(Đời sống) - “Chúng tôi cho rằng tấm biển được treo ở nhà hàng tại Bắc Kinh chỉ là quan điểm của một cá nhân trong bối cảnh những sự việc đang xảy ra giữa Philippines và Trung Quốc - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) Raul Hernandez nói - Chúng tôi hi vọng đây không phải là chính sách quốc gia về việc cấm đoán người Philippines đến nhà hàng ở Bắc Kinh”.
Theo ông Hernandez, DFA chưa được báo cáo về trường hợp người Philippines nào bị phân biệt đối xử khi đến ăn tại nhà hàng Trung Quốc ở Bắc Kinh. Người phát ngôn DFA khẳng định “đến nay vụ việc chỉ là sự cố cá biệt” và “đây là lần đầu tiên những vụ việc như vậy được đưa tin”.
Tấm biển kỳ thị nói “Không phục vụ người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó” - Ảnh: do bà Rose Tang cung cấp |
Trước đó, cộng đồng mạng hết sức phẫn nộ với một tấm biển đầy tính kỳ thị với khách hàng nước ngoài của một nhà hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
“Không phục vụ người Nhật, người Philippines, người Việt Nam và chó” là dòng chữ tiếng Trung và Anh gắn ngay cửa nhà hàng có tên tiếng Anh là “Beijing snacks”, còn tên phiên Hán - Việt là Bách Niên Lỗ Chử. Nhà hàng này nằm ở quận Tây Thành, thành phố Bắc Kinh, gần cổng phía nam khu di tích Cung Vương Phủ, là địa điểm có nhiều khách du lịch.
Tấm biển gây sốc này được bà Rose Tang chụp ngày 22/2 khi về thăm Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, bà Rose Tang (Đường) khẳng định, bà phải đưa những bức ảnh này lên facebook vì cảm thấy phải có trách nhiệm vạch trần điều này. ““Tôi quá chán ghét những lời to tát giả vờ yêu nước cùng mang tính kỳ thị kiểu vậy ở Trung Quốc và không còn muốn nghe thêm nữa.” – Rosie nói.
Bà Tang cho hay, dù không thấy các biển hiệu tương tự ở khu vực Hồ Hậu Hải gần nơi nhà hàng đó, song “tấm biển này phản ánh một tâm lý chung chi phối [ở Trung Quốc] mấy năm gần đây”.
Giải thích cảm nhận này của mình, bà viết: “Trong chuyến thăm gần đây tới Trung Quốc, tôi nghe rất nhiều bạn bè và thậm chí cả những người lạ tôi gặp trên xe buýt đều nói chuyện tranh chấp của Trung Quốc ở Trường Sa. Tất cả mọi người đều hào hứng khoe chuyện Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng nực cười là tất cả gia đình Trung Quốc tôi biết đều cố gửi con cái mình tới nước Mỹ”.
Những bức ảnh chụp lại những quán ăn có khẩu hiểu kỳ thị đã được đăng tải trên Sina, Weibo từ tháng 9 năm trước và đang được coi như một cách thể hiện yêu nước đúng đắn. Ông Vương, chủ nhà hàng Bách Niên Lỗ Chử với tấm biển trên ảnh đã tự hào trả lời BBC tiếng Trung rằng ông ta không quan tâm đến thiên hạ nói gì và quán của ông cũng không có mấy nước ngoài ghé qua.
Còn khi trả lời câu hỏi của báo Tuổi trẻ, ông này đã xác nhận việc treo tấm biển và cụt lủn nói rằng, tốt nhất người Việt Nam, Nhật Bản, Philippines không nên xem các dòng chữ ấy!
Paul Mooney, một nhà báo tự do ở Bắc Kinh bình luận về bức ảnh của Rose Tang rằng đây là một hệ quả tất yếu khi người dân Trung Quốc chỉ được nghe tuyên truyền về một thứ lịch sử đã bị bóp méo.
Rose Tang cho biết, một trong những lý do bà đưa ảnh lên facebook là muốn tuyên chiến với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và kêu gọi cộng đồng, báo chí tạo một áp lực để “dạy cho chủ hàng Vương và những người như ông một bài học.
Paul Mooney, một nhà báo tự do ở Bắc Kinh, đã phản hồi dưới tấm ảnh của bà Rose Tang: “Việc chính quyền nói sai về các nước khác và bóp méo lịch sử khiến người Trung Quốc chẳng biết gì cả và phản ứng như vậy”. Bình luận của ông có 234 người “like” (thích) trên Facebook.
Bạn đọc Quốc Vinh từ San Jose, California, lý giải: “Lý do chính là đường lưỡi bò mà Trung Quốc yêu sách ở biển Đông. Cả ba nước như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đều phản đối Trung Quốc về đòi hỏi lố bịch này. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc đã bị bưng bít khiến họ ngây thơ tin rằng đất nước họ đang bị xâm lược chứ không hề biết chính nước họ đang xâm lấn nước khác”. Bình luận của Quốc Vinh được tới hơn 800 người đồng tình.
Một cư dân mạng khác lấy nickname Andrea Wanderer lại bình luận “đây chính là đầu độc thế hệ trẻ bằng lòng hận thù khiến họ lớn lên với lòng thù hận đối với các nước khác ở châu Á”.
Yenni Kwok, một biên tập viên của International Herald Tribune và tạp chí Time, bình luận “chuyện chính trị từ biển giờ đã xuất hiện trên bàn ăn”.
Trước thông tin này, nhiều người dân Trung Quốc cũng bày tỏ sự buồn phiền và xấu hổ của mình về việc làm của chủ quán. Một bạn có tên Vương Dũng
cho biết: "Tôi là một người Trung Quốc đang sống và làm việc tại Hải Phòng, tôi rất xấu hổ vì chuyện này. Đây là hiện tượng rất cá biệt tại Trung quốc, không mang tính phổ biến, không đại diện được đại đa số người Trung Quốc. Xin các bạn Việt nam hiểu và thông cảm!"
Bạn đọc Nguyễn Văn Tài cũng nhận xét: "Tôi thật sự bị sốc khi đọc được tin này. Việc tranh chấp biển đảo là chuyện khác, còn tình hữu nghị giữa các dân tộc là chuyện khác. Không ngờ rằng ở một nước lớn mà lại có những con người hành động thật ấu trĩ, quá nhỏ nhoi. Kì thị dân tộc đến mức độ không chấp nhận được. Phải chăng đây là lòng yêu nước của người dân Trung Quốc. Thật sự đau lòng!"
"Mong rằng những người ngu muội như vậy chỉ là thiểu số trong một đất nước Trung Quốc có văn minh, quân tử được truyền bá trên các phim ảnh". - Một bạn đọc có nickname Chí sĩ sông Cầu bình luận.
Liên quan đến việc này, ngày 26/2, Báo Tuổi trẻ đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản ánh sự việc trên nhưng cho đến nay vẫn chưa có phản hồi.
PV. (Tổng hợp)