So bì thưởng Tết, người lao động tính chuyện “nhảy việc”

11:52, Thứ tư 21/12/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) – Trong khi phần nhiều người lao động đang thấp thỏm chờ thông báo thưởng Tết, một số người khác đã biết mức thưởng của công ty mình thì bắt đầu đưa ra so sánh với nhân viên công ty khác. Từ đây, không ít người nảy sinh ý định nhảy việc mà không lượng sức mình.

(Phunutoday) – Trong khi phần nhiều người lao động đang thấp thỏm chờ thông báo thưởng Tết, một số người khác đã biết mức thưởng của công ty mình thì bắt đầu đưa ra so sánh với nhân viên công ty khác. Từ đây, không ít người nảy sinh ý định nhảy việc mà không lượng sức mình.

So sánh thưởng Tết, kẻ khóc người cười

Năm nào cũng vậy, đến gần Tết thì vấn đề tiền thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên trong các doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân, luôn là đề tài nóng bỏng. Đến thời điểm này, một số doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết. Có doanh nghiệp thưởng nhiều, có nơi thưởng ít khiến nhân viên các doanh nghiệp này “kẻ cười, người khóc”.

Nghe tin Ngân hàng Á Châu (ACB) sẽ thưởng từ 10 – 18 tháng lương, không ít nhân viên ngân hàng khác mắt tròn mắt dẹp ngưỡng mộ và nhìn lại phần thưởng mình sẽ nhận được. Chị Phương, nhân viên Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) ngậm ngùi chia sẻ: “Mình nghe nói ở ngân hàng mình sẽ chỉ được thưởng từ 1-2 tháng lương, nhìn sang các đồng nghiệp bên ACB mà thấy ngưỡng mộ. Họ sướng thật, đúng là ngân hàng thương mại có khác, chả bù cho nhân viên ngân hàng nhà nước như bọn mình”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Minh, cán bộ tín dụng của Ngân hàng ACB thì khấp khởi mừng thầm. Ngay từ khi nghe tin, anh đã lên kế hoạch chi tiêu Tết cho mình. “Nghe tin mà thấy mừng như được lên trời, trước đó tôi cũng lo lắng lắm. Hiện giờ, tôi đã lên kế hoạch đưa cả nhà đi du lịch nước ngoài dịp Tết năm nay bằng số tiền thưởng sẽ nhận được”.

Thưởng tết, kẻ khóc...người cười (ảnh internet)
Thưởng Tết, kẻ khóc...người cười (ảnh Internet)

Cùng niềm vui như anh Minh, một Trưởng phòng của Công ty Cổ phần may Sông Hồng (Nam Định) cùng tiết lộ về tin tức mình vừa nghe được. Theo đó, doanh thu toàn công ty ước đạt 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 100 tỷ đồng.

Mặc dù chưa biết cụ thể lợi nhuận sau thuế nhưng lãnh đạo công ty vẫn quyết định sẽ trả cổ tức cho cổ đông là 30%. Đồng thời, hội đồng quản trị (HĐQT) cũng quyết định sẽ thưởng Tết cho toàn bộ 6.000 cán bộ công nhân viên mỗi người ít nhất 2 tháng lương (13 và 14). Nếu gộp thêm các khoản tiền thưởng khác, trung bình chung mỗi cán bộ công nhân viên (CBCNV) sẽ nhận được khoản tiền thưởng Tết là 10 triệu đồng/người.

“Đấy là con số trung bình, sẽ có người thấp người cao nhưng ở vị trí của mình thì chắc chắn số tiền thưởng phải cao hơn con số trung bình, dù chưa biết cụ thể là bao nhiêu. Dù sao, đó cũng là một tin vui, Tết này mình sắm sửa nhiều hơn cho gia đình” – anh tâm sự.

So sánh về tiền thưởng, anh Bùi Đại (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: “Tôi là một công chức, làm công ăn lương bình thường, như nhiều người khác tôi cũng đang thấp thỏm thăm dò lương thưởng để lo sắm Tết. Mấy hôm nay lướt web thấy hàng loạt các tờ báo điện tử đăng tin lương thưởng từ Bắc chí Nam, từ Hà Nội tới Đà Nẵng rồi vào tận TP.HCM. Nhìn các con số mà không khỏi băn khoăn và ngậm ngùi.
 
Với số tiền thưởng thuộc vào hạng trung bình so với mặt bằng chung, mọi năm gia đình tôi cũng đã cảm thấy chật vật với việc chuẩn bị mâm cỗ Tết. Nay, nhìn số tiền thưởng các doanh nghiệp công bố, nghĩ mà thương thay cho mình và những người công nhân khác, lại thấy xót xa”.

Theo anh Đại phân tích, cùng là 2 triệu đồng tiền thưởng nhưng 2 triệu của năm ngoái khác hẳn năm nay. Nếu năm ngoái chừng đó là đủ một cái Tết no ấm ở quê thì năm nay số tiền đó không đủ mua một nửa những thứ cần thiết.
 
Sau so sánh lương thưởng là…nhảy việc

Một điều rõ ràng, đó là tuỳ vào khả năng kinh doanh, ngành nghề và quy mô của mỗi doanh nghiệp mà số tiền thưởng sẽ khác nhau. Không thể quy định bất cứ một mức thưởng cố định nào cả, do đó việc so bì giữa các nhân viên cùng ngành nghề khác công ty là điều thường xuyên xảy ra. Điều này không thể trách doanh nghiệp, bởi làm ăn khó khăn, kiếm tiền trả đủ lương nhân viên cũng là một vấn đề lớn chứ đừng nói đến thưởng. Tuy nhiên, sự so bì ấy đã dẫn đến tình trạng Tết xong là thi nhau “nhảy việc”.

Cứ đến cuối năm, doanh nghiệp lại lo nhân viên tìm đường
Cứ đến cuối năm, doanh nghiệp lại lo nhân viên tìm đường "chuồn" sau Tết

Dù không lo nhân viên nhảy việc vào tháng giáp Tết, nhưng ngay từ bây giờ các doanh nghiệp đã lo đến tình trạng nhân viên nghỉ việc, nhảy việc ồ ạt sẽ xảy ra sau Tết. Theo nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia lao động, việc làm cho biết: cuối năm, nhiều doanh nghiệp vừa phải đẩy mạnh kinh doanh phục vụ Tết để tăng lợi nhuận, tăng lương, thưởng cho người lao động, vừa phải “ngó nghiêng” mức thưởng Tết của các công ty xung quanh để quyết định mức thưởng hợp lý, tránh gây tâm lý so bì thiệt thòi cho người lao động.

Chia sẻ về ý định “nhảy việc”, chị Thu Hà (Đội Cấn, Ba Đình,HN) – nhân viên một Công ty bất động sản cho biết: “Công ty tôi năm nay kinh doanh chán lắm, thưởng Tết được sếp thông báo là một tháng lương. Nhìn sang công ty bất động sản của người bạn thấy cùng ngành nghề mà kinh doanh vẫn tốt, lương thưởng cũng cao nên tôi định “đào tẩu” từ bên này sang bên ấy, nhưng phải nấn ná ở lại qua Tết đã. Làm việc cả năm chỉ trông chờ vào thưởng Tết, ai dại dột nghỉ việc lúc này để mất hết”.

Cùng ý định với chị Hà, anh Bùi Đại (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang có ý định rời bỏ cơ quan nhà nước, bỏ mác công chức để ra ngoài làm cho doanh nghiệp tư nhân. Mà theo anh nói thì “họ hứa lương không dưới 8 triệu đồng/ tháng và thưởng không bao giờ ít hơn gấp 2 lần còn số ấy”.

Trao đổi với PV Phunutoday, anh Vũ Xuân Nam - Giám đốc Công ty môi giới tuyển dụng Nam Nghĩa cho biết: “Một số doanh nghiệp có chế độ lương, thưởng chưa tốt, vi phạm luật lao động, trốn đóng bảo hiểm. Mặt khác, các doanh nghiệp dùng nhiều chiêu để “hút” lao động mà không tốn công đào tạo bằng cách hứa hẹn lương thưởng cao hơn. Hiện các ngành dịch vụ tại các thành phố lớn ngày càng đa dạng nên người lao động có nhiều lựa chọn. Ngoài ra, người lao động có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, thấy trả lương nhỉnh hơn thì liền nhảy việc”.

Theo anh Nam phân tích, khi lao động nhảy việc thì kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp sẽ xáo trộn, dẫn đến hiệu quả và uy tín bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp ký được nhiều đơn hàng nhưng đến kế hoạch giao hàng lại thiếu nhân công nên phải hẹn, thay đổi ngày giao hàng, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, khi tuyển được lao động họ phải mở lớp đào tạo nghề, đến khi lao động thành thạo thì lại bỏ, đây là khoản chi khá lớn.

Với người lao động, khi nhảy việc sẽ bị gián đoạn đóng bảo hiểm. Đó là chưa kể, khi tìm được việc làm mới không đúng nghề cũ thì phải chịu thời gian thử việc, đào tạo. Thậm chí có nhiều người học mãi, tìm việc mãi mà chẳng giỏi nghề nào. Ngoài ra, với người thường xuyên nhảy việc doanh nghiệp sẽ thiếu tin tưởng, nghi ngờ tay nghề hoặc cá tính khác thường của họ khiến cho các doanh nghiệp cũ không chấp nhận. Do đó, người lao động nên cân nhắc chỗ làm mới thật kỹ lưỡng. Đừng mắc sai lầm: không xác định rõ năng lực, tay nghề của mình. Nếu công việc mới đòi hỏi nhiều khả năng mà bạn không đáp ứng được thì bạn cũng sẽ mau chóng bật ra khỏi guồng máy hoạt động đó.

Vậy, hãy xác định lại điểm mạnh, yếu của mình để tìm công việc và môi trường làm việc phù hợp. Nhiều khi công ty cũ lương ít hơn nhưng chế độ tốt, môi trường tốt thì vẫn nên gắn bó.

  • Việt Dũng
     
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc