Các mức hưởng của thẻ bảo hiểm y tế
Trong các loại thẻ BHYT hiện nay không phải đối tượng nào cũng được hưởng mức 100% khi khám chữa bệnh.
Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định các mức hưởng của thẻ bảo hiểm y tế là:
- Mức 100% dành cho các đối tượng người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, trẻ em dưới 6 tuổi…
- Mức hưởng 95% dành cho người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, hộ gia đình cận nghèo…
- Mức hưởng 80% dành cho đối tượng còn lại tham gia bảo hiểm y tế như hộ gia đình, học sinh - sinh viên...
Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì có bổ sung 2 đối tượng hưởng BHYT 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh là: Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc; Người dân sống tại các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT.
Tuy nhiên có những trường hợp quy định người lao động có thẻ BHYT luôn được hưởng 100% chi phí không phụ thuộc vào các nhóm trên gôm:
- Người tham gia BHYT đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến xã. Nghĩa là học sinh, sinh viên, người tham gia bảo hiểm y tế là công nhân, hộ gia đình... khi khám chữa ở tuyến xã đều được hưởng 100%.
- Người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh mà chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.
- Người bệnh có thời gian tham gia Bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Người có NHYT 5 năm liên tục được trợ cấp 14 triệu đồng khi đi khám chữa bệnh?
Quy định về quyền lợi của người đóng BHYT 5 năm liên tục là: Những người mà trên thẻ có mức hưởng 80 hoặc 95% tham gia đủ 5 năm liên tục thì khi đi khám chữa bệnh đúng quy trình đúng tuyến mà có số tiền cùng chi trả cao hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được hưởng 100%. Nghĩa là khi số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh trong trường hợp này sẽ không phải thanh toán mà bảo hiểm sẽ thanh toán.
Trước ngày 1/7 chính phủ quy định mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng, số tiền cùng chi trả của người bệnh làm căn cứ để hưởng 100% BHYT là 10.800.000 đồng.
Còn quy định mới từ 1/7/2024 mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng thì số tiền cùng chi trả của người bệnh làm căn cứ để hưởng 100% BHYT là 14.040.000 đồng.
Năm 2025, mức lương cơ sở vẫn là 2.340.000 đồng thì mức tiền cùng chi trả của những người có BHYT 5 năm liên tục là 14.040.000 trở lên sẽ được hưởng 100% bảo hiểm.
Như vậy phải hiểu cho đúng là nếu đóng BHYT 5 năm liên tục mà khi khám chữa bệnh có mức cùng chi trả trong năm cao hơn mức này thì người dân sẽ được bảo hiểm thanh toán 100%. Còn nếu trong trường hợp người dân có mức cùng chi trả thấp hơn thì người dân vẫn chỉ được hưởng mức 80% hoặc 95% theo mức quy định trên thẻ. Lưu ý mức này là tính cho cả năm không phải cho một lần. Vì thế nếu hiểu cứ đóng đủ BHYT 5 năm liên tục là sẽ được trợ cấp 14 triệu là không đúng.