Quan chức có thẹn trước lời xin lỗi của kẻ trộm?

06:38, Thứ năm 12/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sau đó Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định kiểm điểm ông Tiến và yêu cầu ông xin lỗi. Và ông Tiến sau đó đã nói: “Tôi thành thật xin lỗi các chủ thẻ, người dân và xin nghiêm túc nhận khuyết điểm trước các chủ thẻ, người dân và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước

 Cộng đồng mạng đang truyền tay nhau lá thư xin lỗi xúc động của một thanh niên gửi chủ một cửa hàng ở Nashville, bang Tennessee (Mỹ) nơi anh gây ra vụ cướp 300 USD cách đây 12 năm, theo CNN ngày 10/9. 

 Somboon Wu, con trai của chủ cửa hàng InterAsian Market và Deli, kể lại vào ngày 6/9, hai người đàn ông tiến đến gần anh và giải thích họ muốn gửi cho chủ cửa hàng một phong bì màu trắng và sau đó đặt nó trên quầy. 

“Một người nói tôi phải chắc chắn sẽ đưa nó tận tay ông chủ vì có tiền bên trong - Wu cho biết - Nhưng vì nghi ngờ hai người này nên tôi đẩy phong bì về phía anh ta và bảo anh ấy đến lần khác khi cha tôi có mặt”. 

Hai người đàn ông sau đó lấy lại phong bì và bước ra ngoài. Tuy nhiên theo lời Wu, sau đó họ quay lại và để phong bì trên quầy rồi đi mất. Bên trong phong bì, ngoài số tiền 400 USD còn có một bức thư viết tay trên giấy vàng ký tên “người vô danh”.  

Lá thư viết tay trên giấy vàng với nội dung cầu xin sự tha thứ từ nạn nhân của vụ cướp cách đây 12 năm. Ảnh: Instagram


Lá thư xin lỗi bắt đầu bằng lời thú nhận “Tôi là một người nghiện ma túy”, sau đó kể lại câu chuyện cách đây hơn một thập kỷ. “Khoảng 11 hay 12 năm trước, tôi đe dọa chủ cửa hàng này bằng một khẩu súng. Tôi không dùng ma túy nữa. Tôi nghĩ mình phải bồi thường cho những người đã bị mình làm tổn thương trong quá khứ. Tôi đến gian hàng vào khoảng 9-10h sáng vào năm 2002 hay năm 2003 mua một lon bia và hỏi xin thuốc lá. Khi nhân viên mở hộc tủ để thối tiền thì tôi móc ra khẩu súng và lấy đi 300 USD từ hộc tiền trước khi chạy mất trên một chiếc xe hơi trắng. Tôi hi vọng các bạn chấp nhận số tiền này và tha thứ cho tôi”. 

Bức thư được chủ cửa hàng đăng trên trang mạng xã hội Instagram với lời nhắn: “Gửi người vô danh. Chúng tôi muốn nói với anh rằng tất cả chúng tôi đều đồng ý tha thứ và cảm ơn bức thư của anh. Chúng tôi không quan tâm đến chuyện tiền bạc. Chúng tôi cảm thấy được truyền cảm hứng cũng như xúc động trước hành động của anh. Chúng tôi hi vọng anh được yên bình và thành đạt. Gửi anh những lời chúc tốt đẹp nhất”. 

Bức thư nhanh chóng thu hút nhiều ý kiến và bình luận của cư dân mạng. Đa số tỏ ý thán phục hành động đẹp của người gửi lá thư. Lời xin lỗi của kẻ trộm khiến người độc phải rưng rưng xúc động vì người ta xin lỗi và sửa sai cho hành vi của mình bằng cách thay đổi chính mình. Ngẫm lời xin lỗi của kẻ trộm nước bạn, người viết nhớ lại những lời xin lỗi của cán bộ công chức nước ta. 

Còn nhớ, sau sự cố sập cầu Cần Thơ vào tháng 9/2007 làm 54 người chết, 80 người bị thương. Ngay sau sự cố, tại cuộc họp báo tổ chức ngày 29/9/2007 ngay tại công trường, sau khi thừa nhận thiếu sót, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thời điểm đó là ông Hồ Nghĩa Dũng đã gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân, những người bị nạn và gia đình của họ. Các quan chức cao cấp của liên danh TKN (Nhật Bản, nhà thầu thi công) cũng đã xin lỗi những người bị nạn cùng gia đình của họ, xin lỗi nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam.

Cũng liên quan tới vụ sập cầu Cần Thơ năm 2007, Liên đoàn Lao động Cần Thơ đứng ra nhận nhiều đợt tiền từ những mạnh thường quân để giúp đỡ những gia đình có nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn trên, nhưng đến đầu năm 2009 tiền vẫn còn nằm ở cơ quan này. Sau đó, giữa tháng 3/2009, ông Trần Hồng Mẫn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Cần Thơ có công văn gửi báo chí công khai xin lỗi gia đình các nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vì đã giữ số tiền hơn 400 triệu đồng ủng hộ gia đình các nạn nhân.

Lên thay Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng từ cuối năm 2011 tới nay, đương kim Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng không dưới 3 lần gửi lời xin lỗi tới người dân vì một số sai sót trong phát biểu cũng như việc chỉ đạo của mình, trong đó có cả vấn đề chất lượng công trình giao thông chưa đảm bảo. Tới nay, vấn đề chất lượng công trình giao thông vẫn còn bỏ ngỏ, dù Bộ GTVT đã thực hiện thu phí bảo trì đường bộ từ đầu năm 2013.

Hồi đầu tháng 3 vừa qua, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng phải lên tiếng xin lỗi vì ví von “ở nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi”. Sau đó Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định kiểm điểm ông Tiến và yêu cầu ông xin lỗi. Và ông Tiến sau đó đã nói: “Tôi thành thật xin lỗi các chủ thẻ, người dân và xin nghiêm túc nhận khuyết điểm trước các chủ thẻ, người dân và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước”.

Mới đây nhất, sáng 25/4, người đứng đầu Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) cùng lãnh đạo ngành du lịch đã đến gặp và xin lỗi du khách Australia bị taxi “dù” “chặt chém”. Sau lời xin lỗi đó, các vụ chặt chém du khách vẫn diễn ra như cơm bữa ở Việt Nam.

Mọi lời xin lỗi đều gây xúc động cho dư luận, chỉ có điều hướng chuyển của lời xin lỗi thì mỗi nơi một khác. Phải chăng đó là điểm khác nhau giữa người Việt và người Mỹ. Người Mỹ họ nói là làm, còn Việt Nam mình lại quen với nói một đằng, làm một nẻo.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc