Bảo Thanh "Sống chung với mẹ chồng" xót xa khi 6 năm lấy chồng, chỉ 1 năm về ăn Tết nhà ngoại

( PHUNUTODAY ) - Lấy chồng được 6 năm nhưng chỉ có một năm Bảo Thanh về ngoại ăn Tết, đó chính là năm bố mất. Là con gái, nghĩ đi nghĩ lại vẫn có đôi lúc cảm thấy xót xa.

Người xưa thường nói "Con gái lấy chồng như bát nước hắt đi", quả không sai. Ai lớn lên rồi cũng sẽ tới giai đoạn dựng vợ gả chồng. Nhưng con gái khi được gả vào nhà người khác không phải ai cũng có thể "lui tới" nhà ngoại một cách dễ dàng. Nếu may mắn gặp được anh chồng yêu chiều, bố mẹ chồng tâm lý và công việc thoải mái còn đỡ chữ trường hợp chồng thiếu quan tâm, mẹ chồng không ưa hoặc không ai đỡ đần các thủ tục lễ tết, trông con thì việc về ngoại ăn Tết, vui chơi khó như lên trời... Đã có rất nhiều cô gái sau khi lấy chồng đã không còn nhớ mùi vị Tết ở nhà ngoại như thế nào nữa bởi quá lâu rồi họ không được ăn tết nhà ngoại, có người 2 năm, có người 5 năm, có người lên tới chục năm và cũng có người cả đời lấy chồng chưa một lần được về ngoại vui tết. Nữ diễn viên Bảo Thanh trong "Sống chung với mẹ chồng" cũng không ngoại lệ. Cô xót xa vô cùng khi 6 năm lấy chồng, chỉ 1 năm về ăn Tết nhà ngoại đó là dịp bố mất! Đoạn tâm sự nghẹn ngào của bảo Thanh trên trang cá nhân đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người.

bao-thanh-1

bao-thanh-44 Đoạn tâm sự nghẹn ngào của bảo Thanh trên trang cá nhân đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người.

Dưới đây là nguyên văn đoạn chia sẻ 6 năm lấy chồng, chỉ 1 năm về ăn Tết của nữ diễn viên Bảo Thanh:

"6 năm lấy chồng, chỉ 1 năm về ăn Tết nhà ngoại!

Lấy chồng được 6 năm nhưng chỉ có một năm Thanh về ngoại ăn Tết, đó chính là năm bố mất. Là con gái, nghĩ đi nghĩ lại vẫn có đôi lúc cảm thấy xót xa.

Chuyện buồn đã qua, nhưng mỗi năm khi Tết đến, cảm giác về cái Tết đầu tiên đi làm dâu, cái Tết đầu tiên làm vợ làm mẹ, cũng là cái Tết đầu tiên về nhà ngoại… vẫn trĩu nặng trong lòng. Ở thời điểm ấy, khi mà người người, nhà nhà đầm ấm sum vầy chuẩn bị lễ lạt, trang hoàng nhà cửa đón Tết thì tin buồn ập đến. Khi đó, em Bin mới vừa được 4 tháng tuổi.

Ôm con về nhà ngoại mà nước mắt như mưa. Cảm giác hụt hẫng, xót xa, mất mát nó quá lớn. Không những thế, khi ấy vì mới sinh Bin, tinh thần suy sụp nên sức khỏe cũng bị ảnh hưởng khá nhiều… cũng may, lúc nào cũng có anh Tấm ở bên cạnh.

Một cô gái mới 21 tuổi, khi còn đang tung tăng bay nhảy và mộng mơ đã làm vợ, làm mẹ, làm dâu… Cái Tết đầu tiên xa vòng tay bố mẹ, bỡ ngỡ ở nhà chồng và ôm con nhỏ, cảm giác chưa hết hụt hẫng thì lại nhận tin buồn. Tết nhà ngoại khi ấy thật sự đáng nhớ.

Nhìn mẹ, Thanh đã tự nhủ với lòng mình, từ nay Tết năm nào cũng sẽ cố gắng gác lại mọi việc để về bên mẹ dịp giao thừa.

Nhưng hóa ra, mọi thứ không dễ như thế. A Thắng năm nào cũng phải đi trực Tết, con thì nhỏ, không có chồng ở bên, còn cúng giỗ, lễ lạt, đến cả cái Tết nhà nội còn không được trọn vẹn, làm sao dám mơ đến việc về ngoại đón Tết. Vậy nên, dù chẳng ai cấm cản nhưng thấm thoắt 5 năm từ khi bố mất, Thanh vẫn chưa thực hiện được mong ước đón giao thừa bên mẹ của mình. Tự thấy mình có lỗi với mẹ nhiều lắm.

Có những lúc thấy buồn quá, tâm sự với chị bạn thì chị ấy cười bảo “Mày 6 năm còn được về 1 năm, chị đây 16 năm còn chưa được về năm nào đây này”. Nhiều người cứ bảo phụ nữ không về ngoại đón Tết được, âu chủ yếu là do nhà chồng khắt khe, do chồng không tâm lý, nhưng Thanh hiểu, dù chồng và gia đình chồng tạo điều kiện, nhưng vẫn không gạt bỏ được những lo toan để dứt khoát 1 lần chạy về bên mẹ.

Vậy nên qua đây, Thanh cũng muốn nhắn nhủ đến các đức ông chồng, hãy quan tâm, chia sẻ với vợ mình nhiều hơn, nhất là khi Tết đang đến gần. Còn các chị em, đón Tết nhà ngoại là một mong muốn chính đáng, nếu các chị em thật sự muốn thì cứ mạnh dạn bày tỏ, mạnh dạn chia sẻ với gia đình chồng. Mình tin là mẹ chồng của chúng ta, ai mà chưa từng làm dâu, ai mà chưa từng nếm trải nỗi nhớ nhà vào đêm 30, mùng 1. Và quan trọng là, chúng ta khó có thể trọn vẹn được mọi thứ, cỗ mùng 1 có thể không được đủ ngon, mâm cơm giao thừa có thể không được đủ món, tiền thưởng năm nay có thể không được đủ nhiều, nhưng cứ mạnh dạn gạt bớt mỗi thứ 1 chút, để chạy ù về được đón 1 cái giao thừa bên cạnh cha mẹ đẻ của mình, bởi Tết, chỉ cần đủ thành viên, đủ yêu thương, đủ chia sẻ, thì đó thực sự là 1 cái Tết trọn vẹn.

Chị bạn cũng bảo mình hay viết lách thì gửi bài dự thi đi, nhưng mình bảo thôi, các chị thi thì được, chứ em thi nghe chừng không công bằng với mọi người cho lắm. Hihi!

Nhưng thực sự, cuộc thi “Tết nhà ngoại đừng ngoại sẻ chia” là 1 cuộc thi vô cùng ý nghĩa và hết sức nhân văn. Ai cũng có tâm sự như Thanh thì có thể gửi bài dự thi tại website www.tetnhangoai.vn nhé, chị bạn mình bảo là giải thưởng lớn lắm đấy. Vừa được nói lên quan điểm, nỗi lòng lại vừa có cơ hội được nhận giải thưởng lớn thì nhất rồi phải không. Chúc mọi người sẽ có cho mình một cái Tết trọn vẹn nhé!

P/s: Năm nay, Thanh sẽ cố gắng để đón được cái Tết thứ 2 bên mẹ đẻ nhé. Mọi người cùng chúc cho Thanh sẽ thực hiện được mong muốn “xa xỉ” này đi nào".

Sau khi đăng tải lên trang cá nhân, đoạn tâm sự tận đáy lòng của nàng dâu "Sống chung với mẹ chồng" đã nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người đặc biệt là những nàng dâu cùng cảnh ngộ, những cô gái lấy chồng xa không được về nhà bố mẹ đẻ ăn tết. Họ thi nhau dốc bầu tâm sự, cũng chỉ biết lên mạng than thở chữ không kêu ca được với ai, mỗi một người mang một bầu tâm sự, một suy nghĩ nhưng chung quy lại họ đều có một ước mơ đó là được về ngoại ăn Tết thường xuyên hơn.

bao-thanh-6
bao-thanh-7
bao-thanh-8
Mỗi một người mang một bầu tâm sự, một suy nghĩ nhưng chung quy lại họ đều có một ước mơ đó là được về ngoại ăn Tết thường xuyên hơn.
TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn