(Phunutoday)-Trước khi Quy hoạch Hà Nội chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhiều ý kiến cho rằng, sau quy hoạch, thị trường BĐS sẽ “ấm” lên. Nhưng ngược lại, thị trường không sôi động thêm, mà vẫn tiếp tục xu hướng trầm lắng và giảm giá. Chưa biết khi nào thị trường BĐS sẽ có những thay đổi tích cực, khi mà những khó khăn của kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, trong thời gian tới thị trường BĐS Hà Nội vẫn sẽ có những khu vực ấm lên và tiếp tục cho lợi nhuận rất cao… nhờ có đồ án quy hoạch!
Có quy hoạch, vì sao giá đất chưa chịu tăng?
Thông thường, sau mỗi lần công bố quy hoạch, thị trường BĐS lại sôi động và giá [[BĐS]] vì thế lại có lý do tăng. Thế nhưng, đợt công bố quy hoạch Hà Nội mở rộng lần này, thị trường vẫn trầm lắng và tiếp tục trượt đà… giảm giá.
Thậm chí, tại những khu vực hạ tầng đã rất phát triển, đã có quy hoạch chi tiết và đường xá, nhà cửa đã gần như hoàn thiện. Thực tế, chúng từng được kỳ vọng sẽ tăng giá ghê gớm sau quy hoạch thì ngược lại, những khu vực này đều trầm lắng và giảm giá.
Sau quy hoạch Hà Nội, BĐS tại nhiều khu vực không tăng. Trái lại, xu hướng giảm giá trên thị trường vẫn là xu hướng chủ đạo. Thậm chí, có dự án đã giảm giá tới gần 40% như BĐS tại 1 số dự án trên trục đường 32. |
Những khu vực ấy có thể kể ra như Khu đô thị [[Vân Canh]] (huyện Hoài Đức) của HUD, Khu đô thị Nam An Khánh của Sudico, Galeximco của Công ty Cổ phần XNK Hà Nội, khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông) của Cienco 5 Land, khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) của Văn Phú Invest…
Thậm chí, một số dự án có hạ tầng tương đối tốt, nhiều nhà đã xây xong, rất đẹp, như: Khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức), Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), Galiximco (An Khánh), nhưng đến nay, hầu như chưa có chủ nhân nào chuyển đến sinh sống và giá thì giảm rất sâu, từ 10-40%.
Còn tại [[Mê Linh]], thủ phủ của những “siêu” dự án đô thị, sau quy hoạch, giao dịch tại hàng loạt dự án BĐS cũng không vì thế mà trở nên sôi động. Trái lại, tiến độ triển khai của những dự án tại đây rất chậm chạp nên giá cũng không thể tăng, dù chúng đều có mức giá sàn rất thấp, chỉ 10-13 triệu đồng/m2.
Dường như xu thế thị trường hiện nay đang đi ngược lại quy luật vốn có của thị trường BĐS. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia BĐS, việc thị trường BĐS toàn thành phố trầm lắng, thậm chí giảm giá ngay cả với những khu vực được dự báo giá sẽ tăng rất mạnh lại là điều rất hợp lý.
Ông Khuất Tuấn Dương, Phó giám đốc Công ty Cổ phần BĐS [[Tấc Vàng]] cho rằng: có 4 nguyên nhân khiến quyết định quy hoạch của Thủ tướng chưa có tác động mạnh đến thị trường. Vì thế, thị trường vẫn trầm lắng và còn tiếp tục đi xuống.
Thứ nhất, do chính sách siết chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục được tiến hành khiến nguồn tiền càng khan hiếm. Thứ 2, do nhiều dự án trong quy hoạch tiếp tục bị rà soát, chưa biết dự án nào được tiếp tục triển khai hay sẽ được triển khai theo hướng nào nên chưa có đột biến về nguồn cung. Thứ 3, vì đồ án quy hoạch không có nhiều thay đổi so với nội dung đã bàn hơn 1 năm qua nên không gây sự đột biến với tâm lý nhà đầu tư. Và thứ 4, những dự án nằm trong vùng được phép triển khai và phê duyệt trước đó gặp “khó khăn kép” do thiếu vốn và lại không thể huy động được vốn từ việc bán hàng khiến dựu án bị đình trệ, không hoàn thành đúng tiến độ dự kiến.
Ông Phạm Trung Hà, Tổng giảm đốc Hòa Phát Land cũng khẳng định: Trong điều kiện hiện nay, việc thị trường BĐS bị tác động ngay bởi quy hoạch là một điều rất khó. Đã qua rồi thời kỳ BĐS tăng giá mạnh chỉ vì một con đường hay một tin đồn về quy hoạch. Vì thế, nếu không có một cái nhìn dài hạn và đúng đắn, việc kỳ vọng đầu tư vào BĐS sẽ mang lại lợi nhuận là điều vô cùng khó khăn.
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, xu hướng đầu tư BĐS tại các khu vực có hạ tầng xã hội phát triển, cụ thể, tại các khu vực từ vành đai 3.5 trở vào vẫn có thể sinh lời rất cao. |
Hạ tầng xã hội tốt thì BĐS mới sinh lời!
Mặc dù thị trường BĐS hiện trầm lắng và rất khó khăn, nhưng theo nhiều chuyên gia, BĐS một số khu vực tại Hà Nội vẫn sẽ cho lợi nhuận cao, nếu nhà đầu tư đón nhận được xu hướng thị trường.
Theo ông [[Nguyễn Đỗ Việt]], Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long, xu hướng thị trường hiện nay được nhiều nhà đầu tư quan tâm và tiếp tục cho lợi nhuận, ấy là những khu vực có hạ tầng xã hội phát triển.
Ông Việt cho rằng, giờ người mua nhà quan tâm không chỉ vì một con đường, mà họ quan tâm đến khu vực ấy đã có chợ chưa, có trường học và trạm y tế chưa hay dân trí của khu vực ấy như thế nào?…
Ông Việt so sánh 2 khu vực phía Tây Hà nội từng có sự tăng giá rất mạnh thời gian qua như hàng loạt dự án quanh trục đường 32 (huyện Hoài Đức) và các dự án trên trục đường Lê Văn Lương (Hà Đông). Nếu so về hạ tầng xã hội, ông Việt cho rằng, các dự án trên trục Lê Văn Lương có ưu thế hơn hẳn. Vì thế, khi thị trường gặp khó, các dự án trên trục [[Lê Văn Lương]] xuống giá không đáng kể. Trong khi đó, các dự án trên trục 32 lại rớt giá thê thảm, đến gần 40%.
Cũng chính vì ưu thế có cơ sở hạ tầng phát triển nên theo ông Việt, thị trường BĐS khu vực trục Lê Văn Lương, đặc biệt tại trục Lê Văn Lương kéo dài đến thị trấn Chúc Sơn vừa được phê duyệt quy hoạch thời gian tới sẽ sôi động và tiếp tục sinh lời cho nhà đầu tư.
Cũng có cùng quan điểm cho rằng thị trường BĐS sẽ ấm lên và tăng giá tại các khu vực có hạ tầng xã hội phát triển, ông Phạm Trung Hà khẳng định, thị trường BĐS Hà Nội khu vực từ Vành Đai 3 trở lại sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường BĐS Hà Nội trong những năm sắp tới. Bởi, từ Vành Đai 3 vào trung tâm là khu vực được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tốt, đồng bộ, có hạ tầng xã hội phát triển nên nó vẫn là lựa chọn của cả người có nhu cầu và nhà đầu tư. Vì thế, giá BĐS tại một số khu vực từ Vành Đai 3 trở vào vẫn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Cụ thể theo ông Hà, những khu vực sẽ tiếp tục đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư là khu vực trục Lê Văn Lương kéo dài – Chúc Sơn, khu vực Đại Mỗ, Tây Mỗ, An Khánh. Trong khi đó, khu vực phía Đông thành phố, ông Hà khẳng định khu vực qua cầu Nhật Tân là Hải Bối, Vân Trì, Vân Nội, sau một thời gian trầm lắng, giá sẽ lại tăng và mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.
- Nguyên Minh