Mẹ bị cúm hoặc chẳng may mắc Covid-19 có cho con bú được không?

( PHUNUTODAY ) - Sản phụ và trẻ sơ sinh luôn ở cạnh nhau nên thường tiếp xúc cùng một loại các loại vi trùng, virus. Vậy khi mẹ bị cúm hoặc chẳng may mắc Covid-19 có cho con bú được không?

Mẹ mắc Covid-19 có cho con bú được không?

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá, rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất mà những thực phẩm khác không thể có được. 

BS CKII Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho biết, sữa mẹ có hiệu quả phòng ngừa nhiễm nhiều loại siêu vi, trong đó có siêu vi gây bệnh cúm mùa (influenza virus), tiêu chảy (rotavirus), viêm đường hô hấp (RSV) và bại liệt (polio virus)... Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có những axít béo đặc biệt và một số loại monoglycerides giúp sữa mẹ có tác dụng chống lại virus.

Trên thực tế, sản phụ và trẻ sơ sinh luôn ở cạnh nhau nên thường tiếp xúc cùng một loại các loại vi trùng, virus. Vậy khi mẹ bị cúm có phải ngưng cho con bú không? Câu trả lời của BS Từ Anh là không cần phải ngưng cho bú. Bởi vì virus cúm không lây qua sữa mẹ mà lây qua giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc qua bàn tay dính nước mũi hoặc dịch họng do chạm vào mũi và miệng.

Ngay cả virus corona cũng không có trong sữa mẹ. Khi mẹ bị cúm, trong sữa mẹ có kháng thể chống lại virus cúm nên cho trẻ bú mẹ cũng giống như đang chích vaccin cho trẻ.

Mẹ bị cúm có phải ngưng cho con bú không?

Mẹ bị cúm có phải ngưng cho con bú không?

Mẹ bị cúm thì phải làm gì khi muốn tiếp tục cho con bú?

Theo BS Từ Anh, người mẹ bị cúm phải mang khẩu trang và rửa tay đủ 6 bước theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới, bằng nước và xà phòng trước khi chạm vào con hay chạm các bề mặt mà trẻ có thể chạm vào.

Khi hắt hơi hoặc ho phải che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng khuỷu tay và rửa ngay sau đó. Nếu mẹ mệt mỏi không thể cho bú trực tiếp thì có thể vắt sữa mẹ ra để cho con uống. Lưu ý trước khi vắt sữa cũng phải rửa tay đúng cách.

Nếu trẻ bị cúm, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ cho rằng trẻ vẫn nên được bú mẹ. Bởi lẽ, khi trẻ bệnh thì sữa mẹ ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn bổ sung kháng thể, các thành phần miễn dịch khác giúp bé mau khỏi bệnh. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có nhiều nước và vitamin là những thứ trẻ đang bệnh cần được bổ sung.

Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với bú mẹ khi mẹ mắc Covid-19

- Mẹ thuộc diện nghi ngờ, có thể hoặc xác định mắc Covid-19 vẫn nuôi trẻ theo khuyến cáo chung dành cho trẻ nhỏ (bú mẹ sớm trong 1 giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu) song song với thực hành các biện pháp cần thiết để phòng ngừa lây nhiễm.

- Nếu mẹ mắc Covid-19 và có triệu chứng hô hấp phải mang khẩu trang y tế khi cho trẻ bú mẹ và chăm sóc theo phương pháp Kangaroo, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc trẻ, thường xuyên rửa và sát khuẩn các bề mặt đã chạm vào.

- Nếu mẹ mắc Covid-19 nặng hoặc bị các biến chứng của bệnh, không thể cho trẻ bú trực tiếp thì nên vắt sữa mẹ và đảm bảo an toàn khi chuyển sữa này cho con.

- Mẹ và con vẫn nên được thực hiện tiếp xúc da kề da, được ở cạnh nhau, chăm sóc trẻ theo phương pháp Kangaroo, đặc biệt là bú mẹ ngay sau sinh, dù mẹ đang nghi ngờ, có thể hoặc xác định mắc COVID-19.

Mẹ bị bệnh gì thì không được cho con bú?

Những trường hợp mẹ nên chọn thực phẩm thay thế sữa mẹ cho con đến khi có thể cho con bú trở lại: 

Mẹ bị nhiễm HIV: Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) từng khuyến cáo người mẹ nhiễm HIV không nên cho con bú vì HIV có thể truyền sang cho con qua sữa khi cho bú. Nuôi ăn bằng sữa công thức thay thế sữa mẹ là một biện pháp có hiệu quả giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con.

Mẹ bị bệnh lao phổi tiến triển: Mẹ lao phổi trong giai đoạn này nhất thiết cho bé ngưng sữa mẹ, đồng thời cũng nên cách ly, không nên chăm sóc bé vì dễ lây bệnh cho bé và khiến bản thân người mẹ suy kiệt thêm. Mẹ cần điều trị triệt để bệnh lao phổi trước khi quyết định cho con bú và chăm con trở lại, bác sĩ Nguyệt cho hay.

Mẹ bị ung thư: Mẹ đang bị ung thư và trong quá trình chẩn đoán, điều trị bằng thuốc, xạ trị, hóa trị không nên cho con bú. Vì trong quá trình chẩn đoán bệnh có một số xét nghiệm để xác định bệnh có thể cần các thuốc cản quang hoặc một số thuốc điều trị ung thư có thể truyền qua sữa mẹ nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Mẹ bị áp xe vú hai bên: Mẹ bị áp xe vú hai bên cũng không nên cho bé bú mẹ mà cần điều trị dứt điểm, sau khi khỏi hẳn có thể cho bé bú lại, trường hợp áp xe vú một bên có thể cho con bú bên vú lành. 

TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn