Phẫn nộ: Đâm 3 nhát dao vào người học sinh lớp 11 rồi bỏ trốn

11:41, Thứ năm 21/12/2017

( PHUNUTODAY ) - Mâu thuẫn với Thùy, Tú gọi anh rể ra giải quyết, sau khi đâm 3 nhát dao vào người Thùy, anh rể của Tú bỏ trốn khỏi hiện trường.

Theo thông tin ban đầu, Nguyễn Thanh Thùy (SN 2001) và Phạm Ngọc Tú (SN 2000) đều là học sinh lớp 11 trường THPT Thành Đồng, có mâu thuẫn với nhau.

Đến khoảng 11h, ngày 20/12, Tú gọi anh rể là Lương Văn Hiệp (SN1983, trú tại số 5/77 đường An Ninh, TP Hải Dương) đến khu vực cạnh trường THPT Thành Đồng (TP Hải Dương) để giải quyết mâu thuẫn.

dam-ban Thùy được các bạn đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương

Khi đến ngõ nhỏ cạnh trường, nơi có Tú và Thùy đang ngồi nói chuyện, Hiệp dùng dao đâm 3 nhát gây thương tích cho Thùy. Sau khi gây án, Hiệp bỏ trốn khỏi hiện trường.

Thùy được bạn bè cùng lớp đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu trong tình trạng con dao của Hiệp đâm vẫn còn dính trên bụng.

Chiều cùng ngày, Công an TP Hải Dương đang cho biết, đang điều tra làm rõ vụ việc và truy bắt đối tượng Lương Văn Hiệp

Vụ việc đang cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, hội Tâm lý – Giáo dục TP.HCM đánh giá, sự việc cho thấy tính chất bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, các em học sinh sẵn sàng gọi “hội” đến “xử” bạn. Đây là hồi chuông cảnh báo về nhận thức về pháp luật của nhiều em học sinh chưa cao và sự bất lực của nhà trường, phụ huynh.

Chuyên gia Lê Khanh cho rằng, báo lực học đường đã trở thành vấn nạn. Thời gian qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các clip học sinh ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng... đánh nhau ở ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên trường học. Trong các clip này, không chỉ hai học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, mà là một nhóm học sinh xông vào đánh, đấm, đạp lên người, lên đầu, thậm chí dùng cả gậy đánh một bạn hết sức tàn bạo, còn nạn nhân thì không thể phản kháng. Nhiều khi học đường đã bị biến thành "võ đường".

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường ngày càng tăng là do sự quan tâm của gia đình chưa đúng mức, mà nói cách khách nhiều bậc cha mẹ gần như “bất lực”, không có những biện pháp giáo dục cho trẻ thấy được giá trị của bản thân. Trong khi chúng ta đang thiếu những quy định về biện pháp hỗ trợ, can thiệp cụ thể đối với trẻ vị thành niên; mức độ xử lý không đủ sức răn đe, thậm chí phục thuộc vào phản ứng của cộng đồng.

Điều quan trọng hơn là giáo dục học đường đang có lỗ hổng. Nhiều thầy cô giáo không đủ uy tín, năng lực để kiểm soát hành vi của trẻ. Khi học sinh mắc lỗi thay vì hướng dẫn giáo dục giúp các em nhận ra việc làm sai trái của mình thì nhà trường lại đuổi học, đẩy các em vào thế “oán trách xã hội”, bạo lực mức độ càng nghiêm trọng hơn”, chuyên gia Lê Khanh nêu quan điểm.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cũng cho rằng không nên đổ lỗi cho ảnh hưởng từ Internet (chơi game bạo lực) cũng như tác động xấu từ nhiều vụ án xảy ra gần đây mới dẫn đến tình trạng bạo lực ở trẻ tăng. Trẻ có thể ảnh hưởng “tâm lý đám đông”.

“Nếu trẻ có được nhân cách ổn định, ý thức về bản thân thì khi đối mặt với vấn nạn bạo lực trẻ sẽ lên án, phê phán ngay những hành vi đó. Nhưng ở đây, yếu tố giáo dục từ gia đình cũng bị lung lay. Nhiều cặp vợ chồng không làm gương, hành xử bạo lực với nhau trong khi nhiều vụ việc nghiêm trong lại không bị xử lý răn đe khiến cho trẻ mất niềm tin về những quy tắc, quy chuẩn trong xã hội.

Hơn nữa, ý thức pháp luật của người dân quá kém, nhiều người đều không quan tâm việc nếu như hành hung người khác là đang vi phạm pháp luật. Đó cũng là nguyên do khiến trẻ vi phạm pháp luật ngày càng tăng”, chuyên gia Lê Khanh nhận định.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc