Một số cá nhân không tuân thủ đúng các quy định khi tham gia giao thông dẫn đến bị cảnh sát giao thông gọi dừng lại phạt. Tuy vậy, họ cương quyết không ký vào biên bản, bỏ đi và bị giữ bằng lái xe. Sau đó liệu họ có quyền được xin cấp mới giấy phép lái xe vì lý do bị mất?
Khi người vi phạm giao thông không ký vào biên bản, liệu biên bản vi phạm hành chính có hiệu lực?
Một người tham gia giao thông chia sẻ, anh bị bị lập biên bản vì đi ngược chiều, nhưng anh không ký vào biên bản và bị thu giữ giấy phép lái xe. Hiện giờ anh đang băn khoăn phải làm sao khi không biết cơ quan nào thu bằng lái xe của mình. Nếu anh làm hồ sơ khác để xin cấp lại giấy phép lái xe vì lý do vô tình làm mất bằng thì có được không?
Căn cứ vào khoản 29, Điều 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:
“Lập biên bản vi phạm hành chính
4. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều này.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.”.
Thêm vào đó, khoản 39, Điều 1 của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cụ thể như sau:
“Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 hoặc khoản 2 Điều 79 của Luật này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.”....Vì thế, khi người vi phạm luật giao thông bị lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không tự nguyện ký vào biên bản thì biên bản vẫn có giá trị. Do đó đối với trường hợp trên, khi bị xử phạt vi phạm giao thông có lập biên bản nhưng người đó không ký vào biên bản thì anh vẫn phải nộp phạt theo quy định. Việc nộp phạt người nộp đến Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước cụ thể được ghi trong quyết định xử phạt.
Sau khi nộp phạt xong, người vi phạm cần phải cầm biên lai nộp phạt đến Phòng CSGT/Đội CSGT được ghi trong quyết định xử phạt trước đó để nhận lại bằng lái xe đã bị thu trước đó.
Khi bị thu hồi giấy phép lái xe, liệu có thể xin cấp mới với lý do bị mất
Trường hợp người vi phạm này muốn làm thủ tục cấp lại giấy phép lái xe với lý do bị mất bằng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 19, Điều 1 của Thông tư 38/2019/TT-BGTVT. Cụ thể:
“Người tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe hoặc hồ sơ lái xe giả; sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe thì giấy phép lái xe đó không có giá trị sử dụng, ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.”.
Căn cứ quy định trên, khi người vi phạm bị thu giấy phép lái xe thì thông tin sẽ được cập nhật lên dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe. Vì thế, họ không thể thực hiện thủ tục đăng ký cấp lại giấy phép lái xe với lý do bị mất trong trường hợp này. Ngoài ra, họ có thể bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.