Danh y Tuệ Tĩnh đã đưa ra một bí quyết dưỡng sinh trường thọ rất nổi tiếng, tóm gọn trong hai câu thơ đơn giản:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
Tinh, Khí, Thần: Tam bảo của sinh mệnh
Bế Tinh
Tinh tức chất tinh túy được cơ thể chắt lọc từ thức ăn, từ các chất bổ dưỡng. Tinh đầy đủ thì sức khỏe khang kiện, tính tình vui vẻ, hăng hái, yêu đời. Nếu người ta thiếu thốn nó thì thường bệnh hoạn, ốm đau, bi quan, buồn chán. Tinh bị hao tổn nhiều nhất trong sinh hoạt vợ chồng và nam nữ. Nhiều người cho dù có tuổi vẫn không biết chế ngự, vẫn không biết tiết chế ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tinh thần.
Bế tinh được đề cập đến ở đây không phải là hoàn toàn tuyệt dục, chính là biết cách giữ gìn chất tinh túy trong cơ thể. Muốn sống thọ và có sức khỏe hãy coi nhẹ chúng, không nên hoang phí quá độ.
Dưỡng Khí
Tinh và khí có mối liên quan mật thiết với nhau, có tinh thì dưỡng khí mới có kết quả. Người xưa thường nói ‘Tinh hóa khí’, dưỡng khí là đem năng lượng khí trời trong sạch vào đan điền để biến thành tinh khí, thành năng lực luân lưu khắp châu thân để bảo toàn sự sống. Vì thế muốn dưỡng khí hữu hiệu thì phải bế tinh, phải biết tiết dục chứ không phải diệt dục. Khi tinh và khí đầy đủ, sung mãn thì bệnh tật không xâm nhập được từ đó có được một cơ thể quý báu.
Người ta khi đang khỏe mạnh thường rất ít chú trọng để tâm tới nó, chỉ khi bị các loại bệnh tật hành hạ khổ sở mới nhận thức được nó quý báu tới nhường nào. Nên nếu hiểu được đạo dưỡng sinh, biết dưỡng tinh khí ta mới có thể sống trường thọ. Phải bế tinh thì dưỡng khí mới có kết quả. Tinh cạn kiệt thì khí không thể điều động để trở thành năng lực nuôi sống, bảo toàn sức khỏe một cách tốt nhất.
Tồn thần
Tinh khí đầy đủ chẳng những giúp cho cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp cho tinh thần sáng suốt, tinh anh. Thần là sắc khí hiện ra trên sắc mặt, trong cặp mắt. Khí và tinh hợp lại biến thành thần khí hay thần sắc. Nhìn sắc diện một người, có thể nhận ra được ngay họ có thần sắc hay không. Thần sắc đầy đủ thể hiện một sự lạc quan yêu đời, một cuộc sống sung mãn, thánh thiện. Thể chất và tinh thần có liên quan chặt chẽ với nhau. Tinh – khí – thần cũng lại như vậy, vì thế phải giữ tinh để hóa khí và từ tinh khí sẽ biến thành thần sắc.
“Tồn thần” còn có nghĩa là “giữ thần”, tồn thần là giữ gìn cho còn tồn tại. Thần sắc được tinh khí tạo ra, nhưng phải được bảo tồn. Tồn thần hay dưỡng thần cũng giống như ta sử dụng điện năng. Được cung cấp nhiều thì khả năng tồn giữ không mất, lại dồi dào thêm. Ngược lại, tiêu xài nhiều, tiêu phí nhiều thì khả năng tồn giữ bị tiêu hao. Thần bị hao tổn khi ta có quá nhiều cảm xúc tiêu cực như dễ giận hờn, thù oán, nhiều tham vọng hay tự cao, tự đại. Thần được lưu giữ nhờ sự bình an trong tâm hồn, nhờ giấc ngủ yên lành không mộng mị. Tóm lại, nên tập cho mình một phong thái sống, nếp sống, sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ, hài hòa. Cũng nên thuộc lòng câu nói sau đây: Tinh túc thì ít bệnh. Khí túc thì ít ăn. Thần túc thì ít ngủ.
Muốn giữ cho tâm – thần được yên ổn, cần thực hiện thanh tâm, quả dục
Thanh tâm là giữ cho tâm trong sáng, không bị vẩn đục, không làm điều đê hèn, đố kỵ, tàn ác, cố chấp, không quá ham chuộng vật ngon của lạ, không quá lo ganh đua, đoạt lợi…Thanh tâm chính là tự tu tâm dưỡng tính, trau dồi đạo đức cao thượng, hành vi thanh nhã thuần khiết. Sống thanh cao thì tâm được thanh thản, tạng phủ hoạt động điều hòa, sức khoẻ được duy trì, thoải mái.
Quả dục là ít hoặc không ham muốn quá nhiều. Những ham muốn hằng ngày như có cơm ăn, áo mặc đầy đủ, học hành đỗ đạt, làm việc thành công, mưu cầu hạnh phúc, làm lợi cho cộng đồng… là điều mỗi người ít nhiều đều có. Tuy nhiên, tìm mọi cách giành giật lấy những điều đó và khi không được thì đau khổ, lo nghĩ, dằn vặt, thất vọng, tâm trạng rối bời, mất ăn mất ngủ thì không nên.
Thanh tâm quả dục chính là đạo dưỡng sinh. Người nghèo nhờ đó mà an khang, đức dày; người phú quý nhờ đó mà bình an, hưởng thọ lâu dài, rạng rỡ tổ tông, vinh danh hậu thế. Thanh tâm quả dục trong từng suy nghĩ, ngôn hành giúp đạt được thân tâm khỏe mạnh, có thể tự giác ngộ, đây là khởi nguồn của chính đạo.
Thủ là giữ, Chân là chân lý. Thủ chân tức luôn theo đuổi điều mình cho là chân lý,là lý tưởng trong kiếp nhân sinh. Khi có mục tiêu, có lý tưởng để theo đuổi mới hiểu được giá trị thực sự của cuộc sống. Rất nhiều người coi tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, danh vọng, sắc đẹp là mục đích trong khi thực chất chúng chỉ là phương tiện. Nếu cả đời chỉ lo chạy theo những thứ vật chất này và tự biến mình thành nô lệ thì sẽ sống thật khổ sở không được yên thân.
Người biết sống, sáng suốt lúc nào cũng phân biệt rõ được phương tiện và mục đích. Họ luôn biết làm chủ cuộc sống chứ không bao giờ trở thành nô lệ. Mục đích của họ có thể có nhiều nhưng mục đích cao nhất sau cùng chính là thoát khỏi những ưu phiền của thế sự, những hạn hẹp của kiếp người. Người “thủ chân” thường là biết sống, có một ước mơ cao cả đề tìm cầu, thực hiện trong suốt cuộc đời. Họ sống ung dung, an nhiên tự tại, hài lòng với những gì mình đang có. Họ sống giản dị và biết cách dễ dàng vượt qua những ưu phiền.
Luyện hình chủ yếu là vận động cơ thể bởi đây là bản chất tiên thiên của sự vật. Không hoặc ít vận động là trái với quy luật tự nhiên. Vận động chân tay hay vận động trí óc đều là cần thiết với sinh mệnh, nhưng cần phải là vận động toàn thân. Tập khí công chính là phương pháp tốt nhất để thực sự vận động. Trong lúc tập luyện đã cùng một lúc động viên cả bốn phần: tâm, ý, khí, hình. Khí công có thể tạo cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết, lưu thông kinh lạc, bồi dưỡng chân khí không những vậy còn có thể kéo dài tuổi thọ. Bí quyết dưỡng sinh này cũng chính là điều nên học hỏi, kiên trì thực hành để sống khỏe, hạnh phúc, tăng thọ, hữu ích.
Không chỉ lưu lại bí quyết dưỡng sinh nổi tiếng, thiền sư Tuệ Tĩnh còn nghiên cứu và tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền và biên soạn thành sách. Hai bộ sách nổi tiếng của ông đó là Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa, bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật và bài “Phú thuốc Nam” 630 vị cũng bằng chữ Nôm.
Theo sách Gương sáng trời Nam, năm giáp tý (1384) thiền sư được vua phái đi xứ Minh. Vì có công chữa khỏi bệnh cho Tống Vương Phi hoàng hậu của nhà Minh, ông được vua Minh phong danh hiệu “Đại Y Thiền Sư” và lưu ở Kim Lăng Trung Quốc. Được trọng dụng nhưng người con đất Việt này luôn nhớ về quê hương. Đến khi qua đời, dù thân xác nằm lại trong đất bụi Giang Nam, tâm tư ông vẫn khắc khoải giấc mơ quê nhà. Trên tấm bia mộ tại đền thờ ông ở nơi bản địa vì thế có khắc dòng chữ: ‘Sau này bên nước Nam có ai sang, cho di cốt tôi về quê với‘. Nếu ai được nghe câu chuyện về dòng chữ này hẳn càng cảm phục ông hơn và thấy trong lòng mình cũng đang rộn lên tình yêu tổ quốc .