Sự thật ít người biết về vụ mưu sát V.I Lênin năm 1918

06:01, Chủ nhật 17/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Cuối tháng 8 năm 1918, lãnh tụ của chính quyền Xô Viết V.I Lênin suýt qua đời trong một vụ mưu sát được chuẩn bị công phu.


Đầu năm 1918, những ngày tháng cuối cùng của Thế chiến thứ nhất, chính phủ Bolshevik mới được thành lập ở Nga đã thương thuyết với Đức một hiệp ước hòa bình và cam kết rút khỏi chiến tranh. Điều này khiến cho London không hài lòng bởi nếu như điều đó xảy ra sẽ giúp quân Đức có điều kiện nghỉ ngơi sau khi phải đánh trên cả hai mặt trận.

Anh đã tìm mọi cách kéo người Nga trở lại với phe Đồng minh và tiếp tục cuộc chiến. Tuy nhiên, tháng 3/1918, Liên Xô đã ký hiệp ước Brest-Litovsk với Đức để rút khỏi chiến tranh với những nhân nhượng rất lớn. Hiệp ước này đã chính thức chấm dứt hy vọng của Anh giữ chân người Nga ở lại phe đồng minh. Đó cũng là một thời điểm mà một âm mưu ám sát và lật đổ đen tối bắt đầu.

Vụ mưu sát bất thành

Ngày 30/8/1918, Thị ủy thành phố Matxcova mời Lênin tới tham dự buổi diễn giảng tại quận Basmanny, Matxcova vào lúc 6 giờ 30 chiều. Trong lịch trình ngày hôm đó, sau khi diễn giảng tại Basmanny, Lênin sẽ còn một buổi giảng tương tự tại một nhà máy khác trong thành phố vì vậy, sau khi kết thúc buổi diễn giảng tại Basmanny, Lênin lên xe tới nhà máy để chuẩn bị cho buổi diễn giảng thứ hai. Cả ngày hôm đó, Lênin chỉ đi cùng người lái xe tên Gil của mình và hoàn toàn không có bảo vệ. 

Khi xe tới nhà máy, Lênin xuống xe, vội vã tiến vào hội trường để chuẩn bị cho buổi diễn giảng thứ hai. Chiếc xe hơi chở Lênin quay đầu đỗ cách cánh cổng nhà máy chỉ khoảng 10 bước chân đợi Lênin trở ra. Khi chiếc xe vừa đỗ lại, một người phụ nữ tay cầm một chiếc túi xách nhỏ đi từ phía trong ra hỏi Gil, Gil nổi tiếng của Lênin: “Ồ, đồng chí Lênin đã tới rồi à!”.

Gil nói: “Tôi không biết là ai tới”. Người phụ nữ cười: “Anh là lái xe lại không biết đưa ai tới sao?”. Gil vẫn bình tĩnh: “Tôi làm sao biết được? Đây là một người đến diễn giảng. Người ngồi loại xe này cũng không ít, tôi lại không thể hỏi thăm”. Người phụ nữ mất hứng bèn lảng đi rồi biến mất.

Một tiếng sau, từ trong hội trường đoàn người lũ lượt túa ra. Buổi diễn giảng đã kết thúc. Gil khởi động xe sẵn sàng rời đi. Khi Lênin chỉ còn cách chiếc xe vài bước chân thì một nhóm phụ nữ tiến lại gần và hỏi Lênin một vài vấn đề về cung ứng và vận chuyển lương thực. Cuộc nói chuyện chỉ kéo dài khoảng chừng 2-3 phút nhưng cũng đủ để Lênin bị một đoàn người vây lại xung quanh. Chiếc xe Gil đã khởi động sẵn lại được tắt đi để Lênin tiếp tục cuộc nói chuyện.

Cuộc nói chuyện kết thúc, Lênin tiến lên vài bước và chuẩn bị lên chiếc xe đang đợi sẵn. Khi một chân Lênin đã đặt lên cửa xe thì người phụ nữ lạ mặt đột ngột xuất hiện ở phía trước xe bắn liên tiếp 3 phát đạn về phía Lênin. Vị lãnh tụ của Chính quyền Xô Viết trúng đạn ngã xuống, đám đông ồn ào hỗn loạn. Người phụ nữ lạ mặt định tiến đến gần Lênin. Tuy nhiên, nghe thấy tiếng súng, Gil vội vàng nhảy xuống xe hét lớn: “Không được tới gần, nếu không tôi nổ súng”. Vừa nói, Gil vừa rút khẩu súng giấu sẵn trong người ra.

Người phụ nữ lạ mặt cùng tên đồng bọn liền bỏ chạy. Vì sợ bắn nhầm vào người dân đang náo loạn, Gil không bắn mà chỉ đuổi theo. Tuy nhiên, chạy được vài bước, ông đột nhiên nghĩ tới Lênin đang bị thương và chỉ có một mình, ngay lập tức ông quay trở lại. Tuy nhiên, người phụ nữ lạ mặt thì không chạy thoát. Một đám trẻ chơi gần cửa nhà máy vừa đuổi theo người phụ nữ vừa hô to: “Bắt lấy cô ta! Bắt lấy cô ta!”. Những người công nhân nhà máy nghe thấy vậy ngay lập tức vây bắt và tóm gọn người phụ nữ lạ mặt.

Khi Gil quay trở lại chỗ chiếc xe, ông thấy người lãnh tụ của mình sắc mặt nhợt nhạt, song vẫn còn tỉnh táo. Gil cùng một số công nhân nhà máy lập tức khiêng Lênin đặt lên xe. Một số người đề nghị đưa Lênin tới bệnh viện để băng bó vết thương song Gil nhất định không đồng ý dừng lại ở bất cứ nơi nào vì sợ rằng những kẻ ám sát khác đã chờ sẵn ở đó. Khi đó, Lênin cũng thì thầm trong cơn đau: “Đi về nhà! Đi về nhà…”.


Lê Nin
Lãnh tụ Lê Nin
Sau khi chẩn đoán, các bác sỹ đã xác định, Lênin trúng hai viên đạn, một viên trúng khuỷu tay, gây ra gẫy xương còn một viên khác đi từ lưng, xuyên vào phổi khiến mất máu rất nhiều, máu chảy vào khoang ngực. Các bác sĩ tạm thời băng cánh tay bị gãy của Lênin, đồng thời tiến hành theo dõi chặt chẽ hoạt động của tim. Tuy nhiên, các bác sĩ chữa trị cho Lênin đều thống nhất rằng, tạm thời chưa nên tiến hành phẫu thuật gắp 2 viên đạn ra khỏi người Lênin vì việc đó quá nguy hiểm.

Dưới sự chữa trị khẩn trương và kịp thời của các bác sĩ, một tuần sau đó, sức khỏe của Lênin đã có dấu hiệu hồi phục. Vị lãnh tụ của chính quyền Xô Viết đã lại có thể đọc báo và nghe báo cáo tình hình, dù bác sỹ đã khuyên ông phải thực sự nghỉ ngơi tỉnh dưỡng.

Nửa tháng sau đó, vào ngày 16/9, sức khỏe của Lênin đã bình phục. Các bác sĩ đã đồng ý để vị lãnh tụ bắt đầu làm việc trở lại. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó, sức khỏe của Lênin bắt đầu suy giảm dần. Và nhiều người cho rằng, vụ ám sát hụt này chính là nguyên nhân dẫn tới những cơn đột quỵ của Lênin sau này.

Sự thật về kẻ chủ mưu

Ai là kẻ chủ mưu trong vụ ám sát vị lãnh tụ của nước Nga Xô-viết, đó là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn sau khi vụ ám sát xảy ra. Vào thời điểm lúc bấy giờ, chính quyền Xô-viết mới vừa thành lập, các thế lực chống đối vẫn ẩn nấp khắp nơi và hoạt động rất mạnh mẽ. Không ít trong số chúng muốn tìm cách ám sát Lênin và những lãnh đạo cao cấp của chính quyền Xô-viết. Tuy nhiên, khám phá của cơ quan An ninh Nga lúc bấy giờ về kẻ chủ mưu đứng sau toàn bộ sự việc đã khiến nhiều người phải bất ngờ.

Sau khi thẩm tra Fanya Kaplan, một thành viên của Đảng Xã hội Cách mạng Nga, người phụ nữ trực tiếp thực hiện hành vi ám sát vị lãnh tụ của chính quyền Xô-viết, cơ quan An ninh của Nga đã lần ra được một cái tên khá bất ngờ: Robert Bruce Lockhart. Tiến hành theo dõi điều tra nhân vật bí ẩn này, người ta đã khám phá ra những bí mật khủng khiếp hơn nhiều so với một vụ ám sát đơn thuần của các phần tử chống đối.

Lockhart là một đặc phái viên được Chính phủ Anh gửi tới Nga để thực hiện nhiệm vụ kéo người Nga trở lại với quân Đồng minh vào đầu năm 1918 khi có thông tin chính quyền Xô-viết đang thương thuyết với Đức về một hiệp ước hòa bình nhằm rút khỏi chiến tranh. Bản thân Lockhart được mô tả như một nhân vật đầy cá tính. Y mê rượu chát, say phụ nữ và ham thể thao, ngoài ra, Lockhart còn luôn tự hào với khả năng uyên bác của mình, ví như y có thể cùng một lúc đọc tới 5 cuốn sách khác nhau.

Với trọng trách được giao phó, đầu tiên Lockhart có vẻ có được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, mọi chuyện bỗng sụp đổ khi Liên Xô ký hiệp ước Brest-Litovsk với Đức vào 3/3/1918. Hiệp ước này đã chấm dứt hoàn toàn hy vọng kéo người Nga quay lại với phe đồng minh của Chính phủ Anh. Đến thời điểm này, Lockhart có vẻ như hết vai trò trong chiến dịch, tuy nhiên, anh ta dường như không muốn bỏ cuộc. Ngay sau đó, Lockhart chuyển hướng sang mục tiêu lật đổ chính quyền Bolshevik, thay bằng một chính phủ sẵn sàng đánh Đức.

Các tư liệu còn lưu lại chứng mình rằng, vào tháng 6/1918, Lockhart đã yêu cầu London gửi tiền để thành lập một tổ chức chống đối Bonlshevik ở Matxcova. Trong lá thư có đề hai chữ “khẩn cấp” mà Bộ Ngoại giao gửi cho Bộ Tài chính, người ta thấy rõ sự đồng tình của Bộ Ngoại giao với yêu cầu của Lockhart: “Đã  đến lúc phải có hành động cần thiết này, và tôi yêu cầu ngài sang Ủy ban Quý tộc để duyệt cho ngân khoản mà ông Lockhart có thể nhận được cho mục đích đó”.

Vào cuối tháng 5 năm đó, Chính phủ Anh đã quyết định gửi một đạo quân nhỏ tới Archangel, miền Bắc nước Nga. Nhiệm vụ chính thức của số binh sỹ này là bảo vệ hàng ngàn tấn vũ khí và máy móc mà Anh cung cấp cho người Nga khỏi rơi vào tay quân Đức. Tuy nhiên, bên cạnh nhiệm vụ này, người Anh còn lên một kế hoạch tỉ mỉ để số binh lính Anh này vận động 20.000 lính người Latvia vốn có nhiệm vụ canh gác điện Kremlin, thuyết phục họ quay lại chống những người Bolshevik đang cầm quyền.

Cũng trong mùa hè năm 1918, sau khi có một cuộc gặp gỡ bí mật với một phần tử phản đối chính quyền Xô-viết có tên là Svinkov, Lockhart gửi một điện tín về London nói: "Kế hoạch của Savinkov là làm sao, với sự can thiệp của đồng minh, các nhân vật lãnh đạo của Bolshevik sẽ lần lượt bị ám sát và thiết lập lại chế độ độc tài quân sự".

 Điều đáng lưu ý là trong bức điện này còn lưu lại một đoạn ghi chú và chữ ký của Lord Curzon, thành viên của nội các Anh lúc bấy giờ. Nội dung đoạn ghi chú viết: “Kế hoạch của Savinkov quá táo tợn, song nếu như thành công sẽ rất hữu hiệu. Tuy nhiên, chúng ta phải tuyệt đối giữ bí mật cho tới khi quân Đồng minh đồng ý hỗ trợ mới có thể hành động”.
d
Lockhart và Sidney Reilly

Lúc này ở Matxcova, Lockhart bắt tay với một nhân vật cũng đầy bí ẩn. Đó là Sidney Reilly, một thương gia Nga hào nhoáng mới gia nhập hàng ngũ gián điệp làm việc cho Anh. Đã có thời gian, vì lý do nào đó, ông này từng đổi tên thành Rosenbloom. Reilly còn được gọi là “Vua gián điệp” và rất được biết tiếng với phong cách khoa trương, ưa mạo hiểm. Chính Reilly đã cùng hợp tác với Lockhart để dàn dựng cuộc mưu sát bất thành đối với vị lãnh tụ của chính quyền Xô-viết.

Vài giờ sau khi có được lời khai của Fanya Kaplan, cơ quan An ninh của chính quyền Bolshevik đã bắt được Lockhart và đưa về thẩm vấn ngay tại điện Kremlin. Reilly may mắn trốn thoát khỏi nhưng sau đó đã bị bắn chết khi quay trở về Nga vào năm 1925.

Với những cáo buộc về tội mưu sát lãnh tụ Lênin và chống chính quyền Bolshevik, Lockhart đã bị kết án tử hình. Tuy nhiên, theo hồ sơ của cơ quan An ninh Nga, Lockhart chỉ thú nhận ông ta chỉ tham dự một phần trong vụ mưu sát do London dàn dựng để sát hại Lênin và lật đổ chính quyền cách mạng mà thôi.

Cho tới đầu tháng 10/1918, hơn một tháng sau khi diễn ra vụ ám sát, với những nỗ lực dàn xếp từ phía Anh, Lockhart đã được thả sau khi được đổi mạng với người đại diện của Nga tại London có tên Maksim Maksimovich Litvinov.

Dựa trên lời khai của Lockhart trong thời gian bị giam giữ cũng như kết quả của quá trình điều tra, Liên Xô cáo buộc Chính phủ Anh đã đứng sau dàn xếp vụ ám sát vị lãnh tụ của họ. Trong các tài liệu lưu trữ của Liên Xô, vụ mưu sát Lênin ngày 30/8/1918 được gọi là “Âm mưu Lockhart” và suốt nhiều năm sau đó, Liên Xô vẫn kiên quyết khẳng định Chính phủ Anh là kẻ chủ mưu đứng phía sau tất cả mọi chuyện. “Âm mưu Lockhart” được mô tả rất kỹ lưỡng trong các tài liệu lưu trữ, được dựng thành phim và đưa vào các giáo trình giảng dạy trong trường học của Liên Xô.

 Tuy nhiên, trước mọi cáo buộc gay gắt từ phía chính quyền Xô-viết gần 100 năm qua, nước Anh vẫn hoàn toàn chối bỏ. Thậm chí, trong cuốn “Hồi ký của một điệp viên Anh” xuất bản vào năm 1932, chính Lockhart cũng quay ra phủ nhận cáo buộc này và khẳng định rằng, mình không can dự vào mưu đồ đen tối đó.

Và những bằng chứng mới

Rõ ràng là có một âm mưu được dàn dựng một cách tỉ mỉ và tinh vi nhằm lật đổ chính quyền Bolshevik mới được thành lập ở Nga. Và mặc dù nhiều người vẫn không biết chắc rằng chính phủ Anh có đứng sau toàn bộ âm mưu này hay không, song có một điều chắc chắn rằng, Lockhart, một đặc phái viên của London tại Nga cùng với ông “Vua gián điệp” người địa phương Reilly đều có dính líu đến mưu đồ này và họ đã dùng địa vị và các mối quan hệ ngoại giao của mình để đạt đến mục đích.

Bức thư
Bức thư


Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký nói trên của mình, Lockhart quả quyết rằng bản thân ông ta không hề có bất cứ vai trò gì trong âm mưu ám sát Lênin cũng như kế hoạch lật đổ chính quyền Bolshevik. Theo lời Lockhart thì chính điệp viên Sidney Reilly mới là người đứng đằng sau âm mưu đảo chính. Không chỉ có thế, trong cuốn sách này, Lockhart cũng phủ nhận luôn mối quan hệ với Reilly khi viết rằng, ông ta chẳng dính dáng gì nhiều tới “ông Vua gián điệp” hào nhoáng và ưa phiêu lưu này.

Sự phủ nhận của cả chính phủ Anh lẫn Lockhart khiến câu hỏi về kẻ chủ mưu thực sự đứng sau âm mưu ám sát V.I Lênin và lật đổ chính quyền Xô-viết năm 1918 trở thành một nghi án khó tìm được lời giải. Tuy nhiên, những bằng chứng mới được phát hiện gần đây cho thấy, những gì Lockhart nói trong cuốn hồi ký nổi tiếng của mình là không đúng sự thực và “Âm mưu Lockhart” hoàn toàn có thể là thật.

Vào đầu năm 2011, Robert Service, một giáo sư sử học đã tìm thấy trong kho lưu trữ của Đại học Califonia một bức thư của Robin Lockhart, con trai của Robert Bruce Lockhart gửi cho Bộ Ngoại giao Anh. Trong bức thư này, Robin Lockhart nói rằng, cha mình đã không nói hết sự thật trong cuốn sách “Hồi ký một điệp viên Anh”.

Thư viết: “Nếu như quan hệ giữa cha tôi với Reilly vẫn làm cho ai đó trong Bộ Ngoại giao bận tâm, thì rõ ràng theo như trong cuốn hồi ký của mình, ông không hề thừa nhận bản thân mình tham gia vụ mưu sát Lênin, song ông thừa nhận đã tích cực ủng hộ cho phong trào phản cách mạng này. Đồng thời, trong cuốn sách này, ông cũng nói rõ rằng Reilly tích cực tham gia vào âm mưu ám sát Lênin. Tuy nhiên, chính cha tôi đã nói rõ với tôi về mối quan hệ giữa ông và Reilly, và nó hoàn toàn vượt xa những gì ông đã công khai thừa nhận”.

Giáo sư Robert Service cho rằng, từ nội dung bức thư này, có thể suy đoán rằng, “Âm mưu Lockhart” mà Liên Xô luôn đề cập đến có thể là hoàn toàn có thực. Vị giáo sư sử học cũng tin rằng sự thật vẫn đang nằm trong kho lưu trữ của chính phủ Anh và dường như có một số người đang nỗ lực để tiếp tục che giấu câu chuyện nên thông tin trên hiện vẫn còn là bí mật.

Giáo sư Robert Service khẳng định, Lockhart được phái tới Nga để ngăn chặn chính quyền Bolshevik ký hiệp ước với Đức khi Chiến tranh thế giới thứ I gần kết thúc. Dù cho Lockhart luôn phủ nhận chuyện này và cho rằng đó là chính sách tuyên truyền chống phương Tây nhưng bức điện được gửi đi vào mùa hè năm 1918 đã cho thấy Lockhart đã thảo luận về việc ám sát V.I Lênin với Lord Curzon, người khi đó là thành viên của nội các chiến tranh Anh.

Theo những thông tin mà cơ quan An ninh của Liên Xô thu được thì kế hoạch của Reilly và Lockhart là phải chặn đứng được Lênin và nhân vật thân cận với ông - Trotsky trong một buổi gặp gỡ tại Nhà hát Lớn, Moskva vào ngày 6/9/1918 và bắt giữ họ. Có rất nhiều tranh cãi rằng, liệu theo kế hoạch, Reilly và Lockhart trao trả Lênin và Trostky cho quân đồng minh sau khi bắt được không hay chính Reilly và Lockhart được giao nhiệm vụ bắn những lãnh tụ này?

Giáo sư Robert Service nói: "Nước Anh ngày nay có chỉ thị hành động dành cho lực lượng tình báo. Đó là các hình thức từ công khai chống đối tới lật đổ chính phủ nước ngoài hoặc ám sát các nhà lãnh đạo chính trị nước ngoài. Họ luôn vờ như không hề dự phần. Đó là cách người Anh tỏ ra luôn trong sạch. Nhưng sự thật không phải như vậy, họ cũng chẳng lấy gì làm trong sạch như bất cứ ai khác”.

Giáo sư Service cho rằng chỉ có một cách tìm ra sự thật, đó là xem lại tất cả những hồ sơ ghi chép có trong giai đoạn đó, song tới giờ chính phủ Anh vẫn tiếp tục che giấu các thông tin cần thiết.

Mặc dù không chứng minh được chân tướng vụ mưu sát Lênin và âm mưu lật đổ chính quyền Bolshevik năm 1918, song bức thư của người con trai nhân vật chính Robert Lockhart đã nhiều người buộc phải đặt câu hỏi rằng, “Âm mưu Lockhart” có đơn thuần là kết quả của chính sách tuyên truyền chống phương Tây hay không? Và rằng, vì sao, cho tới tận ngày nay, khi sự việc đã qua đi hàng trăm năm, những tư liệu liên quan có thể giúp người ta tìm ra chân tướng sự việc lại vẫn đang “ngủ quên” trong kho lưu trữ của nước Anh?

Hà Phương

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc