Trước tình trạng chậm tiến độ, đội giá của các dự án BOT mở rộng QL1A và QL14, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra “tối hậu thư” chủ đầu tư nào không đủ năng lực thì xin rút lui, đừng để Bộ trưởng Bộ GTVT phải ra quyết định thu hồi dự án.
Thông điệp trên được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị Triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn giao thông các dự án đầu tư mở rộng QL 1A đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) sáng 15/7 tại Đà Nẵng
Để thực hiện dự án QL 1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, 25.000 hộ dân bị thu hồi đất, 7.500 hộ phải tái định cư. Dự án Ql 14 cũng có 620 hộ phải giải tỏa, bố trí tái định cư. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn tới tiến độ các dự án bị chậm tiến độ.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra "tối hậu thư" cho các nhà thầu BOT dự án mở rộng QL1A, QL14. Ảnh: VNE. |
Tờ VNE dẫn lời ông Mai Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng về lý do giải phóng mặt bằng hơn 13km nhưng suốt 5 năm vẫn chưa xong, ông Đức đưa ra 3 lý do: Tỉnh áp giá đền bù năm 2011 nhưng chủ đầu tư không chi tiền kịp, dẫn đến năm 2012 giá cả tăng cao và người dân khiếu kiện; theo kế hoạch tỉnh còn thiếu hơn 17 tỷ đồng đền bù cho dân; vướng mắc trong việc thu hồi đất lúa. Ông Đức cũng hứa Quảng Trị hứa sẽ hoàn thành trong tháng 7 này.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư các dự án BOT phải bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng như một phương thức chứng minh chủ đầu tư có tiền thực hiện dự án. “Từ nay đến cuối năm, dự án nào chậm thì trách nhiệm thuộc về Thứ trưởng, sau đó mới đến chủ đầu tư và địa phương”, Bộ trưởng Thăng tuyên bố.
“Hết tháng 8 này mà dự án BOT nào không bỏ tiền ra (giải phóng mặt bằng – PV) thì lập tức thu hồi”, Bộ trưởng Thăng ra tối hậu thư.
Đồng tình với “tối hậu thư” của Bộ trưởng Thăng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Ông nào (chủ đầu tư - PV) không làm được, không đủ năng lực thì đứng dậy xin rút lui, đừng để Bộ trưởng Giao thông phải ra quyết định thu hồi dự án”.
Phó thủ tướng nói thêm, một quốc gia có một tuyến đường xuyên suốt là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bây giờ chúng ta làm là đã trễ rồi. Thời gian qua có hàng vạn người chết vì tai nạn giao thông, nên không thể chậm trễ hơn được.
Thống nhất cho ứng 5.000 tỷ đồng để các địa phương giải phóng mặt bằng, Phó thủ tướng đồng thời yêu cầu: “Đơn vị nào thi công không đảm bảo thì lập tức đình chỉ, không để mất an toàn và ảnh hưởng đến tính mạng người dân”.
Cũng liên quan tới tình trạng chậm tiến độ, đối giá của các dự án mở rộng QL1A, QL14, trong cuộc họp Chính phủ hôm 27/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã không ngần ngại chỉ ra một nguyên nhân bấy lâu chưa ai dám nói, là tình trạng “bảo kê” nguồn vật liệu xây dựng.
Theo Bộ trưởng Thăng, hầu như nguồn vật liệu ở địa phương đã cấp cho doanh nghiệp tư nhân khai thác. Đặc biệt, đã có tình trạng giang hồ cát cứ, xã hội đen, thế giới ngầm ở địa phương thâu tóm nguồn cung vật liệu xây dựng, vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền.
“Chính điều này làm cho nguồn cung vật liệu cho các nhà thầu thi công gặp khó khăn, giá tăng cao, tiến độ chậm, chất lượng không đảm bảo. Đơn vị khai thác dùng mọi cách để chèn ép, cá biệt có thể dính dáng đến xã hội đen để bắt chẹt nhà thi công”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Thậm chí, theo ông Thăng có cả tình trạng nguồn vật liệu khai thác tại chỗ, ở địa phương thì được cung cấp, còn đưa chỗ khác đến thì lực lượng này không cho vào hoặc nếu vào mà muốn mua được lại phải nộp tiền.
- P.V (Tổng hợp)