Ông già 70 điêu đứng vì cô vợ trẻ

( PHUNUTODAY ) - Cô đã có việc làm, hợp thức hóa chuyện ở lại Hà Lan. Điều đó đồng nghĩa với việc không bao giờ cô trở lại Việt Nam nữa.

(Phunutoday) - Không muốn để thiên hạ dè bỉu rằng mình “lấy đĩ về làm vợ”, ông Hùng động viên cho Mơ đi học vài khóa ngoại ngữ cấp tốc rồi đầu tư cả núi tiền để cô vợ bé đi du học bên tít trời Âu. Dù là chuyên gia kinh tế có hạng, nhưng ông Hùng không thể ngờ đó là khoản đầu tư sai lầm nhất, khiến ông mất trắng “cả chì lẫn chài”.

“Sét đánh” ở tuổi 53

Bi kịch của ông Hùng bắt đầu cách đây hơn 20 năm. Ngày ấy, ông đương chức, vẫn phong độ và tiền vào như nước. Cùng một lúc, ông sở hữu rất nhiều khối tài sản trong Nam và ngoài Bắc, trong đó có nhiều biệt thự ven biển tại các thành phố lớn như Nha Trang, Vũng Tàu...

Căn hộ biệt lập rộng đến 200m2 của ông ở Hà Nội cũng khiến nhiều người ao ước bởi sau mỗi chuyến công du nước ngoài, ông đều cầu kỳ đem về một món đồ có giá trị để điểm tô thêm vào ngôi nhà vốn dĩ đã quá đẹp của mình.

Hai người con của ông, một trai, một gái, lại không thuộc hạng cậu ấm công tử, ỷ thế “nhà mặt phố, bố làm to” mà hết sức tu chí học hành, ôm hoài bão tự thân lập nghiệp. Gia đình họ sống chan hòa, giản dị với bà con lối phố và bạn bè xung quanh. Người ta bảo ông Hùng được phúc như vậy một phần là nhờ vợ.

Bà Năm hơn ông Hùng 2 tuổi nhưng độ vênh của hai ông bà lớn đến mức khiến người ta tưởng phải thêm con số 0 ở đằng sau số 2 đó thì mới phải. Được gia đình gả về làm dâu nhà ông Hùng từ thuở hàn vi, bà Năm “tòng phu” đằng đẵng mấy chục năm trời, chuẩn mực đến mức không ai dám đưa chuyện thị phi đến nửa câu.

Bà ở quê chăm lo việc đối nội đối ngoại của cả hai gia đình, nuôi dạy con cái, vun vén, xây dựng “hậu phương vững chắc” để chồng mình đi bộ đội, học đại học, làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài và con đường công danh trơn tuồn tuột của ông dừng ở nấc cao nhất là làm ở vị trí lãnh đạo tại một tập đoàn kinh tế lớn.

Có lẽ bởi phải ôm đồm qua nhiều công việc như vậy nên bà Năm già đi khá nhanh. Với bản chất là người phụ nữ chân quê nhuần nhị nên bà cũng không thấy có lý do gì để phải thay đổi lối ăn mặc, giao tiếp đầy giản dị, chất phác của mình cả.

Trong khi đó, ông Hùng lại mỗi ngày một “đỏ da thắm thịt”. Cuộc sống sung túc, đề huề khiến ông lúc nào cũng tràn trề sinh lực. Cũng bởi vậy nên ông vẫn luôn thấy bức bối khi những năm tháng còn trai trẻ thì luôn phải sống xa vợ, nay có điều kiện gần gũi hơn thì bà đã sớm “tắt lửa lòng”. Bà vẫn chăm chút, đổi món cho ông từng bữa ăn, là lượt thẳng tắp từng chiếc sơ mi ông mặc. Thế nhưng, về chuyện gần gũi vợ chồng thì bà không thể đáp ứng được nữa.

Biết đây là chuyện không thể ép uổng được, ông Hùng tiếp tục vùi đầu vào công việc, mãn nguyện nhìn gia cảnh sung túc, con cái phương trưởng. Thế nhưng, cuộc đời vốn chẳng đi theo một con đường thẳng tắp, yên bình mãi được như thế. Ông Hùng gặp “sét”.

Ông quả quyết rằng đó là tiếng sét của tình yêu khi lần đầu tiên gặp Mơ trong một quán karaoke.

Ở tuổi 53, ông không tài nào lý giải nổi mình lại được trải qua một lần nữa những cảm giác nhớ nhung, xao xuyến, bồi hồi của bất kỳ chàng trai, cô gái nào ở tuổi đang yêu. Mơ kém ông đến 36 tuổi. Tuổi xuân tràn trề của cô gái xuất thân từ vùng sơn cước như mật ngọt đối với bất cứ người đàn ông nào, huống hồ với người đang vào độ “mãn xuân” như ông.

Trong mắt ông Hùng, Mơ khác hẳn với những “tay vịn” khác trong quán karaoke bởi cô không thuộc về nơi này.

Qua câu chuyện tâm sự, một phần bởi thương cảm trước gia cảnh khó khăn của người con gái chỉ đáng tuổi con mình, và phần lớn hơn, bởi ông không thể dứt ra được khỏi ánh mắt nhìn hun hút, sâu thẳm của cô nên nhanh chóng sau đó, ông đưa Mơ về làm nhân viên tạp vụ của một công ty con trong tổng công ty mình điều hành.

Và cũng chẳng lâu sau đó, bất chấp mọi lời dị nghị, ông Hùng đã làm một hành động, nếu trong mắt người đời là “điên rồ”, thì với ông, đó là đi theo tiếng gọi của tình yêu khi đệ đơn ly dị bà vợ già của mình, tự nguyện để lại căn nhà 200m2 đẹp như mơ ấy cho vợ và hai con để rước Mơ về làm vợ. Cả hai rời đến một nơi ở mới cũng phô trương, đẹp đẽ không kém.

Họ hàng, gia đình, bà con lối xóm lắc đầu ngán ngẩm. Họ bảo ông Hùng thế là đã “lấy đĩ về làm vợ”. Riêng bà Năm không nói gì. Từ dạo đó, người ta thấy bà chỉ chú tâm đi đình chùa cúng bái, chăm làm việc thiện hơn mà thôi. Có lẽ đến lúc này, bà mới thực sự tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn mình.

Sau “sét” là giông tố

Thoạt đầu, đó là thứ giông tố của tình yêu. Ông Hùng tưởng như ngạt thở trong những quấn quýt ngây thơ, hồn nhiên của cô vợ trẻ. Mơ sinh cho ông thêm một cậu quý tử. Sự nghiệp, công danh của ông càng về chặng cuối càng xuôi chèo mát mái hơn.  Tin tưởng hoàn toàn vào cô vợ trẻ, ông Hùng đã gần như giao toàn bộ khối tài sản của mình cho hai người em của vợ đứng tên hết.

Để chứng tỏ tình yêu và lòng thủy chung với vợ con, đến cả ngôi biệt thự ông đang sinh sống có già ngàn vàng ở ven hồ Tây, ông cũng nguyện đứng tên chung với Mơ. Mơ mỗi ngày một đẹp ra, đẹp đến mức ông chỉ muốn nhốt cô vào trong lồng kính để khỏi ai có thể nhòm ngó.

Thế nhưng Mơ không cam chịu cảnh sống tù túng như vậy. Lúc nào cô cũng đau đáu nuối tiếc về việc học hành của mình bị đứt gánh từ hồi cấp III khi bố cô bệnh nặng qua đời, mẹ thì đi bước nữa, để mặc ba anh chị em bơ vơ.

Ông Hùng hiểu và trân trọng mong muốn đó ở người vợ sau này của mình. Suy đi tính lại, nếu để cho vợ đi học, ông càng mở mày mở mặt hơn với thiên hạ, quan trọng nhất là thoát được tai tiếng “lấy đĩ về làm vợ”.

Sau khóa học tại chức kéo dài hơn 2 năm, Mơ có trong tay tấm bằng đại học một ngành xã hội dễ như bỡn. Tham vọng học hành không dừng lại tại đây. Thấy Mơ nghiêm túc với trường lớp, sách vở, ông Hùng động viên vợ đi học vài khóa ngoại ngữ cấp tốc nữa rồi tiếp tục rót tiền để cô du học tít bên trời Âu.

Ngày Mơ ra đi, cậu con trai đã gần 4 tuổi còn chưa hiểu chuyện gì vẫn cười tít trong vòng tay người giúp việc, làm động tác “bye bye” mẹ. Dù là chuyên gia kinh tế có hạng, nhưng ông Hùng không thể ngờ đó là khoản đầu tư sai lầm nhất, khiến ông mất trắng “cả chì lẫn chài”.

1
Ông già 70 điêu đứng vì cô vợ trẻ. Ảnh minh họa


Chương trình đào tạo liên kết giữa một trường đại học trong nước và một trường đại học ở Hà Lan mà cô theo học kéo dài 5 năm. Thời gian đầu, việc liên lạc giữa hai vợ chồng hết sức đều đặn. Mơ hào hứng, háo hức kể cho ông về môi trường học tập, ăn ở mới khiến cô chịu nhiều sức ép, nhưng cũng nhanh chóng hòa nhập để tận hưởng hết cái gọi là văn minh của phương Tây.

Vào những dịp nghỉ hè, ông sẵn sàng chi tiền để người vợ trẻ bay về nước, gia đình có dịp đoàn tụ. Dù quãng thời gian đó ngắn ngủi nhưng cũng đủ để ông chứng minh trong thời gian cô vắng nhà, ông vẫn một lòng chung thủy, đợi chờ.

Mơ về nước đều đặn trong ba năm đầu. Hai năm cuối, cô lấy lý do chương trình học đã ở giai đoạn “nước rút”, sức ép vô cùng căng thẳng nên không thể về được nữa.

Dù không phải chịu gánh nặng về chi phí học tập nhưng Mơ vẫn như phần lớn các du học sinh khác, thích kiếm việc làm thêm để giảm bớt sự phụ thuộc vào chồng và tăng cơ hội hòa nhập với cuộc sống của người dân bản địa. Ông Hùng ở nhà sốt ruột nhưng biết tính vợ, có can ngăn cũng chẳng được.

Hơn nữa, đó đâu phải là việc làm sai trái gì mà ông có thể cấm đoán được cô. Sự liên lạc giữa hai người cũng ngắt quãng dần đi. Sau khi về hưu, ông có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để chăm lo cho cả ba người con, đặc biệt là cậu con út vẫn còn bé dại. Nhìn cảnh cha già con cọc sống lủi thủi trong căn nhà sa hoa, rộng rãi thênh thang mà nhiều người không khỏi chạnh lòng, buông vài ba câu phán xét.

Bản thân ông cũng có linh cảm chuyện không hay đang xảy ra. Có một dạo, tự dưng ông nóng hết cả ruột gan, ăn không ngon, ngủ không yên. Gọi điện sang liên lạc với vợ thì khó khăn vô cùng. Khi nói chuyện được với nhau đôi ba câu thì rõ ràng ông thấy Mơ có phần lạnh nhạt, hời hợt hơn trước. Rồi giông tố thực sự ập đến.

Trong cuộc điện thoại Mơ chủ động gọi cho ông, cô ngập ngừng nói lời xin lỗi. Cô chính thức tạm biệt ông bởi đã vương vào một mối tình với chàng trai ngoại quốc trẻ trung, ga lăng hơn ông bội phần.

Không tin vào những gì vừa nghe, ông yêu cầu Mơ có chuyện gì cứ từ từ nói, nhưng nhất thiết phải quay về nước để cả hai cùng nói chuyện. Thế nhưng, Mơ không chấp nhận yêu cầu ấy. Dù đã hết khóa học, có bằng cấp trong tay từ lâu nhưng Mơ tuyệt nhiên không thèm quay về làm thân phận "chim chậu, cá lồng" trong ngôi biệt thự sang trọng với ông già hom hem.

Ông Hùng chợt hiểu ra, suốt bấy lâu nay, quan hệ vợ chồng chỉ có duy nhất tình yêu của ông dành cho Mơ mà thôi. Còn với cô, ông như một người… cha vậy. Cô chấp nhận làm đám cưới với ông để có cơ hội thay đổi cuộc đời.

Cô đã sinh cho ông một người con trai, đó coi như là một sự đền đáp. Còn khi cơ hội thực sự đã đến, tình yêu thực sự khai hoa thì cô không dại gì mà không đón nhận.

Cô đã có việc làm, hợp thức hóa chuyện ở lại Hà Lan. Điều đó đồng nghĩa với việc không bao giờ cô trở lại Việt Nam nữa. Cô sợ phải đối mặt với ông Hùng, với con trai mình, sợ ông sẽ tìm mọi cách để phá hủy mọi thứ mà những năm qua cô đã vất vả gây dựng nơi xứ người.

Bị một vố đau, ông Hùng như thoát ra được giấc mộng tình yêu u mê suốt những năm tháng qua. Ông sáng suốt hơn khi đối diện với những nguy cơ phía trước. Được sự trợ giúp của các con, ông cũng lần lượt đòi được một phần khối tài sản đứng tên các em vợ.

Nhưng riêng ngôi biệt thự sang trọng ven hồ Tây, dù nài nỉ thế nào để Mơ về nước phân chia tài sản, cô cũng không đoái hoài.

Trên danh nghĩa, ông và Mơ vẫn là vợ chồng, cùng đứng tên sở hữu căn nhà. Nay ông muốn bán hay muốn trao nó cho ai thì cũng đều phải có sự thuận tình của vợ. Điều ông lo lắng nhất là khi “nhắm mắt xuôi tay”, điều đó có thể đến bất cứ lúc nào, thì cả khối tài sản kia đương nhiên sẽ về tay cô “cave” ở quán karaoke ngày nào.

 Thế nên, đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn lọ mọ đâm đơn kêu cứu khắp các cơ quan pháp luật mà không dễ gì giải quyết ổn thỏa.

Trong căn nhà rộng thênh thang, vẫn chỉ có một cha già, một con cọc. Người đi qua đi lại càng mạnh mồm đàm tiếu về cái kết cục của việc “lấy đĩ về làm vợ”.

Vũ An
[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn