Bài viết của chị khá sâu sắc, đánh trúng tâm lý nhiều bậc cha mẹ, chạm đến trái tim của nhiều người, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa nên nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cư dân mạng, với 3.600 like và 2.000 lượt chia sẻ. Xin trích nguyên văn bức tâm thư được viết bằng tấm lòng chân thật, thức tỉnh nhiều ông bố bà mẹ của chị Huyên Thảo:
“Đừng sống vì con! Hãy sống vì mình!
Có những ba mẹ mỗi khi con bệnh, nhìn con bệnh 1, nhìn ba mẹ bệnh 10, tưởng bệnh nhân là ba mẹ, chứ không phải đứa con cười tươi roi rói.
Có những ba mẹ, mỗi khi con bị té đau, thì đau xé xắt, y như mình đang bị vậy. Lo lắng, xót xa 100 lần so với độ “nặng” thực tế xảy ra.
Có những ba mẹ, khi con đi học, gửi con đi mà con khóc 1, ba mẹ cũng thi nhau khóc, khóc ở bên trong, khóc cả ra ngoài. Lo con không biết có được đối xử tốt hay không, không biết có hòa nhập hay không, không biết có khó khăn cho con hay không! Ước gì mình ủ được con mãi mãi!
Có những ba mẹ, con chạy chút cũng lo vì sẽ té, con nhảy xíu cũng lo, vì sợ ngã, con chơi nước cũng lo, vì sợ nhiễm lạnh, con cười nhiều cũng lo bị lộn ruột, con muốn làm này làm kia, thì can ngăn trước hết, vì tất cả những nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra!
Lo từ khi còn nhỏ, đến khi lớn tướng!
Từ khi còn độc thân, đến cả khi có gia đình riêng!
Lo đến mức muốn can thiệp mọi thứ!
Lo những cái lo không kiểm soát được! Dù biết không kiểm soát được, nhưng vẫn cứ lo!
Những cái lo làm ngạt thở, cả người lo, lẫn người “bị” lo!
Lo đến mức, quên mất sống cho mình!
Đến khi về già, không thấy con “nghe lời” mình nữa, lại trách con bất hiếu, vì trước giờ ba mẹ sống vì con, mà bây giờ con không biết ơn ba mẹ!
Đó thật sự, không là tình thương, mà là lòng ích kỉ, làm kiềm hãm sự trưởng thành, phát triển của cả một con người!
Vì ba mẹ là người cho con cuộc đời, nhưng không nên sống thay cho trẻ. Vì con trẻ cần phải có những trải nghiệm không vui vẻ, mới có thể trưởng thành!
Chân dung bà mẹ - nữ bác sĩ Huyên Thảo đang là tâm điểm chú ý với các bậc phụ huynh vì bài quan điểm ngược đầy ấn tượng.
Làm người “bị lo” sống trong kìm kẹp, nặng gánh nợ sinh thành suốt đời nặng nhọc như tảng đá đè người, không có thời gian để sống cho mình, sống để làm những gì mình muốn, sống để được là chính mình, và mãi không lớn được! Vì thật ra có bao giờ được cho cơ hội để lớn đâu!
Bị bệnh để khỏe mạnh hơn. Bị té đau để rút kinh nghiệm không vấp ngã. Hoặc có vấp ngã, thì biết sẽ bị đau nên sẽ không ăn vạ đổ thừa. Bị đói để ăn ngon miệng.
Bị tranh giành, cọ xát với các bạn trong trường, để biết ra đời linh động trong tương tác, chứ không phải bám váy mẹ đòi che chở. Bị điểm kém, bị phạt khi không chuẩn bị bài vở tốt, để biết mình cần cải thiện điều gì.
Bị thất tình để biết trân trọng tình cảm đến sau.
Bị đứng bằng hai chân của mình, để biết lượng sức, và thoải mái lựa chọn con đường đời mình cần đến. Bị gánh vác gia đình nhỏ của bản thân, để có thể trở thành một người ba, người mẹ đủ bản lĩnh, để dắt tay con, mở từng cánh cửa cho con khám phá bản thân mình!
Tất cả những cái “Bị”, thật ra là những cái “Được”!
Thế giới này, hồng quá cũng thành xám xịt, vui quá cũng trở thành buồn. Chở che quá, lại trở thành lãng phí! Lãng phí cuộc đời của ba mẹ, và của cả con!
Đừng nói “Ba mẹ sống vì con”. Vì khi bạn mất đi rồi, con sẽ sống ra sao, khi người sống cho nó đã không còn. Hãy nói “Ba mẹ cảm ơn con, vì làm cuộc sống của ba mẹ thêm phần ý nghĩa! Con hãy tự sống vì mình, nhưng hãy nhớ, luôn có ba mẹ ở bên khi con cần đến!”. Giống như khi đi ra đường, nên đội cho con cái mũ bảo hiểm, và dạy đi cẩn thận! Chuyện còn lại, để trời lo. Vì ngay cả khi ru rú ở nhà, khả năng bị tai nạn còn có thể cao hơn khi đi lại!
Nên đừng lo nữa, hãy sống vì mình! Đó cũng chính là sống vì con!”.
Có tận 3 đứa con nên chị Thảo thấu hiểu suy nghĩ , thói quen của nhiều bậc cha mẹ khác, nên chị đã đưa ra lời khuyên để họ thay đổi tư duy.
Sau khi chứng kiến những lời tâm sự của mình được đông đảo mọi người đón nhận, chị Huyên Thảo cũng không cảm thấy bất ngờ, bởi ai có con cũng đều hiểu điều chị nói. Chị đã viết tất cả bằng kinh nghiệm bản thân trong việc nuôi dạy 3 đứa con nhỏ, cả kinh nghiệm từ các gia đình bệnh nhi tới khám. Bài viết hấp dẫn, mới lạ ngay từ cách đặt tiêu đề, mà theo chị Thảo, đó là câu đúc kết chuẩn xác nhất cho hiện thực cuộc sống gia đình hàng ngày mà chị trông thấy.
“Nhiều người làm cha mẹ luôn tỏ ra lo lắng cho con quá mức, đầu tư quá tay, và định hướng tương lai một cách ép buộc, kỳ vọng quá sức ở con mình. Có những việc chúng ta nghĩ là con còn nhỏ không thể làm được, nhưng khi dằn lòng buông tay, cho con cơ hội thể hiện thì chúng có thể tạo ra những kỳ tích bất ngờ.
Tôi rất hiểu chuyện làm con trong nhà thường sống khá áp lực căng thẳng, kể cả trưởng thành rồi vẫn có nhiều bạn trẻ bị bố mẹ quản lý, quan tâm thái quá, không thể sống vô tư, thoải mái. Và khi không đạt được ước nguyện của cả nhà, như đỗ trường chuyên, đạt giải học sinh giỏi, học bổng… thì sẽ bị lôi ra mắng mỏ, khiển trách, so sánh với con nhà khác, thậm chí bị bố mẹ mang hai chữ “vì con” ra để chúng thấy có lỗi với gia đình nhiều hơn là có lỗi với bản thân.
Về mặt y khoa, chuyên môn của mình, thì tôi thấy việc lo lắng quá mức cho sức khoẻ của trẻ trong cuộc sống hiện đại là quá phổ biến. Điều ấy cũng không tốt, giống như tôi đã chia sẻ trong bài viết, phải để trẻ bị ngã, bị đau, bị ốm, thì chúng mới khoẻ mạnh hơn, tăng cường miễn dịch, trải qua chuyện không vui chúng mới trưởng thành lạc quan hơn”.
Đừng để sự quan tâm quá mức biến thành sai lầm khiến trẻ trở nên thụ động, dựa dẫm.
Là một bà mẹ dày dạn kinh nghiệm nuôi con, chăm sóc hẳn 3 đứa, nhưng chị Thảo cho biết, lũ trẻ nhà chị mỗi đứa một cá tính, hợp lại thì khá đau đầu. Chị luôn làm đúng như quan điểm đã nêu ra trong bài viết, với hi vọng các con lớn lên sẽ thành người tự lập, dám nghĩ dám làm, bố mẹ về già có thể an nhàn hưởng thụ. Những gì chị viết rất có ích cho việc thay đổi phương pháp nuôi dạy trẻ ở nhiều gia đình bây giờ, không cần thiết phải chiều chuộng các bé quá. Con ngã đau thì bố mẹ nào mà chẳng xót, nhưng nếu lần nào cũng chạy ra đỡ chúng, dần dần chúng sẽ quên mất cách đứng dậy. Khi bố mẹ không còn bên cạnh nữa, thì chúng có lớn đến đâu cũng vẫn luôn yếu đuối, dựa dẫm.
Đừng nói “Ba mẹ sống vì con”. Vì khi bạn mất đi rồi, con sẽ sống ra sao, khi người sống cho nó đã không còn. Hãy nói “Ba mẹ cảm ơn con, vì làm cuộc sống của ba mẹ thêm phần ý nghĩa! Con hãy tự sống vì mình, nhưng hãy nhớ, luôn có ba mẹ ở bên khi con cần đến!”.
Chiều chiều ra đường, ra ngõ hóng mát, rất dễ bắt gặp hình ảnh quen thuộc mang hương vị cuộc sống thật gần gũi: ông bà, bố mẹ bế con cháu đi chơi, dắt ăn rong, tập xe đạp... Thỉnh thoảng lại có đứa trẻ bướng bỉnh gào khóc ầm nhà, không chịu ăn cơm lúc nhập nhoạng tối, thế là cả xóm lại nghe “điệp khúc” quen thuộc – mắng mỏ con cháu ầm ĩ trước, xong sau đó lại giả bộ dỗ dành, hứa hẹn mua quà, cho chúng đi chơi…
Phải chăng đó là nét văn hoá gia đình mang đặc trưng rất Việt Nam? Mà không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á khác cũng có thói quen ông bà bố mẹ chiều chuộng con cái, chăm sóc chúng quá kỹ càng, lúc nào cũng viện cớ rằng “nó còn bé quá”, “nhỏ quá chưa biết gì”, “sợ con cháu gặp nguy hiểm”, “sợ chúng ngã, bị đau” v.v… Có cả nghìn triệu lý do để nuông chiều, quan tâm một đứa trẻ quá mức, khiến chúng bị mai một khả năng thích nghi với môi trường xung quanh, hình thành những thói quen yếu đuối, dễ tổn thương, miễn dịch kém. Chẳng phải tự nhiên mà dân gian có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Trong xã hội hiện đại ý nghĩa câu nói đó cũng phải thay đổi, nhưng đúng là nhiều đứa trẻ hư đốn, yếu ớt cả thể chất lẫn tâm hồn đều do sự bảo bọc quá mức của người thân xung quanh.
Là một bà mẹ 3 con khá nổi tiếng với cuốn sách cực dễ thương “Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng” được các bậc phụ huynh yêu mến, nữ bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo (37 tuổi) đã chia sẻ quan điểm riêng về chuyện hi sinh cho con cái, dựa trên góc nhìn của một người phụ nữ - vừa là mẹ vừa là bác sĩ nhi khoa.
Những dòng tâm sự sâu sắc, gửi lời khuyên chân thật đến các bậc cha mẹ của nữ bác sĩ Hương Thảo đang gây bão cộng đồng mạng.
Hãy để trẻ thơ lớn lên như chú sâu bướm lột xác, biết chịu đau đớn phá vỏ kén chui ra, để có cơ hội giương đôi cánh xinh xắn mạnh mẽ bay đi khắp nơi. Cái gì nhiều quá cũng không tốt, yêu thương cũng vậy, hãy để con cái tự lớn lên, chúng tự phải có trách nhiệm với bản thân. Sống cho mình cũng là để con cái có cơ hội độc lập, mạnh mẽ hơn, các bố các mẹ nhé!