Nữ họa sĩ xinh đẹp, tài năng vượt qua bệnh tự kỷ

06:31, Thứ bảy 04/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Thực tế nhiều thiên tài trên thế giới, những người có đầu óc sáng tạo và gặt hái được nhiều thành công nhất trong lịch sử đều ít nhiều mang trong mình chứng bệnh tự kỷ này: Isaac Newton, Albert Einstein hay Bill Gates...

Katie Miller là một trong số ít phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Chứng bệnh khiến cô gái xinh đẹp thu mình và gặp khó khăn khi tiếp xúc với người lạ. Nhưng dường như đối với Katie, mắc chứng tự kỷ có lẽ không phải là một điều bất lợi…
[links()]
Nữ họa sĩ và chứng bệnh tự kỷ kỳ lạ

Trong nhiều năm, Katie Miller, nữ họa sĩ người Mỹ 27 tuổi sinh sống tại vùng nông thôn Parkton, tiểu bang Maryland, cách hạt Baltimore 30 dặm về phía Bắc, tìm thấy niềm cảm hứng bất tận của mình ở những em bé sơ sinh.

Katie Miller đề nghị với gia đình các bạn bè, họ hàng và hàng xóm sống xung quanh cho phép cô được chụp ảnh các em nhỏ mới sinh trong những gia đình đó và rồi qua những bức ảnh như vậy, Katie Miller sẽ ngồi vẽ chân dung chi tiết của các em bé một cách rất cẩn thận, tỉ mẩn.

Công việc này rất mất thời gian và có thể kéo dài nhiều giờ đồng hồ, do đó, Katie Miller luôn viết những mẩu ghi chú nhỏ rồi dán lên tường để nhắc nhớ mình giờ đi ăn và nghỉ giải lao.

“Mỗi khi ngồi vẽ, tôi thường tập trung cao độ đến mức không nhận ra rằng mình đang đói hoặc cần phải vào phòng tắm”, Katie Miller giải thích. “Chỉ đến khi hoàn thành bức vẽ, tôi mới nhận thấy cả cơ thể mình mỏi nhừ vì đã ngồi nguyên quá lâu ở một tư thế”.

Cách đây 8 năm, Katie Miller đã được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, rối loạn thần kinh và phát triển, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp xã hội của cô với mọi người xung quanh.

Nữ họa sĩ tự kỷ tài năng Katie Miller
Nữ họa sĩ tự kỷ tài năng Katie Miller

Khi thấy con gái mình thường ngồi hàng giờ bên giá vẽ, cha mẹ Katie Miller cảm thấy lo lắng và đã đem những thắc mắc của mình đến gặp bác sĩ thì nhận được lời giải thích rằng đó là một loại hành vi lặp đi lặp lại điển hình trong số các dấu hiệu của chứng tự kỷ chức năng cao thường được xếp vào dạng hội chứng Asperger.

Trên thực tế, hội chứng Asperger là một bệnh sinh học thần kinh do nhà bác học Áo Hans Asperger tìm ra vào năm 1944. Những người bị mắc hội chứng Asperger có thể có nhiều biểu hiện ở dạng rối loạn thần kinh từ nhẹ đến nặng như kém giao tiếp trong cộng đồng, thích đơn độc và thường có nhiều sự thay đổi về tính cách.

Bệnh nhân thường bị ám ảnh, lo lắng về các vấn đề mình quan tâm nhưng lại tỏ ra thờ ơ với những sinh hoạt khác của xã hội, gặp khó khăn trong việc hiểu và diễn tả các ngôn ngữ thông dụng trong cuộc sống.

Dù sự phát triển về ngôn ngữ có vẻ bình thường nhưng họ không hiểu được những câu nói phức tạp, gặp khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ ở từng ngữ cảnh khi giao tiếp.

Asperger được mô tả như một bệnh tâm thần kích động, hoạt động thái quá của bệnh tự kỷ và tình trạng mất khả năng học tập ngôn ngữ. Tuy nhiên,nhiều người trẻ tuổi có trí thông minh và ngôn ngữ phát triển bình thường nhưng lại mắc phải một dạng tự kỷ dẫn đến kém khả năng giao tiếp trong xã hội.

Liên quan đến chứng tự kỷ ở Mỹ, theo ước tính có khoảng 80% trong số 1.5 triệu người Mỹ đang sống chung với chứng bệnh tự kỷ là nam giới.

Chứng bệnh này nói chung thường gắn liền với nam giới bởi lẽ “phụ nữ thường có các kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn nam giới và xu hướng giao tiếp xã hội ở phụ nữ cũng rõ rệt hơn so với nam giới”, theo giải thích của Simon Baron-Cohen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tự kỷ ở Đại học Cambridge.

Nhìn bề ngoài, Katie Miller trông như một cô gái 20 tuổi có gout thời trang trẻ trung với kính mắt màu chóe, giày màu vàng chuối và mặc trang phục sặc sỡ, tươi trẻ.

“Chứng tự kỷ đã thay đổi thế giới quan của tôi, từ đó ảnh hưởng đến quan điểm của tôi về nghệ thuật”, Katie tâm sự, “Tôi có thể cảm nhận được nhiều thứ, về màu sắc, hình dạng và kích cỡ theo một cách khác biệt so với cách mọi người thường thấy”.

Họa sĩ Katie Miller thường xuyên sử dụng những gam màu tươi sáng, rực rỡ trong những bức tranh của mình. Căn phòng của cô cũng được trang trí rất sinh động với những tấm thảm màu xanh dương, ghế màu xanh lá cây, giường màu tím nho,…

Khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở Florida, và sau đó là California, Katie Miller là một cô bé xinh xắn và vui tươi như bao bạn bè cùng trang lứa. Cùng với đó, Katie Miller đã sớm tỏ ra có năng khiếu hội họa. Katie Miller có thể dành cả ngày trời để vẽ phác thảo hoặc sao chép những hình ảnh thú vị mà cô bé tìm thấy trong các cuốn sách.

Nhưng khi lớn lên, Katie Miller ngày càng trở nên khép mình hơn. Bố mẹ cô bé lo lắng về sự thay đổi trong tính cách của con gái và đã đưa Katie Miller đến gặp nhiều nhà tâm lý khác nhau. Một nhà tâm lý chẩn đoán cô bé mắc phải chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, người khác lại nói cô bị trầm cảm.

Thế nhưng, dường như không ai trong số họ có thể nắm bắt được thế giới riêng cô đơn của Katie Miller. “Trước đó, chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến hội chứng Asperger”, ông Jim Miller – cha của Katie Miller, một kỹ sư của hãng Intel đã nghỉ hưu – cho biết.

Khi Katie ghi danh vào Học viện nghệ thuật Maryland College of Art nơi sau đó cô đã nhận được cả bằng cử nhân và thạc sĩ mỹ thuật, Katie bắt đầu nghiên cứu các triệu chứng của chính mình bằng cách lên mạng tìm kiếm thông tin và cô kết luận rằng mình có thể đã mắc phải chứng tự kỷ.

Cô đã tìm gặp một nhà tâm lý học thần kinh để trao đổi về phát hiện của mình, và vị chuyên gia đã khẳng định những nghi ngờ của Katie Miller là chính xác.

Điều này đã giúp Katie Miller như trút được tảng đá đè nặng trong lòng bấy lâu. “Tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi biết được chính xác chuyện gì đang xảy ra với mình”, Katie nói.

Năng khiếu hội họa thiên bẩm ẩn sau nỗi đau bệnh tật

Với tài năng hội họa thiên bẩm, Katie Miller đã trở thành một họa sĩ được yêu mến đặc biệt. Cha mẹ Katie đã dành ga-ra ô tô của mình cho con gái để cô biến nó thành một xưởng vẽ riêng nơi Katie có thể chìm đắm hàng giờ bên giá vẽ, với những bức ảnh chụp những em bé đáng yêu và tỉ mẩn với cọ vẽ và sơn màu để vẽ lại chân dung các nhân vật trong ảnh.

Quan sát những tác phẩm được Katie Miller thể hiện, có thể nhận thấy một điều thật bất ngờ và thú vị. Đó là cô họa sĩ đặc biệt này có khả năng vẽ chân dung giống hệt như ảnh chụp. Có thể khả năng này có liên quan đến chứng bệnh tự kỷ mà Katie Miller đang mắc phải.

Mặc dù các nhà khoa học và các bác sĩ không thể lý giải một cách đầy đủ về hiện tượng này nhưng trên thực tế, nhiều bệnh nhân của chứng tự kỷ được nhận thấy có những khả năng đáng kinh ngạc đối với toán học, âm nhạc hoặc có những năng khiếu bất ngờ về nghệ thuật.

Một số chuyên gia dự đoán điều này có thể liên quan tới các hành vi lặp đi lặp lại mang tính ám ảnh phát triển ở trẻ tự kỷ, khiến chúng có xu hướng tập trung và thực hành với cường độ cao hơn so với những trẻ em khác.

“Khi vẽ mỗi bức tranh, tôi thường tập trung cao độ”, Katie Miller giải thích. “Từ bé, tôi đã có một chút năng khiếu hội họa tự nhiên. Khi ấy, tôi vẽ không phải là đẹp lắm nhưng tôi thường vẽ rất nhiều, rất nhiều và hầu như dành cả ngày chỉ để vẽ”.

Chứng tự kỷ cũng khiến Katie Miller trở nên nhạy cảm vô cùng với những kích thích được xem là quá mức đối với những người mắc phải chứng bệnh này.

Bởi vậy mà một tiếng nhạc lớn, một nhà hàng đông đúc, thậm chí cả mùi cay nồng từ bếp nướng cũng có thể khiến Katie trở nên lo lắng, khóc lóc hoặc thậm chí nôn mửa.

“Mỗi khi nghe thấy một tiếng động lớn, tôi phải bịt tai lại ngay bởi nó làm tôi rất đau đớn”, Katie nói. Do đó, Katie Miller phải nhờ đến sự trợ giúp của một loại tai nghe đặc biệt giúp cô tránh khỏi những tiếng động ồn ào bên ngoài, khiến không gian xung quanh yên tĩnh và tâm trạng của cô cũng luôn được nhẹ nhàng, bình yên.

Ngoài ra, Katie Miller còn luôn mang theo bên mình một chiếc khăn tay được ướp hương hoa nhài giúp xua đi những mùi khó chịu đối với cô như mùi cá hay khói thuốc, xăng xe.

Katie Miller nhạy cảm đến mức thậm chí nếu có ai đó nhìn lâu vào mắt cô khi nói chuyện cũng khiến cô cảm thấy khó chịu. Những lúc đó, Katie phải lấy trong túi xách ra một con khủng long bằng nhựa mềm – một trong những món đồ chơi ưa thích giúp cô lấy lại được sự tập trung.

Cuộc sống đối với những người mắc chứng tự kỷ như Katie Miller thật phức tạp và càng khó khăn hơn khi cô sống và học tập trong một môi trường nghệ thuật rất nhạy cảm.

“Trong khi các bạn bè cùng học trong trường thường thích sinh hoạt về đêm, thích những nơi tụ tập đông người, nhộn nhịp, thích đi bar và tiệc tùng thì tôi thậm chí còn biết phải phản ứng ra sao mỗi khi có người nào đó đi qua và cười với mình. Tôi không hiểu được cử chỉ của mọi người xung quanh đối với tôi có ý nghĩa như thế nào”, Katie thú nhận.

Và mặc dù không thể phủ nhận Katie Miller là một cô gái rất xinh đẹp nhưng cô vẫn còn độc thân bởi lẽ tình yêu đối với một người bệnh tự kỷ như Katie dường như là một điều vô cùng trừu tượng và không thể. “Khi tôi kể với mọi người rằng tôi chưa từng hò hẹn bao giờ, họ thường nói với tôi rằng:

“Sao lại thế nhỉ? Bạn là một cô gái rất đáng yêu và tài năng mà!”. Nhưng quả thật, đối với tôi, việc gặp gỡ và hẹn hò một ai đó thật sự rất lạ thường”.

Tự kỷ là một cách cảm nhận khác về thế giới

Trải qua bao khó khăn và phiền phức do chứng bệnh tự kỷ mang lại, Katie Miller cùng với sự chăm sóc và giúp đỡ của cha mẹ đã dần trở nên mạnh mẽ hơn.

Cô chủ động tham gia vào tổ chức những người mắc chứng tự kỷ, đề xuất các hoạt động trợ giúp người bệnh và tích cực tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người hiểu rằng tự kỷ không phải là một dạng khuyết tật về trí tuệ vô phương cứu chữa mà đó là một cách nhìn, một cách cảm nhận khác về thế giới và là một dạng thức khác của trí tuệ.

Trên thực tế, nhiều thiên tài trên thế giới, những người có đầu óc sáng tạo và gặt hái được nhiều thành công nhất trong lịch sử đều ít nhiều mang trong mình chứng bệnh này (ví dụ như các nhà khoa học nổi tiếng Isaac Newton, Albert Einstein hay Bill Gates đều bị nghi ngờ là mắc chứng rối loạn tâm lý, lập dị, tự kỷ).

Ngoài Katie Miller, mới đây người ta còn biết đến trường hợp của cậu bé 6 tuổi Ethan Walmark đến từ Westport, Connecticut, Mỹ.

Cậu bé mắc chứng tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp nhưng lại có khả năng cảm thụ âm nhạc phi thường này đang trở thành hiện tượng âm nhạc trên Internet với màn trình diễn piano ấn tượng bản cover ca khúc “Piano man” của nhạc sĩ Billy Joel, thu hút hơn 500,000 lượt người xem.

Những người bệnh tài năng như Katie Miller, Ethan Walmark hay nhiều trường hợp khác nữa đang chứng tỏ những năng lực đặc biệt và tài năng đáng kinh ngạc của mình và cho thấy chứng bệnh tự kỷ sẽ không còn là điều đáng sợ nếu như người bệnh và những người thân xung quanh biết cách vượt qua mọi rào cản khó khăn và phát huy những khả năng tuyệt vời một cách đúng hướng.

  • Mai Châu
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc