(Phunutoday) - Chị sẽ nói sao đây? Nói rằng anh bị vô sinh và không thể có con ư? Không! Chị không thể nói lên điều tàn nhẫn ấy. Chị đã âm thầm sắp xếp đánh tráo tất cả, vì tình yêu quá lớn dành cho anh và cả những sai lầm ngu ngốc, phản bội tàn nhẫn do chính chị gây nên để lấp liếm một sự thật đau thắt ruột gan…
Trong khoảnh khắc ấy, anh biết cả cuộc đời này anh không thể bỏ rơi hai người thương yêu nhất cuộc đời mình. (Ảnh minh họa) |
Lấy nhau hơn 2 năm, tình trạng sức khỏe của cả hai vợ chồng đều ổn, chẳng mấy khi ốm đau, bệnh tật, sinh hoạt vợ chồng đều đặn và lần nào cũng nồng nàn chăn gối, nhưng sự lạ đáp trả lại sự ngóng đợi của Hải và Lan, họ vẫn chưa có nổi mụn con. Trong khi ấy, Hải vừa là con trai trưởng trong nhà, đồng thời cũng là trưởng họ.
Trong một gia đình nặng nề tư tưởng phong kiến như gia đình Hải, chuyện có con nối dõi là lẽ đương nhiên, mà bắt buộc phải là con trai. Ngay từ khi về làm dâu nhà Hải, Lan đã biết trước được gánh nặng của bản thân mình, việc sinh con trai nối dõi cho nhà chồng là điều không thể khác. Nhưng không phải vì đó mà bố mẹ chồng gây căng thẳng, áp đặt ý kiến của họ vào cuộc sống riêng của vợ chồng Hải.
Bố mẹ vẫn tạo điều kiện hết sức cho nàng dâu hiền học cao học, bảo vệ thành công học vị thạc sĩ. Song thi thoảng, trong mỗi dịp trò chuyện, nấu nướng trong bếp, mẹ chồng vẫn nhẹ nhàng thì thầm to nhỏ với Lan “Là phụ nữ không cần học cao quá đâu con ạ. Học hành, công việc của con cũng ổn định rồi. Vợ chồng nên tính đến chuyện có con đi thôi. Bây giờ bố mẹ còn khỏe, bố mẹ còn đỡ đần trông nom cháu chắt họ chúng mày, sau này chân yếu, mắt mờ, nựng nịu cháu cũng khó huống hồ nói chuyện bế bồng”.
Lan cười trừ trước mặt mẹ, chị nén tiếng thở dài bằng tiếng dọn mâm bát loẹt quẹt. Thấy hai con lâu có con, bố mẹ chồng Lan nghĩ vợ chồng chị “kế hoạch” này nọ, nhưng thực chất, vợ chồng Lan vẫn sinh hoạt vợ chồng đều đặn, và hơn ai hết, họ mong có con cho vui cửa vui nhà. Mỗi lần cùng Hải đi dự họp lớp hay đi cà phê với đám bạn cũ, đứa nào cũng dắt theo con cái, Lan và Hải đều nhìn nhau buồn bã. Lan thèm khát có được đứa con, để yêu thương vỗ về nó, để thì thầm cùng nó đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng, thực sự, vợ chồng chị đang gặp phải vấn đề rất to lớn nào đó, nhưng bởi vấn đề ấy quá nhạy cảm cản trở bước chân Hải và Lan tới phòng khám bệnh.
Những giọt nước mắt chảy ướt đẫm gối của vợ trong những đêm trắng, tiếng thở dài nhè nhẹ phả vào chiếc tường vôi lạnh lẽo của Hải khiến ngôi nhà của hai vợ chồng càng trở nên cô quạnh. Họ thèm khát được nghe tiếng trẻ con ê a gọi bố, gọi mẹ. Thèm khát được mắng mỏ chúng mỗi khi chúng bày bừa lộn xộn ra nhà hoặc vẽ bậy lên tường, được đưa chúng đi chơi vào mỗi dịp cuối tuần nhàn tênh.
Cùng với những lời giục giã của bố mẹ, ánh mắt ái ngại của bạn bè và hơn hết, lòng mong mỏi cháy bỏng của chính vợ chồng Lan đã thôi thúc họ tới bệnh viện. Sau khi tiến hành xét nghiệm, chẩn đoán, vị bác sĩ già giấu đôi mắt lim dim lo lắng sau cặp kính trắng hẹn vợ chồng Lan 2 tuần sau tới bệnh viện lấy kết quả kiểm tra. Những ngày chờ đợi kết quả dài dằng dặc, ám ảnh vợ chồng Lan vào trong cả giấc mơ. Họ đếm ngược từng ngày đến viện, nhận kết quả chính xác bệnh tình của hai vợ chồng về nguyên nhân chưa thể có con.
Đúng hôm đi lấy kết quả, Hải có cuộc họp đột xuất trong Sài Gòn, một mình Lan tới viện lấy kết quả xét nghiệm. Chị chết đứng người cầm tờ giấy xét nghiệm. Vì tinh trùng của Hải quá yếu đã cản trở việc thụ thai của Lan. Vị bác sĩ trầm ngâm kể, những trường hợp như Hải trong xã hội hiện đại không hiếm gặp, và càng không thể hứa trước thời gian chữa trị của căn bệnh này, nhưng chắc chắn cả hai vợ chồng Lan sẽ phải kiên trì, bền bỉ trong việc đi tìm hạnh phúc.
Lan khóc. Cả đường về chị tự hỏi, biết nói thế nào với Hải khi anh trở lại Hà Nội với tâm trạng lòng dạ nóng như lửa đốt? Làm sao chị có đủ dũng cảm nói với anh về căn bệnh anh đang mắc phải. Lan quá yêu Hải và chị không cho phép bất cứ điều gì khiến anh sup sụp. Hung tin khủng khiếp này chẳng khác nào viên đạn kết liễu nghị lực, niềm tin của anh và gia đình nhà chồng. Hải có một thân phận đặc biệt, một số phận đặc biệt và không ai có thể thay thế anh đảm trách việc sinh con nối dõi cho dòng tộc.
Lan chạy như bay ra hiệu thuốc Bắc, một dòng suy nghĩ lóe trong đầu chị. Không có bất cứ điều gì rõ ràng, chị chỉ biết một điều duy nhất: che giấu sự thật khủng khiếp này tới tận cùng.
Hải trở về trong vòng tay ấm áp và nụ hôn ngọt ngào Lan dành cho anh, cộng gộp nỗi nhớ trong những ngày xa cách. Anh hỏi về kết quả khám bệnh, nhìn nụ cười hiền trên đôi môi vợ và câu chuyện về kết quả không có gì nghiêm trọng như lời vợ kể, Hải khấp khởi mừng về một ngày không xa tổ ấm anh sẽ ngập tiếng trẻ thơ. Theo lời bác sĩ qua lời kể của vợ, Hải bị suy nhược cơ thể, cần uống thuốc bổ đều đặn và hạn chế làm việc căng thẳng quá sức. Ngày nào cũng như ngày nào, Lan đều đặn sắc thuốc cho Hải uống. Và chỉ mình Lan biết, thứ thuốc Hải uống mỗi ngày ấy không thể mang lại may mắn cho vợ chồng anh chị.
Một dạo, mẹ chồng thường xuyên hỏi han chuyện phòng the của hai vợ chồng Lan. Bà tỏ ý suốt ruột về việc có cháu bế. Và đúng một buổi chiều đẹp trời, Lan thông báo cái thai trong bụng chị đã được hơn 2 tháng, đại gia đình nhà chồng tưởng như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Mẹ chồng nắm chặt tay chị, vừa ứa nước mắt sung sướng, vừa nhỏ nhẹ “mẹ cảm ơn con. Con giỏi lắm”. Còn chồng Lan, khỏi phải nói Hải hạnh phúc tới mức nào. Anh ôm chầm lấy vợ, hôn tới tấp lên má, lên mặt, lên mái tóc chị trầm trồ “vợ anh là người giỏi nhất trên đời”. Nước mắt Lan lăn dài hai má, có gì đó nghẹn đắng trong cổ họng, chị quay mặt len lén lau vội nước mắt hờn tủi.
Đứa bé trai chào đời nhanh chóng trở thành trung tâm của cuộc sống đại gia đình Hải. Ông bà, họ hàng đều yêu mến và cưng chiều cu Bi. Nó lớn nhanh như thổi, thông minh và tỏ ra là đứa trẻ cực kỳ hiếu động. Chẳng mấy chốc Bi đã được 4 tuổi.
Ngoài thời gian đi làm, hễ trở về nhà, Hải vứt ngay những thứ liên quan tới công việc để chơi cùng con. Hai bố con quấn quýt nhau kì lạ. Mỗi lần đi công tác, nỗi nhớ con khiến Hải thao thức cả đêm không ngủ, chỉ mong đợi trời mau sáng để gọi điện về cho con. Câu chuyện về giấc mơ lên cung trăng, giấc mơ trở thành siêu nhân bảo vệ công bằng, lẽ phải của cậu con trai khiến Hải có thể mỉm cười mỗi khi nhớ về.
Tình yêu Hải dành cho con không gợn một chút hiềm nghi, nó quá vĩ đại đến mức anh luôn nghĩ rằng, nếu không có cu Bi, có lẽ cuộc sống của anh đã ít nhiều vơi đi ý nghĩa. Chỉ có Lan, đôi lần anh thấy chị kém vui trong mỗi lần thấy hai cha con quấn quýt. Thậm chí, Lan tỏ ra không hài lòng với việc anh chiều con quá đáng. Lan tỏ ra nghiêm khắc và có phần hơi khắt khe với cậu con trai bé bỏng. Anh vẫn trêu Lan, có lẽ đó là dấu hiệu của tuổi già. Lời bỡn cợt của chồng không làm sao để Lan nở nụ cười hiền lành như thường lệ.
Gần đây, Hải thấy Lan hay về nhà muộn, hoặc sau bữa cơm thường có cuộc hẹn cà phê nào đó với bạn. Điều đặc biệt, mỗi lần bước chân ra khỏi cổng, Lan đều dẫn cu Bi đi cùng. Chị phân trần “cho cu Bi đi với mẹ để bố ở nhà làm việc. Vả lại, mấy cô cậu bạn cũ cũng thích gặp gỡ cu Bi nhà mình”. Hải không căn vặn nhiều. Khốn nỗi, người đời nói cấm có sai “ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Bọn trẻ chẳng biết nói dối bởi trong đầu chúng còn vẹn nguyên sự trong trẻo. Chúng chưa bị xâm lấn những ý nghĩ dối trá bởi cuộc sống xô bồ bên ngoài.
Có lần cu Bi khoe với bố về một chú cùng cơ quan mẹ, lần nào gặp cũng cho quà Bi, còn thi thoảng bảo Bi gọi chú ấy là “bố”. Hải giật mình thảng thốt, tự hỏi, có kẻ nào to gan dám dạy con anh nói những điều vô lý ấy. Cho tới một ngày anh tình cờ theo bước chân mẹ con Lan ra điểm hẹn quen thuộc của nàng sau bữa cơm tối. Anh lặng người ngồi ở chiếc bàn bên cạnh được ngăn cách bởi bức tranh bằng lụa, lặng người khi biết một sự thật động trời mà 4 năm nay anh như kẻ ngốc tin tưởng vào sự mỉm cười của số phận và may mắn.
Người đàn ông kia nói với Lan rằng anh ta nhớ con và muốn được chăm sóc nó. Lan không muốn nói về câu chuyện này, anh ta gằn giọng khẳng định cu Bi là giọt máu của anh ta và không quên mỉa mai Hải là gã đàn ông bất lực.
Anh chợt hiểu ra đầu đuôi câu chuyện. Xâu chuỗi mọi sự kiện, câu chuyện trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Hải đợi Lan trong phòng với gương mặt phờ phạc và tột cùng đau khổ. Anh chờ đợi một lời giải thích của vợ, song đã là sự thật thì còn gì để giải thích. Lan quỳ sụp xuống dưới chân chồng tạ tội với anh. Chị bảo, sự thật về anh quá phũ phàng và sự kỳ vọng của gia đình chồng quá lớn, chị đã sai lầm khi che giấu anh và càng sai lầm hơn khi chọn cách này để che giấu sự thật khủng khiếp kia.
Hôm sau, mẹ con Lan dọn đồ về nhà ngoại cùng với việc kí vào giấy ly hôn do Hải viết sẵn. Mọi thứ chấm dứt trong sự bàng hoàng của gia đình hai bên nội ngoại, không ai trong số họ hiểu được nguồn cơn cuộc chia ly, tan tác của một gia đình hạnh phúc.
Hải học cách quên cu Bi và Lan, song mọi sự cố gắng của anh trở nên vô nghĩa. Anh nhớ tiếng cười của con, nhớ nụ cười hả hê, thích thú của nó, nhớ cả tiếng nó nũng nịu gọi bố trìu mến. Anh cố gắng không tìm gặp con, nhưng mỗi khi sực tỉnh dừng bước chân vô định, Hải lại thấy mình đứng trước cổng trường của con. Anh lặng lẽ núp sau gốc cây xà cừ đại thụ, nhìn ngắm con chơi đùa cùng chúng bạn.
3 tháng trời anh lặng lẽ yêu thương con từ xa cũng là 3 tháng trời trong những giấc mơ của anh tràn ngập hình ảnh cu Bi và người vợ vừa đáng thương, vừa đáng giận. Tan học, Lan tới đón con, trông vợ anh gầy gò, tiều tụy hơn hẳn. Chị đón con và vội vã dắt Bi qua đường. Sợ vợ và con nhìn thấy, Hải luống cuống quay lưng mải miết chạy không hề biết có một chiếc xe máy đi ngược chiều đang lao tới. Anh ngã ra đường, chiếc áo rách toạc bết bụi đất và máu từ đôi bàn tay rỉ ra.
Nhận ra người nằm dưới đất là Hải, Lan ùa chạy tới. Chị đỡ anh lên, lau máu trên trán anh, miệng không ngừng gọi tên anh và bật khóc. Cu Bi nhận ra bố, bật khóc nức nở tiếng kêu đứt ruột “Bi nhớ bố lắm. Bố về với Bi đi. Bố ơi”. Trong khoảnh khắc ấy, anh biết cả cuộc đời này anh không thể bỏ rơi hai người thương yêu nhất cuộc đời mình. Ngất đi vì đau đớn, nhưng anh cảm nhận rất rõ, có gì đó ngọt lành, êm dịu lan tỏa trong từng tế bào sống.
- Thiên Vương