Nứt đập thủy điện Sông Tranh:Càng vá càng... thủng !

21:36, Thứ năm 22/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Nhìn lại những nhận xét, đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và lãnh đạo EVN và các nhà chuyên môn, nhiều người cho rằng vẫn còn nhiều “bất cập khó hiểu” xung quanh những lý giải này.

Nhìn lại những nhận xét, đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và lãnh đạo EVN và các nhà chuyên môn, nhiều người cho rằng vẫn còn nhiều “bất cập khó hiểu” xung quanh những lý giải này.

Sau những kiến nghị của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng về việc thiếu các đường ống hút nước trong thân đập thủy điện Sông Tranh 2 nên mới xảy ra tình trạng rò rỉ nước ra bên ngoài, hiện Chủ đầu tư (Ban quản lý điện lực 3) đang khẩn trương bổ sung và hoàn thiện hệ thống ống dẫn nước theo như hồ sơ thiết kế.

Nước vẫn tuôn chảy từ trong ống phun hóa chất ra bên ngoài.
Nước vẫn tuôn chảy từ trong ống phun hóa chất ra bên ngoài.

Bên cạnh, sáng ngày 22/3, theo như quan sát chúng tôi, cách bơm hóa chất vào bên trong thân đập nhằm ngăn cản dòng nước chảy ra bên ngoài của Chủ đầu tư không có tác dụng. Khi chúng tôi thử mở van của ống nhựa (ống này Ban quản lý cho rằng để bơm hóa chất vào để bịt dòng nước) ra thì nước từ trong phun ra tung tóe.

Thế nhưng theo như giải thích của ông Trần Văn Hải-Giám đốc Ban quản lý điện lực 3 thì phương pháp trên sẽ ngăn được dòng nước. “Chúng tôi đục khối bê tông ra thành hình tam giác, chiều rộng và chiều sâu lần lượt 2 cm, sau đó dùng máy khoan lỗ sâu vào bên trong 1 mét để lắp ống nhựa vào, tiếp tục chúng tôi dùng hóa chất bơm vào bên trong. Mục đích bơm hóa chất vào sẽ ngăn không cho dòng nước tiếp tục chảy ra ngoài thân đập. Chất này chúng tôi nhập từ Hàn Quốc, có tên là Plutham”.

Khi PV Phunutoday dùng tay mở van ống nhựa ra thì nước chảy xối xả. Đặc biệt hóa chất như ông Hải cho biết có nguồn gốc từ nước ngoài. Tuy nhiên tại dưới chân đập, hàng loạt bình đựng hóa chất của công nhân sau khi khắc phục sự cố vứt vương vãi khắp nơi, những bình này đều ghi nhãn hiệu tiếng Việt (?).

Công nhân đang khắc phục sự cố trên đập thủy điện Sông Tranh 2.
Công nhân đang khắc phục sự cố trên đập thủy điện Sông Tranh 2.

Xung quanh vấn đề nước rò rỉ ra thân đập thủy điện Sông Tranh 2, điều làm cho nhiều người thấy khó hiểu đó là sự mâu thuẫn trong giải thích nguyên nhân sự cố. Thế nhưng trong công văn khẩn số 850/EVN-QLXD ngày 21/3 của EVN gửi cho Bộ Công thương, UBND tỉnh Quảng Nam và Cơ quan thường trực Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về hiện tượng nước thấm tại công trình đập chính thủy điện Sông Tranh 2, có nêu rõ: Nguyên nhân là do nước thấm không được thu gom hết về các hành lang thu nước trong thân đập và theo các ỗng dẫn ra hạ lưu.

Theo đó EVN đưa ra biện pháp khắc phục sự cố này là tập trung kiểm tra toàn bộ hệ thống thu gom và thoát nước thấm theo thiết kế đã được phê duyệt, tiến hành ngay việc thông toàn bộ các ống thu nước trong thân đập bị tắc trong quá trình thi công và thời gian vận hành vừa qua, nếu ống nào không thông tắc được thì phải bổ sung ngay….

Với lý giải trên thì EVN cho rằng nước chảy ra ngoài thân đập do các ống thu nước trong thân đập bị tắc, không thông. Nhưng chiều ngày 21/3, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Tiến sĩ Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng công trình xây dựng, (thuộc Hội đồng nghiệm thu Nhà nước) cho rằng: trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công đã “quên” khâu thiết kế đường ống thu hút nước trong thân đập nên mới xảy ra tình trạng rò rỉ nước như trên (?).

Hóa chất dùng để ngăn dòng nước mà Ban quản lý điện lực 3 cho rằng mua ở nước ngoài nhưng nhãn mác toàn tiếng Việt.
Hóa chất dùng để ngăn dòng nước mà Ban quản lý điện lực 3 cho rằng mua ở nước ngoài nhưng nhãn mác toàn tiếng Việt.

Với những lý giải còn nhiều “bất cập” của các nhà chuyên môn như vậy, thiết nghĩ dư luận vẫn còn nhiều mối nghi ngờ là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, dư luận cho rằng trước đây chính Hội đồng nghiệm thu Nhà nước ngày 28/11/2011 có Thông báo số 77/TB-HĐNTNN về việc đã kiểm tra và đánh giá đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn, chất lượng. Giờ lại tiếp tục để chính Hội đồng này vào để kiểm định, đánh giá lại chất lượng liệu có công bằng?

  • P.D
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc