Trong bối cảnh mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nghiêm trọng, một đề xuất đáng chú ý đã được Bộ Y tế đưa ra trong dự thảo Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030: Hỗ trợ tiền mặt, hiện vật hoặc ưu đãi dịch vụ công đối với những gia đình sinh đủ hai con là gái. Đó chính là chia sẻ của Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trong lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7) năm 2025 và công bố báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2025 của quỹ dân số Liên hợp quốc, do Bộ Y tế phối hợp quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức sáng 11-7
Mất cân bằng giới tính khi sinh – Báo động đỏ
Hiện nay, mức sinh và tỷ lệ giới tính đang ở tình trạng đáng lo ngại. Tổng tỉ suất sinh của Việt Nam đang ở mức thấp kỷ lục và tiếp tục xu hướng giảm. Năm 2024, tỉ suất sinh chỉ còn 1,91 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của nước ta.
Tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức cao đáng lo ngại, khoảng 111,4 bé trai/100 bé gái (năm 2024) cao hơn hẳn mức cân bằng tự nhiên là khoảng 105/100. Tình trạng này phần lớn xuất phát từ tư tưởng "trọng nam khinh nữ", khiến nhiều gia đình tìm cách sinh con trai bằng mọi giá. Hậu quả kéo theo là nguy cơ thiếu nữ giới nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đến cấu trúc dân số, hôn nhân và sự phát triển xã hội bền vững.

Đề xuất chính sách hỗ trợ: Thay đổi nhận thức xã hội
Dự thảo chiến lược mới của Bộ Y tế nhấn mạnh cần có những chính sách ưu tiên cụ thể để khuyến khích các gia đình sinh đủ hai con gái. Cụ thể, có thể áp dụng:
- Hỗ trợ bằng tiền mặt cho các gia đình sinh hai con là nữ
- Tặng hiện vật như quà, vật phẩm hỗ trợ nuôi con
- Hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, sinh con, khi sàng lọc trước sinh và sơ sinh;
- Ưu tiên tiếp cận chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và các hỗ trợ khác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.
Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ cần đi kèm truyền thông sâu rộng, giáo dục thay đổi nhận thức, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các vùng còn nặng tư tưởng truyền thống. Chỉ khi người dân hiểu rõ giá trị bình đẳng giới, lợi ích khi sinh đủ hai con, thì mới có thể thay đổi hành vi sinh đẻ.