Sợ thiếu Quỹ Bảo trì đường bộ, người dân tính tự vá đường?

18:32, Thứ tư 04/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì Đường bộ Trung ương Lê Hoàng Minh cho biết, đến thời điểm này, nguồn thu của quỹ đạt khoảng 3.600 tỷ đồng. Với tiến độ đó, tổng mức thu trong năm 2013 ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, vượt con số khoảng 4.000 tỷ đồng như dự kiến ban đầu.

Thu vượt kế hoạch vẫn thiếu

Báo Tiền Phong dẫn lời Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì Đường bộ Trung ương Lê Hoàng Minh cho biết, đến thời điểm này, nguồn thu của quỹ đạt khoảng 3.600 tỷ đồng. Với tiến độ đó, tổng mức thu trong năm 2013 ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, vượt con số khoảng 4.000 tỷ đồng như dự kiến ban đầu.

 “Nếu tính đầy đủ, nhu cầu bảo trì đường bộ mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng. Kinh phí của quỹ để bảo trì vẫn chưa đảm bảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, số tiền như vậy là rất đáng quý” – ông Minh nói.

Có quỹ bảo trì, những cây cầu, con đường đẹp sẽ có “tuổi thọ” cao? (Ảnh cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội). Ảnh: TPO

Về khả năng quỹ bị thất thu, ông Minh xác định là có. Bởi vì, phí đường bộ được thu qua các trạm đăng kiểm, nhiều xe trốn đăng kiểm nên trốn luôn việc đóng phí bảo trì. Trả lời PV Tiền Phong, Phó Cục trưởng Đăng kiểm Nguyễn Hữu Trí cho biết, hiện tượng này thường xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa và những xe cũ nát, nhưng chưa thể thống kê hết.

“Nếu trốn nộp phí đường bộ vĩnh viễn thì các chủ xe này sẽ không bao giờ đăng kiểm nữa, trốn tránh lực lượng chức năng. Còn nếu vì lý do gì đó, chưa kịp đi đăng kiểm, nộp phí bảo trì, chúng tôi sẽ truy thu” – ông Trí nói.

Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết: "Trong giai đoạn đầu, có nhiều khoản chi khác ngoài việc sửa chữa đường được lấy từ quỹ, như: Giải quyết chế độ cho các công nhân ở các trạm thu phí (bị xoá bỏ sau khi quỹ đi vào vận hành - PV), hội họp, xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến quỹ... Phải hết giai đoạn này, quỹ mới thực sự đưa hết vào bảo trì, bảo dưỡng đường."

Tìm cách để tiền không trôi tuột

Chuẩn bị đưa Quỹ Bảo trì nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp cầu đường, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa phê duyệt đề án “Đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ”. Trong bản đề án này, có các giải pháp đáng chú ý: Tăng cường xã hội hoá thông qua đấu thầu để chọn DN bảo trì, sửa chữa đường; tách bạch quản lý nhà nước và thi công bảo dưỡng đường.

Người dân giám sát chất lượng công trình, bằng cách “công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của nhà thầu, tư vấn giám sát và đơn vị quản lý nhà nước tại từng địa bàn để người dân và tổ chức phản ánh về tình hình chất lượng tuyến đường”.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam (đơn vị chủ lực cụ thể hoá bản đề án này), cho biết: Tổng cục đang gấp rút hoàn tất hồ sơ để mời các nhà thầu tham gia bảo dưỡng 6 quốc lộ trong tổng số 11 quốc lộ sẽ triển khai đấu thầu trong năm nay.

Năm 2014 sẽ đấu thầu 30% quốc lộ và 2015 sẽ đấu thầu 100% quốc lộ hiện có (cả nước có 95 quốc lộ). “Trước đây, tiền cấp cho bảo trì đường bị trôi tuồn tuột. Bây giờ, việc bảo trì đang dần triển khai qua đấu thầu và kiểm tra thường xuyên để khắc phục”, ông Thắng nói. Ngay trong tháng 9 này, Tổng cục Đường bộ tổ chức 4 đoàn để kiểm tra công tác bảo trì trên cả nước.

Về việc công khai số điện thoại và email các đơn vị liên quan đến bảo trì tại các địa bàn, ông Thắng cho biết sẽ triển khai ngay sau khi xác định được các đơn vị trúng thầu bảo trì quốc lộ. “Việc công khai thực hiện bằng nhiều cách, có thể sẽ ghi trên các biển báo cắm bên cạnh tuyến đường” – ông Thắng nói.

Dân lo lắng quỹ thiếu nên tự tìm cách vá đường

Việc Quỹ Bảo trì Đường bộ thu vượt kế hoạch nhưng vẫn thiếu đã khiến người dân không khỏi bất ngờ và lo lắng. 3.600 tỷ đồng thu được ở thời điểm hiện tại quả là con số không nhỏ, chính vì vậy không ít người đã thắc mắc việc ch tiêu quỹ ra sao mà đường cứ xuống cấp, tai nạn vẫn cứ gia tăng.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: "Theo phân tích của Cục Cảnh sát đường bộ, nguyên nhân gây tai nạn từ cơ sở hạ tầng, chất lượng đường sá chiếm khoảng từ 1-1,5% số vụ tai nạn giao thông".

Ông Thái cũng cho biết thêm, số vụ tai nạn giao thông năm nay có giảm hơn năm trước, nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng lại tăng lên.

Đấy là chưa kể đến việc với những nạn nhân gặp tai nạn do đường xấu, Quỹ Bảo trì Đường bộ không hề có hỗ trợ hay bồi thường thiệt hại

Và với những lo lắng quỹ cứ thiếu, đường cứ xấu như vậy, có lẽ người dân cũng chỉ còn cách tự đi sửa đường, vá đường như trường hợp của ông Nguyễn Văn Bảy ở xứ cù lao thuộc ấp Long Bình (xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).

Ông Nguyễn Văn Bảy dù tuổi gần 70, không còn đảm đương nổi việc đồng áng. Thế nhưng, hàng ngày, ông kéo xe đẩy tới những công trình xây dựng đang sửa chữa để xin mớ xà bần mang về đập nhỏ, đem đi vá những “ổ gà” của mặt đường, những vũng nước đọng để không gây trở ngại cho xe hai bánh đi lại. Trên tuyến đường nhựa nối liền hai xã Long Khánh A – Long Khánh B dài khoảng 8km được nhựa hoá từ nhiều năm trước, nhưng trong quá trình khai thác sử dụng, đã xuất hiện nhiều “ổ gà”, nên ông Bảy bỏ tiền túi ra mua đá, nhựa… và ông cặm cụi vá lại mặt đường.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc