Phát hiện tham nhũng như xử lý mại dâm Quất Lâm

06:58, Thứ hai 29/07/2013

( PHUNUTODAY ) - Phó Cục trưởng Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ Phí Ngọc Tuyển cho biết.

Mới đây, ông  Phí Ngọc Tuyển là Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định 78 về vấn đề minh bạch tài sản vừa được Thủ tướng ký ban hành đã có những trao đổi với báo chí về việc phát hiện tham nhũng qua kê khai tài sản, thu nhập.


Theo báo Dân Trí, Nghị định 78 được ban hành là Nghị định mới nhất về vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo, xây dựng.  Như vậy từ năm 2007 đến nay đã có 3 Nghị định cùng nhiều thông tư điều chỉnh việc này nhưng thực tế hiệu quả đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) chưa rõ ràng, thuyết phục.

Chưa phát hiện tham nhũng qua kê khai tài sản, thu nhập
Chưa phát hiện tham nhũng qua kê khai tài sản, thu nhập


Ngay cả Phó Cục trưởng Cục PCTN Phí Ngọc Tuyển cũng đã thừa nhận: "Qua thực tiễn thực hiện, nhiều ý kiến đánh giá việc kê khai tài sản thu nhập như hiện nay còn hình thức."

Và vì vậy hoạt động này chưa phát hiện được hiện tượng tham nhũng. "Hiện nay cả nước chỉ có khoảng 1 triệu bản kê khai/năm thôi. Nhưng chỉ thế cũng đã là một con số khổng lồ rồi. Không có quốc gia nào có só bản kê khai lớn như vậy. Đúng là từ 2007 đến nay, nếu nói thông qua biện pháp kê khai tài sản mà phát hiện cán bộ tham nhũng thì chưa có trường hợp nào nhưng để xử lý người vi phạm, gian lận thì đã có." - ông Tuyển cho biết.

Việc chưa phát hiện tham nhũng qua kê khai tài sản, thu nhập khiến không ít người phải thắc mắc đặt câu hỏi, vậy biện pháp nào mới có thể phát hiện tham nhũng? Liệu đây có phải là một trong những biểu hiện của tình trạng kết quả báo cáo cách quá xa so với thực tế đang rất phổ biến ở nước ta thời gian vừa qua?

Như việc lãnh đạo địa phương báo cáo lên Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) là không phát hiện mại dâm ở Quất Lâm (Nam Định), Đồ Sơn (Hải Phòng) hay kết quả báo cáo của đủ các đoàn thanh tra cho thấy không phát hiện hiện tượng chạy công chức không dưới 100 triệu ở Hà Nội. Đấy là còn chưa kể đến hiện tượng chưa thể phát hiện ra khâu sai sót trong các quy trình quản lý giao thông mà số lượng tai nạn, số ca tử vong lại tăng đột biến.

Kết quả báo cáo này thậm chí đã khiến cho một số người nảy sinh hy vọng có lẽ tham nhũng ở nước ta quá ít, hay thậm chí không có nên khó phát hiện.

Tuy nhiên điều hy vọng ấy dường như có sự đối lập quá lớn với những báo cáo của các tổ chức thế giới về nạn tham những ở nước ta.

Theo cách xếp hạng Nhận thức về Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (tức Transparency International), công bố năm 2010 thì Việt Nam được 2.7 trên 10 điểm (những nước có điểm số dưới 5 bị coi là có tình trạng tham nhũng cao). Sang năm 2011 số điểm và vị trí xếp hạng của Việt Nam cho thấy tham nhũng vẫn là mối lo ngại chính đối với quốc gia này. So sánh hai năm 2010-2011 thì không có thay đổi đáng kể nào trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính phủ.
 
Cuộc khảo sát 95 quốc gia trên thế giới của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về nạn tham nhũng năm 2013 cho biết 30% dân Việt Nam đã phải đút lót nhân viên công quyền. 55% số người được hỏi cho rằng tham nhũng tăng lên. 38% số người tin rằng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm chống tham nhũng là không có hiệu quả.

Chính vì vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên chỉ đạo quyết liệt với các biện pháp hiệu quả hơn nữa để có thể phát hiện và đưa những vụ việc tham nhũng ra xử lý.

  • Lan Lan (Tổng hợp từ Dân Trí, Phunutoday)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc