Rộ mốt vượt cạn... dưới nước

06:19, Thứ bảy 21/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Ngày càng có nhiều sản phụ, lựa chọn phương pháp sinh con dưới nước, ngay tại nhà riêng, giữa “vòng vây” của những người thân yêu nhất và không cần đến sự hỗ trợ của máy móc, khoa học kỹ thuật hay bất kỳ loại hóa chất nào.

Ở các nước phát triển, con người đang có xu hướng trở về với tự nhiên, từ đồ ăn thức uống, mĩ phẩm làm đẹp, trang hoàng nhà cửa cho tới cả chuyện …vượt cạn. Ngày càng có nhiều sản phụ, lựa chọn phương pháp sinh con dưới nước, ngay tại nhà riêng, giữa “vòng vây” của những người thân yêu nhất và không cần đến sự hỗ trợ của máy móc, khoa học kỹ thuật hiện đại hay bất kỳ loại hóa chất nào. Nghe thì có vẻ lạ lùng, nhưng kỳ thực trải nghiệm này lại kỳ diệu, thiêng liêng và dễ dàng hơn việc đẻ con trên cạn rất nhiều.
[links()]
Tường thuật một ca “vượt cạn” im thin thít

Ngày 24/04/2012, Cậu nhóc Braylen Maurice Taylor ở khu Nam Jersey, nước Mỹ, chào đời một cách vô cùng “im hơi lặng tiếng”. Ấy là bởi bé vẫn còn đang chìm trong làn nước ấm áp.

Và khi bà ngoại Robin Taylor nhẹ nhàng nhấc sinh linh bé bỏng lên khỏi mặt nước rồi đặt vào vòng tay mẹ, bé chỉ ngước đôi mắt ươn ướt của mình, bình thản nhìn thế giới xung quanh.

Không một tiếng khóc hay la hét và cũng chẳng ai lấy thế làm lo ngại bởi đó là quang cảnh hoàn toàn bình thường của một ca “vượt cạn” … dưới nước.

Ngay từ khi Mallory mới bắt đầu mang thai, mẹ ruột của chị, bà Robin Taylor, vốn là y tá trưởng tại 1 bệnh viện lớn, đã kể với cô con gái về phương pháp sinh nở đặc biệt này. Nhưng lúc ấy, khái niệm sinh con dưới nước còn quá mới mẻ và xa lạ với Mallory nên chị không để tâm lắm đến điều đó.

Khoảnh khắc kì diệu tuyệt vời khi 1 đứa trẻ chào đời dưới nước
Khoảnh khắc kì diệu tuyệt vời khi 1 đứa trẻ chào đời dưới nước

Bước vào những tháng cuối của thai kì, Mallory ngày càng trở nên nặng nề, mệt mỏi hơn. Ngay cả nằm trên giường cũng khiến chị không thoải mái chứ đừng nói đến việc phải đi lại hay ngồi làm việc. Chỉ 1 thứ duy nhất khiến Mallory thấy dễ chịu, đó là được ngâm mình trong bồn nước ấm.

Cảm giác thư thái, khoan khoái và nhẹ nhõm đến mức chị không cả muốn ra khỏi phòng tắm nữa. Mallory bắt đầu nghĩ, giá có thể cứ thế này mà sinh em bé ra. Và thế là chị quyết định sẽ sinh con dưới nước.

Khi Mallory bắt đầu quá trình chuyển dạ, chị đi lại trong phòng, hít thở và cố gắng thư giãn trong khi mẹ cùng cô bạn thân chuẩn bị những thứ cần thiết, đó là 1 chiếc bồn sinh chuyên dụng, ống dẫn nước ra vào, khăn lău …, tất cả đều đã được khử trùng sạch sẽ.

Những cơn đau mỗi lúc một dồn dập hơn, bà Taylor phải massage lưng cho con gái để giúp cô dễ chịu. Sau khoảng 10 tiếng vật vã với những cơn co thắt tử cung giai đoạn đầu, Mallory mới bị vỡ ối và cảm nhận thấy từng đợt lực đẩy thúc từ bên trong ra.

Lúc này, chị được phép bước vào bồn nước. Cảm giác ấm áp lập tức lan tỏa từ ngón chân tới tận đỉnh đầu Mallory. Chị nửa nằm nửa ngồi, lưng dựa vào thành bể để nước ngập qua cái bụng bầu.

Nước làm giảm bớt áp lực lên xương chậu của Mallory khiến chị cảm thấy nhẹ nhõm và những cơn co thắt cũng có vẻ êm ái hơn rất nhiều. Không khí trong phòng hệt như một spa cao cấp, với ánh sáng vàng dìu dịu và tiếng nhạc du dương, đúng bài hát mà Mallory yêu thích.

Mẹ ruột cùng và hai người bạn thân nhất đều quây quần xung quanh chiếc bồn, thì thầm vào tai chị những lời động viên. Mọi nỗi căng thẳng, sợ hãi dường như tan biến hết, Mallory thả lỏng người, hoàn toàn thư thái và rặn đều từng đợt theo hướng dẫn của bà Taylor.

Chỉ 10 phút sau, đứa trẻ đã ra đến thế giới bên ngoài dễ dàng, trơn chu và nhanh chóng đến mức khiến chị bất ngờ. Quá trình này ở những phụ nữ sinh nở theo phương pháp thông thường có thể kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Chưa kể đến việc Mallory không cần dùng đến bất kì 1 loại thuốc giảm đau hay kích thích nào.

Đứa trẻ không phải nằm dưới nước quá lâu, chỉ khoảng 5 đến 10 giây, đủ thời gian để bé từ từ mở mắt và dang tay ra một chút là đã được bế lên.

Sinh con dưới nước đang là
Sinh con dưới nước đang là "mốt" mới hiện nay ở Mỹ.

Ngay khi cái đầu bé xíu vừa nhô khỏi mặt nước, Braylen bắt đầu hít thở, thật tự nhiện, thật nhẹ nhàng như thể chẳng thứ gì có thể làm cho nó sợ hãi trên thế giới đẹp đẽ này.

Mallory xúc động trào nước mắt và chị không phải người duy nhất rơi lệ. Cảnh tượng vừa diễn ra quá đẹp đẽ và thiêng liêng đến mức khiến cả 4 người phụ nữ được chứng kiến phải bật khóc.

Mallory lập tức ôm con trai bé bỏng của mình vào lòng. Da thịt chạm vào da thịt là thứ cảm giác êm dịu nhất trên thế gian.

Cảm nhận được hơi ấm từ mẹ, cậu nhóc vừa lọt lòng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ bình yên, hoàn toàn không hay biết mình vừa trải qua 1 trong những hành trình khó khăn nhất cuộc đời, ấy là được sinh ra. Tất cả những gì người ta còn phải làm là nhẹ nhàng lau khô cho hai mẹ con rồi đặt họ lên chiếc giường êm ái.

Sinh con dưới nước đang trở thành trào lưu

Sinh nở là hành trình thiêng liêng và tự nhiên đến kì lạ của mọi phụ nữ. Nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở khắp nơi trên thế giới theo nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào phong tục, tập quán và văn hóa của từng vùng.

Nhưng cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, con người ngày càng can thiệp sâu vào “hành trình tự nhiên ấy”. Vừa có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ đã nhanh chóng được đưa vào bệnh viện.

Nếu quá trình này kéo dài hơn mức cần thiết, họ sẽ được tiêm 1 loại thuốc giúp kích thích sự mở rộng của cổ tử cung. Sau khi vỡ ối và bắt đầu hiện tượng rặn đẻ, họ được đưa vào phòng sinh nồng nặc mùi thuốc sát trùng và ngổn ngang các loại máy móc xung quanh.

Người thân dĩ nhiên là không được phép theo vào. Để đảm bảo các điều kiện vệ sinh, bà mẹ sẽ phải “chiến đấu” 1 mình với sự hỗ trợ của các bác sĩ cùng y tá. Chính tâm lý hoang mang, lo sợ và tủi thân giữa những người xa lạ khiến việc sinh nở càng trở nên khó khăn, đau đớn hơn rất nhiều lần.

Để giảm bớt sự khó chịu này, sản phụ được dùng thuốc giảm đau hoặc gây tê màng cứng, tức là làm tê liệt bớt cảm giác từ vùng xương chậu trở xuống. Dĩ nhiên, bất kỳ loại hóa chất nào không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng đến cơ thể sản phụ và thai nhi.

Phần đông phụ nữ sau nhiều giờ đồng hồ vật lộn đã kiệt sức đến mức gần như lả đi và bỏ lỡ cơ hội chứng kiến khoảnh khắc kì diệu khi đứa con thân yêu ra đời.

Chính vì lẽ đó, ngày càng có nhiều bà bầu chọn phương pháp sinh con dưới nước, ngay tại nhà riêng của mình, từ phụ nữ bình dân cho đến quí tộc, người bình thường cho đến các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh ….

Ở Mỹ, chỉ cần bỏ ra 1000 đô la, khoảng hơn 20 triệu đồng, để mua 1 chiếc bể sinh chuyên dụng, rộng rãi và sâu hơn loại bồn tắm thông thường tại các gia đình, hoặc muốn tiết kiệm hơn, người ta cũng có thể thuê với giá 300 đô la , tương đương 6 triệu đồng tiền Việt.

Thêm vào đó là khoản chi phí để mời một bác sĩ, y tá hoặc hộ lý kiêm bà đỡ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sinh nở dưới nước để có thể túc trực ở bên, giúp đỡ và hướng dẫn cho bà mẹ trong suốt quá trình này.

Vậy là sản phụ có thể sinh con ngay trong phòng ngủ của mình. Điều tuyệt vời hơn nữa là người nhà hoặc bạn bè thân thiết được phép tham gia vào “hành trình” này. Sự có mặt của người thân, đặc biệt là người chồng có tác dụng cổ vũ tinh thần lớn lao cho “mẹ và bé”.

Cùng nhau trải qua thời khắc thiêng liêng, đón chào một sinh linh mới chào đời là thứ trải nghiệm tuyệt vời có khả năng bồi đắp thêm tình cảm và sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.

Loại nước được sử dụng nhất thiết phải là nước vô trùng, được duy trì ở 37 độ C, bằng với nhiệt độ cơ thể con người. Ngâm mình trong nước khiến cả bà mẹ và em bé đều cảm thấy dễ chịu. Nước sẽ giúp làm giảm áp lực lên bụng bà bầu khiến họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Các cơ được thư giãn cũng bớt co thắt, nhờ thế mà sản phụ đỡ đau đớn hơn rất nhiều. Khi còn trong bụng mẹ, thai nhi được bao bọc bởi nước ối. Chính vì thế chào đời trong làn nước ấm áp, gần giống với môi trường trong bụng mẹ sẽ là 1 “bước đệm” tuyệt vời giúp bé không cảm thấy sự thay đổi quá đột ngột.

Lúc này, đứa trẻ hoàn toàn không bị ngạt vì vẫn được cung cấp oxy từ mẹ thông qua dây rốn. Chỉ khi lên khỏi mặt nước, bé mới bắt đầu tự hít thở lần đầu tiên trong đời, một cách hoàn toàn tự nhiên.

Nhiều bà mẹ tự tay nhấc con mình lên để được tận hưởng trọn vẹn cảm giác “chiến thắng” diệu kì, nhưng số nhiều chọn phương pháp để bà đỡ giúp làm điều đó bởi vì đưa bé ra khỏi nước đúng thời điểm cũng là 1 yếu tố hết sức quan trọng.

Cả mẹ và bé lúc này đều không mất quá nhiều sức, được nằm nghỉ ngơi trong niềm tự hào và hạnh phúc ngập tràn. Tuyệt vời là thế nhưng không phải bà mẹ nào cũng đủ điều kiện để sinh con dưới nước.

Thai phụ phải có sức khỏe tốt và bào thai phát triển hoàn toàn bình thường bởi vì phương pháp sinh tự nhiên này có nhược điểm là khá mạo hiểm khi không có các thiết bị y tế, máy móc hiện đại và đông đảo đội ngũ bác sĩ ở bên để kịp thời xử lý trong tình huống xảy ra sự cố.

Các trường hợp bà mẹ bị bệnh tim, bệnh phụ khoa, tâm lý không ổn định, mắc bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng, hoặc bào thai quá lớn hay sinh đôi trở lên thì nhất thiết phải chọn phương pháp “đẻ trên cạn” ở các bệnh viện có uy tín.

 

  • Hồng Hà
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc