Lời nói do tâm sinh
Lắng nghe lời Phật dạy. Lời nói chính là biểu hiện rõ rệt nhất của một người có đức hay không, lời nói cần giữ thủ đức, có như vậy mới giữ được phúc báo. Tại sao chỉ mất 2 năm để học nói nhưng ta phải dành cả đời để học cách im lặng?
Nói là một loại năng lực, im lặng là một loại trí tuệ. Mệnh của con người có tốt hay không có thể nhìn cách người đó nói chuyện là có thể nhận biết. Hàng ngày không nhất định đều phạm phải việc tổn đức, nhưng nói chuyện thốt ra những điều khó nghe, làm tổn thương người khác thì đương nhiên sẽ mất đi phúc báo.
Cuộc sống của những người hay dùng những lời lẽ sắc nhọn làm tổn thương người khác thường là những người cô đơn, ít bạn bè. Thực tế là không người chồng nào muốn về nhà nếu có một cô vợ thường xuyên chì chiết, trách móc; không có đứa con nào hạnh phúc nếu có cha mẹ không nói lời dịu dàng mà chỉ quát nạt, la mắng; không có người bạn nào hứng thú giao thiệp với người hay nói lời cay độc, bình phẩm ác ý…
Người có vận mệnh tốt là người ăn nói có chừng mực, mỗi lời nói đều thể hiện là người có đạo đức, họ không dùng ngôn từ mạnh để phê phán, chê bai người khác, không dài dòng nói từ chuyện nọ sang chuyện kia, không kể công của bản thân mình sau khi đã giúp ai đó. Lời nói của họ luôn chân thành, với tâm ý động viên, khích lệ người khác.
Biết rõ về một người, không cần nhất thiết phải tận nói, hãy lưu lại cho người ta ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu lại chút “khẩu đức” cho mình. Trách một người không cần phải tận trách, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút độ lượng cho mình.
Có công không cần đòi hỏi tận cùng, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khiêm nhượng cho mình.
Đúng lý cũng không cần đoạt tận, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khoan dung cho mình.
Tài năng đừng quá ngạo mạn, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu chút đức khiêm hư cho mình.
Ngày tháng tích tụ, bao nhiêu phúc báo cũng từ cái miệng mà đi hết nếu cứ thường xuyên gây khẩu nghiệp. Lời nói không hay sẽ làm tan vỡ mọi mối quan hệ, dù trước đó phải khó khăn để xây đắp. Thực tế là không người chồng nào muốn về nhà nếu có một cô vợ thường xuyên chì chiết, trách móc; không có đứa con nào hạnh phúc nếu có cha mẹ không nói lời dịu dàng mà chỉ quát nạt, la mắng; không có người bạn nào hứng thú giao thiệp với người hay nói lời cay độc, bình phẩm ác ý…
Cổ nhân nói: “Lời do tâm sinh”, một người có tâm tính như thế nào thì sẽ nói ra những lời như thế. Người có lòng bao dung lời nói ra sẽ nhẹ nhàng hòa ái, người trong tâm đầy oán hận, lời nói ra sẽ hung hăng, cay nghiệt. Người khiêm nhường lời nói ra sẽ chừng mực nhã nhặn. Người tự cao lời nói thường khoa trương phách lối.
Cách nói chuyện ảnh hưởng xấu đến vận mệnh
1. Đừng bao giờ nói nhiều về tính xấu của người khác, vì những điều đó không ảnh hưởng đến kinh tế nhà bạn và vì bạn chưa chắc đã tốt hơn họ nhiều.
2. Đừng bao giờ bình xét về gia cảnh của ai đó, vì sự giàu nghèo của họ không liên quan gì đến bạn.
3. Đừng bao giờ có lời nói làm tổn thương người khác, vì luật nhân quả luôn tồn tại dù bạn có tin hay không.
4. Đừng tùy tiện nổi giận với người khác, không phải họ đang nợ bạn mà có lẽ chính là bạn đang nợ họ, và giờ đến lúc bạn phải trả cái nợ đó.
5. Đừng bàn luận nhiều về cách hành xử của người khác, vì có thể họ chính là chiếc gương của bạn, nhờ tấm gương đó mà bạn nhận ra những thiếu sót của bản thân.
6. Đừng bình phẩm xấu về ai đó, vì có thể người nào đó cũng đang nói về bạn với một điều tốt đẹp.
7. Đừng giải thích nhiều về một sự việc nào đó, vì có thể càng giải thích thì vấn đề lại càng trở nên rắc rối hơn.
Bệnh từ cái miệng, họa cũng từ cái miệng
Theo kinh sách nhà Phật, con người ta có vận mệnh tốt và giàu có ở kiếp này là vì người đó đã tích được nhiều đức ở các kiếp sống trước. Tích đức thường được hiểu là cần phải làm được việc gì đó tốt, giúp đỡ được ai đó. Tuy nhiên, không hề đơn giản khi làm được việc gì đó tốt cho ai đó. Bạn có thể phải mất rất nhiều công sức, tiền của khi giúp ai đó, tuy nhiên cũng không hề chắc chắn rằng những nỗ lực mà bạn bỏ ra hoàn toàn đem lại kết quả tốt đẹp.
Trong cuộc đời của mỗi người, không phải ai cũng sẵn lòng làm việc gì tốt cho người khác nhưng họ lại rất dễ nói những lời khó nghe với những người xung quanh. Chính những lời nói khó nghe đó khiến cuộc sống của họ không hề bằng phẳng, mà trái lại, không biết chừng lại gập ghềnh chông gai.
Cổ nhân ta có dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất” nghĩa là: bệnh từ cái miệng, họa cũng từ cái miệng. Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết, phúc đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, nói lời ác ý với người khác thì lại khiến đức đó tiêu tan đi mất.
Có người thắc mắc sao mình làm ơn mà lại bị măc oán, họ không biết rằng cũng có thể do chính cái miệng của họ thường hay kể công, mắng mỏ, áp đặt người khác.