil là 1,8 triệu tấn). Tuy nhiên, giá trị cà phê xuất khẩu của VN chỉ bằng một nửa của nước bạn, khối lượng gần tương đương nhưng tổng giá trị cà phê VN chỉ 3,7 tỷ USD, còn Brazil là hơn 8 tỷ USD.
Khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm ước đạt 795.000 tấn, giá trị đạt trên 1,7 tỷ USD, giảm 24,2% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2012.
Giá cà phê robusta trên thị trường quốc tế trong tháng 6 đã giảm hơn 7%, do những dự báo về một niên vụ được mùa ở VN, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Việc VN xuất khẩu nhiều cà phê trong tháng 5 hơn so với dự kiến cũng được xem là một nguyên nhân gây áp lực giảm giá cho thị trường cà phê quốc tế.
Tại Tây Nguyên, giá cà phê nhân xô hôm 14/6 đã giảm xuống mức 36.600 đồng/kg, thấp nhất kể từ ngày 3/2/2012.
Hạt điều cũng là một nông sản đang mất giá của VN. Giá xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm đạt 6.185 USD/tấn, giảm 10,5% so với mức giá 6.913 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tổng lượng xuất khẩu vẫn tăng 15,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2012 (dù số lượng tăng gần 16% nhưng giá trị thu về lại chỉ tăng có hơn 5%).
Trong số các nông sản chính, cao su là mặt hàng có giá xuất khẩu giảm mạnh nhất. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 2.595 USD/tấn, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Và vì vậy, theo tính toán của Bộ NN&PTNT, so với cùng kỳ năm ngoái, tổng lượng cao su xuất khẩu giảm giảm 5%, nhưng giá trị lại giảm tới 19,2%.
Chăn nuôi còn khó khăn hơn
Cũng theo đánh giá của Bộ NN&PTNT trong một hội nghị cuối tháng 5 vừa qua, 6,5 triệu hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn, và người chăn nuôi hầu như không có lãi.
Giá gà giảm thê thảm, người dân lỗ vài nghìn đồng mỗi kg vẫn không có người mua. Ảnh: TTO. |
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi đánh giá: “Hiện giá sản phẩm gia cầm đang xuống thấp, xuống sâu, xuống lâu. Trong khi đó, giá bình quân của đa số các loại nguyên liệu đầu vào vẫn theo xu hướng tăng khiến ngành chăn nuôi đang hết sức khó khăn”.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay là giá xuống thấp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khó khăn, thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất chăn nuôi.
Tháng 6 vừa qua giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm mạnh. Ngày 29/6, giá cá tra loại 1 chỉ còn khoảng 18.500 - 19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 3.000 - 3.500 đồng/kg; dù giá cá giảm mạnh nhưng người nuôi vẫn khó bán bởi các nhà máy hạn chế thu mua. Nguyên nhân được xác định là do nguồn cung cá tra nguyên liệu dồi dào, cộng với giá xuất khẩu đang thấp kéo giá cá giảm mạnh.
Từ đầu năm tới nay giá gà Tam Dương (Vĩnh Phúc) cũng giảm mạnh, gà lông trắng bán tại chuồng giá chỉ 22.000 - 23.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg; gà lông vàng giá chỉ 48.000 đồng/kg, lỗ từ 4.000 - 7.000 đồng/kg.
Còn tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), giá gà công nghiệp loại 3-4 kg/con giữa tháng 6 vừa qua giá chỉ còn 16.000-17.000 đồng/kg, mức này chỉ tương đương giá củ cải trắng, đậu đũa... thậm chí còn rẻ hơn cả bí đao, bầu, đậu côve...; Giá gà tam hoàng chỉ còn 30.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 14.000 đồng. Rẻ nhưng vẫn không bán được…
Lãnh đạo các Bộ ngành đã không ít lần hứa sẽ có biện pháp giúp người nông dân, nhưng qua năm tháng, người nông dân vẫn phải tự bơi. Nhà nước có chính sách thu mua lúa tạm trữ để đảm bảo người nông dân lãi 30%, nhưng theo các chuyên gia đấy chỉ là con số để báo cáo.
Tình trạng trên, theo các chuyên gia kinh tế một phần là do hậu quả của định hướng sai, thiếu quản lý giảm sát, nên lỗ đâu người nông dân gánh chịu hết, thương lái, doanh nghiệp vẫn có lãi.
Người nông dân càng làm càng lỗ, nên nhiều ý kiến cho rằng không cần phải cố làm để làm gì, khi lỗ dân chịu, lãi đâu doanh nghiệp hưởng. Vì vậy, thời gian gần đây đã có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nên cắt giảm một vụ lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ làm 2 vụ lúa và 1 vụ màu. “Đâu chỉ dân trồng lúa mới ‘chết’, mà cả đồng bằng này, người nuôi cá cũng ‘chết’, nuôi heo, nuôi gà cũng ‘chết’, nợ nần chồng chất. Nếu càng làm càng lỗ như thời gian qua, thì nông dân chỉ cần làm đủ ăn là được”, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói với Dân Việt. Theo số liệu của ngành nông nghiệp, năm 2012 nước ta phải nhập khẩu gần 1.3 triệu tấn đậu nành, với giá trị 755 triệu USD; ngô cũng phải nhầm từ 1 - 1,2 triệu tấn/năm… trong khi những loại cây trồng này VN đều có thể tự trồng được. |
- Lê Việt