Thiếu nữ 16 tuổi ấy đã có những năm tháng vô cùng tủi nhục vì cách đây 2 năm, suýt chút nữa, cô đã trở thành nạn nhân của một vụ hiếp dâm tập thể. Nhưng đến phút cuối cùng, khi tòa án định tội những kẻ thủ ác, thì cô lại lên tiếng xin tòa giảm án cho họ, bởi vì, cô gái nhỏ đã động lòng trước nỗi đau của người mẹ hung thủ.
Từ buổi đi hát karaoke …
Cách đây 2 năm, tại xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ Hà Nội, cô nữ sinh Nguyễn Thị Liên chỉ mới 14 tuổi. Có chơi thân với Đàm Văn Bào, hơn cô 3 tuổi và là người cùng xóm. Một vài lần đi chơi, Bào thường rủ Liên cùng đi và trong lúc Liên vô tư với suy nghĩ của cô gái tuổi 14 thì Bào lại rắp tâm làm hại.
Chiều ngày 8/4/2010, Bào rủ Nguyễn Văn Vĩnh và Liên cùng một thanh niên khác đến quán karaoke trong xã để hát. Đến 21h cùng ngày, cả nhóm ra về, Bào và Vĩnh chở Liên đi lòng vòng bảo là đi hóng mát.
Nhưng sau một lúc, Liên sinh nghi và bắt đầu đòi về. Đúng lúc đi qua một ngôi nhà hoang, Bào nói muốn dành cho Liên một món quà bất ngờ nên bảo cô vào bên trong.
Tin lời Bào, Liên rón rén đi vào, bất ngờ, Liên bị Bào ôm từ phía sau, đè xuống chiếc giường ẩm mốc đòi quan hệ. Trong khi Liên chống cự quyết liệt, miệng ú ớ kêu cứu nhưng Vĩnh ở bên ngoài vờ như không nghe thấy.
Lúc này, Liên hiểu ra rằng Bào và Vĩnh đã bàn với nhau từ trước ý định hãm hại mình và giờ đây em đang phải đối mặt với nguy hiểm. Cô bé cắn vào tay gã bạn rồi chạy ra ngoài nhưng gặp Vĩnh, em lại bị Vĩnh kéo vào giường, bóp cổ rồi vớ lấy một thanh gỗ để dọa dẫm.
Và cả hai gã “trống choai” bệnh hoạn cùng chung sức thực hiện hành vi bỉ ổi ấy.
Hai bị cáo Bào và Vĩnh trước tòa. |
Tuy nhiên bằng một sự may mắn thần kỳ mà Liên vuột khỏi tay bọn chúng và trong tích tắc, em chạy thoát ra ngoài. Mặc dù chạy trốn trong tình trạng không mảnh vải che thân vì bộ quần áo trên người đã bị xé rách, Liên vẫn gắng sức chạy và em may mắn được một người dân cho vào nhà trốn tạm.
Sáng hôm sau, sự việc được trình báo cơ quan Công an. Khi phạm tội, Bào và Vĩnh mới hơn 17 tuổi, còn bị hại hơn 14 tuổi. Liên ngồi kể lại câu chuyện kinh hoàng trước chúng tôi và rơm rớm nước mắt xúc động nói về phút đứng lên xin tòa giảm án.
2 năm chờ xét xử và nỗi tủi nhục ám ảnh
Cái xã nhỏ yên bình dường như rung động vì cả một chuyện động trời như thế. Từ đầu làng đến cuối xóm, ai ai cũng bàn tán về câu chuyện của Liên và hai kẻ phạm tội trên. Trước sức ép quá lớn từ dư luận, cùng với một cú sốc khủng khiếp về tinh thần như thế, Liên tủi hổ và không dám đến trường nữa.
Em trốn biệt trong nhà, hơn nữa, em còn mắc thêm chứng bệnh hoảng loạn. Nghe thấy tiếng người lạ là đang trong nhà, em cũng vội vàng đi tìm chỗ trốn.
Bố mẹ của Liên cũng rất khổ tâm. Ông bà không muốn nhìn thấy ai trong xóm trong làng, không có việc gì thì ông bà không đi ra đến ngoài, đã ra ngoài là chỉ cúi mặt đi thẳng.
Một thời gian sau, Liên qua được cơn hoảng loạn, em bắt đầu quay trở lại trường học. Đến lúc này, cô gái ngây thơ, hồn nhiên, với độ tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ dường như lại thay đổi tâm tính hoàn toàn.
Em không còn tin tưởng bất cứ ai, chỉ còn sự hoài nghi, và đặc biệt, trong lòng em lúc nào cũng chất chứa căm thù, lòng thù hận với những kẻ đã hãm hại mình.
Liên tâm sự: “Có những thời kỳ mà ngay cả trong mơ, em cũng mơ thấy hai kẻ hại mình bị đi tù, bị xử tử. Lúc này, cô gái bé nhỏ chỉ còn biết trông chờ vào pháp luật giúp mình được hả lòng.
Độ lượng
Sau thời gian xảy ra vụ án, kẻ phạm tội thì đã bị bắt, nhưng những người ở lại mới là những người đang chịu đày ải của búa rìu dư luận. Bố mẹ Liên không muốn đi ra ngoài, phần vì ngại bà con làng xóm, mà hơn hết là ngại giáp mặt với mẹ của Bào.
Hai nhà vốn là hàng xóm thân tình, quý mến nhau, cũng chung cảnh nghèo với nhau, có việc gì cũng thường chạy qua giúp đỡ. Và nếu xét về một mức độ nào đó thì sự tủi nhục, ê chề mà Liên và gia đình gánh chịu xem ra vẫn đỡ hơn nơi mẹ Bào rất nhiều.
Dù còm cõi, nhưng bà vẫn không dám bỏ việc, hàng tháng vẫn cố đi thăm đứa con trai út đang ở trại giam.
Đã rất nhiều lần, bà đến thăm gia đình Liên, không phải vì muốn năn nỉ em xin giảm án cho đứa con trai của bà, mà hơn hết, bà chỉ muốn thay mặt con đi xin lỗi, để cho lương tâm của bà được thanh thản đi phần nào.
Nhiều lần, Liên nhìn thấy mẹ Bào vừa lủi thủi, còm cõi xách làn đi thăm con ở trại, vừa lau những giọt nước mắt tủi hổ.
Cuối cùng TAND TP. Hà Nội cũng đưa vụ án ra xét xử. Việc Bào và Vĩnh có cách hành xử thô bạo với Liên đã làm tổn thương rất nhiều đến danh dự của hai gia đình.
Sau khi đọc cáo trạng, đến phần tranh tụng, 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, bị cáo đều đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo vì: nhân thân tốt, trẻ tuổi nên nhận thức về pháp luật kém, khai báo thành khẩn và phạm tội chưa đạt…
Cả khán phòng đã bất ngờ khi thấy Liên rụt rè đứng dậy rồi quả quyết xin giảm án cho Bào và Vĩnh để 2 bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời. Cô giải thích lý do mình xin nhẹ tội cho 2 bị cáo không phải vì bản thân chưa bị xâm hại, mà bởi cô cũng có cha mẹ, cũng phải trải qua những giây phút xấu hổ, nhục nhã.
Giờ đây khi nhìn thấy sự tiều tụy của mẹ Bào, cô không đành lòng. Trước sự cao thượng của con gái, mẹ Liên cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho “hai đứa trẻ” để chúng sớm trở về làm lại cuộc đời.
Vụ án khép lại với mức án 7 năm tù cho Bào và 5 năm tù cho Vĩnh, song dư âm của nó vẫn còn đó. Chắc hẳn sẽ còn nhiều người nhớ tới tấm lòng độ lượng của gia đình bị hại, họ đã vượt qua những định kiến, hằn thù để nghĩ tới cái cao hơn cả đó là tình làng nghĩa xóm giữa những người dân nghèo với nhau.
- Dương Minh
[links()]