"Quý bà hoàn hảo" và câu chuyện của điệp viên hai mang

06:05, Thứ sáu 07/09/2012

( PHUNUTODAY ) - 1945. Tuy nhiên, tới năm 1947, bà đầu thú với Cục Điều tra liên bang (FBI) của Mỹ, cung cấp thông tin cho Mỹ rồi trở thành điệp viên hai mang.

Elizabeth Bentley là một điệp viên người Mỹ làm việc cho tình báo Liên Xô từ năm 1938 đến năm 1945. Tuy nhiên, tới năm 1947, bà đầu thú với Cục Điều tra liên bang (FBI) của Mỹ, cung cấp thông tin cho Mỹ rồi trở thành điệp viên hai mang.

Những thông tin tình báo do Bentley cung cấp đã giúp cho FBI phá vỡ hai đường dây điệp báo của Liên Xô trên lãnh thổ Mỹ gồm hơn 80 người, trong đó có hàng chục nhân vật làm việc tại các cơ quan trọng yếu của Chính phủ Mỹ.

Chính vì thế, cho tới nay, công và tội của nữ gián điệp từng nổi đình nổi đám một thời vẫn là đề tài tranh cãi của không ít các sử gia…

Elizabeth Terrill Bentley sinh ngày 1/1/1908 tại thành phố New Milford, bang Connecticut, Mỹ. Cha bà là một thương gia kinh doanh hàng dệt may còn mẹ bà là một giáo viên.

Năm 1930, Elizabeth Bentley tốt nghiệp trung học với khả năng tiếng Anh, Ý và Pháp đều thành thạo. Tới năm 1933, trong khi vẫn đang theo học tại trường Đại học Columbia, Elizabeth Bentley nhận được một suất học bổng theo học tại Đại học Florence, Italia.

Tại đây, Elizabeth Bentley đã tham gia một nhóm Phát xít của sinh viên có tên là Gruppo. Tuy nhiên, sau đó, quan điểm chính trị của Elizabeth Bentley dần thay đổi khi bà dính vào chuyện tình ái với Mario Casella người hướng dẫn luận văn của bà, đồng thời cũng là một người chống Phát xít.

Không chịu nổi không khí chính trị ngột ngạt do phát xít tạo ra tại Italia nên Bentley quay về Mỹ vào năm 1935. Tại Mỹ, trong lúc hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Columbia, Elizabeth Bentley bắt đầu tham gia các cuộc mít-tinh của phong trào chống chiến tranh và chủ nghĩa phát xít do Đảng Cộng sản Mỹ (CPUSA) thành lập.

Elizabeth Bentley thực sự bị thu hút bởi ý thức cộng đồng cũng như lương tâm xã hội của những người bạn mình trong phong trào này và khi biết rằng, họ hầu hết đều là thành viên của Đảng Cộng sản Mỹ, Elizabeth Bentley  đã quyết định gia nhập ĐẢNG CỘNG SẢN MỸ. Đó là chuyện xảy ra vào tháng 3 /1935.

Elizabeth Terrill Bentley sinh ngày 1/1/1908 tại thành phố New Milford, bang Connecticut, Mỹ.
Elizabeth Terrill Bentley (1/1/1908 - 03/12/1963) tại thành phố New Milford, bang Connecticut, Mỹ.

Elizabeth Bentley tham gia hoạt động tình báo rất tình cờ, tuy nhiên là do chính bà chủ động. Vào năm 1938, do biết tiếng Italia nên bà được nhận vào làm việc tại Thư viện Thông tin Italia (IIL) ở thành phố New York, một tổ chức có nhiệm vụ tuyên truyền cho chế độ phát xít Italia tại Mỹ.

Nhờ vai trò thuận lợi đó, Elizabeth Bentley nắm bắt được nhiều thông tin của bọn Phát xít ở Mỹ. Vì thế, chính Elizabeth Bentley đã báo cáo với Đảng Cộng sản Mỹ và nói rằng mình sẵn lòng sử dụng công việc của mình để do thám thông tin của bọn Phát xít.

Sau đó, những thông tin về hoạt động của Phát xít Italia trên lãnh thổ Mỹ đều được Bentley thu thập và báo cáo cho chi nhánh Đảng Cộng sản Mỹ tại thành phố New York. Chẳng bao lâu sau, những thông tin này trở nên quan trọng đến nỗi bà được Đảng Cộng sản Mỹ giao nhiệm vụ làm điệp viên nội gián tại IIL.

Jacob Golos, một người Nga nhập cư vào Mỹ năm 1915, phụ trách thông tin của chi nhánh Đảng Cộng sản Mỹ tại New York trở thành cấp trên trực tiếp của Bentley.

Tại thời điểm đó, Elizabeth Bentley  vẫn cho rằng, hoạt động gián điệp của mình chỉ là để phục vụ cho một mình Đảng Cộng sản Mỹ. Elizabeth Bentley hoàn toàn không biết rằng, Golos là một điệp viên Liên Xô nằm vùng quan trọng nhất ở Mỹ.

Vào thời điểm khi Golos gặp Bentley, ông ta đã tham gia vào kế hoạch ám sát Leon Trotsky diễn ra ở Mexico vào năm 1940. Elizabeth Bentley  và Golos nhanh chóng trở thành tình nhân với nhau.

Và sau hơn một năm gắn bó, khi Golos thú nhận sự thực về thân phận gián điệp cho Liên Xô của mình, Elizabeth Bentley chấp thuận tiếp tục làm việc cho tình báo Liên Xô.

Năm 1940, biết bị FBI theo dõi và lo ngại sẽ gây nguy hiểm cho các điệp viên nội ứng mà mình đã có công tuyển dụng, Golos quyết định giao nhiệm vụ kiểm soát và phụ trách đường dây điệp báo mà mình tạo dựng cho Bentley.

Để tạo bình phong an toàn cho hoạt động nội gián của Bentley, Golos thành lập Công ty Dịch vụ và vận chuyển hàng hải (USSSC) tại New York và giao cho Bentley chức vụ phó chủ tịch. Từ đó, Bentley được tình báo Liên Xô đặt cho mật danh "Umnitsa", có nghĩa là “Quý bà hoàn hảo”.

Hầu hết các mối liên hệ của Bentley đều liên quan đến hoạt động của đường dây điệp báo có tên gọi "Nhóm Silvermaster" do Nathan Gregory Silvermaster, một người Mỹ gốc Nga, đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ, từng giảng dạy tại Đại học Wisconsin và San Francisco, phụ trách.

Nhóm Silvermaster được thành lập vào năm 1935, có nhiệm vụ tuyển dụng các viên chức liên bang làm việc tại Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ để làm việc cho tình báo Liên Xô.

Tất cả những thông tin liên quan đến hoạt động tư pháp, ngoại giao và quốc phòng của Mỹ đều được Silvermaster tổng hợp rồi chuyển giao cho tình báo Liên Xô thông qua Bentley.

Mặc dù lúc bấy giờ Liên Xô và Mỹ là đồng minh trong cuộc chiến với phe Phát xít, song nhờ hoạt động tích cực của đường dây Silvermaster và cả của Bentley mà tình báo Liên Xô nắm bắt được các thông tin quan trọng về sức mạnh quân sự của Đức Quốc xã và phát xít Nhật, tình hình sản xuất vũ khí, khí tài của Mỹ, thông tin về các kế hoạch mở các mặt trận mới trên chiến trường châu Âu và châu Á của Anh, Mỹ.

Cuối năm 1944, sau khi Golos qua đời đột ngột vì bệnh tim, Bentley trở thành nhân vật quan trọng thứ hai trong hệ thống điệp báo của Đảng Cộng sản Mỹ làm việc cho tình báo Liên Xô chỉ sau có Earl Browder, Tổng thư ký Đảng Cộng sản Mỹ.

Bentley không những được giao nhiệm vụ theo dõi, tiếp nhận thông tin thu thập được từ đường dây điệp báo Silvermaster mà cả của đường dây điệp báo Perlo gồm toàn điệp viên nội gián làm việc tại Bộ Chiến tranh, Thượng viện và Bộ Tài chính Mỹ.

Thế nhưng mâu thuẫn dẫn đến rạn nứt trong quan hệ giữa Bentley và tình báo Liên Xô xảy ra khi Iskhak Akhmenov, một sĩ quan cao cấp của tình báo Liên Xô đến nhận nhiệm vụ phụ trách mạng lưới tình báo Liên Xô tại thành phố New York dưới vỏ bọc tham tán sứ quán Liên Xô ở Mỹ vào đầu năm 1944. 

Cho tới khoảng tháng 6/1944, Akhmenov đưa ra yêu cầu để cho các thành viên nhóm Silvermaster gặp gỡ và báo cáo tình hình trực tiếp với mình. Sau này, Elizabeth Bentley nói rằng đây chính là nguyên nhân khiến bà rời khỏi hệ thống gián điệp của Liên Xô.

“Tôi phát hiện ra rằng Earl Browder thực ra chỉ là một con rối, có ai đó kéo dây ở Moscow”, Elizabeth Bentley nói. Tới cuối năm 1944, Elizabeth Bentley được yêu cầu để cung cấp tất cả các nguồn tin còn lại, bao gồm cả nhóm Perlo mà cô mới tạo lập gần đây. Akhmenov cũng nói rằng, cô buộc phải rời khỏi vị trí phó chủ tịch của Công ty Dịch vụ và vận chuyển hàng hải Mỹ.

Người ta nói rằng, cái chết của Golos cộng thêm sức ép từ phía cơ quan tình báo Nga đã đẩy Elizabeth Bentley  tìm đến với rượu.

Bị cách ly dần với tổ chức và lo ngại một ngày nào đó sẽ bị trừ khử để diệt khẩu nên vào ngày 6/11/1945, Bentley bí mật đến đầu thú tại Văn phòng FBI ở thành phố New Heaven, bang Connecticut với đề nghị được khai báo về hoạt động nội gián và được bảo vệ.

Tại các buổi thẩm vấn, Bentley khai ra danh tính 150 điệp viên làm việc cho tình báo Liên Xô, trong đó có đến 37 viên chức làm việc tại các cơ quan liên bang. Lúc đó, FBI không tin mấy về các khai báo của Bentley và cho rằng đó chỉ là việc làm nhằm giảm nhẹ tội hoạt đông nội gián của mình.

Chỉ cho đến khi Igor Gouzenko và Whittaker Chamber, hai trong số những điệp viên nội gián làm việc trong đường dây điệp báo Perlo đầu thú với FBI và cung khai những cái tên trùng khớp với danh tính điệp viên nội ứng mà Bentley đã khai báo, thì FBI mới tin đó là sự thật.

Đích thân Giám đốc FBI, John Edgar Hoover giao nhiệm vụ làm điệp viên hai mang cho Bentley với mật danh “Gregory” để tái thâm nhập vào mạng lưới điệp báo của tình báo Liên Xô.

Tuy nhiên, tới năm 1951, hoạt động điệp báo hai mang của Bentley bị bại lộ khi Hoover vô tình trao đổi trường hợp của Bentley với William Stephenson, chỉ huy tình báo Anh.

Thông qua Stephenson, Kim Philby, một điệp viên người Anh làm việc cho tình báo Liên Xô thông báo cho Matxcova về trường hợp của Bentley. Vì vậy, Moskva ra lệnh ngừng mọi tiếp xúc với Elizabeth Bentley.

Đến tháng 10/1952, Bentley bí mật điều trần trước Tòa án tối cao Mỹ về tính chân thật của các khai báo của mình với FBI, và về hoạt động của tình báo Liên Xô trên lãnh thổ Mỹ có liên quan đến nhiều nhân viên chính phủ.

Tháng 10/1953, Tòa án tối cao Mỹ và chấp thuận cho FBI bắt giữ và điều tra đối với 37 nhân viên chính phủ được cho là điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Liên Xô, trong đó có một số quan chức cấp cao.  

Năm 1956, câu chuyện về cuộc đời hoạt động hai mang của Elizabeth Bentley lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện thông tin.

Trong khi tờ The New York Journal - America, ra sức tô bóng hành động dũng cảm của Bentley, thì một số tờ báo khác như tờ New York World - Telegram lại nghi vấn về động cơ đầu thú của bà, khiến bùng nổ cuộc chiến trên các phương tiện thông tin về công và tội của điệp viên hai mang Elizabeth Bentley.

Elizabeth Bentley tiếp tục làm việc cho FBI đến năm 1960 thì xin nghỉ vì bệnh tật nhưng được bảo vệ đêm ngày như một nhân vật quan trọng. Bà qua đời tại thành phố New Heaven, Connecticut vào ngày 03/12/1963 ở tuổi 55 vì bệnh ung thư.

  • Hà Phương

[links()]
 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc