Phụ nữ trọng danh dự hơn đàn ông nên ít tham nhũng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Khi tham nhũng bị bêu xấu, như ở hầu hết các nền dân chủ, phụ nữ sẽ ít chịu đựng hơn và ít dính líu hơn so với đàn ông.

Tác giả nghiên cứu Justin Esarey, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học William Marsh Rice ở Houston, thuộc bang Texas, cho biết: “Mối quan hệ giữa giới tính và tham nhũng dường như phụ thuộc vào bối cảnh. Khi tham nhũng bị bêu xấu, như ở hầu hết các nền dân chủ, phụ nữ sẽ ít chịu đựng hơn và ít dính líu hơn so với đàn ông. Nhưng nếu những hành vi tham nhũng là một phần của việc cai trị được các thể chế chính trị hậu thuẫn, sẽ không có cách biệt giới tính trong vấn đề tham nhũng”.

Kết quả nghiên cứu trên rõ ràng đã mang lại một phương pháp chống tham những vô cùng hiệu quả cho những nỗ lực chống tham nhũng lớn nhưng hiệu quả lại chưa cao ở nhiều nước hiện nay.

Cần tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia bộ máy công quyền ở nước ta để hạn chế tham nhũng (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng. Năm 2011 có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn là những nước có điểm số thấp và đứng ở phía cuối bảng xếp hạng.

Mới đây nhất, cuộc khảo sát 95 quốc gia trên thế giới của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về nạn tham nhũng năm 2013 cho biết 30% dân Việt Nam đã phải đút lót nhân viên công quyền. 55% số người được hỏi cho rằng tham nhũng tăng lên. 38% số người tin rằng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm chống tham nhũng là không có hiệu quả.

Trong khi mọi nghiên cứu, báo cáo đều cho rằng tình trạng tham nhũng ở nước ta là vô cùng nghiêm trọng thì công tác chống tham nhũng cũng quyết liệt không kém. 

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm, đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự (ở Bắc Giang và Bắc Ninh), 28 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tiến hành 4.713 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã xử lý 118 công chức viên chức vi phạm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm. Trong năm 2013, đã có 364 cán bộ công chức nộp, trả lại quà tặng đúng quy định cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị 178 triệu đồng. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra tính toán, số lượng các vụ án tham nhũng năm 2013 được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm lãnh đạo đơn vị để xảy ra tham nhũng lại giảm 34% so với cùng kỳ năm 2012.

Dù sao, cũng có thể xem Việt Nam là đất nước mà tham nhũng bị bêu xấu theo đúng như nghiên cứu nói trên. Vì vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nước ta cũng nên tính đến việc áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học về giới tính và tham nhũng để hạn chế tham nhũng.

Cụ thể, chúng ta có thể từng bước nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia bộ máy công quyền ở nước ta. Thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, năm 2011 phụ nữ chiếm tỷ lệ khoảng 8% ở chức vụ cấp quốc gia, 11% - tại các tỉnh, 15 % - ở cấp huyện, 18% - ở cấp xã. Trong thời gian qua, đã có sự sụt giảm liên tục trong vị trí xếp hạng của VN với thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham chính. Nếu như năm 2005, VN đứng thứ 23 trong bảng xếp hạng tỷ lệ phụ nữ tham chính toàn cầu, thì đến năm 2011 VN đã tụt xuống xếp hạng thứ 43. Như vậy, chỉ trong vòng 6 năm VN đã tụt tới 20 bậc. Về xếp hạng tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội so với thế giới cũng sụt giảm từ đúng thứ 9 của thế giới (năm 1997) xuống đứng thứ 44 (năm 2012)- tụt 35 bậc.

Chính vì vậy mà việc cần tăng mạnh tỷ lệ phụ nữ tham gia bộ máy công quyền ở nước ta, thậm chí tăng lên quá bán là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giúp hạn chế tình trạng tham nhũng mà còn góp phần khẳng định với thế giới vị trí của Việt Nam trong việc bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ. 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn