Thớt gỗ sau một thời gian sử dụng sẽ rất dễ bị mốc. Thông thường, mọi người sử dụng nước rửa bát để rửa thớt. Tuy nhiên, đây chưa phải là cách tốt nhất để làm sạch thớt. Muốn ngăn chặn tình trạng thớt bị mốc sau một thời gian sử dụng, bạn hãy làm theo các cách sau đây.
Bước 1: Sử dụng giấm trắng và muối
Giấm trắng có chứa axit, có thể làm mềm các vết bẩn cứng đầu trên thớt. Đầu tiên, hãy đổ một lượng giấm trắng thích hợp lên thớt, để giấm được trải đều khắp mặt thớt. Tiếp đó, hãy rắc một lượng muối ăn lên trên. Muối ăn có dạng hạt sẽ tạo tính ma sát tốt cũng như có tác dụng khử trùng.
Bước 2: Dùng kem đánh răng và bàn chải để làm sạch thớt
Lấy một chút kem đánh răng bôi vào thớt và dùng bàn chải chà thớt nhiều lần. Muối và kem đánh răng kết hợp với nhau sẽ có khả năng làm sạch rất tốt.
Bàn chải và kem đánh răng sẽ giúp lấy đi các vết bẩn bám trên thớt, khiến vi khuẩn không còn chỗ ẩn nấp.
Sau khi thấy các vết bẩn trên thớt đã được làm sạch, bạn hãy tráng lại thớt bằng nước sạch.
Bước 3: Thoa một lớp dầu ăn
Sau khi làm sạch thớt, hãy dùng khăn khô để lau toàn bộ thớt. Tiếp đến, phết một lớp dầu ăn lên bề mặt thớt. Dầu ăn có tác dụng bảo dưỡng thớt, ngăn cho thớt không bị nấm mốc và nứt nẻ.
Sau đó, dùng màng bọc thực phẩm cuốn kín mặt thớt và để 4-5 tiếng cho dầu ăn thấm đều vào thớt.
Hết thời gian, hãy bỏ màng bọc thực phẩm ra. Lấy một chút baking soda rắc lên khắp mặt thớt. Baking soda sẽ hấp thu dầu ăn giúp làm sạch thớt hiệu quả. Bạn chỉ cần cho baking soda và dùng miếng mút rửa bát để rửa thớt rồi tráng lại bằng nước sạch là được.
Sau khi làm sạch, hãy phơi thớt ở nơi khô thoáng để thớt được ráo nước và ngăn chặn tình trạng nấm mốc xuất hiện.
Một số lưu ý khi dùng thớt gỗ
Nên rửa thớt ngay sau khi sử dụng. Treo thớt ở nơi thoáng mát để thớt nhanh khô và tránh ẩm mốc. Không ngâm thớt gỗ trong nước vì như vậy thớt sẽ dễ bị nứt, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi.
Nên dùng thớt riêng để thái đồ sống và đồ chín để tránh tình trạng nhiễm khuẩn.