Quyền của Việt Nam với trung tâm cảnh báo sóng thần TQ đề xuất

14:38, Thứ hai 23/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)-PGS.TS. Nguyễn Bá Diến nói rõ về quyền và nghĩa vụ của Việt Nam cũng như các quốc gia ven biển liên quan đến đề xuất xây dựng Trung tâm cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai sóng thần khu vực Biển Đông của Trung Quốc

Quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển

Theo quy định của Công ước Luật biển 1982, tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế có thẩm quyền, đều có quyền tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học biển, với điều kiện tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác như đã được quy định trong Công ước..

Trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại về lợi ích, các quốc gia và tổ chức quốc tế có thẩm quyền có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế về mặt nghiên cứu khoa học biển vì mục đích hòa bình.

Việc đặt và sử dụng các thiết bị hay dụng cụ nghiên cứu khoa học thuộc bất kỳ kiểu nào không được gây cản trở cho việc hàng hải theo các con đường quốc tế thường dùng.

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong quá trình thực hiện dự án, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam liên quan đến lĩnh vực này như: Công ước Luật biển 1982, Luật biển Việt Nam 2012,... Cụ thể:

* Quyền và nghĩa vụ chung của quốc gia ven biển:

- Các quốc gia ven biển có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học biển, có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác quốc tế về mặt nghiên cứu khoa học biển vì mục đích hòa bình trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển;

- Quốc gia ven biển có quyền tham gia vào dự án nghiên cứu khoa học biển nếu muốn; có quyền được cung cấp thông tin về dự án; có quyền tiếp xúc với tất cả các mẫu vật, dữ liệu thu được trong khuôn khổ dự án;

- Quốc gia ven biển có quyền khước từ, không cho phép, đình chỉ hoặc chấm dứt thực hiện dự án trong các trường hợp đã được quy định cụ thể trong Công ước như: việc nghiên cứu không được tiến hành theo đúng các thông tin đã được thông báo; hoặc các quyền của quóc gia ven biển đối với dự án nghiên cứu khoa học biển không được tôn trọng...

* Các nguyên tắc chung chi phối việc chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học

- Việc nghiên cứu khoa học biển chỉ được phép thực hiện vì những mục đích hoàn toàn hòa bình;

- Công tác này được tiến hành bằng cách dùng các phương pháp và phương tiện khoa học thích hợp, phù hợp với Công ước;

- Công tác này không cản trở một cách vô lý những việc sử dụng biển hợp pháp khác phù hợp Công ước và nó phải được quan tâm đến trong việc sử dụng này;

- Công tác này được tiến hành theo đúng mọi quy định tương ứng được thông qua để thi hành Công ước, kể cả các quy định nhằm bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;

- Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học biển không tạo ra cơ sở pháp lý cho yêu sách đối với bất kỳ lĩnh vực nào của môi trường biển hay các tài nguyên của nó (Điều 241 Công ước Luật biển 1982). Điều này cũng liên quan đến nội dung các quy định tương tự về tính bất hợp pháp của những yêu sách đối với biển cả (Điều 89, 90) và vùng (khoản 1, 3 Điều 137 Công ước Luật biển 1982).

* Việc nghiên cứu khoa học biển nằm trong lãnh hải hoặc vùng nước quần đảo của Việt Nam:

- Việt Nam có đặc quyền quy định, cho phép và tiến hành các công tác nghiên cứu khoa học biển ở trong lãnh hải của mình. Công tác nghiên cứu khoa học biển ở trong lãnh hải chỉ được tiến hành với sự thỏa thuận rõ ràng của Việt Nam và trong các điều kiện do Việt Nam ấn định;

- Trong khi quá cảnh, các tàu thuyền nước ngoài, kể cả tàu thuyền chuyên dùng cho nghiên cứu khoa học biển hay cho đo đạc thủy văn, không được tiến hành bất kỳ hoạt động nghiên cứu hoặc đo đạc nào nếu không được phép trước của Việt Nam.

* Việc nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

- Việt Nam có quyền quy định, cho phép và tiến hành các công tác nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo các quy định tương ứng của Công ước. Công tác nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được tiến hành với sự thỏa thuận của Việt Nam;

- Trong những trường hợp bình thường, Việt Nam, với tư cách là  quốc gia ven biển, có thể thỏa thuận cho thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học biển mà các quốc gia khác hay các tổ chức quốc tế có thẩm quyền dự định tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế hay trên thềm lục địa của mình theo đúng Công ước, nhằm vào những mục đích hoàn toàn hòa bình và để tăng thêm kiến thức khoa học về môi trường biển, vì lợi ích của toàn thể loài người. Vì mục đích này, các quốc gia ven biển thông qua các quy tắc và thủ tục bảo đảm sẽ cho phép trong những thời gian hợp lý và sẽ không khước từ một cách phi lý;

- Tuy nhiên, theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, là quốc gia ven biển, Việt Nam có thể tùy ý mình không cho phép thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học biển do một quốc gia khác hay một tổ chức quốc tế có thẩm quyền đề nghị tiến hành ở vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của mình trong các trường hợp:

+ Nếu dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật;

+ Nếu dự án có dự kiến công việc khoan trong thềm lục địa, sử dụng chất nổ hay đưa chất độc hại vào trong môi trường biển;

+ Nếu dự án dự kiến việc xây dựng, khai thác hay sử dụng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đã nêu tại Điều 60, 80;

+ Nếu những thông tin được thông báo về tính chất và mục tiêu của dự án theo Điều 248 không đúng, hoặc nếu quốc gia hay tổ chức quốc tế có thẩm quyền, tác giả của dự án không làm tròn những nghĩa vụ đã cam kết với quốc gia ven biển hữu quan trong một dự án nghiên cứu trước đây.

- Là quốc gia ven biển, Việt Nam cũng không thể thi hành quyền tùy ý khước từ đối với các dự án nghiên cứu khoa học biển được tiến hành theo đúng phần này trên phần thềm lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải quá 200 hải lý, ngoài các khu vực đặc biệt mà bất kỳ lúc nào các quốc gia ven biển cũng có thể chính thức chỉ định làm nơi hoặc sẽ làm nơi để tiến hành công việc khai thác hay thăm dò đi vào chi tiết trong một thời hạn hợp lý.

Trong những thời hạn hợp lý, Việt nam có thể thông báo các khu vực mà mình chỉ định cũng như tất cả những thay đổi có liên quan, nhưng không có trách nhiệm cung cấp các chi tiết về các công việc trên các khu vực này.

- Tuy nhiên, việc áp dụng quy định vừa nêu không phương hại đến các quyền ở thềm lục địa được thừa nhận cho các quốc gia ven biển ở Điều 77, theo đó, các quyền này không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa nào, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào.

* Quy trình thực hiện việc nghiên cứu khoa học biển:

- Việt Nam, với tư cách là quốc gia khu vực có liên quan (và là quốc gia có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán nếu việc nghiên cứu được thực hiện tại các vùng biển, đảo Việt Nam), có quyền được cung cấp đầy đủ các thông tin về dự án Trung tâm cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai sóng thần khu vực Biển Đông (Điều 248 Công ước Luật biển 1982); và Việt Nam cần nắm rõ các quyền và nghĩa vụ của mình;

- Việt Nam cần lưu ý về thời hạn đệ trình ý kiến về việc nghiên cứu khoa học biển: Các quốc gia hay các tổ chức quốc tế có thẩm quyền có thể thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học biển sau một thời hạn 6 tháng kể từ ngày các thông tin cần thiết theo Điều 248 đã được thông báo cho quốc gia ven biển, trừ khi trong một thời hạn 04 tháng kể từ lúc nhận được các thông tin trên, quốc gia ven biển đã báo cho quốc gia hay tổ chức đề nghị thực hiện công tác nghiên cứu biết một số nội dung quy định trong Điều 252 (Việc đồng ý mặc nhiên) Công ước Luật biển 1982.

- Các nghĩa vụ của quốc gia và tổ chức quốc tế có thẩm quyền thực hiện công tác nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia ven biển theo Điều 249 Công ước Luật biển 1982.

- Các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng quy định của Công ước về nghiên cứu khoa học biển sẽ được giải quyết theo các Mục 2 (Các thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc) và Mục 3 (Các giới hạn và ngoại lệ đối với việc áp dụng Mục 2) Phần XV Công ước Luật biển 1982.

Chừng nào các tranh chấp chưa được giải quyết đúng theo điều trên, thì quốc gia hay tổ chức quốc tế có thẩm quyền nghiên cứu khoa học biển không được phép thực hiện hay tiếp tục việc nghiên cứu khoa học nếu không có sự đồng ý rõ ràng của quốc gia ven biển hữu quan.

Kết luận

Vì mục đích hòa bình, vì lợi ích con người và phát triển khoa học công nghệ, các quốc gia khu vực đã cùng thỏa thuận và đồng ý xây dựng nên Trung tâm cảnh báo sóng thần khu vực Biển Đông, dưới sự quản lý chung của IOC và tuân thủ theo các quy định của luật pháp quốc tế. Việc nghiên cứu khoa học biển này không tạo nên bất kỳ cơ sở pháp lý hay danh nghĩa nào cho yêu sách về biển hoặc tài nguyên biển.

Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực đều có thẩm quyền quan tâm, tham gia và giám sát nhằm đảm bảo cho việc nghiên cứu khoa học biển phải được tiến hành theo đúng Công ước Luật biển 1982. Để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu vừa không làm phương hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, chúng ta phải:

- Luôn khẳng định rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo trên Biển Đông, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; luôn đặt vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia lên hàng đầu và tách bạch rõ vấn đề chủ quyền, lợi ích biển-đảo của quốc gia với vấn đề nghiên cứu khoa học biển hoàn toàn vì mục đích hòa bình, nhân đạo; vấn đề nghiên cứu khoa học biển không được làm phương hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển và không tạo ra bất kỳ cơ sở pháp lý cho yêu sách biển của các quốc gia;

- Nếu thực hiện nghiên cứu trong các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì phải tôn trọng, tuân thủ và thực hiện theo các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam;

- Việt Nam và các quốc gia liên quan khác cần tham gia tích cực, chủ động vào dự án; cùng đóng góp nhân lực, vật lực, tham gia xây dựng, triển khai, vận hành, giám sát trung tâm nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời đảm bảo mục đích hoạt động của trung tâm, tránh việc Trung tâm bị lợi dụng cho những mục đích khác.

Đặc biệt, với vị thế và tham vọng hiện nay của Trung Quốc, Việt Nam cũng như các quốc gia hữu quan cần có kế hoạch cụ thể và tham gia tham gia Dự án này; không để Trung Quốc lợi dụng, thao túng Dự án để phục vụ cho những tham vọng chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông.
    
- Các quốc gia nên có điều khoản thỏa thuận lựa chọn cơ quan tài phán quốc tế cụ thể trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.

Trong tình hình Biển Đông hiện nay, với những âm mưu khó lường của Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng từng bước đi, từng quyết định.

Trong các vòng họp, cấp chuyên viên hay cấp Nhà nước, chính thức hay không chính thức, chúng ta cũng cần tổ chức đoàn tham dự bao gồm của chuyên gia kỹ thuật và chuyên gia pháp lý, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia.

Việc xây dựng và triển khai Trung tâm cảnh báo sóng thần khu vực Biển Đông có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân các nước trong khu vực, giảm bớt sự căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông nếu được các quốc gia định hướng đúng đắn và tuân thủ pháp luật quốc tế.

Là một thành viên của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Luật biển 1982, Việt Nam ủng hộ các hoạt động hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, vì lợi ích con người trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: