Nữ y tá tự nguyện hiến thận mình cho bệnh nhân

( PHUNUTODAY ) - “Hôm nay tôi mới biết trọn vẹn nghĩa của từ “hạnh phúc”. Hạnh phúc là cho đi chứ không phải là nhận về cho mình. Tôi cho đi thứ tinh tuý của mình để góp phần vun đắp đời sống tươi đẹp của người mà tôi yêu mến”.

(Phunutoday) - Vừa tốt nghiệp đại học đã đổ bệnh hiểm nghèo: Có rất nhiều gương nữ y tá tuyệt vời trong cuộc sống hiện nay, họ không chỉ tận tụy gắn bó với nghề mà mình đã chọn, mà còn sống vì nghề và một lòng yêu thương bệnh nhân như chính người thân trong gia đình mình. Nữ y tá Allison Batson trong bài viết này là một trong những minh hoạ rực rỡ nhất về lòng thương người và y đức tuyệt vời.

[links()]

Chị đã tự mình tạo ra thứ mà người đời thường hay ví von là “quà tặng của cuộc sống”. Nó không phải là món quà bình thường mà bất kỳ ai cũng có thể mua được mà là thứ quà tặng vô giá, có ý nghĩa quyết định đối với mạng sống của một con người.

Vượt ra ngoài trách nhiệm y đức của một nữ y tá bình thường, Allison đã làm nên một kỳ tích chấn động cả dư luận Mỹ và thế giới khi chị tự nguyện hiến tặng quả thận quý báu của mình cho một bệnh nhân hoàn toàn không có mối liên hệ gì với mình, một người dưng nước lã đúng nghĩa đen của nó.

Bệnh nhân của chị là một thanh niên mang tên Clay Taber, anh bị suy thận nặng từ cách đây 2 năm. Clay Tabe đã tốt nghiệp tại Đại học Auburn (bang Alabama, Mỹ), trước đó Taber được điều trị tại Bệnh viện Đại học Emory ở thành phố Atlanta (bang Georgia, Mỹ) vào mùa hè năm 2010, nghĩ là đã đến lúc phải tạm biệt cuộc sống này thì may mắn làm sao Taber đã được cứu sống nhờ lòng nhân hậu cao cả của nữ y tá 48 tuổi.

 Nữ y tá Allison Baston (trái) từ Bệnh viện Đại học Emory, đã hiến tặng một quả thận của mình cho bệnh nhân Clay Taber, người sắp chết vì chứng suy thận.
Nữ y tá Allison Baston (trái) từ Bệnh viện Đại học Emory, đã hiến tặng một quả thận của mình cho bệnh nhân Clay Taber, người sắp chết vì chứng suy thận.

Sau lễ tốt nghiệp tại Đại học Auburn một khoảng thời gian không lâu, cựu sinh viên Clay Taber, nay đã 23 tuổi, trở về lại gia đình mình ở Columbus (bang Georgia) thì đổ bệnh. Clay Taber nhớ lại: “Tôi liên tục đổ mồ hôi vào ban đêm, rồi thì căn bệnh chuyển sang sốt kèm theo những cơn ớn lạnh, run rẩy thân mình.

Sau đó, tôi cảm thấy người mệt mỏi rồi ăn uống không còn biết ngon nữa”. Clay Taber thực sự đã sụt đi hơn 8 kg. Thấy con trai ngày một xanh xao, vàng vọt, người mẹ tội nghiệp của Taber đã cuống quýt tìm đủ mọi cách làm cho cảm giác thèm ăn của con trai trở lại như bình thường.

Bệnh tình không thuyên giảm, hai mẹ con đành đến gõ cửa bác sĩ. Ngay lập tức, các bác sĩ bèn tiến hành các đợt xét nghiệm máu.

Buổi trưa ngày 27/8/2010, đang hối hả chuẩn bị bữa cơm trưa thì bà Sandra Taber – mẹ của Clay Taber – đã nhận được một cú điện thoại từ các bác sĩ, nội dung thông báo rằng Clay Taber cần phải nhập viện ngay lập tức bởi vì thận của cựu sinh viên đã suy sụp hoàn toàn.

Clay Taber được nhập viện tại Bệnh viện Các Bác Sĩ ở Columbus (bang Georgia), tại đó sau 5 ngày xét nghiệm máu, các bác sĩ đã chẩn bệnh cho Clay Taber thì ra anh bị mắc phải Hội chứng Goodpasture, một chứng bệnh vô cùng hiếm gặp mà tỷ lệ gây bệnh của nó là 1/1 triệu người/năm.

Các nhà nghiên cứu không biết đầy đủ về căn bệnh oái oăm mà bệnh nhân Clay đang mang trên người nhưng nó là căn bệnh tự miễn dịch trong đó hệ miễn dịch của bệnh nhân sẽ sản sinh ra một chất kháng thể tấn công vào phổi và thận.

Còn nước còn tát, Clay Taber bắt đầu trải qua các quá trình lọc máu và huyết tương cho quả thận của mình. Đây là một dạng điều trị cho Hội chứng Goodpasture, theo đó máu của bệnh nhân sẽ được lọc cẩn thận nhằm tách các tế bào hồng cầu và bạch cầu từ huyết tương và sau đó trả ngược về lại cơ thể.

Dù muôn vàn khó khăn và đầy ắp thử thách ở phía trước nhưng trong những tình huống nguy nan đó, bệnh nhân Clay Taber vẫn lạc quan nghĩ về tương lai tươi sáng của mình:

“Dù gian khổ, tôi vẫn không màng, trước mắt tôi hết sức cố gắng để đẩy lùi bệnh, cố gắng bắt đầu cuộc sống của mình, bắt đầu sự nghiệp, hay thậm chí cầu hôn cô bạn gái càng sớm càng tốt. Tôi ao ước mọi mong ước sẽ thành sự thật”.

Sau khi tiến hành việc lọc huyết, Clay Taber được chuyển đến Bệnh viện Đại học Emory, chuyên điều trị các bệnh về thận và bệnh tự miễn dịch.

Vào bệnh viện, gặp “mẹ” là nữ y tá nhân hậu  

Sự sống của Clay Taber xem ra quá mong manh và sự sống là điều xa xỉ với anh lúc đó. Nhưng có lẽ kỳ tích không nằm đâu xa trong cuộc sống của chúng ta. Điều may mắn thần kỳ đã khiến cho nữ y tá dầy kinh nghiệm Allison Batson tình cờ gặp mặt bệnh nhân trẻ tuổi tại bệnh viện nơi chị đang công tác.

Bản thân cha của y tá Allison cũng qua đời vì căn bệnh gan vào năm 1995. Xuất phát từ sự hoạn nạn của người thân trong gia đình mình, nên Allison cảm thấy xót xa cho Clay Taber với ánh mắt mông lung, hoảng loạn chờ chết.

Y tá Allison xúc động nhớ lại: “Từ sau cái chết của cha tôi, tôi như người mất hồn và luôn tâm niệm không muốn nhìn thấy ai qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo nữa. Bản thân tôi là một người mẹ và có con trong độ tuổi 16 và 27 nên nhìn Clay, tôi có cảm giác như nó là con cái của mình.

Trong khi các con tôi khoẻ mạnh thì Clay lại bệnh hiểm nghèo, đó là sự bất công”. Nghĩ là làm, Allison bắt đầu chú ý hỗ trợ chăm sóc cho Clay Taber. Sự quan tâm như người mẹ đẻ của nữ y tá Allison Batson nhanh chóng nhận được cái nhìn cảm ơn từ bà Sandra Taber.

Tình cảm vì con cái của hai người mẹ phút chốc trở nên gần gũi hơn dù trước đó họ là hai người xa lạ. Dần dà, y tá Allison đã trở nên người mẹ thứ hai của bệnh nhân trẻ, bà trao đổi về cuộc sống và cả vị hôn phu tương lai của Clay.

Clay cảm kích nhớ lại: “Tôi thấy buồn cười là y tá Allison không cho bất kỳ y tá nào khác vào phòng điều trị của tôi ngoài bà. Hàng ngày, đều đặn, Allison đến phòng hỗ trợ chăm sóc tôi như mẹ hiền với con trai”.

Mỗi tháng một lần, Clay và gia đình mình trở lại Bệnh viện Đại học Emory để khám kiểm tra toàn diện và lần nào anh cũng thấy y tá Allison Batson luôn túc trực để hỏi han bệnh tình của anh.

Tháng 8/2011, các bác sĩ đề xuất một ý tưởng “kinh khủng” rằng nếu muốn sống thì không còn cách gì khác Clay Taber phải trải qua ca cấy ghép thận. Nhưng ai là người sẽ hiến thận cho anh? Còn nếu mua thì sẽ như thế nào? Có đảm bảo là thận hoạt động tốt không?

Clay Taber chỉ là 1 trong số 90.000 người Mỹ đang hàng ngày hàng giờ thấp thỏm chờ đợi một quả thận hiến tặng. Phía y tá Allison Batson thì thông báo rằng phải mất hơn 1 năm để có được quả thận hiến từ người quá cố mới phù hợp cho Hội chứng Goodpasture của Clay Taber.

Trước đó 6 tháng, Clay Taber đã nhận được danh sách người hiến thận nhưng điều anh quan tâm là thời gian trong khi mạng sống chỉ tính theo từng tháng mà thôi.

Tình nguyện hiến thận cho bệnh nhân xa lạ

Bà Sandra Taber đứng ngồi không yên vì thời gian chờ đợi thủ tục hiến tặng thận lâu quá. Bà quyết định đi xét nghiệm thận để xem quả thận mình có phù hợp với cơ thể con trai hay không? Bà đang nghĩ đến giải pháp cuối cùng là hiến thận mình cho con trai yêu qúy.

Nhưng bất ngờ và không thể tưởng tượng nổi khi tại thời điểm đó, nữ y tá Allison Batson đã tiếp cận bà Sandra Taber, hiện nay 54 tuổi, và nói ra cái điều mà không ai tin nổi vào tai mình:

“Thưa chị, tôi đã nói về căn bệnh của cháu Clay với ông nhà tôi, tôi có cùng nhóm máu 0 dương tính như thằng bé, bọn trẻ nhà tôi trưởng thành và rất khoẻ mạnh. Bà nhìn đi, tôi cũng là người đàn bà mạnh khoẻ, đúng không? Thế thì tại sao tôi không thể làm chuyện đó.

Tôi khóc rất nhiều khi nghĩ đến Clay, nó giống con trai tôi. Tôi nhìn bọn trẻ nhà tôi và ứa nước mắt khi nghĩ đến thằng bé đang sắp chết. Tôi đang nghĩ đến một tình huống, biết nói sao nhỉ? À, nếu vạn nhất không có ai hiến thận cho thằng bé thì tôi tự nguyện làm việc đó…”.

Về phía Clay thì cảm động nhớ lại: “Mẹ tôi nhẹ nhàng đến bên giường bệnh, bà nhìn tôi trìu mến và nói lại cái điều mà nữ y tá Allison vừa thoát ra. Tai tôi ù đi và khóc nấc lên vì xúc động.

Tôi đã nói với Allison rằng cô đừng làm điều đó vì cháu, cô còn gia đình còn con cái, cháu thì độc thân, cô đừng vì cháu. Nhưng Allison lắc đầu và cô ấy đã làm cái việc mà có mơ cũng không ai nghĩ đến”.

Sau vài đợt xét nghiệm, thận của bà Sandra không phù hợp với con trai mình, không may là lớp niêm mạc quả thận của Sandra quá mỏng để cấy ghép và không an toàn khi làm phẫu thuật.

Nghe tin ấy, y tá Allison Batson đã tiếp cận người mẹ đau khổ và nói rằng đừng chần chừ gì nữa khi có người đồng ý hiến thận đang đứng cạnh bà.

Vài tuần sau xét nghiệm, quả thận của Allison Batson hoàn toàn đủ điều kiện cho ca phẫu thuật. Allison nhớ lại: “Tôi nhảy cẫng lên vì vui mừng khi đã đủ điều kiện hiến thận cho Clay. Chồng và các con tôi cũng ủng hộ hành động này của tôi”.

Tuần trước, cả Clay Taber và Allison Batson đều trải qua ca phẫu thuật cấy ghép thành công. Hai người tái bình phục nhanh chóng. Thật là kỳ diệu khi người hiến tặng cơ phận phần lớn là người thân trong gia đình thì ở đây họ hoàn toàn là hai người xa lạ.

Sau khi khỏi bệnh hiểm nghèo, Clay Taber đã nhận nữ y tá Allison Batson làm người mẹ thứ 3 của mình, anh giải thích:

“Tôi có mẹ đẻ, mẹ của vợ tương lai và giờ đây tôi có hẳn một bà tiên hiền dịu. Mẹ Allison nhận tôi là con trai của bà. Mẹ nói mẹ sẽ khiêu vũ thật tưng bừng trong đám cưới của chúng tôi vào mùa hè 2012 sắp tới”.

Về phía nữ y tá Allison Batson, chị nói rằng việc hiến thận của mình là tự nguyện, không đòi hỏi gì cả. Chị nói một câu kết luận:

“Hôm nay tôi mới biết trọn vẹn nghĩa của từ “hạnh phúc”. Hạnh phúc là cho đi chứ không phải là nhận về cho mình. Tôi cho đi thứ tinh tuý của mình để góp phần vun đắp đời sống tươi đẹp của người mà tôi yêu mến”.

  • Nguyễn Thanh Hải  (Theo NYTIMES)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn