Theo GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu (Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc): "Các ý kiến phản đối 3 phương án của Bộ Giao thông Vận tải với cầu Long Biên là xác đáng. Cái sai của các phương án là chúng ta đã ứng xử với cây cầu Long Biên phũ phàng quá, không coi nó là di sản mà coi nó như là cây cầu bình thường. Cầu hỏng thì sửa, nát quá thì đập xây lại. Nhưng, cũng không thể đổ cái sai này cho đội ngũ kỹ sư được, vì trên thực tế cây cầu Long Biên chưa được công nhận là di sản nên không thể bắt họ phải nhìn nhận nó như là di sản.
Bây giờ, việc đầu tiên là phải lập hồ sơ đề nghị công nhận cầu Long Biên là di sản. Sau đó, chúng ta sẽ có phương án để vừa bảo tồn nó như là một di sản văn hóa quốc gia, vừa phục vụ cho sự phát triển của kinh tế xã hội. Chúng ta không thể nào quá coi trọng vấn đề bảo tồn mà coi nhẹ vấn đề phát triển. Sắp tới, chúng ta phải làm được cả hai vấn đề ấy.
Xưa nay, chúng ta hay nghĩ và làm theo cách nhà nào nhà ấy biết, Bộ nào thì làm việc của Bộ ấy. Ví như, cứ xây cầu phải là Bộ Giao thông Vận tải; xây, thiết kế nhà là của Kiến trúc. Sắp tới, phương án xây dựng, tôn tạo cầu Long Biên phải có sự tham gia của liên ngành Giao thông Vận tải, Kiến trúc, Lịch sử, Văn hóa, Khảo cổ… thì mới tìm ra được phương án tối ưu tốt nhất cho cây cầu Long Biên.
Phải có tiêu chí rõ ràng khi tiến hành tu bổ cầu Long Biên, vừa bảo vệ di sản, vừa góp phần vào cấu trúc đô thị mới đáp ứng được sự phát triển sôi động của Hà Nội. Từ đó, nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế của cây cầu đặc biệt này. Chúng ta phải nghĩ cho con cháu, cho thế hệ mai sau, dạy cho chúng biến cầu Long Biên là chứng nhân về mọi mặt của dân tộc, là hiện vật vô giá của đất nước.
Cầu Long Biên lịch sử vắt mình qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Ý kiến của PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục (Ủy viên Hội đồng Trung ương, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam): "Nếu chúng ta vội vã thì cây cầu này dù có đè lên tim của cầu Long Biên cũ thì nó cũng không hiệu quả. Khi tiếp cận đô thị phải tính đến lợi ích của toàn bộ người dân sống trong đô thị. Trong đó, người dân sống trong lõi thành phố rất quan trọng, vì họ giữ được hồn cốt, lối sống, hệ thống chợ của đô thị. Hà Nội rất cần cầu Long Biên cho một đô thị đang trong quá trình phát triển. Hà Nội hiện nay được mở rộng rất nhiều, dân số đông hơn rất nhiều so với trước. Tại sao chúng ta lại phải bám vào một cây cầu ở trung tâm thành phố và đã cũ mà lại không tìm ra những yếu tố mới trong phát triển? Sao phải đè vào di sản? Tôi cho rằng đó là do tư duy “mì ăn liền” rất quen thuộc của các dự án bây giờ. Nghĩa là, cứ nhè vào những chỗ “bờ xôi ruộng mật”, nhè vào chỗ ngon lành để sử dụng lại cho nó dễ dàng. Đó là những tư duy chộp giật, những tư duy kinh tế thời vụ, trước mắt mà xóa bỏ giá trị văn hiến lâu dài, xóa bỏ những nồi cơm di sản mà đáng lẽ sau này con cháu chúng ta được thụ hưởng. Bộ Giao thông đừng độc diễn, thành phố Hà Nội cũng không nên độc diễn mà chúng ta nên đưa vấn đề ra để trưng cầu dân ý một cách minh bạch. Hãy đưa tất cả những phương án của các tổ chức trong và ngoài nước đã được đề xuất để người dân có tiếng nói và các chuyên gia có ý kiến. Nếu chúng ta cứ bưng bít là đã làm hại cho một đô thị rộng hơn 3.400 km2. Với 3 phương án của Bộ Giao thông, chúng ta phải tìm ra yếu tố đúng".
KTS Nguyễn Nga (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư, bảo tồn phát triển cầu Long Biên) đưa ra nhận định: "Chúng ta tưởng rằng, giải quyết kinh tế thì phải bỏ đi di sản. Nhưng, đối với cây cầu lịch sử Long Biên nó hoàn toàn sai. Vì nếu chúng ta biến Long biên thành cây cầu giao thông thông dụng thì chúng ta chỉ giải quyết được một vấn đề đó là giao thông nội đô. Nhưng, chúng ta làm sao lấy được tiền từ cây cầu dài 2 km từ những người đi qua cầu? Quyền lợi này là không có mà chỉ có quyền lợi từ nhóm thực hiện dự án này. Còn quyền lợi đem lại cho dân bằng cách cải tạo lại cây cầu bằng một phương thức mới mà thế giới đang làm và Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích là phương thức PPP - nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ đó, tạo ra gói dịch vụ tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, có một cảnh quan đẹp mang giá trị lịch sử dân tộc và là một bảo tàng sống".
TS .KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: "Chúng ta phải chọn lựa, cân nhắc thật kỹ trước những phương án do nước ngoài cũng như trong nước đề xuất. Nên biết, nước ngoài có khi xui khôn nhưng cũng có khi xui dại. Vấn đề mới là xây dựng cầu mới ở đâu, cách cầu cũ bao xa? Phải xác định có bảo tồn không? Bảo tồn để làm gì và bảo tồn như thế nào? Không phải là nói cho nó sướng, mà là phải xác định bảo tồn như thế nào, làm như thế nào để thu hồi tiền, vì chúng ta đang khó khăn. Và tất nhiên, phải đảm bảo được tính lịch sử, văn hóa vốn có của cây cầu Long Biên".
Ba phương án về cầu Long Biên của Bộ Giao thông Vận tải: Phương án 1: Di dời 9 nhịp đầu cầu Long Biên về phía thượng lưu, cách tim cầu cũ 85 m để bảo tồn. Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại. Dự kiến sẽ tốn khoảng 867 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và việc xây dựng cầu mới cần 7.982 tỷ đồng. Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại với kết cấu nhịp giàn thép và hình dáng tương tự với thiết kế ban đầu của cầu Long Biên. Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp giàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Cầu mới được dùng cho cả đường sắt, đường bộ. Theo phương án này, cần khoảng 867 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và cần 9.094 tỷ đồng để xây dựng. Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn. Theo đó, các nhịp cầu mới đầu phía Gia Lâm sẽ đi trùng tim cầu hiện tại do các nhịp cầu phía này đã bị bom Mỹ đánh hỏng nên không có khả năng bảo tồn; đầu phía Hà Nội sẽ xây các nhịp cách tim cầu hiện tại khoảng 30 m về phía thượng lưu để tránh xâm phạm đến cầu Long Biên hiện tại. Phương án này sẽ giữ lại 9 nhịp cầu còn nguyên bản phía Hà Nội để bảo tồn mang tính nguyên bản, nghĩa là giữ nguyên cầu cũ không thay đổi vị trí và kết cấu. Sẽ cần đến 989 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và cần 9.389 tỷ đồng xây dựng cầu. |