Những tiêu chuẩn cơ bản mà các tú nữ phải đáp ứng
Hậu cung của hoàng đế có hàng nghìn mỹ nữ nhưng không phải ai muốn cũng có thể đặt chân đến. Để trở thành phi tần của vua, các tú nữ phải đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản dưới đây.
Xuất thân và địa vị của gia tộc tú nữ
Vào thời phong kiến địa vị được đặt lên hàng đầu. Triều đình lại càng chú trọng hơn đến thân thế. Nhà vua khi tuyển chọn tú nữ không chỉ nhằm mục đích sinh con nối dõi mà còn để củng cố vững chắc quyền lực của bản thân.
Chính vì vậy mà khi xét tuyển tú nữ, triều đình sẽ xét tới xuất thân của người đó đầu tiên. Xuất thân từ gia tộc có địa vị cao hay thấp có thể ảnh hưởng tới vị trí của tú nữ trong hậu cung. Thân phận càng danh giá thì càng có cơ hội được phong tước vị cao quý, thậm chí những điều kiện về dung mạo đối với họ cũng được giảm nhẹ đi.
Ngoại hình và dung mạo
Nữ nhân ở bên cạnh hoàng đế tất nhiên phải là người ưu tú. Để được tham gia tuyển chọn họ phải là những người xinh đẹp, dung mạo hơn người.
Tuy nhiên thì quan niệm về cái đẹp mỗi thời mỗi khác và dựa trên cảm nhận của từng người. Khi xét tuyển tú nữ qua ngoại hình cần dựa trên sở thích và tiêu chuẩn mà hoàng thượng đặt ra. Chẳng hạn Sở vương đặt ra tiêu chuẩn tú nữ được chọn phải có vòng eo thon thả. Thời Đường trước những năm 690 thiên về đầy đặn, thời Đường sau năm 705 thì hoàng đế yêu cầu tú nữ cần có những đặc trưng điển hình như chân ba tấc tam liên… Mỗi yêu cầu đưa ra tùy thuộc vào thẩm mỹ của thời điểm đó.
Yêu cầu về tuổi tác
Tùy từng triều đại mà yêu cầu về tuổi tác có sự thay đổi. Các phi tử khi mới nhập cung đa phần đều là những cô gái chưa đầy 18 tuổi. Điều này là do ngay từ vòng tuyển chọn đầu tiên triều đình đã dựa trên tiêu chuẩn về tuổi tác để lọc những nữ tử không đạt yêu cầu. Cụ thể, mỗi thời đại có yêu cầu như sau: Thời Đông Hán yêu cầu nữ tử tham gia tuyển tú chỉ được trong độ tuổi từ 13-20 tuổi, thời Tam Quốc chỉ chọn những ai trong độ tuổi 15-16 tuổi, hoàng đế Chu Nguyên Chương thời Minh lại yêu cầu tuyển tú nữ từ 15-20 tuổi…
Điều kiện cuối cùng khiến tú nữ ngượng chín mặt
Các tú nữ sau khi vượt qua vòng xét chọn gắt gạo còn phải đối diện với vòng kiểm tra cuối cùng mang tính chất quyết định. Đây cũng là vòng mang lại nhiều ám ảnh đối với họ, đó là kiểm tra thân thể.
Việc này phải tuân thủ theo trình tự nghiêm ngặt. Trước tiên, các tú nữ phải cởi bỏ hết quần áo đang mặc trên người. Các nhũ mẫu sẽ dùng thước dây tiến hành đo và kiểm tra từng bộ phận trên cơ thể. Kích thước của các bộ phận phải hài hòa và cân đối, không được quá béo cũng không được quá gầy, số đo cầu vai, hông, chân… phải đạt tiêu chuẩn cái đẹp thời đó.
Đặc biệt, trên người tú nữ không được phép có nốt ruồi, sẹo, không mắc bệnh ngoài da,… Sau đó là đến bước kiểm tra tiên quyết: kiểm tra trinh tiết. Bước này cũng là bước quan trọng nhất trong cả quá trình tuyển chọn. Có nhiều phương pháp giám định sự trong trắng của các tú nữ.
Cuốn “Dụ Thế Minh Ngôn” của Phùng Mộng Long có ghi chép về quy trình kiểm tra như sau: các tú nữ phải cởi hết quần áo và bước vào một chiếc thùng nước lớn được phủ một lớp tro mịn trên mặt nước. Sau đó các nhũ mẫu sẽ đốt giấy, hun khói lên mũi hay làm bất cứ cách nào đó khiến cho các tú nữ hắt hơi. Nhũ mẫu đứng bên ngoài quan sát, nếu như bột tro trên mặt nước bị bọt khí xô dạt đồng nghĩa với việc tú nữ đã không còn trong trắng, người này sẽ lập tức bị loại.
Những tú nữ sau khi vượt qua hết các vòng kiểm tra trên sẽ được lập thành 1 danh sách dâng lên hoàng thượng. Tú nữ nào được hoàng thượng, hoàng hậu hay hoàng thái hậu chọn sẽ trở thành phi tử của hoàng thường. Người được chọn sẽ được nhũ mẫu dạy dỗ về lễ nghi quy tắc trong cung. Cuối cùng là chờ tới ngày được định sẵn để từ biệt gia đình và nhập cung.