Sáng 28/7, đoàn xe tang tiến về phía Nhà tang lễ Bệnh viện Quân khu 4 (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Từng dòng người xúc động bước đi một cách lặng lẽ. Đã 2 ngày trôi qua và phép màu đã tắt chỉ sau 8 tiếng báo cáo sự cố, 2 người anh hùng mãi mãi nằm lại nơi đất Mẹ.
"Vô cùng thương tiếc, đồng chí Thượng tá Khuất Mạnh Trí và đồng chí Đại tá Phạm Giang Nam, đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu ngày 26/7/2018". Hai chiếc quan tài nằm cạnh nhau được bọc trong lá cờ Tổ Quốc. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ trong các lực lượng đã về đây, thắp nén nhang và gửi lời chia buồn với gia đình 2 anh.
“Trí ơi!, về với mẹ đi con. Hoa lan ở nhà đã nở, con đi rồi mẹ biết sống sao đây”, bà Trần Thị Lan, mẹ Thượng tá phi công Khuất Mạnh Trí chạy theo đoàn xe gọi tên con trong tuyệt vọng.
Chị Thục (vợ anh Trí) chịu tang chồng trong nỗi đau đớn mà không ngôn từ nào có thể diễn tả. Giây phút được gặp anh lần cuối, chị bật khóc nức nở. Bà Lan đứng cách đó không xa, ôm chặt quan tài con trai.
2 người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời anh Trí giờ đây sẽ phải sống cuộc sống không có anh ở bên cùng chia sẻ động viên. Họ cùng hứa trước linh cữu anh sẽ nuôi dạy cháu con thành tài, ngoan ngoãn, sẽ làm đúng những gì mà lúc sinh thời anh vẫn thường căn dặn.
Trung tá Trí sinh ra và lớn lên trong gia đình nề nếp, có truyền thống. Cha anh là cựu tù Côn Đảo, bị tra tấn và trao trả về năm 1973. Năm 2003, bố anh qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. Từ đó, mọi việc lớn nhỏ trong nhà một mình anh Trí lo toan, anh trở thành trụ cột của gia đình.
Trước khi trở thành phi công, anh Trí thi đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội. Một tuần sau, Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo anh đỗ vào trường quân đội. Anh quyết định từ bỏ giảng đường đại học theo nghiệp bộ đội.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (60 tuổi) - một hàng xóm của gia đình anh Trí cho biết, phi công Khuất Mạnh Trí là người rất hiền lành, thân thiện với hàng xóm, mọi người xung quanh.
“Từ nhỏ Trí ngoan lắm, hiền lành ai cũng yêu quý. Trí sống cùng mẹ có vợ và hai con nhỏ, còn cha mất lâu rồi. Phi công Trí rất khiêm tốn, mỗi lần đi công tác về không mặc quân phục, nên dân chúng tôi cũng chỉ biết anh ấy làm trong quân đội, chứ không biết là một phi công lái máy bay, còn làm lãnh đạo đơn vị.
Chúng tôi ai nấy đều ngỡ ngàng khi đọc được thông tin anh ấy hy sinh. Anh ấy là trụ cột của gia đình, anh mất đi tội hai cháu còn quá nhỏ”, ông Mạnh nói.
Anh Nguyễn Tất Thắng, nhà cùng ngõ với gia đình Trí, cho hay: Khi nhận tin, ai cũng bàng hoàng. Hai vợ chồng Trí sinh được 2 đứa con, bé gái lớn học lớp 4, bé trai lớp 3. Vợ anh sinh năm 1982 làm bưu điện gần nhà. Trí thường xuyên đi công tác, khoảng 3 năm nay anh chuyển công tác về Sóc Sơn nên thi thoảng mới về thăm.
“Ngày xưa Trí ra trường rồi công tác trong Đà Nẵng, sau đó đóng quân ở Bắc Giang nên ít khi về nhà. Mấy năm nay đơn vị ở gần mới thi thoảng về thăm nhà được. Mới thứ 7 tuần trước Trí vừa về giỗ bố, nay thì em nó đi mãi rồi”, anh Thắng nói.
Lấy vợ muộn, thường xuyên công tác xa nhà nên ở nhà chỉ có mẹ, vợ và hai đứa con anh chăm sóc nhau. Sâu đáy lòng mình, anh Trí rất suy nghĩ vì nhiệm vụ, công việc trọng trách được giao của người chiến sĩ quân đội... mà ít có thời gian với các con, với gia đình, người thân.
Anh Nguyễn Ngọc Cương (Quân y Trung đoàn 921) tâm sự với phóng viên, mấy hôm trước các anh vẫn cười nói vui vẻ với nhau, vậy mà giờ đây một người đã ra đi mãi mãi. Anh Cương làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các phi công, trong đó, có Trung tá huấn luyện bay Khuất Mạnh Trí.
"Chúng tôi gắn bó với nhau hơn 5 năm, Trí sống rất hòa nhã, nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Anh ấy có chuyên môn tốt, thực sự là một người đồng nghiệp dũng cảm, đáng để tôi ngưỡng mộ và noi gương", anh Cương bộc bạch.
Nhận xét về tính cách của đồng nghiệp, anh Cương nói, anh Trí là thích hoa lan. Hai người từng lặn lội lên vùng núi ở Hòa Bình để tìm hoa.
"Ở nhà, anh ấy cũng trồng nhiều loài hoa lan khác nhau. Có lẽ Trí yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, thích sự lãng mạn", anh Cương tâm sự.
Sự ra đi của anh Trí khiến đồng đội và người thân vô cùng đau xót. Họ hàng, xóm giềng ai cũng buồn và thương tiếc cho một người lính bay hi sinh khi đang ở độ tuổi chín nhất của đời người, một người con, người chồng, người cha trụ cột của gia đình.
Người hàng xóm của anh Trí, anh Thắng bồi hồi: “Các cháu nó còn nhỏ, chưa biết gì. Tối qua thằng bé còn nói với tôi Không biết bao giờ bố cháu về”.
Trí mất bố sớm, nay hai đứa con của anh lại mồ côi cha...