Sắp cưới vợ mới nhờ bác sĩ ’lắp’ bộ phận đàn ông

06:10, Chủ nhật 10/06/2012

( PHUNUTODAY ) - Những tai nạn hy hữu xung quanh “cậu nhỏ” khá nhiều nhưng đây là một ca hiếm gặp khi mà cả “một cụm” bị “đánh bay” và người bệnh chịu đựng suốt 20 năm.

Đôi khi chỉ một tai nạn hy hữu trong cuộc sống nhưng cũng khiến nhiều người bệnh khổ sở. Họ âm thầm chịu đựng suốt một thời gian dài, chỉ đến khi trưởng thành mới cầu cứu bác sĩ. Lại có những người gặp sự cố khi tuổi đã xế chiều. Với bác sĩ – những người đã quen với các ca cấp cứu – cũng có những ấn tượng khó quên với những ca cấp cứu để đời.
[links()]
Âm thầm “phận nữ”

Một ngày cuối năm, PGS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cùng các đồng nghiệp tiến hành phẫu thuật tái tạo dương vật cho một nam thanh niên ngoài 20 tuổi. Bệnh nhân tên V.

Câu chuyện của V đã xảy ra cách đây gần 20 năm. Đến bây giờ, đến tuổi lập gia đình V mới quyết định nhờ các bác sĩ giúp mình trở về là đàn ông.

Gần 20 năm trước, đang ở cái tuổi bi bô, V suốt ngày chạy quanh xóm chơi với các bạn. Ở vùng nông thôn nhà nào cũng nuôi chó để giữ nhà. Đám trẻ con cứ tha thẩn chơi, đứa có quần mặc, đứa cởi truồng nhông nhông.

V cũng như bao trẻ khác ở nhà với ông bà rồi chơi quanh xóm. Trong một lần chạy sang hàng xóm chơi, nhà đó có chó đẻ nhưng vì mải chơi, V chẳng mấy quan tâm. Cuộc chơi đang vui cậu bé buồn tè, thay vì vào nhà vệ sinh như trẻ em thành phố, V chạy thẳng ra sân.

Khoảng sân trước nhà lại nằm sát chuồng chó đẻ, khi cậu bé tội nghiệp vừa tụt quần ra thì con chó trong chuồng xông ra ngoạm thẳng vào bộ phận sinh dục. Người lớn trong nhà chạy ra đã thấy V ngã lăn xuống đất với máu be bét vùng “chim cò”.

Ngay khi biết “chim” của V bị chó cắn mất, mọi người hô hoán người nhà nhanh chóng tìm con chó để mong cứu vãn được phần nào cho V. V được đưa đi cấp cứu ngay tại bệnh viện địa phương trong tình trạng "đất trống đồi núi trọc".

Cú tai nạn đó khiến V đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần. Gia đình ở vùng quê, hồi đó y học còn chưa phát triển nên V chỉ được sơ cứu rồi cứ thế sống qua ngày. Tuy mất cả “cụm” nhưng chức năng bài tiết của V vẫn tốt.

Sức khỏe lại không kém đi. Gia đình bận bịu làm ăn cứ nên không mấy quan tâm tới hậu quả của vụ tai nạn đó nữa. V cứ lớn lên trong hình dạng bộ phận sinh dục như phụ nữ. Đến tuổi trưởng thành, V thấy khó chịu nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn đành tặc lưỡi cho qua.

Tai nạn năm xưa không chỉ khiến V mất dương vật và hai tinh hoàn mà còn phải sống trong sự mặc cảm, thậm chí có phần nữ tính. Âm thầm với nỗi đau gần 20 năm, V cũng đến tuổi lập gia đình.

Là đàn ông không thể sống với bộ dạng khiếm khuyết như vậy. Lúc này, V mới tìm đến các bác sĩ với hy vọng được trở về là người đàn ông thực thụ.

PGS.TS Trần Thiết Sơn, người trực tiếp phẫu thuật cho V cho biết, tai nạn khiến bệnh nhân mất hoàn toàn dương vật nên kíp phẫu thuật đã sử dụng kỹ thuật vi phẫu tích (phẫu thuật dưới kính hiển vi) để làm mỏng vạt da vùng đùi trái, đồng thời tạo hình và nối với gốc dương vật của bệnh nhân mà vẫn giữ nguyên được mạch máu của vạt da này.

Ca phẫu thuật kéo dài suốt 6 tiếng đồng hồ đã giúp “cậu nhỏ” của V được tạo hình thành công. Dương vật của V được tạo hình gồm cả thân dương vật, quy đầu, niệu đạo. Suốt bao nhiêu năm mang tiếng là đàn ông nhưng bây giờ, V mới được sở hữu một “cậu nhỏ” của mình.

Tin vui đã đến với V. Sau khi dương vật “sống”, các bác sĩ sẽ sử dụng loại chất liệu đặc biệt để tạo độ cương cứng cho V nhưng tránh rơi vào tình trạng cứng liên tục như sử dụng sụn sườn tự thân hoặc nhân tạo trước đây.

Những tưởng chỉ có được “cậu nhỏ” cho oai nhưng các bác sỹ khẳng định, dương vật mới được tạo ra cũng bảo đảm chức năng tiểu tiện và sinh dục. Đặc biệt, khả năng sinh hoạt tình dục trở lại gần bình thường, có độ hưng phấn, cảm giác tương đối thật.

Tuy nhiên, do V bị mất tinh hoàn nên sẽ phải lắp tinh hoàn giả để bộ phận sinh dục trông được tự nhiên. Khoảng một năm sau phẫu thuật, các chức năng của phần “cậu nhỏ” mới sẽ hoạt động bình thường.

Những tai nạn hy hữu xung quanh “cậu nhỏ” khá nhiều nhưng đây là một ca hiếm gặp khi mà cả “một cụm” bị “đánh bay” và người bệnh chịu đựng suốt 20 năm. Một ca phẫu thuật thành công đã mang lại niềm vui trong cuộc sống sau này cho V.

Muôn sự tại... vòng tránh thai

Ở tuổi xế chiều, đáng lẽ phải hưởng an nhàn tuổi già với con cháu thì bất ngờ, một ngày, một người đàn bà phải nhập viện cấp cứu vì... cái vòng tránh thai.

Bước vào tuổi 70 nhưng bà H già hơn tuổi rất nhiều. Da mặt nhăn nheo, dáng người bé nhỏ, cả một đời bà vất vả làm lụng kiếm ăn nuôi các con. 10 lần sinh nở đã vắt kiệt sức của bà H. Đến cuối đời bà H vẫn phải nhập viện vì một lý do mà bà chưa bao giờ nghĩ tới: vòng tránh thai “lạc lối”.

Cuộc đời của bà H chỉ là lấy chồng, lần lượt sinh con rồi làm để đủ nuôi các con. Đến khi có 8 mặt con, bà H mới giật mình lo lắng và nghĩ tới kế hoạch. 30 năm trước, bà H bước chân vào trạm y tế huyện. Bà đến trạm y tế lần này không phải sinh nở mà đặt vòng.

Tuy nhiên sau khi đặt vòng, bà H vẫn… có thai và sinh sòn sòn thêm 2 người con, con trai út giờ cũng đã 21 tuổi.

Đi kế hoạch nhưng vẫn sinh con nên bà H cũng chẳng để ý nữa. Hồi đó bà H cũng nghĩ vòng trục trặc, có lẽ do làm việc vất vả nên chiếc vòng đã rơi… ra ngoài rồi cũng nên. Nhưng thôi có thai rồi thì để sinh tiếp.

Lần một rồi lần hai, bà cũng chẳng đi khám lại. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng bà cảm thấy đau bụng, đau lưng, cũng có đi khám ở các cơ sở y tế địa phương. Nhưng cuộc sống cơ cực, lam lũ đã làm bà quên đi những cơn đau đó. Bà cũng quên đi là trong cơ thể mình còn có chiếc vòng tránh thai.

Đôi lúc bà nghĩ do cả ngày làm công việc đồng áng, lam lũ nên người đau ê ẩm là chuyện đương nhiên. Nào ngờ, ở cái tuổi gần đất xa trời, cơn đau vô cớ cứ hành hạ bà.

Những cơn đau đến với bà ngày càng nhiều hơn. Mọi người trong gia đình nghĩ bà H tuổi cao, sức khỏe giảm sút nên phải cho đi kiểm tra tổng thể, nhất là vùng ổ bụng. Khi bác sĩ siêu âm đến vùng ổ bụng mới giật mình.

Thủ phạm gây nên các cơn đau cho bà H bấy lâu nay là chiếc vòng tránh thai. Thay vì nằm ở bộ phận sinh dưới của phụ nữ chiếc vòng tránh thai ngang nhiên nằm trong ổ bụng.

Ở cái tuổi 70, bà H phải lên bàn mổ để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi đưa chiếc vòng ra khỏi cơ thể bà H.

Trước đây, đặt vòng có hai loại là có dây và không có dây. Vòng có dây là vòng chữ T, có tác dụng từ 8-10 năm, hoặc vòng Multiload, có tác dụng 5 năm và vòng không dây như vòng Dana. Đối với vòng có dây thì việc lấy ra dễ dàng hơn là vòng không có dây.

Chiếc vòng mà bà H vẫn còn mang trong người là vòng không dây. Khi tiến hành phẫu thuật nội soi, các bác sĩ phát hiện thấy chiếc vòng nằm ở vị trí dưới gan, vùng hạ sườn phải.

Vì chiếc vòng nằm trong bụng đã lâu nên các tạng dính lại, bao bọc quanh chiếc vòng, phải rất khó khăn các bác sĩ mới gỡ dính, bóc tách các mạc nối, các phần dính và lấy chiếc vòng ra bằng kỹ thuật nội soi.

Hóa ra bao nhiêu năm nay, chiếc vòng đã “chu du” và nằm lạc chỗ nên bà vẫn có thai. Việc vòng nằm lạc chỗ như vậy có thể gây chảy máu, gây đau do dính các nội tạng, có thể gây tắc ruột và các biến chứng khác, làm nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. 

Không để có thai ngoài ý muốn nhưng chiếc vòng tránh thai đã khiến một bệnh nhân ở cái tuổi gần đất xa trời suýt mất mạng. Đầu năm 2012, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) cũng phải cấp cứu cho một cụ T, 78 tuổi ở tỉnh Bắc Giang vì vòng tránh thai đi lạc lối gây hoại tử ruột.

Nhiều ngày trước khi nhập viện cấp cứu, cụ T có dấu hiệu đau bụng âm ỉ, sau đó đau liên tục và không đi đại, tiểu tiện được. Cả nhà nghĩ cụ bị tắc ruột nhưng ăn rau xanh, khoai lang, thuốc mát mãi mà tình trạng vẫn không cải thiện. Những cơn đau hành hạ cụ ngày càng nhiều hơn.

Con cái đưa cụ lên Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cấp cứu. Khi siêu âm, các bác sĩ giật mình khi phát hiện “thủ phạm” làm cụ bà suýt nguy hiểm tính mạng là chiếc vòng tránh thai đi “lạc lối”.

Chiếc vòng tránh thai hình số 8 đi lạc lối vào ổ bụng lại trú ngụ quá lâu khiến bà Tình bị tắc ruột, ổ bụng xuất hiện dịch kèm theo biểu hiện hoại tử ruột.

Cụ T kể rằng, chiếc vòng đã theo cụ đi suốt bao năm tháng. Hồi đó, cụ đi kế hoạch rồi cũng chẳng để ý đến nó nữa.

Mỗi lần khám sức khỏe cũng không thấy bác sĩ nói gì đến sự tồn tại của chiếc vòng và cụ cũng quên dần. Tuổi già đến cụ càng chẳng mảy may suy nghĩ đến cái vòng. Nó như là một bộ phận trong cơ thể cụ rồi.

Nào ngờ, do nằm quá lâu trong cơ thể nên chiếc vòng trong tử cung di chuyển vào ổ bụng làm một đoạn ruột chui vào lỗ vòng khiến đoạn ruột này tắc và hoại tử. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phúc mạc, hoại tử, ảnh hưởng đến tính mạng. Cụ và gia đình được một phen hú hồn.

  • Minh Gia
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc