Phó tổng Petrolimex phân trần việc lỗ lớn, lương cao

08:19, Thứ bảy 10/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Tôi không bình luận về mức lương này. Đương nhiên, chúng tôi phải thấy nó vừa thì chúng tôi mới thực hiện.

"Trong điều kiện tổ chức chỉ đạo trong phạm vi toàn quốc, với mô hình kinh doanh của tập đoàn, cùng lực lượng lao động của tập đoàn thì chi phí đó là hợp lý và phù hợp..." - Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết.
[links()]

PV: - Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán tài chính năm 2011 cho biết: Petrolimex có nhiều vấn đề như thị phần giảm, lỗ năm 2011 trên 1.400 tỉ nhưng lương nhân viên tại công ty mẹ tập đoàn vẫn gần 21 triệu đồng/tháng. Xin ông minh bạch thông tin này?

Ông Trần Ngọc Năm: - Tôi cũng vừa tìm hiểu thông tin của bên kiểm toán. Về nguyên tắc thông tin của cuộc kiểm toán, đặc biệt là với xăng dầu sẽ có cuộc họp báo để công bố kết quả.

Về số liệu chúng tôi không có ý kiến gì, nhưng thông thường lẽ ra trong cuộc họp báo với con số đương nhiên bên kiểm toán cũng như doanh nghiệp được mời sẽ có trách nhiệm giải thích được rõ hơn. Đó là việc rất tốt.

"Mức lương 21 triệu đồng/tháng là phù hợp"

Nhưng vừa rồi, tôi có hỏi lại bên kiểm toán, họ nói rằng cũng chưa hiểu vì thông tin báo cáo kiểm toán này là khi chưa công bố ở họp báo và không biết là như thế nào?

Liên quan đến vấn đề tiền lương, thứ nhất đây là vấn đề liên quan đến công ty mẹ. Công ty mẹ thực hiện chỉ đạo đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên 62 tỉnh thành, trừ Kiên Giang chúng tôi không có chi nhánh ở đấy. Cùng với đó là 2.200 cửa hàng xăng dầu và chỉ đạo liên quan tới 24 công ty cổ phần, 2 công ty trách nhiệm một thành viên hoạt động ở nước ngoài.

Do nó thực hiện chức năng chỉ đạo mang tính chất toàn hệ thống như thế với cả công ty cổ phần là 20.700 con người, đòi hỏi phải có một lực lượng cán bộ chuyên gia đáp ứng được khả năng. Để đáp ứng được phải có một chính sách về tiền lương hợp lý.

Còn tiền lương ở đây là theo đơn giá để thảo lên Bộ trong đó có Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh xã hội thẩm định rồi trao giá cho tập đoàn.

Như vậy, trong điều kiện với công ty mẹ, chỉ có trên 200 con người thực hiện vai trò chỉ đạo, từ đơn giá tiền lương được liên Bộ phê duyệt, tập đoàn phân định theo công việc mà tập đoàn thực hiện như thế nào và các công ty hoạt động như thế nào để phân quỹ lương trong đời sống.

 Tác giả ‘Sát thủ đầu mưng mủ’ vẽ tranh hài về xăng

PV: - Petrolimex đang kêu lỗ hơn 1.000 tỉ mà trả lương như vậy liệu có xứng đáng và phù hợp không, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Năm: - Tôi không bình luận về mức lương này. Đương nhiên, chúng tôi phải thấy nó vừa thì chúng tôi mới thực hiện.

Trong điều kiện tổ chức chỉ đạo trong phạm vi toàn quốc, với mô hình kinh doanh của tập đoàn, cùng lực lượng lao động của tập đoàn thì chi phí đó là hợp lý và phù hợp.

Thực ra, trong kinh doanh không ai muốn lỗ cả. Về nguyên tắc, khi một doanh nghiệp kinh doanh lỗ là đã rất khó khăn rồi. Khi kinh doanh có lãi, sau phần thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách, doanh nghiệp được trích lập các quỹ đầu tư, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi...

Khi hoạt động kinh doanh lỗ mà KTNN cũng nêu 3 nguyên nhân thực hiện mục tiêu bình ổn giá, kiềm chế lạm phát: Thứ nhất do thực hiện mục tiêu bình ổn giá.

Thứ hai, là do vấn đề điều chỉnh tăng tỷ giá vào ngày 11/2. Và thứ 3 là khi xác định về điều hành giá thì chi phí trong công thức định giá để tính giá cơ sở theo thông tư 234 không phù hợp với thực tế.

Vậy thì tiền lương của nó ai cũng biết gắn với kết quả hoạt động, với công sức của họ bỏ ra. Rõ ràng, lỗ là do chính sách, còn đối với người lao động lỗ hay không lỗ là do sự điều hành của Nhà nước, họ thiệt thòi trong các vấn đề về quỹ rồi thì đương nhiên, họ bỏ công sức ra mình phải trả người ta theo đúng công sức.

Còn lại yếu tố can thiệp của Nhà nước chúng ta phải làm rõ. Ví dụ: lỗ mà do bản thân doanh nghiệp thì đúng là phải xem xét lại vấn đề lương.

Nhưng KTNN cũng đã xác nhận 3 yếu tố dẫn đến tình trạng này, chứ có phải do doanh nghiệp đâu.

Nếu cho điều hành theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp mà lỗ thì đúng là cần phải xem xét lại. Nhưng trong bối cảnh chúng ta thực hiện mục tiêu khác thì đương nhiên các ứng xử nó phải khác.

PV: - Việc trả lương bao giờ cũng phải phù hợp với hạch toán, nhưng nếu làm ăn không có lãi mà trả lương cao ông có thấy rằng đây là điều khó chấp nhận?

Ông Trần Ngọc Năm: - Không, tôi cũng đã giải thích rồi. Khi người ta hoàn toàn chủ động trong vấn đề tổ chức kinh doanh thì hai cái đấy phải gắn với nhau. Đó cũng là do luật pháp quy định.

Hoạt động kinh doanh xăng dầu bây giờ để thực hiện mục tiêu các việc điều hành của Nhà nước thì nó khác.

Nếu tôi tổ chức kinh doanh, do tôi làm lỗ thì lại khác. Chúng ta phải đặt vấn đề trên cơ sở quan điểm như vậy.

Họa sĩ Thanh Phong vẽ tranh vui về xăng dầu.
Họa sĩ Thanh Phong vẽ tranh vui về xăng dầu.



PV: - Có ý kiến cho rằng tiền lương ở công ty mẹ của Petrolimex là quá cao so với mức lương trung bình của xã hội. Dù xăng dầu là ngành độc hại, và việc thực hiện chức năng quản lý khác nhưng nhiều ngành còn độc hại hơn và thực hiện chức năng quản lý còn nặng nề hơn. Trong khi đó chi phí hao hụt chỉ có 189 đồng/lít. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trần Ngọc Năm: - Mọi so sánh bây giờ phải so sánh các công ty mẹ có cùng quy mô với nhau để có thể nói nó cao thấp như thế nào.

Không nên đưa ra nhận định như vậy. Nhưng với một công ty mẹ như xăng dầu, hay một công ty mẹ khác mức lương phải như thế nào thì lúc ấy mới nói đến nó cao hay thấp.

Thứ hai nữa là vấn đề hao hụt, rõ ràng việc quản lý hao hụt phải theo định mức. Khi giá xăng dầu tăng thì giá trị sẽ tăng. Hơn nữa sự hao hụt đó lại phụ thuộc vào điểm mua hàng, từ khâu nhập khẩu. Tôi mua hàng ở nơi xa, tôi được giá thấp hơn đương nhiên chi phí hao hụt trong quá trình vận chuyển sẽ cao hơn.

Mọi vấn đề đều dựa trên cơ sở chi phí. Cho nên tôi mới nói đáng lẽ ra kết quả này kết quả kiểm toán công bố, phân tích thì thông tin đến độc giả mới được đầy đủ hơn. Còn bây giờ chúng ta đang mới đọc con số chứ chưa có bình luận gì của cơ quan chức năng. Đặc biệt là cơ quan KTNN thực hiện việc này. Nên nếu chúng ta chỉ thuần túy trong con số thì chi phí nó khác.

Tôi đề nghị cái này phải trên cở sở mặt bằng để chúng ta so sánh, đánh giá nhận xét.

PV: - Được biết, tổng chi phí định mức của Petrolimex chỉ 600 đồng/lít nhưng chi phí xã hội phải trả cho trên 9 triệu lít xăng dầu mà Petrolimex bán ra năm 2011 như tính toán sẽ thất thoát khoảng 1,7 tỷ. Theo ông, con số này là nhiều hay ít?

Ông Trần Ngọc Năm: - Trong 600 đồng/lít trong tổng chi phí đấy là người ta không xác định chi phí hao hụt. Làm sao họ định mức được trong đấy. Đấy là chi phí thực chất bán hàng, còn lại theo chế độ tài chính là chi phí hao hụt. Đây chẳng qua chúng tôi phản ánh nó tách biệt ra thôi chứ còn bây giờ theo quy định tài chính là người ta đưa vào giá vốn.

- Xin cảm ơn ông!


Sếp EVN đau lòng vì lương nhân viên 7,3 triệu đồng

Tại buổi họp công khai khoản lỗ của ngành điện chiều 19/11/2011, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn ngành điện là 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Riêng năm 2010, ông Thanh không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết, lỗ bằng 95% lương.

Trước thắc mắc, ngành điện kêu lỗ nặng, nhưng cán bộ công nhân viên "nhà đèn" vẫn có mức lương khá cao, ông Phạm Lê Thanh thừa nhận là có phản ánh đó. Tuy nhiên, theo ông, cần xem xét cụ thể bởi đó có thể là lương, có thể là thu nhập. Còn lương để hạch toán vào giá thành điện thì chỉ 7,3 triệu đồng mỗi tháng.

“Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được. Là Tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”, ông Thanh nói.

Được biết, theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ EVN trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng một tháng. Trong đó, thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng mỗi người một tháng. Còn khối phân phối điện, thu nhập bình quân mỗi tháng vào khoảng 7,9 triệu đồng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy số nợ phải trả của EVN tính đến hết năm 2010 là trên 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng nguồn vốn. Khoản tiền EVN nợ tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tính đến 30/6/2011 đã lên tới hơn 8.860 tỷ đồng và nợ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hơn 1.200 tỷ đồng.

Tổng số lỗ của EVN năm 2010 trên 8.400 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm (-) 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%.

 

  • Khải Nguyên (Thực hiện)
     
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc