Quy định tuẫn táng
Dù được ban hành dưới nhiều triều đại phong kiến khác nhau nhưng dưới triều Minh, quy định bắt buộc phi tần, cung nữ phải tuẫn táng theo vua được sử sách Trung Quốc đánh giá là khắc nghiệt nhất.
Mỗi khi hoàng đế băng hà, tiếng khóc của các phi tần, cung nữ vang lên khắp hoàng cung. Họ khóc một phần vì xót thương Hoàng đế nhưng trên hết, họ khóc vì lo sợ sẽ phải tuẫn táng theo vua.
Theo một số ít các tài liệu còn ghi chép lại, khi Hoàng đế vừa chết, các phi tần, cung nữ nằm trong danh sách phải tuẫn táng sẽ được cho ăn cơm, sau đó các thái giám sẽ đưa họ đến một cung điện nhỏ.
Tại đây, các thái giám đã chuẩn bị sẵn những chiếc ghế đẩu cùng những dải vải trắng vắt qua xà nhà. Các cung nữ sẽ phải lần lượt tự kết liễu đời mình.
Tuy nhiên, với phần lớn những người run rẩy không đứng lên ghế, tự thắt cổ, thái giám sẽ ra tay xốc lên, đưa cổ họ vào thòng lọng và rút ghế khỏi chân.
Theo ghi chép trong “Minh triều tiểu sử” quyển 3, sau khi Chu Nguyên Chương chết (1398), Chu Doãn Văn kế vị làm theo lời dặn dò của ông nội, đã ép toàn bộ phi tần chưa từng sinh nở và cung nữ tuẫn táng.
Khi lệnh ban ra, triều đình hỗn loạn, tiếng khóc ai oán bao trùm cả hoàng cung.
Sau khi Minh Thành Tổ chết vào năm 1424, hơn 30 cung nữ cũng đã phải treo cổ tự sát theo.
Trong khi đó, trong số 10 phi tần, cung nữ tuẫn táng theo Minh Tuyên Tông, có người còn vừa vào cung 20 ngày và chưa từng một lần thấy mặt vua.
Các ông vua của Minh triều mà khởi xướng là Chu Nguyên Chương quan niệm rằng, việc phụ nữ chưa từng sinh nở tuẫn táng khi vua chết là cần thiết vì Hoàng đế khi sang thế giới bên kia vẫn cần người hầu hạ như cách mà họ từng được hầu hạ khi còn sống.
Sau khi các phi tần, cung nữ tuẫn táng theo tiên đế, hầu hết các Hoàng đế kế nhiệm đều ban cho họ và người thân một số công việc, chức tước. Thường thấy nhất là ban cho tên thụy, biểu dương phẩm hạnh và tiền tuất…
Những cuộc chiến ngầm chốn thâm cung
Trong một cấm cung quá đông nữ giới, sự ghen ghét cạnh tranh nhau là điều không thể tránh khỏi. Ai cũng mong giành được sự sủng ái của Hoàng đế, khao khát được tấn phong làm Hoàng hậu, và nhất là sinh hạ được hoàng tử. Đôi khi, Hoàng hậu và các phi tần chia phe phái, cấu kết với các thái giám, hãm hại lẫn nhau. Khi đạt được dục vọng của mình, các phi tần sẽ có một địa vị cao hơn, và tất nhiên các thái giám cũng vậy.
Những âm mưu hãm hại nhau chốn hậu cung xuất hiện dày đặc trong lịch sử. Những mĩ nhân được Hoàng thượng sủng ái hay sinh được hoàng tử nghiễm nhiên trở thành cái gai trong mắt những người còn lại. Một trong những phi tần nổi tiếng với sự ghen tuông vô độ và những thủ đoạn cực kì độc ác là Chiêu Tín thời nhà Hán. Bấy giờ vua Lưu Khứ rất cưng chiều một thê thiếp xinh đẹp là Vọng Ngưỡng. Chiêu Tín sinh lòng đố kị, vu khống cho Vọng Ngưỡng là có mưu đồ hãm hại nhà vua. Vua tin lời, sai người tra tấn Vọng Ngưỡng, nàng bỏ chạy được và gieo mình xuống giếng tự vẫn.
Cuộc sống khắc nghiệt chốn thâm cung đã khiến những phận nữ nhi yếu đuối trở nên máu lạnh và sắt đá. Thời nhà Đường, một trong những phi tần của Vua là Võ Mị Nương đã đang tâm giết hại đứa con mới sinh của mình và vu oan cho Vương Hoàng hậu. Kết quả là Hoàng hậu bị phế truất và Võ Mị Nương trở thành Hoàng hậu mới. Sau khi Vương Hậu bị đày vào lãnh cung, Võ Mị Nương còn sai thuộc hạ tra tấn bà bằng những thủ đoạn tàn độc để trả thù cho những ngày tháng từng bị bà đe dọa và hãm hại.
Thời nhà Minh, Quý phi họ Vạn của vua Hiến Tôn do không còn khả năng mang thai nên quyết không để ai khác sinh con cho vua. Một cung phi họ Kỳ đã mang long thai và sinh hạ một bé trai, nhưng vì lo sợ hai mẹ con bị hãm hại, một viên thái giám đã mang giấu đứa bé ở một nơi an toàn. Một thời gian sau, khi vua biết chuyện, liền vui mừng cho đón hai mẹ con vào cung. Vạn Quý phi nổi giận, lập tức sát hại Kỳ Thị. Viên thái giám kia cũng quá hoảng sợ mà nuốt vàng tự vẫn.
Như một lẽ dĩ nhiên, các phi tần hầu hết đều có số phận bi thảm sau khi Vua qua đời. Nhiều người còn bị chôn sống theo Vua để hầu hạ ngài ở thế giới bên kia. Vậy mới thấy, cuộc sống chốn hậu cung đâu chỉ toàn nhung lụa và bình yên.