Nữ điều dưỡng nguyện trọn đời với người mất 1/3 hộp sọ

06:06, Thứ tư 05/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Phượng ôm Tài nói: “bọn em ăn hỏi rồi, chỉ còn định ngày là cưới thôi anh ạ. Hôm trước mẹ nuôi em hỏi, lỡ Tài cứ ngồi một chỗ thế này đến hết đời thì sao. Em trả lời mẹ ngay: Thì con chăm anh ấy hết đời”.

Về thực tập tại Viện điều dưỡng tỉnh Thái Nguyên, cô sinh viên Nông Thị Phượng (sinh năm 1989) đã gặp và đem lòng thương yêu anh Nguyễn Phú Tài, một người lính vừa được đưa về điều trị ngoại trú tại viện với thể trạng mất một phần hộp sọ, dẫn đến việc liệt một tay và một chân. Tình yêu đầu đời của cô sinh viên đầy thánh thiện, trong trẻo như một thanh âm réo rắt giữa những điệp khúc buồn.

Tai họa của chàng lính trẻ

Đó là một buổi trưa tháng 9/2008, anh Nguyễn Phú Tài (thuộc biên chế Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 601, Quân khu I) đang cùng đồng đội di chuyển trên một chiếc xe tải, tự nhiên anh Tài thấy đầu mình tối sầm lại, tay chân cứng đờ như bị ai nắm chặt…phút chốc anh ngã ra khỏi xe, đầu đập mạnh xuống nền đường, bất tỉnh nhân sự.

Đồng đội và người dân ở thị trấn Ba Hàng (Thái Nguyên) nhanh chóng đưa anh vào cấp cứu tại bệnh viện 91 của tỉnh. Do vết thương quá nặng, anh được chuyển ngay ra bệnh viện 108 (Hà Nội).

Bác sỹ sau khi thăm khám dự đoán, khả năng sống sót của anh chỉ 1%. Mẹ anh, cô Nguyễn Thị Chinh sau khi nghe tin con trai mình gặp chuyện chẳng lành, cũng vội vàng lên Hà Nội, cô nắm lấy từng tay các bác sĩ, miệng khẩn khoản cầu mong các lương y ra sức cứu con mình.

Sau một thời gian tích cực cứu chữa, anh Tài qua được cơn nguy kịch nhưng anh vẫn như một khúc gỗ khô, nằm bất động mê man trên giường. Những ngày anh ở viện điều trị, mẹ anh quyết định bỏ hết công việc lên hẳn Hà Nội để chăm sóc con.

Cặp đôi Nông Thị Phượng và Nguyễn Phú Tài
Cặp đôi Nông Thị Phượng và Nguyễn Phú Tài

Của cải trong nhà, kể cả tư trang cá nhân cô Chinh cũng bán đi để lo cho con qua cơn hiểm nghèo. Đúng như tiên liệu của các bác sĩ, mấy tháng sau tai nạn anh vẫn không thể tỉnh lại.

Cũng có lúc, bệnh viện đề xuất với cô Chinh đưa anh về bệnh viện tỉnh để điều trị, thực chất đó như một lời nhắn nhủ cho người thân về khả năng không thể cứu vãn được sự sống của anh. Nhưng thêm một lần nữa, cô Chinh lại van nài bệnh viện cho con mình được ở lại.

“Tôi nói, nếu con em có chết cũng xin cho con em được chết ở đây” – cô Chinh kể lại. Nói là nói thế, nhưng trong lòng người mẹ hết mực thương con, cô không một lúc nào có ý nghĩ đứa con mà mình cưng chiều nhất sẽ bỏ mình ra đi.

Mỗi ngày, sau khi bệnh viện chìm trong đêm cũng là lúc cô Chinh lấy ra một cuốn sổ tay nhỏ, ở trang đầu có dòng chữ “Nhật ký mẹ chăm con”. Cô chọn một góc nhỏ bên cạnh giường của con trai mình, hý hoách viết mỗi ngày.

Những dòng chữ vừa ghi lại nỗi lòng người mẹ, đồng thời cũng gửi gắm vào đó biết bao nhiêu kỳ vọng ở một phép lạ nào đó từ đấng siêu nhiên để anh Tài có thể tỉnh dậy. Vốn có khả năng làm thơ, cô sáng tác rất nhiều bài thơ để diễn tả cảm xúc của mình, trong đó những câu thơ như:

“Thu qua, xuân đến, đông về/Hôm nay lại đến mùa hè sắp qua/Mà sao con vẫn nằm kia/Tái tê lòng mẹ bao giờ mới nguôi/Chắp tay con lạy phật trời/Cứu nhân độ thế, cứu người trần gian”

Viết xong, cô lại đọc cho con nghe, dù cô không dám chắc rằng con mình có cảm nhận được tiếng nói đó không. Nhưng như được tiếp thêm sức mạnh, chỉ 10 ngày sau khi cô Chinh viết bài thơ đó, anh Tài bất chợt tỉnh dậy, sau hơn 9 tháng hôn mê.

Cô kể lại: “Khi đó tôi đang xay sinh tố, thì nghe một tiếng nói rất nhỏ, như là âm gió: Mẹ….mẹ. Tôi thoảng giật mình, tắt máy xay rồi chạy đến gần con, ghé tai mình vào miệng con hỏi:

Tài ơi, con gọi mẹ phải không? Con tỉnh rồi phải không, nếu con tỉnh rồi thì chớp dài mắt cho mẹ nhé. Tài làm đúng như vậy. Lúc đó tôi chỉ biết khóc nức lên vì sung sướng”.

Điều dưỡng viên Nông Thị Phượng
Điều dưỡng viên Nông Thị Phượng

Sự hồi sinh của anh Tài đúng là một ca hi hữu của bệnh viện 108, liền sau đó các bác sĩ và người bệnh xunh quanh đều xúm lại chia vui với người mẹ đã quần quật 9 tháng hao mòn chăm con.

“Sau đó có nhiều người cứ nghi ngờ rằng, tại sao máy sinh tố kêu to như thế mà tôi vẫn nghe được tiếng gọi rất nhỏ của con tôi, tôi cũng không thể giải thích nổi, nhưng đó có lẽ là điều kỳ diệu của tạo hóa, với những gắn kết thương liêng của tình phụ tử” – cô Chinh kể lại.

Còn anh Tài, sau khi đã dần hồi phục và nhận thức được xung quanh, anh kể lại suốt thời gian đó anh luôn chập chờn giữa hư và ảo, có lúc anh chỉ muốn được một bữa cơm mẹ nấu, rồi anh thấy chân mình lướt đi tìm mẹ, nhưng càng đi theo bóng chấp chới của mẹ mình thì càng lạc vào một bóng đêm đặc quánh.

Tình yêu thấm đẫm hi sinh

Sau khi tỉnh lại và có những chuyển biến tốt, anh Nguyễn Phú Tài được gia đình xin về điều trị tại bệnh viện 91 và sau đó là Viện điều dưỡng của tỉnh Thái Nguyên.

Những ngày đó, cô Chinh vẫn phải một mình chạy đi, chạy lại chăm sóc anh. Anh Tài dù đã có những phục hồi tốt, nhưng do một phần hộp sọ đã mất, dẫn đến việc liệt tay, liệt chân buộc phải ngồi xe lăn.

Hình ảnh mẹ chăm con ấy cũng nhanh chóng lọt vào mắt của một nữ điều dưỡng viên tên là Nông Thị Phượng, lúc đó đang là sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng y tế Thái Nguyên về thực tập. Ban đầu, Phượng xin với cô Chinh được hỗ trợ chăm sóc anh Tài.

Lời đề nghị dễ thương đó khiến cho cô Chinh không thể từ chối. Những ngày sau đó, Phượng qua lại căn phòng nơi anh Tài điều trị nhiều hơn. Khi cô Chinh mệt, Phượng thay cô xoa bóp tay chân cho anh Tài, những lúc khác cô lại đấm bóp cho cô.

Cảm nhận tình cảm ấm áp từ một cô gái xa lạ giàu lòng thương người, một hôm cô Chinh nắm lấy tay phượng nói: Cô và Tài rất cảm ơn tình cảm của cháu dành cho mẹ con cô, cô muốn được nhận cháu làm con nuôi.

Thay cho câu trả lời, Phượng ngả người vùi đầu vào mình cô Chinh nói lí nhí: Con cũng muốn có được một người mẹ như cô.

Từ ngày nhận cô Chinh là mẹ, Phượng qua lại nhiều hơn phòng bệnh của Tài và chăm sóc anh tận tình hơn trước. Tình cảm ấy mỗi ngày cứ được bồi đắp thêm bằng những cử chỉ yêu thương gần gũi. Phượng tâm sự, ấn tượng nhất của mình về anh lính trẻ bất hạnh này ở nụ cười hiền và tính tình dí dỏm.

“Có lần mẹ nói đùa, sao con nói nhiều thế hả Tài. Anh ấy trả lời, con nói bù cho thời gian con hôm mê. Nhưng thực ra là anh ấy nói nhiều thế là để cho mọi người vui, cho mẹ đỡ phải thấy buồn khi nhìn anh ấy như thế” – Phượng nói.

Tuy nhiên, tình cảm giữa Phượng và Tài chỉ chuyển từ tình anh em sang tình yêu phải đợi đến một biến cố dữ dội đối với Tài, đó chính là khi anh nghe tin mối tình đầu của mình, người con gái anh đã yêu thương mấy năm nay đã đi lấy chồng.

Trước đó, sau khi nghe tin anh tai nạn, cô cũng đã chủ động rời xa anh dần đi, những chuyến thăm vội vã, những lời động viên xã giao đã khiến cho anh đoán định được sự lựa chọn của người yêu.

Phần anh, anh cũng hiểu rằng mình không thể nhẫn tâm để cho người con gái ấy phải chịu khổ bên mình, hơn nữa ở tuổi đó cô ấy cũng cần có một mái ấm để vun vén, một người chồng khỏe mạnh đủ để lo toan cho gia đình, chứ không phải là ngồi chờ đợi một người chưa biết được tương lai thế nào như anh.

Nghĩ vậy, nhưng khi đêm xuống, không gian tĩnh mịch bao phủ lấy những căn nhà cũ kỹ, sực lên mùi thuốc ấy thì anh mới trở về với những suy nghĩ bản năng của mình, rồi chợt nhiên anh khóc rưng rức trong đêm.

Như có một sợi dây vô hình nào đó gắn kết, đúng lúc đó Phượng lại thấy bồn chồn và bước sang phòng anh. Nghe anh kể lại nguồn cơn của sự đau buồn ấy, Phượng cũng thấy lòng mình nhói đau, đó cũng là lúc trái tim người con gái tự nhủ mình phải có trách nhiệm hàn gắn nỗi đau kể cả thể xác lẫn tâm hồn của anh.

Mối tình thầm lặng ấy cứ nhen lên trong hai người, nhưng không ai đủ dũng cảm để nói ra. Phượng sợ Tài sẽ nghĩ mình là thân con gái mà lại “cọc đi tìm trâu”, còn Tài thì không muốn thêm một người con gái phải đau khổ vì mình.

Cuối cùng, chuyện tình “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” phải đợi đến lúc cô Chinh đứng ra dàn xếp mới có kết thúc đẹp. Chọn lúc thích hợp, cô Chinh lôi Phượng ra một góc Viện hỏi nhỏ:

“Con thương tài phải không?. Phượng lí nhí: Vâng ạ”. Lúc đó, cô Phương vội nắm lấy tay con nuôi lắc liên hồi, miệng nói: “Thế thì trời phật thương mẹ lắm, đã đem con đến với gia đình mẹ. Việc này để mẹ lo”.

Ngày hôm sau, điện thoại của Phượng có một tin nhắn gửi đến với nội dung: “Phượng, anh yêu em lắm đấy”, người soạn tin nhắn đó không ai khác chính là Tài.

Đọc xong Phượng trả lời bằng một tin nhắn với những lời lẽ cợt đùa: “Em cũng yêu anh mất rồi, nhưng anh yêu em thì phải lấy em đấy, nếu không lấy em, em sẽ có cách bắt anh lấy em”.

Hai trái tim đã cất lên tiếng nói, nhưng một rào cản không hề nhỏ mà Phượng và Tài phải vượt qua đó chính là bố mẹ của Phượng. Nghe tin cô con gái “rượu” tình nguyện yêu lại còn có ý định kết hôn với một bệnh nhân đang bị thương tật đầy mình và tương lai cũng mù mịt, bố mẹ Phượng ra sức phản đối.

Một “phái đoàn” gồm anh, chị, chú ruột được điều động xuống nắm bắt tình hình chàng trai đã khiến cho trái tim cô thôn nữ nhà mình xiêu đổ. Tuy nhiên, khi gặp Tài xong họ lại thay đổi quan điểm, quay sang ủng hộ cuộc hôn nhân này.

Từng ấy vẫn chưa đủ tạo sức ép để đổi được một cái gật đầu của bố mẹ, cuối cùng Phượng phải nói dối với bố mẹ mình, em đã yêu anh Tài từ trước khi anh ấy bị tai nạn, giờ nếu bỏ anh ấy thì mang tiếng phụ bạc…

Chỉ đến khi đó, bố Phượng mới thở dài buông tiếng: Thôi thì trời cho sao nhận vậy, mong rằng hai con sống tốt được với nhau cho bố mẹ vui lòng.

Kể xong cho tôi câu chuyện này, Phượng ôm lấy anh Tài rối rít khoe: “bọn em ăn hỏi rồi, chỉ còn định ngày là cưới thôi anh ạ. Hôm trước mẹ nuôi em hỏi, lỡ Tài cứ ngồi một chỗ thế này đến hết đời thì sao. Em không cần suy nghĩ, trả lời mẹ ngay: Thì con chăm anh ấy hết đời”.

Nghe con dâu tương lai nói vậy, cô Chinh đứng bên cạnh cười hoan hỉ, bởi như cô nói: Ông trời lấy đi cái này, cũng cho lại một cái khác.

  • Mai Giang

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc